Phân tích bức tranh hiện thực phủ chúa trong “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác
Thượng kinh kí sự (Kí sự lên kinh) là một tập kí sự bằng chữ Hán nổi tiếng vào loại bậc nhất trong văn học dân tộc thế kỷ XVIII. Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực những điều mắt thấy tai nghe nhân một lần, tác giả quyển sách này - danh y Lê Hữu Trác - được mời lên chốn kinh kì để chữa bệnh cho ...
Thượng kinh kí sự (Kí sự lên kinh) là một tập kí sự bằng chữ Hán nổi tiếng vào loại bậc nhất trong văn học dân tộc thế kỷ XVIII. Tác phẩm đã ghi lại một cách chân thực những điều mắt thấy tai nghe nhân một lần, tác giả quyển sách này - danh y Lê Hữu Trác - được mời lên chốn kinh kì để chữa bệnh cho nhà chúa. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong văn học ta, những bí mật về một phủ chúa sang giàu, quyền uy, xa xỉ mới được phơi bày một cách tường tận đến từng chi tiết nhỏ. Phía sau cái vẻ ...
Sự giàu sang của phủ chúa trước hết được thể hiện qua cảnh vật: “Tôi ngẩng đầu lên đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đung đưa thoang hoảng mùi hương”. Đồ đạc của chúa tất thảy đều được sơn son thiếp vàng. Sự quý giá của chúng có thể được nhìn thấy qua lời nhận xét của bậc lương y: đó là “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”. Bữa ăn trong phủ chúa cũng là bữa ăn sang trọng, mang đúng “phong vị của nhà đại gia”: mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ. Tất cả những điều đó khiến cho tác giả cảm thấy mình trở thành kẻ “quê mùa”, trở thành “ngư phủ” trước “đào nguyên” nơi trần thế. Quả thật, với một kẻ xuất thân từ tầng lớp bình dân, nếu có ngạc nhiên về quy mô, to lớn và sự sang trọng của phủ chúa thì cũng là điều dễ hiểu. Đằng sau tác giả “vốn con quan, sinh trưởng ở chôn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết” nay trở thành kẻ “lạc điệu” trước phủ chúa thì quả không phải là chuyện bình thường. Nhưng “Cả trời Nam sang nhất là đây” trên thực tế đó lại là điều bình thường bởi trước đó, hẳn ông cũng đã từng, được nghe về sự giàu sang của phủ chúa, nay tận mắt chứng kiến, mới hay đúng là “danh bất hư truyền”.
Nhưng phủ chúa không chỉ giàu sang, phủ chúa còn là nơi nghiêm cẩn, kín cổng cao tường. Ai muốn vào phủ chúa phải có thẻ. Lại nữa, biết bao nhiêu vệ sĩ, lính canh ngày đêm túc trực, sẵn sàng bảo vệ cho Trịnh phủ được bình yên. Bình yên mà hưởng cái giàu, cái sang, cái xa xỉ, phù phiếm. Cũng phải thôi, vua Lê giờ đây chỉ là bù nhìn, là con rối. Chính chúa Trịnh mới là chủ nhân thực sự của “muôn dân”. Vậy nên, sự nghiêm ngặt ở đây thực chất là sự nghiêm ngặt, bề thế của một triều đình! Chính cái sang, cái giàu, cái nghiêm ấy đã góp phẩn tăng thêm cái quyền cái uy của phủ chúa. Một khi lệnh chúa ban ra, lập tức có người “vừa nói, vừa thở hổn hển” chạy đến báo tin. Bất kể ai, một khi bước vào phủ chúa thì phải “nín thở”, “khúm núm”, “lạy tạ” đi đứng thì phải “cúi đầu”, “chỉ dám liếc mắt”, nếu có hỏi nhau thì cũng chỉ được phép “hỏi nhỏ” mà thôi. Bấy nhiêu chi tiết đã làm hiện lên một bức biếm họa về phủ chúa. Nhân vật trung tâm của bức biếm họa ấy không ai khác là thế tử Trịnh Cán. Trong khi chúa cha đang vui vầy, mải mê với phi tần thì chúa con lại hệt như một cái mầm con bệnh hoạn, ốm yếu. Để chăm lo sức khỏe cho ông chúa tí hon này, tất cả các lương y của sáu cung hai viện phải suốt ngày đêm chầu chực, lo lắng. Có thể nói, những trang viết về Trịnh Cán giống như những thước phim đặc tả. Nhận được bốn lạy của người chữa bệnh cho mình, chúa con khoái chí: “ông này lạy khéo”. Đây là sự khoái chí của con trẻ mỗi khi chúng vừa ý. Định đem trao cơ đồ, xã tắc vào tay một kẻ như thế, xem ra ít có thời nào liều mình đến vậy. Thế tử vẫn còn đó, bên chiếc sập thiếp vàng, đầy kẻ xúm xít, nhưng âm khí đã lộ nguyên hình: rốn lồi, gân xanh, nguyên khí hao mòn. Nguyên nhân gây bệnh cho thế tử, suy cho cùng, có thể thu gọn vào một chữ quá: ăn quá no, mặc quá ấm, ở quá nhiều màn che trướng phủ, sống quá nhiều kẻ hầu người hạ. Nhìn Lê Hữu Trác bắt mạch, kê đơn cho Thế tử, người đọc có cảm giác ông đang bắt mạch cho một “người bệnh” là cái giai cấp phong kiến “bên ngoài thì cổ trướng, bên trong thì trống” khí dương bị tiêu diệt, âm hỏa nhân đấy mà “đi càn”.
Đến đây, bức tranh hiện thực phủ chúa đã được hoàn tất một cách thành công. Tính chân thực của bức tranh này toát ra từ một giọng kể khách quan, tôn trọng sự thật. Tuy nhiên, là một lương y chân chính quen với nếp sống thanh bần nơi thôn dã, Lê Hữu Trác đã kín đáo thể hiện thái độ của mình. Lúc được triệu vào kinh thì gấp gáp: “Cáng chạy như ngựa lồng, tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết”, nhưng khi vào đến phủ chúa thì lại được lệnh ngồi chờ. Sở dĩ như vậy bởi Thánh thượng đang được các cung nhân “xúm xít”. Thế mới biết trong phủ chúa, lo bệnh không bằng lo vui. Lại nữa, dẫu là một lương y cứu người (mà chuyện cứu nhân lại như cứu hoả) song đã vào đến phủ chúa thì phải “nhập gia tuỳ tục” nghĩa là phải chầu chực, chờ đợi, nín thở, khúm núm, lạy tạ... Trước tình thế này, Lê Hữu Trác đã chọn lựa một cách chữa bệnh hợp lí. Một mặt, ông giữ đúng lương tâm thầy thuốc “trị bệnh cứu người”. Mặt khác, ông phải kê đơn làm sao cho chính mình thoát khỏi vòng danh lợi. Sự băn khoăn này của Lê Hữu Trác giúp ta hiểu hơn về một nhân cách lớn. Nhân cách ấy, cách xử thế ấy một khi viết ra những dòng kí sự trên đây chắc chắn giữ được sự trung thực “hai năm rõ mười”. Thái độ chân thực của người viết làm cho ta càng tin cậy độ chính xác của bức tranh phủ chúa, và đó cũng là sự hấp dẫn cơ bản của Thượng kinh kí sự.
Đoạn trích Vào Trịnh phủ, do biết kết hợp một cách khéo léo sự quan sát tinh tế, khả năng lựa chọn chi tiết sắc sảo, giọng kể khách quan, linh hoạt và những lời bình luận hàm ý mỉa mai kín đáo đã thực sự trở thành một áng văn có giá trị lớn. Nhưng không chỉ có thế, những trang viết này còn có ý nghĩa như những thước phim tư liệu về một phủ chúa giàu sang, oai nghiêm song lại bạc nhược, tàn tạ mà bình thường ít người được biết đến. Đây là một đóng góp hết sức quý báu mà Lê Hữu Trác đã để lại cho tất cả chúng ta.