31/03/2021, 15:31

Phân tích nhân vật Thị Kính trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính" số 2 - 7 Bài văn phân tích nhân vật Thị Kính trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính" lớp 7 hay nhất

Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian, chèo là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, là một thể loại kịch sân khấu mang đậm tính dân tộc với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều yếu tố khác nhau như kịch, múa, hát, kể chuyện,... Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự phát ...

Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian, chèo là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, là một thể loại kịch sân khấu mang đậm tính dân tộc với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều yếu tố khác nhau như kịch, múa, hát, kể chuyện,... Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của nghệ thuật, chèo vẫn giữ được vị trí quan trọng, góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn những người con đất Việt với nhiều tác phẩm độc đáo, đặc sắc và vở chèo "Quan Âm Thị Kính" là một trong số những vở chèo như thế. Vở chèo "Quan Âm Thị Kính" nói chung, đoạn trích "Nỗi oan hại chồng" nói riêng đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp cũng như nỗi oan khuất, sự bế tắc của nhân vật Thị Kính.


Trước hết, nhân vật Thị Kính hiện lên là một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp - dịu dàng, nết na, hết mực lo toan cho gia đình và yêu thương chồng. Thị Kính là con gái trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đẹp người, đẹp nết và có lẽ chính vì cảm mến dung nhan, phẩm hạnh của nàng nên Thiện Sĩ đã cưới nàng về làm vợ. Kết hôn với Thiện Sĩ, Thị Kính luôn là một người phụ nữ nết na, hết mực lo cho chồng.


"Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc,

Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta.

Râu làm sao một chiếc trồi ra?

Dị hình sắc dưới cằm mọc ngược

Khi chàng thức giấc biết làm sao được.

Nay đang cơn giấc ngủ mơ màng,

Dạ thương chồng, lòng thiếp sao an

Âu dao bén, thiếp xén tày một mực.


Những lời nói, lời bày tỏ ấy của Thị Kính đã cho thấy nàng là một người phụ nữ chăm chỉ, chịu thương, chịu khó với công việc thêu thùa, may vá mỗi ngày. Đồng thời, nó cũng cho thấy sự chu đáo, quan tâm chồng của nàng khi nàng vừa may vá vừa quạt cho chồng ngủ. Nhưng có lẽ không dừng lại ở đó, những lời bộc bày ấy của nàng còn cho thấy sự yêu thương, lo lắng và thương chồng của Thị Kính, bởi nàng thấy đẹp mặt chồng cũng chính là đẹp mặt mình và hơn ai hết, nàng có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm lo cho vẻ đẹp của chồng. Lòng thương chồng ấy đã khiến nàng quyết định cầm dao cắt râu cho chồng nhưng đâu ngờ rằng, chính hành động ấy đã khiến nàng phải chịu một nỗi oan, nỗi uất ức sau này.


Là một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng ra Thị Kính phải có một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và vui vẻ, thế nhưng người phụ nữ ấy lại có một số phận đầy đau khổ và bất hạnh. Vì muốn cắt cái râu mọc người cho chồng, Thiện Sĩ tỉnh giấc khi chưa hiểu rõ ngọn ngành đã hét lớn, cho rằng Thị Kính muốn giết mình. Trước sự việc ấy, Sùng bà - mẹ của Thiện Sĩ đã dùng những lời lẽ cay độc, tàn nhẫn để mắng chửi, sỉ nhục và thậm chí còn đẩy ngã Thị Kính. Tuy nhiên, trước những lời nói và hành động của mẹ chồng, Thị Kính vẫn rất hòa nhã, nàng phân bua, hết lần này đến lần khác kêu oan nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa.


Với Sùng bà, những lời nàng nói như chỉ thêm dầu vào lửa, như nước đổ lá khoai, bởi bà đã cho rằng Thị Kính là người có tội, là kẻ tàn ác và bất nhân. Quá bất lực trước hành động và lời nói của mẹ chồng, nàng tìm đến chồng với hi vọng Thiện Sĩ sẽ hiểu và giúp nàng minh oan. Nhưng trái với suy nghĩ của mình, Thiện Sĩ cũng không thể giúp gì cho nàng, bởi lẽ chàng là một con người nhu nhược và hơn thế nữa, cũng vì Thiện Sĩ chưa hiểu rõ mọi chuyện đã hét toáng lên khiến Thị Kính bị mang oan. Đau đớn và bất lực, Thị Kính tìm đến Mãng Ông nhưng ông cũng không thể làm gì khác để có thể giúp cho con. Như vậy, dù bị oan, nhưng đến cuối cùng, không ai có thể đứng ra để giúp đỡ hay minh oan cho Thị Kính, một mình nàng phải chịu nỗi oan vô lí trong sự vô tình của mọi người với nỗi đau khổ và bất lực đến tột cùng.


Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà với nỗi oan khuất không thể lí giải còn cha của nàng thì bị đẩy ngã. Chắc hẳn sẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của Thị Kính lúc này - hôn nhân, gia đình tan vỡ, mất lòng tin ở chính những người thân trong gia đình và hơn thế nữa đó chính là việc nàng đã phải chứng kiến cảnh cha mình bị làm nhục. Tận cùng của nỗi đau và sự bất lực và có lẽ cũng không còn sự lựa chọn nào khác, Thị Kính quyết định ra đi. Trước khi từ giã tổ ấm của mình, nàng vẫn không quên ngoái đầu nhìn lại thúng khâu, chiếc kỉ, thúng sách,... - những kỉ vật của một thời hạnh phúc, ấm êm nhưng nó lại cũng chính là nhân chứng cho nỗi oan ức của nàng.


Ngoái nhìn lại tất cả với một nỗi đau đớn, xót xa và cả sự luyến tiếc. Rời khỏi nhà, nàng quyết định nương nhờ nơi cửa chùa. Sự lựa chọn ấy của Thị Kính như một lẽ tất yếu, bởi lẽ nàng đã bị đuổi khỏi nhà chồng, càng không thể trở về nhà cha mẹ đẻ bởi đó là điều lễ giáo phong kiến không cho phép. Nàng giả trai đi tu, nương nhờ cửa Phật với mong mỏi sẽ có được cuộc sống yên bình và nơi thanh tịnh ấy sẽ chứng minh cho sự trong sạch của nàng. Nhưng đồng thời, sự lựa chọn ấy của nàng cũng cho thấy sự sự bế tắc của nàng nói riêng, của người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung bởi đấy là sự lựa chọn thụ động trước sự nghiệt ngã, xô đẩy của hoàn cảnh.


Tóm lại, vở chèo "Quan Âm Thị Kính" nói riêng, trích đoạn "Nỗi thương mình" nói riêng với cách xây dựng xung đột kịch gay gắt cùng cách miêu tả nhân vật độc đáo, hấp dẫn đã thể hiện được những nét đặc sắc về nhân vật Thị Kính - một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu nỗi oan khuất bi thảm, bế tắc. Thị Kính chính là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ trong xã hội xưa.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

0