Phân tích bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của tác giả Nguyễn Đình Chiểu
Phân tích bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của tác giả Nguyễn Đình Chiểu Bài làm Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học của dân tộc. Ông không chỉ có tài văn thơ xuất chúng mà còn có tư cách của một sĩ phu yêu nước. Khúc ...
Phân tích bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của tác giả Nguyễn Đình Chiểu
Bài làm
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học của dân tộc. Ông không chỉ có tài văn thơ xuất chúng mà còn có tư cách của một sĩ phu yêu nước. Khúc ca hùng tráng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của ông đã tạo nên một cơn sóng ngầm mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào chống Pháp. Bài văn tế đã khắc họa thành công chân dung người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc quật khởi, ngoan cường và nồng nàn tình yêu nước.
Trước hết, có thể thấy bài văn tế chính là tiếng khóc cao cả, khóc cho đất nước và nhân dân đang trong cảnh loạn lạc, khóc cho những linh của người anh hùng nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hi sinh cho sự bình yên đất nước. Tiếng khóc tuy bi thương nhưng không hề bi lụy, tiếng khóc ấy đã hòa vào trong núi sông Việt Nam, trở thành một khúc ca bi tráng và hào hùng về truyền thống đánh giặc của dân tộc ta.
“Hỡi ơi!
Súng giặc đất rền,
Lòng dân trời tỏ.”
Hiện lên trước mắt ta là những tội ác của thực dân Pháp, đến đất đai cũng có linh hồn và đang phải “rền” lên vì đau đớn, và căm hờn trước sự bạo tàn của bọn thực dân. “Trời tỏ” là khẳng định sự chính nghĩa và chú ý đến tấm lòng của người nông dân một cách sâu sắc về sự hi sinh của họ. Tiếp theo, ta bắt gặp hình tượng người nông dân hay chính là những người nghĩa sĩ Cần Giuộc. Họ hiện lên một cách sinh động, cơ cực, lầm than và bản chất bình dị vốn có muôn đời nay của họ. Những người nông dân quanh năm lam lũ, một nắng hai sương với ruộng đồng, cui cút làm ăn, đối với họ dù có phải nghèo khổ thì vẫn yên vui trong những lũy tre làng mộc mạc, họ chưa bao giờ có khái niệm “trường nhung”, “cung ngựa”.
Thế nhưng lạ thay, khi thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta, họ bỗng trở nên phi thường, người dân Nam Bộ kinh tởm cái mùi bẩn thỉu, đáng ghét của bọn cướp nước đã vẩy vẩn suốt ba năm qua. “Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, người nông dân đánh giặc chỉ bằng những vũ khí thô sơ, và xuất phát từ chính nếp nghĩ bình dị, ghét thói mọi giống như nhà nông thấy cỏ trên đồng lúa thì phải nhổ đi, để còn kiếm miếng cơm, manh áo. Bởi vậy mà họ đánh giặc với tâm lí hoàn toàn tự nguyện, với một quyết tâm sống mái với kẻ thù.
Họ đánh giặc mà không màng đến công danh với núi sông, chỉ vì “mến nghĩa”, họ là những con người bé nhỏ nhưng lại vô cùng vĩ đại. Những người nghĩa sĩ Cần Giuộc rất mộc mạc, “mười tám ban võ nghệ” chưa thông, vũ khí “gươm đeo dùng một ngọn dao phay” nhưng lại dám đương đầu và chiến đấu với giặc có vũ khí tối tân, hiện đại. Họ chẳng ngần ngại, người nông dân Cần Giuộc đã từng làm cho “mả tà, mả ái hồn kinh” và “chém rớt đầu quan hai họ”. Thật dũng cảm và anh hùng, lướt qua những loạt khói đạn như một cơn cuồng phong đầy thịnh nộ trước quân thù.
“Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm sau, người chém ngược, làm cho mả tà, mả ní hồn kinh.”
Đoạn thơ với rất nhiều động từ dồn dập, liên tiếp và dứt khoát, mô tả những thao tác của nghĩa quân đã chiến đấu với một khí thế hào hùng, sôi nổi và quả cảm, tung hoành giữa chiến trường một cách hào hùng và oanh liệt.
Âm điệu hồn thơ bỗng dưng lắng xuống, hoang lạnh và điêu linh. Những người anh hùng nghĩa sĩ Cần Giuộc đã ngã xuống với tư thế của dũng sĩ, của những người anh hùng mang tầm vóc lịch sử, trở thành những con người bất tử. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ khóc riêng cho họ mà còn khóc cho gia đình của họ:
“Đau đớn mấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.
Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế vật vờ trước ngõ.”
Nguyễn Đình Chiểu đã thay mặt lịch sử mà cất tiếng khóc cho những anh hùng thất thế. Khi họ nằm xuống, cả non sông đát nước cũng nhuốm màu u buồn, tất cả đều cảm thương đau đớn. Những người lính nghĩa sĩ Cần Giuộc là tấm gương sáng đến muôn đời sau vẫn sáng ngời.
Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có âm hưởng vang mãi nghìn đời, bởi nó mang giá trị đích thực của cuộc sống, của đức hi sinh và lòng yêu nước bình dị, trong sáng. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa đầy tính hiện thực và nhân văn, có đóng góp lớn trong nền văn học yêu nước của Việt Nam.