24/05/2017, 12:01

Kể chuyện về thầy cô giáo

Đề bài: Thầy cô giáo chính là người góp phần dạy dỗ em nên người, em hãy kể chuyện về thầy cô giáo, về những kỷ niệm đáng nhớ thầy trò? Có những tình cảm sẽ phai mờ theo năm tháng, nhưng cũng có những tình cảm sẽ theo ta đến suốt cuộc đời, đó là tình cảm giữa thầy và trò... Thầy cô giáo không ...

Đề bài: Thầy cô giáo chính là người góp phần dạy dỗ em nên người, em hãy kể chuyện về thầy cô giáo, về những kỷ niệm đáng nhớ thầy trò?

Có những tình cảm sẽ phai mờ theo năm tháng, nhưng cũng có những tình cảm sẽ theo ta đến suốt cuộc đời, đó là tình cảm giữa thầy và trò... Thầy cô giáo không quản ngại nhọc nhằn, gian lao, kiên trì dạy dỗ ta nên người.

Chính vì thế, ta không thể nào quên công ơn của Người, thầy cô giáo luôn cho ta những khát vọng, hoài bão... tiến đến tương lai.

Dưới đây là những bài văn kể chuyện về thầy cô giáo mà chúng tôi đã sưu tầm để các em tham khảo:

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.

kể chuyện về thầy cô giáo

- Ảnh minh họa

Tôi lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.

Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.

Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”. Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.

Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ xảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.

Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo. Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.

Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời. Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.

Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.

Nguồn:
0