21/02/2018, 09:56

Phân tích tâm trạng tác giả qua hai đoạn cuối bài “Tràng giang” – văn lớp 11

Đề bài: Phân tích tâm trạng tác giả qua hai đoạn cuối bài “Tràng giang” Bài làm Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào “thơ mới”. Ông nổi tiếng với các tác phẩm như Lửa thiêng, vũ trụ ca, kinh cầu tự,.. bạn đọc biết đến ông ...

Đề bài: Phân tích tâm trạng tác giả qua hai đoạn cuối bài “Tràng giang”

Bài làm

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào “thơ mới”. Ông nổi tiếng với các tác phẩm như Lửa thiêng, vũ trụ ca, kinh cầu tự,.. bạn đọc biết đến ông nhiều nhất qua bài thơ “Tràng Giang” rút từ tập “lửa thiêng” là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng mang đậm nỗi niềm yêu nước thiết tha. Đặc biệt, tâm trạng, nỗi niềm yêu nước được thể hiện rõ qua hai khổ thơ cuối của bài.

Trong lúc ngắm cảnh trên bến đò Chèn, trước không gian sông nước mênh mông, rộng lớn nhà thơ đã có những suy tư về cuộc đời. về con người. đó chính là sự nhỏ bé, vô nghĩa của con người trước sự rộng lớn, vô hạn của cuộc đời.

Cái tôi của thi nhân mênh mang, rợn ngợp qua hai lần phủ định:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

Mở ra trước mắt người đọc là không gian rộng lớn, mênh mông của sông nước, bầu trời. Cùng với sự mênh mông đó chính là nét tĩnh mịch, ảm đạm của dòng sông. Hình ảnh thơ gợi cho người đọc sự trống vắng đặc biệt là gợi lên nỗi buồn thấm thía với hình ảnh “bèo dạt” làm hiện lên kiếp đời bấp bênh trong xã hội cũ. Bèo dạt gắn liền với hình ảnh mây trôi, lớp người này, lớp người kia nối đuôi nhau qua dòng chảy. Cảm giác cô đơn khiến nhà thơ muốn tìm sự kết nối, gần gũi và gắn bó nhưng không tìm thấy. Hai câu thơ với hai lần phủ định “không đò”, “không cầu”- không có tín hiệu của sự sống mà chỉ có cái mênh mông của vũ trụ, mà vũ trụ càng mênh mông thì con người càng nhỏ bé, chỉ là những bãi cát dài hút tầm mắt. Cảm giác cô đơn khiến nhà thơ muốn tìm đến một sự gần gũi, một sự kết nối. phóng tầm mắt ra sông rộng thấy “ Mênh mông không một chuyến đò ngang”; “ Không cầu gợi chút niềm thân mật” để rồi thấm thía một sự đơn độc trọn vẹn. Chỉ có con người đơn độc giữa không gian, thời gian vô thủy vô chung. Nhìn đâu cũng chỉ thấy “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.

Niềm tâm sự sâu kín của thi nhân về tình yêu với quê hương xứ xở:

“ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chiêm nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói, hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Cảnh tượng hùng vĩ và tráng lệ, phía cuối chân trời xa mây trắng đùn ra như những hồn núi bạc khổng lồ. Trong thơ của Huy Cận cũng có những cánh chim và đàn mây như trong một số bài thơ cổ nói vể buổi chiều. Tuy nhiên, hai hình ảnh này không có tác dụng hô ứng cho nhau như trong thơ cổ, mà chúng còn có ý nghĩa trái ngược nhau. Trong buổi chiều muộn, từng lớp, từng lớp mây trên cao kia vẫn chất chồng lên nhau tạo những núi bạc, nổi bật trên nền trời xanh trong. Đây là một cảnh vật hùng vĩ. Đó không phải đám mây cô đơn lững lờ trôi giữa tầng không khi chiều về như trong thơ của Hồ Chí Minh. Mây ở đây chất chồng, ánh lên trong nắng chiều, làm cho cả bầu trời trở nên đẹp đẽ và rực rỡ. Đối lập với cảnh hùng vĩ đẹp đẽ ấy, ta lại bắt gặp một cánh chim chiều cô đơn “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” đang bị bóng chiều và sự vô cùng của vũ trụ nuốt trôi đi sự nhỏ bé của nó. Hình ảnh cánh chim nhỏ bé như đang chở nặng nỗi niềm thi nhân lạc lõng giữa bầu trời rộng lớn thênh thang.

Và lúc này đây, nhà thơ không nhìn vào vũ trụ, bầu trời nữa mà nhìn vào lòng mình, thi nhân gọi lòng mình là “lòng quê”. Cánh chim và những núi mây bạc ở thế đối lập đã tô đậm nỗi buồn trong lòng nhà thơ. Nỗi buồn ấy thấm đượm, lan tỏa khắp không gian. Từng làn sóng nước dềnh dàng, nhẹ nhàng nhưng tồn tại, lan tỏa rất xa. Đó chính là hình ảnh miêu tả nhưng cũng chính là tâm trạng của tác giả – một cảm giác buồn, cô đơn, những suy nghĩ miên man dài vô tận. Cả một khoảng không gian mênh mông vắng lặng khiến cho tâm trạng của tác giả, nỗi niềm nhớ quê hương càng trở nên da diết, rõ ràng hơn. Buổi chiều tàn, sự kết thúc của ngày dài, là thời gian con người ta trở lại với quê hương, cũng là khoảng thời gian buồn nhất trong ngày của những người con phải xa gia đình, quê hương. Và nỗi buồn ấy được khẳng định ở câu cuối: “ Không khói, hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Người xưa nhìn thấy khói trêm sông chiều tà là nhớ nhà, nhưng Huy Cận không thấy khói cũng nhớ nhà. Đó là tình cảm, nỗi nhớ thường trực của đứa con xa quê, mà không cần tác động gì từ bên ngoài vẫn thấy nhớ quê hương da diết. Tác giả buồn trước cảnh không gian hoang vắng, sóng “gợn Tràng Giang” khiến ông nhớ tới quê hương như một nguồn ấm áp, là tổ ấm hạnh phúc đối với ông. Huy Cận đối diện với khung cảnh vô tình, hoang vắng lòng ông muốn được trở về quê hương.

Bài thơ như một bức họa tứ bình tuyệt tác, miêu tả cảnh đẹp của quê hương, đất nước với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi mà nổi bật lên đó là tâm trạng bồi hồi, nhớ quê hương da diết. Hai đoạn thơ chứa đựng cái tôi cô đơn của tác giả trước khung cảnh tuyệt đẹp lồng ghép vào đó là tình yêu quê hương đất nước thầm kín của tác giả.

Nguồn: Văn mẫu hay

0