06/11/2018, 00:16

Phân tích đoạn thơ Chí Khí Anh Hùng của nhà thơ Nguyễn Du tuyệt hay

Phân tích đoạn thơ Chí khí anh hùng của nhà thơ Nguyễn Du Bài làm: Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Tiếng thơ ai động đất trời Nghe như non nước vọng lời nghìn thu. ...

Phân tích đoạn thơ Chí khí anh hùng của nhà thơ Nguyễn Du

Bài làm:

Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.”

Nguyễn Du – một nhà thơ, nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, được mệnh danh là đại thi hào dân tộc với nhiều cống hiến to lớn. Suốt cuộc đời sáng tác,nhà thơ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hay và có giá trị, đặc biệt phải kể đến kiệt tác “Truyện Kiều” mang ý nghĩa sâu sắc mọi thời. Đoạn thơ “Chí khí anh hùng” trong tập thơ Kiều là một trong những đoạn khá tiêu biểu mà Nguyễn Du dùng để miêu tả chân dung của người anh hùng Từ Hải với những khát vọng lớn, muốn làm nên sự nghiệp lớn.

Đoạn thơ là ước muốn của nhà thơ Nguyễn Du muốn gửi gắm qua hình tượng người anh hùng Từ Hải với dáng dấp của một người đại trượng phu, một nam tử hán có chí khí, có hoài bão. Nhân vật Từ Hải vốn là một tráng khí đậm chất anh hùng, tung hoành bốn phương, phiêu du thiên hạ, vừa có khí phách phi thường và một tâm hồn khoáng đạt. Khi Kiều bị lừa bán vào lầu xanh lần thứ hai, cuộc đời nàng như bế tắc, đau khổ và rơi vào thế tuyệt vọng hoàn toàn. Thế nhưng, Từ Hải lại xuất hiện cứu vớt cuộc đời Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Từ đó, hai người sống ân ái, thấu hiểu và hạnh phúc. Nhưng với bản tính và chí khí ngang tàng, Từ Hải không chấp nhận cuộc sống êm đềm bên nàng Kiều, chàng muốn đi tìm sự nghiệp lớn, con đường lớn nên đành từ biệt Kiều mà ra đi.

   Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phi thoắt đã động lòng bốn phương

Trôi vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Bằng lối viết đầy sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải với bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ gắn bó bền chặt thật đặc sắc. Đó là một nhân vật được tạo theo khuynh hướng lý tưởng hóa và ngay cả mọi cách dùng từ, hình ảnh của tác giả đều rất phù hợp với cách viết này. Đã nửa năm “hương lửa đương nồng”, nhưng cuộc sống vốn quá bằng phẳng, không thích hợp với khí chất người anh hùng, Từ Hải đã quyết ra đi. Nhà thơ đã dùng từ “trượng phu” như đang gợi tả về một người đàn ông có chí khí lớn, có nghĩa khí. Dường như, đây là lần dầu tiên và cũng là lần duy nhất tác giả dùng từ này để miêu tả nhân vật Từ Hải. Nhân vật như nhận thức được rằng, nếu như không có ý chí, không có bản lĩnh thì ngay trong lúc đang êm ấm, hạnh phúc bên người mình yêu thương, người ta sẽ dễ quên đi những việc lớn lao, cao cả hơn. Với lối nghĩ đó, cho nên dù đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhớ đến chí khí lớn, mục đích lớn của đời mình, chàng đã “động lòng bốn phương”, muốn tung hoành khắp giang hồ để thỏa mãn khí chất của mình. Đó cũng chính là bản chất của người anh hùng, anh nghĩ phải làm nên nghiệp lớn, thực hiện được khát khao thì mới có thể xứng đáng với niềm tin và tình yêu của nàng Kiều xinh đẹp. Nhân vật Từ Hải đã được Nguyễn Du miêu tả rất đậm nét anh hùng, đậm phong thái người tung hoành, đó là một khí thế mạnh mẽ, phi thương của đấng nam tử quyết ra đi để làm việc lớn. Hình ảnh “thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong” đã cho thấy chàng lên ngựa rồi mới nói lời tiễn biệt, qua đó gợi nên một phẩm chất, một cốt cách cao thượng của người trượng phu trong xã hội phong kiến đương thời. Một hình tượng đẹp xuất hiện trong thơ với khí chất ngang tàng, cái khí thế anh hùng, khí thế đầu đội trười chân đất của Từ Hải được nhà thơ gợi lên rất rõ. Lời tiễn biệt muộn màng khi đã lên ngựa ra đi càng làm thêm vẻ quyết tâm của Từ. Hai từ “thẳng rong” như một lần “vội lời” từ biệt nàng Kiều. Có thể nói, cuộc chia ly ấy khác hẳn với hai lần trước khi Kiều chia tay Kim Trọng và Thúc Sinh. Khi chia tay Kim Trọng, Kiều có sự nhớ nhung đối với một người đang yêu say đắm mà giờ phải xa cách. Khi chia tay Thúc Sinh là để chàng về xin Hoạn Thư được lấy Kiều làm vợ lẽ với một hy vọng mong manh và khó khăn. Còn bây giờ, trong cảnh chia tay Từ Hải chính là chia tay người anh hùng để chàng ra đi lập nghiệp lớn, thỏa mãn chí khí tung hoành muôn phương, vùng vẫy trong bốn biển, “trôi vời trời bể mênh mang”.

Phân tích đoạn thơ Chí Khí Anh Hùng của nhà thơ Nguyễn Du tuyệt hay

Phân tích đoạn thơ Chí khí anh hùng

Khi hai người chia tay, Kiều vẫn mang một nỗi buồn của sự li biệt, nàng thiết tha muốn đi cùng chàng:

Nàng rằng:”phận gái chữ tòng

Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi”

Nhưng chí làm trai của Từ Hải đã không cho phép, chàng đành ngậm ngùi đáp lại:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

Bao giời mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp dường.

 

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

 

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Cuộc đối thoại giữa Kiều và Từ Hải đã làm bộc lộ rõ hơn bản chất của người anh hùng. Chí khí can trường, mưu cầu sự nghiệp đang lẫy lừng. Anh tin tưởng vào tài năng, bản lĩnh của chính mình và dứt khoát, kiên quyết ra đi nhưng không hề thô lỗ mà ngược lại còn rất tâm lý, chối khéo yêu cầu của Kiều. Với quan niệm của người xưa, quan niệm thời phong kiến:  “phu xướng phụ tùy, xuất giá tòng phu”. Thế nên, Thúy Kiều mới nguyện đi cùng Từ Hải khắp muôn phương để tỏ lòng thành tâm, chung thủy của người phụ nữ. Nhưng chí khí của Từ đã ngăn cản nỗi niềm đó. Trong lời đáo ấy còn bao hàm cả những lời dặn dò và niềm tin mà chàng gửi gắm vào con gái mà anh yêu thương. Chàng mong Kiều sẽ hiểu và thông cảm cho mình. Một người anh hùng muốn làm nên nghiệp lớn thì phải qua được ải của “nữ nhi thường tình”.  Dù rằng hai người có mối “tâm phúc tương tri” nhưng chí hướng của người nam tử quá lớn, đành bỏ lại hạnh phúc để mưu cầu sự nghiệp. Người ta vẫn hay nói “anh hùng khó qua ải mĩ nhân”, nhưng đối với Từ, chàng đã rất dứt khoát, quyết tâm để thực hiện khát khao của mình. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải chính là sự sống, là ý nghĩa, là mục đích sống. Thêm vào đó, chàng muốn là một người có khí chất để có thể xứng đáng với một người con gái xinh đẹp, dịu hiền.  Kiều chính là người mà chàng “tâm phúc” và đồng thời chàng xem Kiều như là tri kỉ. Dù ra đi, nhưng bản chất Từ vẫn là một người có ý chí, có nhận thức, bước chân đi nhưng chàng vẫn không quên hứa với Kiều: “làm cho rõ mặt phi thường/ bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Đó chính là một lời hứa chắc chắn, chàng muốn khi đã có thành công vang dội, có tiếng tăm lẫy lừng, trở về trong vinh quang thì lúc ấy chàng sẽ “rước” Kiều về nhà. Điều này cũng chính là động lực, là niềm tin vào bản thân, con đường của mình và đó là sự coi trọng Kiều và hết mực dành tình thương cho nàng. Chàng không muốn Kiều phải khổ khi: “bằng nay bốn bể không nhà/ theo càng thêm bận biết là đi đâu”. Từ nhận thức được thực tế khó khăn trước mắt và không muốn Kiều phải khổ nên đã không đưa Kiều đi theo. Đồng thời qua đó thể hiện sự dứt khoát của người đàn ông mạnh mẽ, đó là bản lĩnh, ý chí, là niềm tin thực sự mà một đấng trượng phu cần có.

Nhà thơ Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải rất đặc biệt, giàu hình tượng. Qua những lời thơ nhân vật đã hiện lên với một khí thế độc đáo, ngang tàng, quyết liệt, đó cũng là người anh hùng của chính nghĩa, đại diện cho lẽ công bằng, thủy chung

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

 Từ ý nghĩa, dáng vẻ, hành động và lời nói mà Từ Hải đã thốt ra trong giây phút chia li đã thể hiện chàng là một con người luôn tự tin vào cuộc sống và tin rằng trong khoảng thời gian “một năm” chàng sẽ lập được công danh trở về, dựng nên một cơ đồ lớn, sự nghiệp lớn. Nhưng để làm được điều đấy, trước tiên  Từ phải chấp nhận từ biệt người con gái mà chàng yêu để “quyết lời dứt áo ra đi”. Đó là một thái độ dứt khoát, không hề chần chừ, không có chút do dự. Hình ảnh đó ẩn dụ cho một  lý tưởng cao, đã gợi nên chất hùng tráng, phi thường mang tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là một hình ảnh so sánh thật đẹp và giàu ý nghĩa. Nguyễn Du đang muốn ví Từ Hải như cánh chim cưỡi gió bay xa, bay cao ngoài biển lớn. Và qua đó nhằm thể hiện ý chí và tâm trạng của con người đang muốn tung hoành, phiêu bạt trùng phương.

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã gợi tả thành công trong việc xây dựng hình tượng đầu đội trời chân đạp đất cùng khí thế ngang tàng của nhân vật Từ Hải. Bằng những từ ngữ giàu hình ảnh liên tưởng, nghệ thuật tính chất ước lệ tượng trưng theo lối văn học cổ trung đại rõ nét và những lời đối thoại trực tiếp được bộc lộ một cách đầy tự tin của nhân vật đã được Nguyễn Du viết một cách thật tinh tế, và sắc sảo. Ca ngợi được chí khí là trai của kẻ sĩ quân tử, của một bậc đại tượng phu chân chính. Đó chính là lý tưởng hóa người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ, tấm chân tình của Từ Hải đối với nàng Kiều thật chân thành, nguyện dành trọn cho nhau niềm tin và chờ đợi trong tương lai.

Bùi Phương Thảo

0