04/06/2017, 23:59

Giải thích và bình luận câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Khuyên người ta khi nhận xét đánh giá một sự vật hay một con người, tục ngữ có câu:“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”Hãy giải thích và dựa vào ý nghĩa của câu tục ngữ em hãy thử đưa ra quan điểm của mình khi đánh giá một con người. Khuyên răn người đời khi đánh giá về một đồ vật hay một con người, tục ngữ ...

Khuyên người ta khi nhận xét đánh giá một sự vật hay một con người, tục ngữ có câu:“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”Hãy giải thích và dựa vào ý nghĩa của câu tục ngữ em hãy thử đưa ra quan điểm của mình khi đánh giá một con người.

Khuyên răn người đời khi đánh giá về một đồ vật hay một con người, tục ngữ có câu:  “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
 
Câu tục ngữ toát lên một ý nghĩa triết lí sâu sắc: nội dung bên trong quan trọng hơn hình thức bên ngoài, nội dung quyết định hình thức.
 
Xét theo nghĩa đen, “gỗ” là chất liệu để tạo nên một đồ vật nào đó. “Tốt gỗ” là gỗ bền, gỗ tốt. Chẳng hạn, gỗ để đóng bàn, đóng tủ, gỗ tốt thì bàn tủ sẽ tốt, sẽ bền, dùng được lâu. Ngược lại, dùng gỗ xấu thì bàn tủ sẽ nhanh hỏng vì gỗ sớm bị mối mọt, cong vênh... “Nước sơn” là chất liệu quét lên đồ vật để nó thêm đẹp, thêm bền. Bàn tủ đóng xong mà không đánh “nước sơn” thì sẽ thô, không có sự “bảo vệ” của “nước sơn” thì bàn tủ cũng mau hỏng. Như vậy, ngoài “tốt gỗ” ra thì đồ vật cũng rất cần “nước sơn” nữa.
 
Xét theo nghĩa bóng, “gỗ” chỉ nội dung thực chất bên trong, “tốt gỗ” là phẩm chất bên trong của đồ vật đó tốt, bền. Nếu để chỉ người thì ta hiểu người đó tài đức vẹn toàn. “Nước sơn” là hình thức bên ngoài. Ý của cả câu tục ngữ toát ra: Khi xem xét đánh giá một sự vật hay một con người phải chủ yếu dựa vào nội dung bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Tất nhiên ta cũng không coi nhẹ giá trị của “nước sơn”, vì thiếu nó đồ vật sẽ giảm độ bền và mất đi tính thẩm mỹ. Ta coi trọng chất lượng của sản phẩm nhưng không bỏ qua hình thức, mẫu mã của sản phẩm.
 
Câu tục ngữ trên còn hàm chứa một ý nghĩa nhân sinh, đó là một nhận định đúng đắn về cách đánh giá một con người, cần căn cứ vào nội dung bên trong là chính, hình thức bên ngoài chỉ là phụ. Nội dung ở đây là phẩm chất đạo đức, là tài năng; hình thức là vẻ đẹp biểu hiện qua hình dáng, cách ăn mặc, cử chỉ, ngôn ngữ... Điều dễ khẳng định là người có tài đức thì sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có tài đức thì chẳng làm được việc gì to lớn cho dù người ấy có hình thức bên ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng.
 
Như vậy, câu tục ngữ đã cho ta tiêu chuẩn để xác định giá trị một nhân cách: lấy phẩm chất tài đức làm thước đo. Phải căn cứ vào chất lượng công việc để đánh giá con người. Cho nên một ngạn ngữ nước ngoài đã nói rất đúng rằng: Hãy xem anh ta làm chứ đừng nghe anh ta nói.
 
Chúng ta chú trọng tới phẩm chất bên trong của con người nhưng cũng không được coi nhẹ hình thức. Cái đẹp lý tưởng là sự hài hòa giữa hai phạm trù nội dung - hình thức. Cụ Nguyễn Du đã nói lên điều này khi miêu tả chàng Kim Trọng vừa tài đức vừa “hào hoa”.
 
“Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”.
 
Xét ở phương diện nào đó, hình thức cũng biểu hiện nội dung. Tục ngữ cũng đã nói: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Vì thế hình thức cũng góp phần nâng cao giá trị của nội dung, phần nào phản ánh nội dung. Một người có tài năng và đức độ, có hình dáng đẹp, ăn mặc chỉnh tề, hợp thời trang, nói năng đúng mực, nhã nhặn..., hẳn ai cũng quý mến người đó.
 
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đúng là bài học quý giá để chúng ta xem xét, đánh giá một con người. Và đây cũng là bài học cho những ai thích chạy theo hình thức hào nhoáng bề ngoài mà bỏ qua phẩm chất bên trong - yếu tố cơ bản tạo nên giá trị nhân cách của con người.

0