24/02/2018, 19:37

Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến được thể hiện như thế nào qua bài thơ “Thu vịnh”?

Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến được thể hiện như thế nào qua bài thơ "Thu vịnh"? Giữa thi sĩ và mùa thu như có duyên nợ. Cảm thu không ai bằng thi sĩ. Trong thơ về mùa thu xưa nay, chùm thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện mối cảm thu với nhiều nét đặc sắc, đặc biệt là ...

 Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến được thể hiện như thế nào qua bài thơ "Thu vịnh"?

Giữa thi sĩ và mùa thu như có duyên nợ. Cảm thu không ai bằng thi sĩ. Trong thơ về mùa thu xưa nay, chùm thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện mối cảm thu với nhiều nét đặc sắc, đặc biệt là bài Thu vịnh.

Mối cảm thu của Nguyễn Khuyến được thể hiện như thế nào qua bài thơ trên?

Cảnh sắc mùa thu thường mang nét đẹp u hoài, mong manh với làn gió heo may, chòm mây trôi nhẹ, bầu trời trong xanh, chiều thu khói xây thành, trăng thu mờ ảo, đêm thu lành lạnh… Lòng người cảm nhận cái ngưng đọng của vạn vật vào thu mà mơ màng, hồi tưởng. Có thể là một hình ảnh của ngày xưa êm đềm, một kỉ niệm thân thiết hiện về trong tâm tưởng: khóm cúc cố viên (Thu hứng – Đỗ Phủ), khúc đàn đêm lạnh (Ti bà hành — Bạch Cư Dị), (Nguyệt cầm – Xuân Diệu). Có khi mộng đời đã lỡ, nỗi tiếc hận riêng tư làm người thao thức bâng khuâng (Cảm thu, tiễn thu – Tản Đà), làm người thổn thức (Tiếng thu – Lưu Trọng Lư).

Cảnh thu gợi tình thu. Đó chính là mối cảm thu của thi nhân.

Riêng mối cảm thu của Nguyễn Khuyến có nét độc đáo riêng. Nguyễn Khuyến là một nhà nho thi sĩ, có bản sắc thâm trầm, sống phần lớn cuộc đời ở nông thôn, gắn bó với làng quê. Do đó, mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến là một mùa thu thôn dã. Gạt bỏ những sáo ngữ giả tạo, ông đưa vào thơ những chi tiết sống thực của cảnh vật chưng quanh: nhà cỏ, song thưa, hàng giậu, ngõ trúc, làn ao, cá động chân bèo… Ngay khi toan cất bút, Nguyễn Khuyến nói tới ông Đào cũng hết sức chân thành, tự nhiên. Sự thành thật trong cảnh dẫn đến một bước thành thật, đáng giá trong tình ý. Do đó mối cảm thu của ông thật chân thành, sâu sắc, đặc biệt là qua bài "Thu vịnh".

Cảnh mở ra bằng những đường nét dịu dàng, thanh thoát:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Dưới bầu trời thu mấy từng cao trong xanh thăm thẳm là một hình ảnh đơn sơ, gần gũi: cần trúc lơ phơ trước gió nhẹ. Mặt ao êm lặng, làn nước trong biếc phủ một lớp sương như khói. Cũng khói, cũng trăng nhưng khói phủ trên mặt nước và ánh trăng mặc tình chiếu vào song cửa. Cảnh vật đơn sơ mà gợi cảm:

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Mùa thu tiếp tục hiện ra trên giậu hoa, qua tiếng hồng nhạn vang vọng lưng trời. Cảnh ngụ tình. "Hoa năm ngoái" — Nghe chừng như tiếng reo tái ngộ một hình ảnh cũ. Nhưng đọc lại, ta thấy ý thơ ngậm ngùi như luyến tiếc một thời đã qua:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

Còn tiếng "ngỗng nước nào" như gợi lại âm hưởng "lửng lơ" của tiếng cuốc đêm hè mang tâm sự nhớ nước, tiếc xuân (Cuốc kêu cảm hứng) làm nhà thơ bâng khuâng tự hỏi:

Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

Phải chẳng đây cũng là tâm trạng hụt hẫng của con người đang cảm khái vì vận mệnh của nước nhà?

Có lẽ vì thế, cuối cùng, lúc toan cất bút đề thơ, Nguyễn Khuyến cảm thấy tủi thẹn:

 Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

    Nghĩ ra lại thẹn vái ông Đào.

Khi lui về "vườn Bùi chốn củ", Nguyễn Khuyến cũng muốn làm một "ông Đào", ngày ngày vui thú điền viên. Nhưng làm sao sánh được với Đào Tiềm, không phải vì tài thơ mà vì khí tiết. Danh sĩ đời Đông Tấn ấy đã từng than rằng ba đấu lương đâu đáng để cúi gãy lưng, nên treo ấn từ quan sau một tiếng thở dài cảm khái. Còn Tam nguyên Yên Đổ là kẻ "Bạc chửa thâu canh đã chạy làng" (Tự trào), bất lực, từ quan khi toàn bộ đất nước rơi vào tay giặc, cho nên khí tiết gì đây khi tự ví với bậc cao sĩ. Hơn nữa, ngày xưa Đào Tiềm sống tự do, tự tại còn Nguyễn Khuyến giờ đây, đến thở hít không khí cũng không được tự do trong cảnh nước mất dân khổ, "Xuân về ngày loạn còn lơ láo – Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ" (Ngày xuân răn con cháu) thì thi phú phỏng có vị gì?

Cho nên, dù mùa thu có đem đến nào bầu trời xanh với làn gió hắt hiu, nào tầng khói phủ với bóng trăng thanh làm hồn thơ rung động, muốn gởi cùng chùm hoa trước giậu đôi lời tâm sự, nhưng nghĩ lại lòng mình, cảnh mình, sao cho khỏi phân vân, ấp úng. Tình ý sâu sắc chân thành ở nhãn tự "thẹn":

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Thu vịnhlà mùa thu ấp úng trong ý thơ qua từng đường nét, dáng sắc cảnh thu. Ta có thể nhận xét rằng mối cảm thu của Nguyễn Khuyến không khuôn mẫu kiểu cách như ở nhiều nhà thơ cổ điển, cũng như không náo nức rộn ràng như ở một vài nhà thơ lãng mạn sau này. Mối cảm thu của ông chân thành mà bình đạm, lắng sâu trong tình quê, với tình cảm của tuổi già. Nhưng mối cảm thu ấy dường như vấn vương một chút bảng lảng mơ màng, một chút tha thiết bâng khuâng và hơn hết là một chút dư vị buồn.

WeagmaZoorm

0 chủ đề

23911 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0