Phan tich kho tho thu 2 trong bai tho Dat nuoc cua Nguyen Dinh Thi – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích đoạn thơ "Mùa thu nay khác rồi … Những buổi ngày xưa vọng về" trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông viết tiểu thuyết, sáng tác kịch, thơ, nhạc, vẽ tranh… Thơ ông không nhiều nhưng có những bài được đánh giá cao, thể hiện rung động nhạy bén, tinh tế của tâm hồn nhà thơ ...
– Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích đoạn thơ "Mùa thu nay khác rồi … Những buổi ngày xưa vọng về" trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông viết tiểu thuyết, sáng tác kịch, thơ, nhạc, vẽ tranh… Thơ ông không nhiều nhưng có những bài được đánh giá cao, thể hiện rung động nhạy bén, tinh tế của tâm hồn nhà thơ trước con người và cuộc sống. Đất nước là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi, được đánh giá là mốc son của thơ ca Việt Nam hiện đại. Bài thơ được viết từ năm 1948 cho tới năm 1955 mới hoàn thành. Như vậy có nghĩa là cảm hứng thơ của tác giả gần như theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ buổi ban đầu cho đến khi kết thúc, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là cảm hứng trữ tình tha thiết về đất nước trong hiện tại và quá khứ: Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa từ sau mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đoạn thứ hai dưới đây của bài thơ được tác giả sáng tác trong thời điểm cụ thể là mùa thu năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Tác giả bộc lộ cảm xúc của mình trước mùa thu mới ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc và những suy ngẫm về truyền thống yêu nước lâu đời của dân tộc ta, về đất nước trong thời đại mới.
Ở đoạn thơ trước, tác giả hoài niệm về bức tranh mùa thu Hà Nội với những nét đẹp rất đặc trưng : sáng chớm lạnh, phố dài xao xác hơi may, thềm nắng lá rơi đầy… Có lẽ đây là mùa thu năm 1946, khi Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định rời Hà Nội để trở lại khu căn cứ Việt Bắc tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Trong đoàn người ra đi đông đảo ấy có Nguyễn Đình Thi.
Đang nhớ về một mùa thu cũ đượm buồn, nhà thơ bỗng chuyển hướng cảm xúc về mùa thu hiện tại bằng câu thơ ngắn gọn, dứt khoát như một lời khẳng định:
Mùa thu nay khác rồi
Mùa thu nay là mùa thu thứ hai ở chiến khu Việt Bắc (1948), sau chiến thắng Thu Đông năm 1947, khác xa mùa thu buồn bã trước đây. Cái khác toát lên từ sự thay đổi nhịp điệu của đoạn thơ. Âm điệu của đoạn thơ đầu chậm rãi, man mác, hợp với dòng hoài niệm, hợp với cảnh thu buồn. Đến đoạn này, sau câu thơ năm tiếng là những câu thơ tự do có nhịp điệu sôi nổi, ý thơ rạo rực, lời thơ tự nhiên, hồ hởi như tiếng reo vui chân thành thốt lên từ tâm hồn tràn đầy hạnh phúc của tác giả:
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Niềm vui to lớn tràn ngập lòng người, tràn ngập đất trời, cây cỏ. Dường như nhà thơ đang lắng mình để thâu nhận niềm vui từ ngọn gió thu mát lành từ sắc trời thu trong biếc, từ giọng nói, tiếng cười thiết tha. Tâm trạng nhà thơ chan chứa niềm vui, rộn rã âm thanh, tưng bừng màu sắc. Đó là niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ và cũng là của mọi người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến thời kì đó.
Cái buồn, cái lạnh của cảnh thu xưa giờ không còn nữa. Mùa thu đẹp, mùa thu trong sáng bởi tâm hồn, đôi mắt của con người vui vẻ, lạc quan.
Tất cả từ ngữ trong đoạn thơ này đều nhằm nói lên cái khác biệt của Mùa thu nay. Hình ảnh tươi mát, sống động: Gió thổi rừng tre phấp phới, âm thanh rộn rã : nói cười thiết tha, màu sắc thì trong biếc, biếc ở màu trời xanh, biếc ở con mắt nhìn cảnh vật.
Nguồn cội của niềm vui ấy thật to lớn, sâu xa. Đó là do đất nước sau cách mạng đã về tay nhân dân, con người Việt Nam là chủ nhân chân chính của đất nước này. Nhà thơ như reo, như hát lên niềm hạnh phúc tuyệt vời ấy:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Điệp khúc của chúng ta cứ ngân nga, vang vọng giữa đất trời, sông núi. Tất cả những gì thân yêu, quen thuộc trên đất nước này đều là của chúng ta. Còn gì sung sướng và tự hào hơn mấy tiếng ấy sau hàng trăm năm nô lệ, dân tộc Việt Nam đổ bao xương máu mới giành lại được quyền làm chủ. Cùng nguồn cảm hứng say sưa, dào dạt như thế, nhà thơ Tố Hữu cũng đã say sưa thốt lên : Của ta, trời đất, đêm ngày, Núi kia, đồi nọ, sông này của ta! (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).
Cái thế đứng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là thế đứng của con người tự do kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Trời thu xanh biếc, núi rừng hùng vĩ, những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa… càng trở nên bội phần đẹp đẽ vì đã về tay ta. Đoạn thơ với nhạc điệu rộn ràng, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, quấn quýt hòa quyện vào nhau, tạo nên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam sau ngày độc tập. Âm hưởng thơ mênh mang, trải dài vô tận với những âm tiết vang, sáng: ta, thơm ngát, bát ngát, phù sa… Các dòng thơ liên kết với nhau, cùng xoay quanh và làm nổi bật ý nghĩa: Niềm kiêu hãnh, tự hào to lớn của con người Việt Nam về chủ quyền độc lập, về đất nước quê hương ngàn lần tươi đẹp.
Có được mùa thu đẹp hôm nay, nắm chủ quyền tự do, độc lập trong tay, chúng ta không thể không nghĩ đến những sức mạnh đã làm nên nó. Đó chính là truyền thống bất khuất bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm ri rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Giọng thơ đang rộn ràng, háo hức ở đoạn trên, đến đoạn này chợt trở nên suy tư, trầm lắng. Nước chúng ta, giản đơn ba chữ mà chứa chất thiêng liêng pha lẫn tự hào. Câu thơ tiếp theo như một lời khẳng định: Nước những người chưa bao giờ khuất. Đó là một thực tế hiển nhiên. Suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, bao phen chống ngoại xâm, có thắng có bại, song đất nước này, dân tộc này chưa bao giờ khuất phục trước bạo lực quân thù. Truyền thống bất khuất ấy truyền từ đời này sang đời khác. Anh linh, hùng khí tổ tiên như tụ cả lại trong lòng đất: Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, Những buổi ngày xưa vọng nói về. Tiếng đất là tiếng của lịch sử dựng nước và giữ nước không ngơi nghỉ, là tiếng của ngày xưa vọng nói về hiện tại.
Âm điệu câu thơ chuyển từ hồ hởi, lan tỏa sang suy ngẫm, dồn nén, lắng sâu. Mặt đất vững chắc chẳng bao giờ nghiêng ngả, lung lay. Mồ hôi, xương máu kết tụ vào đó lâu đời đã thành tiếng nói truyền thống của cha ông. Mặt đất lặng im nhưng tiếng đất luôn rì rầm bên tai con cháu cho đến tận ngày nay. Quá khứ anh hùng, bất khuất làm nền cho hiện tại cũng anh hùng, bất khuất. Nói như nhà thơ Tố Hữu thì đây chính là tiếng của cha ông thuở trước, luôn luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu hãy giữ lấy đất nước thiêng liêng của tổ tiên để lại.
Đoạn thơ trích trong bài Đất nước trên đây đẹp về hình thức, hay về nội dung. Chất trữ tình bay bổng hòa quyện với chất chính luận sâu sắc. Ý thơ lúc sôi nổi rạo rực, lúc lắng đọng suy tư, được thể hiện bằng hình thức linh hoạt, nhịp điệu phóng khoáng, kết hợp với nhiều hình ảnh đẹp đẽ, chọn lọc, tạo nên giá trị nghệ thuật độc đáo, phần nào thể hiện được phong cách hào sảng và đằm thắm của thơ Nguyễn Đình Thi.