Phân tích bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” của Trần Tế Xương
Phân tích bài thơ "Vịnh khoa thi Hương" của Trần Tế Xương I. MỞ BÀI – Năm Đinh Dậu 1897, tại trường thi Nam Định, vợ chồng Toàn quyền và Công sứ Pháp tới dự lễ xướng danh. Cái bóng của bọn thực dân đã trùm lên cả nơi tuyển chọn nhân tài cho nhà nước, điều ...
Phân tích bài thơ "Vịnh khoa thi Hương" của Trần Tế Xương
I. MỞ BÀI
– Năm Đinh Dậu 1897, tại trường thi Nam Định, vợ chồng Toàn quyền và Công sứ Pháp tới dự lễ xướng danh. Cái bóng của bọn thực dân đã trùm lên cả nơi tuyển chọn nhân tài cho nhà nước, điều này là nỗi nhục đối với người trí thức Việt Nam. Là nhà nho có lòng tự trọng, luôn tha thiết với truyền thống văn hiến của dân tộc, Trần Tế Xương đau xót, phẫn uất viết bài thơ Vịnh khoa thi Hương.
– Bài thơ đã vẽ lên một cách sống động tình trạng suy đồi của Nho học thời ấy cùng những cảnh chướng tai gai mắt lúc chê độ thực dân nửa phong kiến bước đầu được xác lập ở nước ta qua cảnh trường thi, khoa thi.
II. THÂN BÀI
A. CUỘC THI NĂM ĐINH DẬU
Hai câu đề mang tính chất tự sự, kể lại cuộc thi năm Đinh Dậu:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thì lẫn với trường Hà.
Bề ngoài có vẻ thật bình thường, kì thi mở theo đúng thông lệ đã có từ trước (ba năm mở một khoa). Tuy nhiên, tính chất không bình thường bộc lộ rõ ngay từ cách thức tổ chức: Trường Nam thi lẫn với trường Hà. Trước đây, trường Nam (Nam Định) và trường Hà (Hà Nội) đều thi riêng. Đến khoa Đinh Dậu, trường Nam, trường Hà thi chung. Từ "lẫn" — lẫn lộn tùng phèo – đã báo trước sự ô hợp, láo nháo trong thi cử.
B. BỌN SĨ TỬ, QUAN TRƯỜNG KHÔNG CÒN NHO PHONG, SĨ KHÍ
Hai câu thực và hai câu luận gợi tả cụ thểhơn những nét đặc biệt của khoa thi Đinh Dậu.
Ngòi bút tác giả hướng đến hai đối tượng chủ yếu nhất trong các kì thi: Sĩ tử (người đi thi) và quan trường (quan coi việc thi).
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
– Hình ảnh sĩ tử chẳng hề mang dáng dấp thư sinh. Họ thật luộm thuộm có vẻ bé rạc: vai đeo lọ. Biện pháp đảo ngữ lôi thôi sĩ tử vừa nhấn mạnh sự luộm thuộm, không gọn gàng, vừa gây ấn tượng khái quát về hình ảnh những sĩ tử khoa thi này. Họ không có tư thế người đi thi, càng không có tư thế người làm chủ trong kì thi. Hình ảnh sĩ tử trong thơ Tú Xương đã phản ánh sự sa sút về "nho phong sĩ khí', do sự nhốn nháo, ô hợp của hoàn cảnh xã hội đem lại.
– Hình ảnh quan trường xuất hiện với vẻ ra oai, nạt nộ. Cái oai của quan trường là cái oai cố tạo, cái oai "vờ". Từ ậm oẹ biểu đạt âm thanh của tiếng nói to nhưng bị cảntrong cổ họng nên trầm và nghe không rõ, nói lên cái oai không thực chất của quan trường. Cũng với biện pháp đảo ngữ ậm oẹ giọng thét loa của quan trường, có thể thấy được sự huyên náo, lộn xộn của cảnh trường thi này. Quan phái thét vì sĩ tử chẳng ai nghe. Sĩ tử không ai nghe nên quan càng phải cố tỏ cáioai vờ nạt nộ.
C. BỘ MẶT CỦA BỌN THỰC DÂN
– Hình ảnh quan sứ và mụ đầm xuất hiện trong sự tiếp đón rất linh đình: Cờ cắm rợp trời. Cách ăn mặc của quan bà có phần diêm dúa, lòe loẹt: Váy lê quét đất mụ đầm ra. Biện pháp đảo ngữ: Cờ cắm rợp trời quan sứ đến – Váy lê quét đất mụ đầm ra cho thấy cờ trước, người sau, thấy váy trước, người sau, càng lộ rõ sự phô trương về hình thức. Quan sứ, bà đầm xuất hiện tuy có sự tiếp đón linh đình nhưng cũng không khác gì một màn trình diễn.
– Nghệ thuật đối của thơ Đường luật được vận dụng một cách triệt để, tạo nên sức mạnh đả kích dữ dội, quyết liệt, sâu cay. Tú Xương đã đem "cờ" che đầu quan sứ đối với "váy" bà đầm. Với cách đối trên, nhà thơ đã hạ nhục bọn thực dân xâm lược.
– Tất cả hình ảnh sĩ tử, quan trường, quan sứ và mụ đầm giữa trường thi đều nói lên sự thiếu tôn nghiêm và có phần lố bịch của khoa thi Đinh Dậu.
D. NỖI ĐAU XÓT, TỦI NHỤC CỦA TÁC GIẢ
– Hai câu kết có sự chuyển hướng đột ngột về giọng điệu, cảm xúc. Sáu câu trên có giọng mỉa mai, châm biếm. Đến hai câu kết, giọng điệu chủ yếu là trữ tình:
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
– Hai câu thơ là lời lay gọi, đánh thức lương tri, lương tâm. Câu hỏi phiếm chỉ Nhân tài đất Bắc nào ai đó vừa để chỉ những sĩ tử trong khoa thi Đinh Dậu – nơi tụ hội của tài trí đất Bắc – vừa mang ý nghĩa khái quát: tất cả những ai tự cho mình là "nhân tài đất Bắc". Tú Xương nhắc tất cả nhân tài đất Bắc đó, hãy ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. Trông cảnh nước nhà để nhận ra hiện trạng đất nước và nỗi nhục mất nước. Từ nước nhà đặt ở cuối bài thơ mang dư âm tha thiết, có tác dụng thức tỉnh tinh thần dân tộc.
III. KẾT BÀI
Bằng nghệ thuật trào phúng thâm thúy, ngôn ngữ miêu tả sắc cạnh, phép đối tài tình, giọng điệu mỉa mai rồi trữ tình chua xót, bài thơ Vịnh khoa thi Hương đã tái hiện một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu ở nước ta, đồng thời tác giả nói lên tâm sự của mình một cách chua chát trước cảnh tình đất nước.