28/08/2018, 22:16

Phân tích tác phẩm Đọc tiểu thanh kí

(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du (Bài văn phân tích của bạn Tạ Mỹ Hạnh lớp 10A10 trường THPT Ngô Gia Tự). BÀI LÀM Nguyễn Du (1766-1820) một “Đại thi hào dân tộc”. Với tập thơ “Truyện ...

(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du (Bài văn phân tích của bạn Tạ Mỹ Hạnh lớp 10A10 trường THPT Ngô Gia Tự).

BÀI LÀM

Nguyễn Du (1766-1820) một “Đại thi hào dân tộc”. Với tập thơ “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã làm đẹp cho tiếng nói, cho văn hóa và cho con người Việt Nam.  Nhưng với tấm lòng nhân đạo cao cả, Nguyễn Du đâu chỉ từng nhỏ lệ vì kiếp Thúy Kiều, người còn đau đáu cho phận Tiểu Thanh, người tài nữ mệnh bạc xưa. Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” mang nội dung đó:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Tiểu Thanh hay tên đầy đủ là Phùng Tiểu Thanh, một người con gái tài sắc vẹn toàn song đoản mệnh. 18 xuân xanh sống trên đời, Tiểu Thanh mắc kẹt trong kiếp vợ lẽ của Phùng Sinh. Vợ cả ghen ghét giam lỏng Tiểu Thanh ở vườn uyển bên Tây Hồ. Khi mất đi, những tác phẩm của nàng bị vợ cả cho đốt sạch, chỉ sót một vài phần được gọi là “Phần dư”. Thương cảm cho kiếp người như thế, Nguyễn Du đã viết lên bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”.

>>>Xem thêm:

  • Soạn bài Đọc Tiểu Thanh Kí Ngữ Văn 10
  • Soạn bài Đọc Tiểu Thanh Kí

Trước hết, Nguyễn Du vào đề bằng cảnh không gian Tây Hồ:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
(Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi)

Nguyễn Du nhắc tới Tây Hồ trong quá khứ và hiện tại. Điều đặc biệt là tác giả không nói quá khứ mà ta vẫn thấy quá khứ hiển hiện trong đầu chỉ bằng một từ “tẫn”. Người khắc họa Tây Hồ nay để gợi về một Tây Hồ hoàn toàn đối lập trước kia. Tây Hồ xưa gắn liền với cái tên “Tây Hồ hoa uyển” – vườn hoa Tây Hồ. Hẳn nơi đây đã từng đẹp lắm. Tây Hồ nay thì thành “bãi hoang”. Là vì thiếu bóng người chăm sóc ư? Hay là vì Tây Hồ gắn với kiếp Tiểu Thanh đã từng xuân xanh rực rỡ nay trở về làm đám cỏ dại bên bờ? Còn bản thân tác giả đang từ vị trí kẻ ngoài cuộc chỉ biết thở than, tiếc thương đến “điếu” – “viếng” Tiểu Thanh. Tác giả đẩy chữ “độc” lên đầu để nhấn mạnh chỉ có duy nhất nhà thơ là còn thương tiếc mà đến thăm nàng. Cuộc đời Tiểu Thanh khi sống bị bỏ rơi, bị khinh ghét rồi đến khi mất đi cũng không một tri âm. 

phan-tich-tac-pham-doc-tieu-thanh-kiphan-tich-tac-pham-doc-tieu-thanh-ki

Trong khi viếng người đã mất, Nguyễn Du nhớ lại cả cuộc đời của nàng:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư”
(Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết,
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên luỵ, đốt đi còn sót lại một vài bài.)

Cuộc đời Tiểu Thanh nằm gọn trong kiếp “Son phấn” và “Văn chương”. Son phấn ám chỉ vẻ đẹp. Nàng đẹp là thế nhưng lại mất đi trong uất hận và sự ganh ghét. Văn chương là nói đến tài năng. Tài năng là thứ đáng trọng nhưng cuối cùng chịu chung số phận bị “đốt dở”. Người con gái tài sắc lại gắn liền với chữ “tử”, “lụy”, “dư”. Đúng là “chữ tài liền với chữ tai một vần”!

Nguyễn Du trình bày nguyên do của nỗi bất hạnh mà Tiểu Thanh phải chịu:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
(Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời.
Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng)

Hành trình giải đáp lý do không lời đáp. Nguyễn Du đã cất công xem xét từ “cổ kim” rồi lại “vấn” cả trời mà không có đáp án. Người đành gọi nó là “kỳ oan”, những nỗi oan kỳ lạ. Nỗi oan không tìm ra bị cáo, không có nhân chứng, hung khí… và chẳng có thẩm phán công minh nào. Một nỗi oan chỉ thuộc về riêng nguyên đơn. Một điều nữa, Nguyễn Du giải thích nguồn cớ mắc nỗi oan là do “nết phong nhã”. Chỉ vì đẹp, chỉ vì tài năng mà phải chịu bi kịch? Thử hỏi không phải “kỳ oan” thì là gì đây? 

Từ Tiểu Thanh, Nguyễn Du liên hệ tới bản thân: 
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm sau nữa,
Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?)

Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như. Nhà thơ đang tự vấn: Liệu 300 năm nữa có còn ai khóc thương cho mình giống như mình đang khóc thương cho Tiểu Thanh không? Câu hỏi ấy chỉ có hậu thế mới có thể đáp giải. 

Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” tuân thủ quy tắc chặt chẽ của Đường thi song mang nội dung mới mẻ mà nền văn học trung đại né tránh. Đó là tiếng nói xót thương, bênh vực và ngợi ca người phụ nữ tài hoa mệnh bạc. Đồng thời tác giả cũng phê phán lễ giáo phong kiến bất công, lạc hậu chà đạp lên những con người nhỏ bé trong xã hội. Nguyễn Du quả là có tấm lòng nhân đạo sâu sắc. 


 

0