Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều
(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Bài văn phân tích của bạn Trần Thị Thu Thảo lớp 10C2 trường THPT chuyên Bắc Giang). BÀI LÀM “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc Nguyễn Du viết Kiều, đất nước ...
(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Bài văn phân tích của bạn Trần Thị Thu Thảo lớp 10C2 trường THPT chuyên Bắc Giang).
BÀI LÀM
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…”
Trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, Chế Lan Viên đã liệt kê ra những hình tượng đặc trưng, làm nên vẻ đẹp phong phú của Việt Nam. Một trong số đó có “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây là thi phẩm đặc sắc của thơ ca trung đại, là đỉnh cao sự nghiệp văn chương Nguyễn Du. Bên cạnh việc làm đẹp cho văn học dân tộc, Nguyễn Du đã làm đẹp cho con người Việt Nam khi xây dựng hình tượng nhân vật Thúy Kiều.
Nguyễn Du (1765 – 1820), người Hà Tĩnh, con nhà quan. Cuộc đời công danh Nguyễn Du gặp nhiều trắc trở. Cả đời nhà thơ đã phải trải qua và chứng kiến không biết bao nhiêu đau thương tủi cực của cuộc sống xã hội phong kiến đương thời.
>>>Xem thêm: Cảm nhận của em về đoạn trích Chị Em Thúy Kiều
>>>Xem thêm: Đóng vai Kiều kể lại đoạn trích kiều ở lầu ngưng bích
“Truyện Kiều” là thi phẩm đặc sắc nhất của sự nghiệp thi ca đồ sộ của Nguyễn Du, kết tinh tâm hồn, tư tưởng, triết lí sống của nhà thơ. Đây là một bài thơ lục bát dài 3245 câu thơ, xoay quanh cuộc đời nhân vật Thúy Kiều. Cốt truyện của tác phẩm nguồn gốc từ tiểu thuyết Trung Quốc “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy vậy, Nguyễn Du có rất nhiều sáng tạo đặc biệt là khi xây dựng chân dung nhân vật Thúy Kiều. Thúy Kiều là đại diện điển hình cho người phụ nữ Việt “tài sắc vẹn toàn”, tuy bất hạnh nhưng có tâm hồn cao đẹp.
Trước hết, Thúy Kiều được nhà thơ xây dựng mang vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” từ ngoại hình tới tài năng.
“Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Khi thể hiện nhân vật, Nguyễn Du đã dùng bút pháp ước lệ tượng trưng quen thuộc biểu hiện trong cách nhà thơ so sánh nhân vật với nét đẹp của thiên nhiên. Đặc biệt, nhân vật còn được đẩy vẻ đẹp lên cao hơn khi được so sánh ngầm với vẻ đẹp của người em gái Thúy Vân. Thúy Vân đã đẹp, Kiều “càng sắc sảo mặn mà” hơn. Nét đẹp của Kiều không ngang bằng mà còn hơn cả những gì đẹp nhất thuộc về thiên nhiên khi nàng khiến cho thiên nhiên cũng phải ganh tỵ.
Bên cạnh vẻ đẹp thể chất, Kiều còn là người con gái tài năng:
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.”
Kiều mang tố chất của một con người giỏi cả cầm – kì – thi – họa. Kiều còn tự tay sáng tác lên khúc “thiên bạc mệnh” tuyệt đỉnh, xuất thần. Mỗi một tài năng ấy điêu luyện đã thành “nghề”.
Không chỉ là người con gái “tài sắc vẹn toàn”, điều làm nên nét riêng của nhân vật chính ở tâm hồn và tính cách. Xưa nay người phụ nữ đẹp, tài năng đâu thiếu. Những một người có cá tính như Kiều thì thật hiếm gặp, nhất là khi đặt vào bối cảnh phong kiến lễ giáo khắt khe.
“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”
Khi gặp gỡ và tình đầu ý hợp với Kim Trọng, Thúy Kiều đã táo bạo dám trốn ra ngoài để làm lễ “thề nguyền” duyên phận với Kim Trọng. Thử hỏi có người phụ nữ nào dám làm như vậy thời bấy giờ? Thúy Kiều mang cá tính của một con người không chấp nhận định kiến, dám đứng lên giành lấy hạnh phúc cho mình.
Cùng với lòng can đảm dám sống và yêu hết mình, Thúy Kiều còn có mặt đa sầu, đa mang. Thúy Kiều dường như luôn chất chứa dự cảm không lành và gửi tâm trạng ấy vào khúc ca “thiên bạc mệnh”. Thúy Kiều còn là người có tấm lòng hiếu thảo khi quyết định bán mình chuộc cha, từ bỏ chữ tình để làm tròn đạo hiếu. Khi buộc phải phụ bạc Kim Trọng, Thúy Kiều không thôi day dứt. Suốt cuộc đời Kiều, Kiều hi sinh hạnh phúc cá nhân để cho những người thân yêu được an yên. Đó là lí do mà Nguyễn Du tin rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Khi xây dựng hình tượng nhân vật, Nguyễn Du còn muốn khẳng định chân lí “hồng nhan bạc mệnh” trong cuộc sống. Chân lý ấy được phát biểu qua các câu thơ nhấn mạnh tới số phận Thúy Kiều:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Thúy Kiều đẹp thế, tài thế, tâm hồn cao đẹp thế nhưng lại có cuộc đời đầy rẫy những bi kịch. Bi kịch nối tiếp bi kịch: tan nhà nát cửa, duyên phận lỡ làng, bị đẩy vào chốn lầu xanh, bị bán, bị làm vợ lẽ, bị ghen ghét vùi dập, bị coi thường, sống lưu lạc… Cuộc đời chuân chuyên, éo le ấy bị chà đạp về thể xác và đày đọa về tinh thần. Thúy Kiều đâu hơn gì một kiếp nghèo đói của những kẻ đầu đường xó chợ? Thậm chí, nàng còn khổ sở hơn khi liên tục bị chà đạp lên thể xác và nhân phẩm.
Tóm lại, nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vừa điển hình cho vẻ đẹp và tài năng toàn diện của người phụ nữ Việt Nam vừa là điển hình cho câu nói “hồng nhan bạc mệnh” xưa. Nhân vật Thúy Kiều đã đi vào lòng người Việt bao đời bằng cả vẻ đẹp đáng trân trọng và số phận đáng thương.
>>>Xem thêm:
- Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh Ngày Xuân
- Phân tích đoạn trích cảnh ngày xuân trong Truyện Kiều