05/06/2017, 00:00

Có ý kiến cho rằng: Ca dao là tiếng nói về tình yêu làng xóm quê hương tha thiết và lòng yêu nước thương nòi sâu nặng. Dựa vào hiểu biết của mình, em hãy chứng minh ý kiến trên

Nhìn vào ca dao Việt Nam người ta thấy được cuộc sống của người Việt Nam: ca dao Việt Nam thể hiện tư tưởng, tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam. Có ý kiến cho rằng: ca dao là tiếng nói về tình yêu làng xóm quê hương tha thiết và lòng yêu nước thương nòi sâu nặng. Đó là một ý kiến đúng, nhấn mạnh ...

Nhìn vào ca dao Việt Nam người ta thấy được cuộc sống của người Việt Nam: ca dao Việt Nam thể hiện tư tưởng, tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam. Có ý kiến cho rằng: ca dao là tiếng nói về tình yêu làng xóm quê hương tha thiết và lòng yêu nước thương nòi sâu nặng. Đó là một ý kiến đúng, nhấn mạnh tới hai nội dưng cơ bản của ca dao Việt Nam.

Ai sinh ra cũng có một quê hương. Quê hương là nơi con người ta sinh ra và lớn lên. Quê hương như là máu thịt trong mỗi con người. Cho nên quê hương rất gần gũi thân thuộc và cũng rất đỗi thiêng liêng. Người Việt Nam rất yêu quý quê hương mình. Họ mượn ca dao để gửi gắm tâm tư mình. Họ ca ngợi và tự hào về cảnh đẹp của làng xóm, quê hương:
 
“Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong lòng kẻ gái, người trai đưa nghề,
Trời ra gắng trời lặn về,
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên”.
 
Bài ca dao tả một cảnh làng thật đẹp (phong cảnh hữu tình) và rất trù phú (tốt tươi), con người lại rất cần cù chăm chỉ (kẻ gái, người trai đưa nghề). Khung cảnh thật thanh bình, êm ả. Bài ca dao này còn đẹp ở chiều sâu đó là ở tình làng, những lời kể và tả ở đây đểu thấm đượm tình yêu thương gắn bó tha thiết với làng quê.
 
Người Việt Nam gắn bó với nghề trồng lúa, do vậy mà hình ảnh cây lúa, cánh đồng lúa được xuất hiện nhiều trong ca dao.
 
“Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”.
Ở bài ca dao này thì hai câu trên tả cánh đồng, hai câu thơ dưới đặc tả cây lúa mới trổ bông. Cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay “mênh mông bát ngát”, “bát ngát mênh mông”. Hình ảnh “lúa đòng đòng” tức lúa mới trổ bông được tắm dưới ánh nắng hồng và làn gió nhẹ vừa tạo nên cảm giác về cái đẹp vừa gợi nên sự no đủ, ấp áp. Đúng là một bài ca dao đẹp, đẹp ở cảnh, đẹp ở cả tình người, hồn người.
 
Một bức tranh “phong cảnh hữu tình” khác:
 
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
 
Một bức tranh có hình ảnh “cành trúc la đà” và sự huyền ảo của khói sương, có âm thanh của tiếng chuông chùa, của nhịp chày giã vỏ cây làm giấy... Phải rất yêu quê hương, tự hào về vẻ đẹp thanh bình của quê hương, mới có bài ca dao rất hay này.
 
Người Việt Nam rất yêu làng xóm quê hương mình, cho nên khi có ai đi xa, trong tâm tư họ đều trĩu nặng mối tình quê, hồn quê.
 
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.
 
Quê hương là những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, bình dị nhất. Có khi đó chỉ là bát canh rau muống, là món cà dầm tương, nhưng nó lại trở thành thiêng liêng vì nó là hồn quê. Nhưng hồn quê, tình quê sâu nặng nhất là thể hiện ở chỗ nhớ con người tần tảo “một nắng hai sương”. Bài ca dao có 4 câu nhưng có tới 4 chữ “nhớ” được nhắc lại trong nỗi khắc khoải khôn nguôi nhớ về quê mình trong tâm trạng người đi xa.
 
Có khi trong nỗi nhớ ấy lại được một chút xót xa.
 
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
 
Đây có thể là lời của một em bé đi ở, đi ở xa quê mình, muốn về mà không được, ra đứng “ngõ trước” thì sợ chủ, đành ra đứng “ngõ sau” ngóng về “quê mẹ” trong tâm trạng “ruột đau chín chiều”.
 
Chính từ tình yêu làng xóm quê hương tha thiết ấy mà người Việt Nam có một lòng yêu nước thương nòi sâu nặng. Họ mượn ca dao để nhắn nhủ mọi người phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau:
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là hình ảnh bàn thờ tổ tiên thiêng liêng và cao quý, hiểu rộng hơn, đó là bàn thờ Tổ quốc. Lời ca dao gợi nên ở người đọc ý thức về mình là “con Hồng cháu Lạc”, về cội nguồn cùng chung một bọc để nhắc chúng ta đoàn kết, yêu thương nhau như anh em trong một nhà.
 
Hay có khi ca dao lại mượn những sự vật, hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân quen để nói với chúng ta về tình thương yêu lẫn nhau một cách cụ thể, thấm thía:
 
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giông nhưng chung một giàn”.
 
Yêu nước thương nòi cũng có nghĩa là ca ngợi những người con ưu tú của dân tộc đã làm rạng danh đất nước này. Có những bài ca dao ca ngợi Hai Bà Trung, Bà Triệu, Lê Lợi. Quang Trung... nhưng có lẽ hay nhất vẫn là ngợi ca Bác Hồ:
 
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
 
Yêu nước thương nòi cũng có nghĩa là kêu gọi mọi người phải đứng lên báo vệ đất nước, giữ gìn bình yên cho Tổ quốc:
 
“Anh đi gìn giữ nước non
Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ.
Anh đi ra lính cụ Hồ
Con sông, con hói, con đò đưa anh”.
 
Tình yêu làng xóm quê hương tha thiết và lòng yêu nước thương nòi sâu nặng là hai trong số những biểu hiện cơ bản về mặt nội dung của ca dao. Ca dao Việt Nam thực sự là nguồn suối trong trẻo và ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam.

0