Phân tích người mẹ trong bài "Cổng trường mở ra" số 1 - 8 Phân tích người mẹ trong bài "Cổng trường mở ra" của Lý Lan hay nhất
Cổng trường mở ra - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả Lý Lan, tác phẩm đã ghi lại những cảm xúc trong sáng về ngày đầu tiên đến trường. Trong văn bản, nổi bật lên là chân dung tâm trạng của người mẹ về ngày đầu tiên đến trường của con, đồng thời mẹ cũng sống lại cảm ...
Cổng trường mở ra - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả Lý Lan, tác phẩm đã ghi lại những cảm xúc trong sáng về ngày đầu tiên đến trường. Trong văn bản, nổi bật lên là chân dung tâm trạng của người mẹ về ngày đầu tiên đến trường của con, đồng thời mẹ cũng sống lại cảm xúc về ngày đầu tiên đến trường của chính mình.
Để bộc lộ nỗi niềm, tình cảm của bản thân, người mẹ đã chọn hình thức tự bạch như những dòng nhật kí tâm sự. Bởi vậy, hình thức văn bản là lời mẹ tâm sự với con nhưng thực tế đây lại chính là tâm sự, độc thoại của mẹ với chính mình. Với hình thức này, tác giả dễ dàng để cho nhân vật tự bộc lộ các cung bậc cảm xúc khác nhau của mình.
Trước hết, nhân vật mẹ là người hết sức chu đáo, yêu thương con. Ngày đầu tiên đến trường là ngày vô cùng quan trọng với mỗi đứa trẻ, ý thức được điều đó mẹ đã chuẩn bị cho con hết sức kĩ lưỡng, chu đáo. Sự chu đáo của mẹ thể hiện trong từng hành động nhỏ như “đắp mền, buông mùng, ém góc” mẹ ấu yếm nhìn con ngủ và một lát mẹ lại xem những đồ đã chuẩn bị cho con đã đầy đủ hay chưa. Không chỉ vậy mẹ còn chuẩn bị đầy đủ cho con cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất mẹ chuẩn bị: “quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới, mọi thứ đâu đó đã sẵn sàng” để con có thể cảm nhận rõ ràng tầm quan trọng của ngày đầu tiên đến trường, của một cấp học mới.
Không chỉ vậy, mẹ còn chuẩn bị cho con về tâm lí, tinh thần: con đã được đi học mẫu giáo, đã biết thế nào là trường lớp, “ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập làm quen từ những ngày hè. Tuần lễ trước ngày khai giảng, con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới, đã xếp hàng, tập đi, tập đứng” điều đó đã khiến con không còn bỡ ngỡ về ngày khai giảng long trọng này. Và mẹ cũng tin tưởng vào con có đủ sự bản lĩnh, tự tin để bước vào môi trường mới, làm quen với bạn bè và thầy cô mới.
Trong đêm trước ngày khai giảng của con, mẹ không sao ngủ được, phải chăng vì bồi hồi, xúc động trước một ngày trọng đại, người mẹ vừa trăn trở suy nghĩ về đứa con vừa buâng khuâng, xao xuyến khi nhớ về ngày đầu đến trường của chính mình. Ngày đầu khai trường của con còn làm sống dậy ấn tượng sâu đậm về ngày đầu tiên đến trường khi còn nhỏ của mẹ: “Ngày mẹ con nhỏ, mùa hè nhà trường đóng cửa hoàn toàn và ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường gặp thầy mới, bạn mới. Cho nên ấn tượng của mẹ về buổi khai trường đầu tiên ấy rất sâu đậm. Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cánh cổng như đứng ngoài cái thế giới mà mẹ bước vào”.
Qua tình cảm, suy nghĩ của mẹ còn thấy được sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với trẻ em, đối với sự nghiệp giáo dục, đồng thời còn thấy được vai trò quan trọng của giáo dục đối với mỗi người. Để nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là ngày đầu tiên đến trường, người mẹ đã nhiều lần nhắc lại ý: “con cảm nhận được sự quan trọng của ngày khai trường”, “con không có mối bận tâm nào khác ngoài chuyện ngày mai thức dậy cho kịp giờ”, “chuẩn bị cho buổi lễ long trọng này”, “cái ấn tượng khắc sâu mãi mãi trong lòng một con người về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy”. Với việc nhắc đi nhắc lại điều này suốt chiều dài tác phẩm đã cho thấy người mẹ ý thức rõ ràng tầm quan trọng của giáo dục đối với mỗi con người.
Không dừng lại ở đó, người mẹ còn sử dụng câu chuyện về ngày khai trường ở Nhật, đó là ngày lễ của toàn xã hội. Các quan chức đến dự lễ khai giảng, có những chính sách điều chỉnh kịp thời với giáo dục. Những việc làm, những hành động đó cho thấy giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của xã hội, bởi “mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này”. Tầm quan trọng của nhà trường, của giáo dục còn được thể hiện ở câu văn kết bài, câu văn mang tính chất gợi mở: “đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. “Thế giới kì diệu” trong nhà trường chính là: nơi cung cấp cho ta những tri thức về thế giới và con người; nơi ta hoàn thiện nhân cách: về lẽ sống, tình thương, quan hệ với mọi người,…; nơi vun đắp những tình cảm đẹp đẽ: tình thầy trò, bạn bè; đồng thời đây cũng là nơi khơi gợi và vun đắp mơ ước cho mỗi bạn nhỏ.
Tác phẩm là lời trò chuyện của người mẹ với đứa con mà thực chất là người mẹ đang nói với chính mình, đang ôn lại kỉ niệm mà mình đã trải qua. Sử dụng cách viết này đem đến hai tác dụng chính: đầu tiên là tạo nên giọng điệu tâm tình, truyền cảm hứng cho người đọc; thứ hai là làm nổi bật tâm trạng và những kỉ niệm sâu kín mà bình thường khó có thể bày tỏ trực tiếp. Sử dụng ngôn ngữ biểu cảm với giọng văn ngọt ngào, sâu lắng cũng góp phần thể hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Qua tác phẩm, đã thể hiện tấm lòng yêu thương con sâu sắc, sự chu đáo, ân cần của mẹ trước ngày khai giảng của con. Đồng thời thấy được sự quan tâm của xã hội với giáo dục và vai trò của giáo dục đới với thế hệ tương lai, với sự phát triển chung của đất nước.