24/02/2018, 19:33

Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua ba bức tranh: phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua trong truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua ba bức tranh: phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua trong truyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. YÊU CẦU Cần phân tích theo định hướng: (1) Sự tương ứng ...

 Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua ba bức tranh: phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua trong truyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam.

YÊU CẦU

Cần phân tích theo định hướng:

(1) Sự tương ứng giữa thế giới ngoại cảnh (bức tranh phố huyện) với thế giới nội tâm nhân vật (tâm trạng của Liên) trong từng thời khắc:

–   Cảnh chiều buông – người buồn man mác.

–   Cảnh đêm xuống – người buồn trông khắc khoải.

–   Cảnh chuyến tàu đi qua — người buồn tiếc, mợ tưởng, khát khao.

Tất cả thể hiện qua những chi tiết truyện được nhà văn quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế với nhiều biến đổi tinh vi, phong phú.

(2) Tính không thuần nhất của thế giới ngoại cảnh và thế giới nội tâm: có sự pha trộn buồn vui khó tả, nói cách khác, có sự thống nhất nhiều sắc thái tương phản từ ngoại cảnh và từ nội tâm:

–   Những hình ảnh êm đềm, thi vị hòa lẫn với hình ảnh nghèo nàn, lam lũ.

–   Hình ảnh ánh sáng hòa trộn vào hình ảnh bóng tối.

–   Sự huyên náo chốc lát hòa vào cái im lặng mênh mang…

GỢI Ý

1. Bức tranh phố huyện khi chiều xuống

Bức tranh phố huyện lúc chiều muộn thật êm ả nhưng thấm đượm một nỗi buồn như chính nỗi buồn trong tâm hồn nhân vật Liên: Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.

Biết là Liên không hiểu sao nhưng thực ra nhà văn đã đem cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn để giải thích cho cái cảm tưởng, cảm giác thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn của nhân vật này. Đây là chỗ tinh tế của văn chương Thạch Lam.

Mọi hình ảnh đều gợi cảm giác buồn bâng khuâng, man mác. Nhưng điều thú vị hơn là trong bức tranh chiều muộn nơi phố huyện hình như có một sự trộn lẫn giữa hai loại chi tiết, hình ảnh – hình ảnh êm đềm thi vị và hình ảnh gợi cái nghèo khó, lam lũ, sa sút. Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều là thơ mộng, còn tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi vo ve thì hình như đã gợi cái lam lũ. Chiều, chiều rồi. Một chiều êmả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái… hay mùi quen thuộc của đất đai, mùi vị của quê hương là thi vị. Đến hình ảnh mặt trời tàn, cái chõng nát, phiên chợ vãn, những đứa trẻ nhà nghèo lom khom nhặt nhạnh các thứ của những người bán hàng để lại trên bãi chợ lại là những chi tiết, những hình ảnh gợi cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn, nhất là một tâm hồn ngây thơ như "hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Thật ra, cũng khó mà nói cho rạch ròi nỗi buồn từ cảnh vật thấm vào lòng hay nỗi buồn trong tâm hồn thơ ngây lan tỏa ra, nhuốm vào cảnh vật; chỉ biết ở đây có một cái gì thật nhịp nhàng, hòa hợp, một nỗi buồn lan tỏa vào nhau.

2. Bức tranh phố huyện lúc đêm về

–   Bức tranh phố huyện lúc đêm về có một sự hòa trộn đầy dụng ý: ánh sáng trộn vào bóng tối, hay ngược lại bóng tối trộn vào ánh sáng (không gian phố huyện có nhiều quầng sáng, nhưng cũng nhiều khoảng tối, đến những hòn đá trên đường vào làng cũng mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối…). Nhưng ánh sáng thì le lói, chỉ là khe sáng, chấm sáng, hột sáng; bóng đêm thì vừa mênh mông, hiu quạnh vừa dày đặc (tối hết cả con đường ra sông, con đường vào làng, các ngõ càng thẫm đen hơn nữa, tối đến mức cả tiếng đàn bầu của bác xẩm và tiếng trống cầm canh của phố huyện tưởng chừng cũng không vang lên được) Điều này gợi một nỗi buồn đầy cảm thương, một nhận thức – dù còn rất mơ hồ – về những kiếp sống chìm khuất, le lói, những thân phận như "bị bỏ quên" nơi cái ga xép của một phố huyện buồn thiu.

3. Bức tranh phố huyện lúc đoàn tàu đi qua

Có một sự tương phản rất nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu – chút thế giới khác mà chuyến tàu đêm mang qua phố huyện trong chốc lát (rồi mang đi) và hình ảnh trở về trạng thái sống lặng lẽ, tối tăm, không thay đổi nơi phố huyện. Cũng có một cảm giác xa xôi không biết của nhân vật Liên sau khi đoàn tàu đêm đi qua ở cuối truyện: Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.

Một bên là sự hoạt động náo nhiệt cuối cùng của đêm và một bên là sự im lặng mênh mông trong đêm tối, trong giấc ngủ (và cả trong sự lãng quên?). Chuyến tàu đêm đi qua sáng rực, vui vẻ và huyên náo, đầy vẻ hấp dẫn nhưng lại chỉ thoáng qua chốc lát ngắn ngủi rồi trả cuộc sống phố huyện về trạng thái mênh mang yên lặng và đầy bóng tối. Điều đó dường như làm cho nỗi buồn lại càng "thấm thía" hơn trong tâm hồn hai đứa trẻ.

Tóm lại, tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc, tâm trạng. Buồn man mác, mơ hồ, khó hiểu trước bức tranh cuộc sống nghèo của phố huyện lúc chiều muộn; buồn khắc khoải trong cảnh chờ đợi, mong ước một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ thường ngày; buồn thấm thía sâu xa về một cuộc sống quẩn quanh, không thể đổi thay và mọi cái tươi sáng, tốt đẹp chỉ là hi vọng xa xôi. Cũng tương ứng với cảnh vật, con người trong từng thời khắc khác nhau là những tâm trạng, cảm giác, ý nghĩ khác nhau (đoạn đầu: lòng buồn man mác trước cái thời khắc của ngày tàn, đoạn giữa:mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày, lặng theo mơ tưởng, đoạn cuối: thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ).

Tất cả thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn. Tưởng chừng tác giả đã hòa nhập vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật để diễn tả những gì mong manh, mơ hồ khó tả nhất của tâm hồn con người.

nguyễn phương

0 chủ đề

23913 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0