24/05/2017, 14:14

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu Bài làm: Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Phù Lai, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được biết đến với tư cách là một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam, con đường thơ ca của ông gắn liền với con đường cách mạng. Tập thơ ...

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu Bài làm: Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Phù Lai, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được biết đến với tư cách là một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam, con đường thơ ca của ông gắn liền với con đường cách mạng. Tập thơ “Từ ấy” là tập thơ đầu tay của ông, gồm 71 bài được sáng tác trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1936-1946. Tập thơ được chia thành ba phần, phản ánh rõ nét quá trình ...

Bài làm:

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Phù Lai, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông được biết đến với tư cách là một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam, con đường thơ ca của ông gắn liền với con đường cách mạng.

Tập thơ “Từ ấy” là tập thơ đầu tay của ông, gồm 71 bài được sáng tác trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1936-1946. Tập thơ được chia thành ba phần, phản ánh rõ nét quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. “Máu lửa” gồm 27 bài, là thơ của thời kỳ Mặt trận Dân chủ tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hòa bình, cơm áo, vấn đề quyền sống con người và cách mạng giải phóng dân tộc. “Xiềng xích” gồm 30 bài, viết trong tù thể hiện nỗi buồn đau và ý chí, khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù. “Giải phóng” gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.

Bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ cùng tên của Tố Hữu, đây chính là tiếng hát hân hoan, nồng nhiệt của một thanh niên trí thức khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bài thơ gồm có 3 khổ thơ, mỗi khổ thơ có 4 câu thơ diễn tả 3 nét chuyển biến trong nhận thức, trong tâm hồn của nhà thơ. Trong đó, khổ thơ đầu tiên thể hiện niềm vui sướng của nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Từ nhan đề cho đến mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng từ “Từ ấy”, nhằm mục đích nhấn mạnh giây phút đầu tiên chàng thanh niên trẻ bắt gặp lí tưởng cộng sản, đây cũng chính là giây phút thiêng liêng trọng đại quyết định cả cuộc đời của người thanh niên ấy. Mốc thời gian quan trọng ấy chính là tháng 9 năm 1938, vì thế giây phút thiêng liêng ấy đã trở thành một mốc thời gian không thể nào quên trong trái tim thi sĩ. Trước mốc thời gian đó, Tố Hữu là một thanh niên sôi nổi, hào hứng tràn đầy nhiệt huyết “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi cho bản thân:

“Vẩn vơ theo mãi vòng luẩn quẩn
Muốn thoát than ôi chẳng bước rời”
(Nhớ đồng)
Chính vì vậy, nhà thơ đã rơi vào cảnh:
“Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt”

Đang trong tâm trạng chán nản, buồn chán vì không xác định được hướng đi cho mình thì bỗng bất ngờ nhà thơ bắt gặp lí tưởng cách mạng, giây phút ấy như bừng sáng đến diệu kì. Nhà thơ diễn tả niềm vui sướng đó bằng một loạt các hình ảnh, những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc cùng với một loạt những từ ngữ chỉ sắc thái và mức độ mạnh mẽ của tình cảm như: “bừng nắng hạ”, “chói qua tim”, “vườn hoa lá”, “đậm hương”, “rộn tiếng chim”. Tất cả những hình ảnh ấy đều ở mức độ mãnh liệt, say mê nhằm thể hiện niềm vui sướng bất tận tràn đầy viên mãn và tình cảm chân thành, kính trọng của nhà thơ đối với Đảng.

Lí tưởng cách mạng của Đảng được tác giả so sánh với hình ảnh “mặt trời chân lí” tỏa ánh nắng chói chang, rực rỡ ấm nóng như ánh nắng mùa hạ làm bừng sáng tâm hồn người chiến sĩ trẻ, nó có đủ sức mạnh xua đi mọi u ám buồn đau, bế tắc trong tử tưởng của những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết nhưng chưa tìm được hướng đi đúng trong cuộc đời. Nhà thơ cảm nhận ánh sáng của Đảng bằng cả trái tim, khối óc và lí trí chứng tỏ đây là nhận thức rất sâu sắc chứ không phải bột phát. Hình ảnh “mặt trời chân lí chói qua tim” là một sáng tạo mới mẻ và rất có chiều sâu của Tố Hữu trong thơ ca cách mạng lúc bấy giờ, hình ảnh này giàu sức hấp dẫn đối với tuổi trẻ nên sống mãi trong lòng bạn đọc mãi mãi về sau. Với Tố Hữu, lí tưởng cộng sản còn mang cái xanh tươi, rạo rực của cuộc sống tràn trề hương thơm ngào ngạt, rộn rã tiếng chim ca khiến nhà thơ vừa có cảm giác chói lóa trước một vầng sáng diệu kì, lại vừa cảm nhận được sự dịu mát của tâm hồn khi đứng trong một vườn cây ngập tràn hoa lá.

Bài thơ “Từ ấy” nói riêng và cả tập thơ nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng cộng sản trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo bước ngoặt lớn cho quá trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Trong Từ ấy, không chỉ có tiếng chim rộn rã và hương hoa của niềm vui vừa bắt gặp lý tưởng, mà còn có lời an ủi, động viên chân tình đối với những số phận bất hạnh. Và sau cùng, nhân danh cách mạng, “Từ ấy” là tiếng thét đầy hờn căm, là hồi kèn xung trận thôi thúc mọi người xông lên, vào trận chiến mất còn với kẻ thù để giành lại độc lập tự do và quyền sống của con người.

0