Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Bài làm Năm 1945, giữa bối cảnh đất nước rơi vào nạn đói khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử, nhiều người nông dân đã cạn kiệt nguồn sinh lực, bị cái đói cướp đi mạng sống. Viết về nạn đói ấy, nhà văn ...
Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Bài làm
Năm 1945, giữa bối cảnh đất nước rơi vào nạn đói khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử, nhiều người nông dân đã cạn kiệt nguồn sinh lực, bị cái đói cướp đi mạng sống. Viết về nạn đói ấy, nhà văn Kim Lân không tái hiện cảnh chết chóc thê lương mà với một trái tim nhân hậu ông đã nhìn thấy những tấm lòng yêu thương, chia sẻ của họ, cùng nắm tay nhau vượt qua nạn đói ấy. Hình ảnh bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt xuất hiện không nhiều nhưng đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng ta về một người mẹ đầy lòng thương con, thương những người cùng cảnh ngộ.
Khi con trai của cụ là anh cu Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về, trái tim người mẹ thương con đã mách bảo với bà rằng, đó chính là người phụ nữ mà con mang về làm vợ. Bà xuất hiện với dáng vẻ khắc khổ, khập khiếng từ cổng bước vào. Những dáng vẻ, cử chỉ ấy thể hiện cụ tuổi cũng đã nhiều, không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nữa. Người mẹ ấy đã trải qua bao mùa mưa nắng, vật lộn mưu sinh trong cái xóm ngụ cư nghèo đói, hoang sơ để nhọc nhằn nuôi con từ tấm bé nay đã đến tuổi lấy vợ mà nghèo khó quá không lấy được vợ.
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ
Thấy người phụ nữ lạ, bà có băn khoăn đôi chút nhưng bà vẫn dang rộng vòng tay để đón người phụ nữ ấy chứ không xua đuổi. Đây chính là hành động thể hiện trái tim nhân hậu của bà. Cuộc sống đang bị cái đói làm cho cùng cực, còn tâm trí đâu, tiền bạc đâu mà nghĩ đến việc lo hỏi vợ cho con. Nay bỗng nhiên con có vợ, lòng bà vừa mừng vừa tủi. Mừng cho con có vợ, tủi vì không lo được cho con đàng hoàng. Mặt khác, đây cũng chính là tình thương sâu thẳm và bao la mà bà dành cho người phụ nữ trẻ kia, họ cũng ở vào cảnh ngộ cùng cực, không còn chốn nương thân nên mới phải theo con trai bà về.
Thương con, bà lại lo không biết cuộc sống của con từ nay sẽ ra sao. Nỗi lòng bà trĩu nặng giữa thực tại của cuộc sống không biết ngày mai với tình yêu thương bà dành cho con trai và cho con dâu vô bờ bến.
Có thể nói, bà cụ Tứ đã cho con rất nhiều. Thứ mà vợ chồng anh cu Tràng nhận được của bà không có giá trị vật chất nhưng giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Tình yêu thương của bà làm cho cuộc hôn nhân của anh cu Tràng vì thế mà có ý nghĩa, có giá trị. Nó được mẹ anh thừa nhận, bảo bọc,vun vén. Bà đã mang tình yêu thương, sự ấm áp đến cho hạnh phúc của con.
Tấm lòng của bà cụ Tứ chả khác gì tấm lòng của một vị bồ tát cứu độ chúng sinh. Bà thât tuyệt vời giữa dòng đời đang nghiệt ngã và ngổn ngang, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái.
Thương con, bà muốn làm cho con thật nhiều điều mà bà có thể làm được. Hình ảnh nồi cháo cám gợi bao niềm thương cảm. Đọc đến chi tiết này chắc hẳn người đọc ai cũng liên tưởng đến bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo. Cháo cám, một thứ dùng để nấu cho lợn ăn thế mà vào cái thời loạn lạc, đói kém, người dân ta đã phải ăn cháo cám cầm hơi. Bát cháo cám ấy lại là tấm lòng của người mẹ đón con dâu buổi đầu tiên về nhà chồng, không thương cảm sao được. Nhưng ở đây, cái khổ vì phải ăn cháo cám hoàn toàn bị che mờ đi ở cái nghĩa tình mà người mẹ dành cho con. Nếu đặt vào bối cảnh xã hội ngoài kia, nhiều người chết đói vì cháo cám cũng không có mà ăn, rồi người con dâu của bà cũng là kẻ hành khất, lang thang không chốn nương thân nữa thì nồi cháo cám thật ý nghĩa biết bao.
Hình ảnh nồi cháo cám ấy cùng với nụ cười hiền hậu của bà cụ Tứ đã sưởi ấm trái tim của đôi vợ chồng trẻ. Bà truyền cảm hứng, truyền sức mạnh để sống tiếp cho các con.
Hình ảnh bà cụ Tứ chính là hình ảnh của bao bà mẹ nông thôn dưới thời phong kiến, chắt chiu nuôi nấng con cái, mong cho con cái hạnh phúc, luôn là chỗ dựa tinh thần cho con. Hình ảnh nồi cháo cám của bà vừa là tấm lòng với con cái vừa là lời tố cáo tội ác của chế độ phong kiến, thực dân, phát xít đã đẩy người dân Việt Nam ta vào đáy cùng của sự khốn khó.
Tuấn Đức