24/05/2017, 13:06

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng văn 12

Phan tich bai tho Tay tien cua Quang Dung – Đề bài: Tây tiến là một bản hùng ca bi tráng trong nền văn học Việt Nam. Em hãy viết bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để thấy được điều đó. Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, “Tây ...

Phan tich bai tho Tay tien cua Quang Dung – Đề bài: Tây tiến là một bản hùng ca bi tráng trong nền văn học Việt Nam. Em hãy viết bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để thấy được điều đó. Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, “Tây Tiến” là một hồi tưởng rất đẹp, những kỉ niệm đầy sống động về bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây bắc và về người chiến sĩ Tây Tiến. Lúc đầu bài thơ có nhan đề là “Nhớ ...

– Đề bài: Tây tiến là một bản hùng ca bi tráng trong nền văn học Việt Nam. Em hãy viết bài văn để thấy được điều đó.

Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, “Tây Tiến” là một hồi tưởng rất đẹp, những kỉ niệm đầy sống động về bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây bắc và về người chiến sĩ Tây Tiến. Lúc đầu bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”, trong lần in thứ hai tác giả đã bỏ đi chữ “nhớ” có phải tác giả sợ thừa không? Hay còn có lí do nào khác là sợ hẹp nghĩa. “Nhớ Tây Tiến” là xoáy vào cái tâm trạng, nỗi niềm riêng của cá nhân, còn “Tây Tiến” khái quát hơn, nó muốn thâu tóm cả đất trời Tây Tiến, cả một thời oanh liệt của Tây Tiến.

Mở đầu bài thơ là 14 dòng thơ đầu khắc họa bức tranh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ gắn liền với những kỉ niệm hành quân chiến đấu của đơn vị Tây Tiến, 8 câu thơ tiếp theo tô đậm tâm hồn hào hoa lãng mạn của đoàn quân Tây Tiến qua hai kỉ niệm đó là đêm hội đuốc hoa và buổi chiều hành quân trên sông nước vùng đất Châu Mộc, 8 câu thơ tiếp theo là bức chân dung bi tráng vẽ trực tiếp về tập thể đơn vị Tây Tiến, 4 câu thơ cuối như một sự hoài niệm về chặng đường của những người chiến sĩ Tây Tiến tình nguyện hi sinh thân mình vì đất nước.

phan tich bai tho tay tien cua quang dung

Trong phần đầu tiên đó là 14 dòng thơ đầu đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, bí hiểm mà thơ mộng trữ tình.

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Trong bức tranh ấy, cả những chi tiết nhỏ nhất cũng thắm đượm, bao bọc chan hòa bởi một nỗi nhớ dằng dặc và da diết:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi với”

Hai câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau, không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Tuy nhiên chỉ có độc giả mới nhận ra điều đó, còn với tác giả khi ông nói “xa rồi” là khi những hình ảnh của một quá khứ chưa xa đang ùa tới, nhấc bổng ông khỏi mảnh đất thực tại, để hồn thơ lơ lửng, “chơi vơi trong cõi nhớ”. Nỗi nhớ ấy như được giăng mắc một màn sương rất khó định hình, rất khó gọi tên, nỗi nhớ ấy dâng trào không kìm nén nổi đã khiến nhà thơ cất lên thành tiếng gọi “Tây Tiến ơi”. Điệp từ “nhớ” kết hợp với những âm “ơi”, “chơi vơi” tạo nên âm hưởng ngân mãi trong lòng người đọc , vọng mãi vào thời gian năm tháng, tô đậm các cung bậc cảm xúc. Trong tâm trí nhà thơ, các ấn tượng hãy còn nóng hổi, ta thấy các địa danh được hiện lên, tất cả như vẫn còn rành rành trong tâm trí:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Có thể nói nét độc đáo trong thơ Quang Dũng là đã hiện thực thì hiện thực đến khắc nghiệt mà đã lãng mạn thì lãng mạn đến mộng mơ. Bút pháp này được thể hiện rõ khi miêu tả thiên nhiên Tây Bắc. Thiên nhiên ấy vẫn thường thử thách các chiến sĩ, đôi khi muốn vùi lấp những sinh mạng bé bỏng trong khoảnh khắc của thung lũng sương mù. Nhưng cũng chính khung cảnh này, khiến tâm hồn các chiến sĩ Tây Tiến có dịp bay bổng, nếu “sương lấp” lạnh lùng, nặng nề đe dọa bao nhiêu thì “hoa về” lại nhẹ nhõm, tươi tắn, ấm áp bấy nhiêu. Khung cảnh núi rừng mà đoàn quân Tây Tiến bước chân qua vừa thơ mộng, nhưng cũng thật hùng vĩ, được gợi nên với những đèo dốc núi non hiểm trở:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Bốn câu thơ mang vẻ đẹp của thể thơ tứ tuyệt, một bức tranh thiên nhiên hoành tráng có núi, dốc, vực…hiểm trở, dữ dội nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Các từ ngữ như “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” “heo hút”…đều là những từ ngữ giàu tính tạo hình được tác giả huy động để diễn tả thật chính xác cảnh núi rừng hoang sơ, hiểm trở. Quang Dũng không viết “súng chạm trời” mà viết “súng ngửi trời” cách viết này thể hiện được chất hóm  hỉnh, nghịch ngợm của người lính. Hơn thế nữa khi miêu tả độ cao tác giả lại dùng từ chỉ độ sâu: “heo hút cồn mây súng ngửi trời” và có những câu thơ như bẻ gãy làm đôi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” khiến ta liên tưởng đến những vách núi dựng đứng như hình gấp khúc. Có thể nói thơ Quang Dũng đậm chất nhạc, sau khi miêu tả sự khó khăn, hiểm trở của rừng núi Tây Bắc với những từ toàn thanh trắc như “khúc khuỷu”, “thẳm”, “hút”… thì ngay sau đó là một câu toàn thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” gợi vẻ êm đềm của không gian và trạng thái bình yên thanh thản của tâm hồn. Không chỉ có vậy, thiên nhiên Tây Bắc còn mang vẻ dữ dội, bí hiểm hoang sơ được thể hiện trong câu thơ:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Rừng núi với thác sâu, cọp dữ luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với người lính Tây Tiến, những phép tu từ nhân hóa thác biết gầm thét, “cọp trêu người” càng tô đậm thêm ấn tượng về sự hoang vu, dữ dội. Chính vì sự nguy hiểm đó nên có nhiều chiến sĩ đã không còn đủ sức theo kịp đồng đội, họ đã nằm lại nơi chân đèo, góc núi hoang vu, lãnh lẽo: “Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Phép tu từ nói giảm, nói tránh “bỏ quên đời” vừa giảm đi sự đau thương, vừa thể hiện khẩu khí rất anh hùng, lãng mạn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. 14 dòng thơ đầu được mở đầu bằng tiếng gọi da diết “Tây Tiến ơi” thì khi kết thúc tiếng gọi ấy lại lặp lại “Nhớ ôi Tây Tiến”:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Hai câu thơ thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết, mặn nồng. Sau những ngày hành quân vất vả các chiến sĩ đã được nhận những tình cảm yêu thương, quý mến và những bát cơm xôi nếp ngày mùa nóng hổi từ những người con gái dân tộc duyên dáng, xinh đẹp.

8 dòng thơ tiếp theo là nỗi nhơ bang khuâng da diết về đêm hội đuốc hoa nơi núi rừng Tây Bắc, một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống của bộ đội ta trong kháng chiến:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Kỉ niệm về đêm hội hiện về thật sống động náo nức trong nỗi nhớ nhà thơ, doanh trại nơi đóng quân không hề tăm tối mà lại ngập tràn ánh sáng, một chữ “bừng” diễn tả ánh sáng đột ngột phá tan màn đêm tăm tối, chữ “bừng” ấy còn là sự bừng lên của tiếng nhạc và điệu khèn và của xiêm áo lộng lẫy.

Đêm liên hoan văn nghệ đoàn quân Tây Tiến từng bừng, nhộn nhịp như đêm hội bởi ánh sáng ngập tràn, bởi điệu nhạc rạo rực, ngất ngây và bởi vẻ đẹp của những cô gái dân tộc với xiêm áo lộng lẫy, dáng điệu e thẹn tình tứ đưa hồn người lính trẻ về tận Viên Chăn – thủ đô nước bạn Lào. Nếu ở bốn dòng thơ trên kỉ niệm tươi mới khiến lòng người xao động bồi hồi thì ở bốn dòng thơ sau lại như dìu dắt hồn người bang khuâng man mác về một chiều sương cao nguyên quyến rũ:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Không gian buổi chiều như giăng mắc một màn sương, buổi chiều sương ấy là một buổi chiều sương nơi cao nguyên Châu Mộc. Câu hỏi tu từ liên tiếp “có nhớ” rồi “có thấy” như xoáy sâu thêm cảm xúc bồi hồi, thương nhớ, nhớ về cảnh “hồn lau”, “hoa đong đưa” trên dòng nước lũ. Còn “dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng nét nhẹ nhàng, duyên dáng uyển chuyển, tài hoa hòa lẫn sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của người chèo thuyền và chiếc thuyền chở bộ đội qua sông rất lạ đó là thuyền “độc mộc”, tất cả đã làm nên vẻ đẹp kì diệu lạ lùng rồi nhưng nếu hiểu từ hoa trong câu thơ này là người con gái thì những cô gái chèo thuyền tài hoa kia mãi mãi làm trái tim người chiến sĩ trẻ rung động, say mê, có khi thuyền qua sông rồi mà những đôi mắt đa tình vẫn còn ngoảnh lại ngắm mãi không thôi. Chỉ qua 8 câu thơ mà Quang Dũng đã cởi mở toàn bộ trái tim, tâm hồn lãng mạn thơ mộng, lạc quan của đoàn quân Tây Tiến đã lên đến đỉnh điểm, trên chiến trường đầy gian khổ hiểm nguy nhưng họ vẫn yêu đời, vượt qua mọi gian khổ để không gục ngã và hướng tới ngày độc lập, tự do.

8 câu thơ tiếp theo đã làm hiện lên rõ ràng cụ thể, sắc nét từ ngoại hình đến nội tâm của cả đơn vị Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh gian khổ với nhiều mất mát hy sinh nhưng ở họ vẫn toát lên phong thái cốt cách anh hùng, một vẻ đẹp vừa hào hùng hào hoa và cũng vừa bi tráng.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc   
Quan xanh màu lá dữ oai hùm”

Hai câu thơ có âm hưởng mạnh mẽ nhờ cách sử dụng từ ngữ tài hoa, dùng “đoàn binh” có âm vang hơn “đoàn quân’, đồng thời gợi ra hình ảnh đoàn binh luôn cầm chắc vũ khí trong tay với tư thế sẵn sang chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hai câu thơ đó chính là cái gân guốc bắt nguồn từ hiện thực khắc nghiệt. “Không mọc tóc” chính là hậu quả của những cơn sốt rét rừng, quân xanh màu lá cũng là một thực tế hiển nhiên, ở đây có thể hiểu là xanh màu áo, xanh màu lá ngụy trang hay là xanh làn da vì thiếu máu. Hiện thưc được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng trở thành cách nói mang khẩu khí ngang tang, cứng cỏi, không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc được vì sốt rét. Cách nói chủ động làm cho người lính Tây Tiến đì từ cái dữ dội của rừng thiêng mà ra xuất quỷ nhập thần trong mỗi nhiệm vụ. Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm “dữ oai hùm” là khí phách của đoàn quân ấy, có tác dụng cực tả thần thái tư thế oai phong, dữ tợn của đoàn quân ấy khi đánh giặc. Những hình ảnh rất thực, giọng điệu lãng mạn của Quang Dũng như mang nghĩa tượng trưng rất khí phách. Khó khăn gian khổ là thế nhưng các chiến sĩ Tây Tiến vẫn không nguôi vơi đi nỗi nhớ, những tình cảm lãng mạn:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Những người lính Tây Tiến gân guốc, cứng rắn mạnh mẽ lại là những chàng trai hào hoa, phong nhã đầy mộng mơ. “mộng” và “mơ” của người lính được được gửi về hai phương trời: biên cương – nơi còn đầy bóng giặc với mộng giết giặc lập công và Hà Nội nơi quê hương yêu dấu – mơ những dáng hình thân yêu. ‘dáng kiều thơm’ ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức. Nỗi nhớ của người lính Tây Tiến về dáng kiều thơm, thanh lịch, duyên dáng của thiếu nữ Hà Nội mang một vè hào hoa, lịch lãm vốn có của những trí thức đất nước Hà Thành. Lý tưởng, khát vọng của người lính Tây Tiến được thể hiện ở tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, sự hy sinh cao cả để bảo vệ Tổ quốc:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Sau những câu thơ rắn rỏi đẹp đẽ thì đến đây âm điệu của câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm, còn gì thiêng liêng, cao cả hơn sự hi sinh chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi mộ viễn xá của những người chết xa quê. Nhưng các chiến sĩ vẫn bình thản bởi vì họ sẵn sang chấp nhận điều đó. Một trong những lý do thôi thúc họ lên đường là hình ảnh của những người anh hùng mà họ tiếp nhận được trong văn chương. Vượt lên trên tất cả là khát vọng được ra đi được dâng hiến và xả thân cho đất nước. Hai câu thơ tiếp vẫn mang âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp – cái chết bất tử của người lính Tây Tiến:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

“Áo bào thay chiếu” là cách nói sang trọng hóa sự hi sinh của họ. Trong thực tế các chiến sĩ hi sinh thậm chí không có nổi một manh chiếu nhưng khi đi vào “Tây Tiến” cái đẹp để lại là cái đẹp trong tâm tưởng. “Về đất” là cách nói giảm nói tránh về sự mất mát đau thương. Đâu đây vẫn còn những giọt nước mắt đọng lại sau những hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm sâu xa. “Anh về đất” là hóa thân cho dáng hình xứ sở sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Sự hi sinh của những con người ấy lớn lao thầm lặng ly động cả đất trời khiến cho dòng sông Mã phải gầm lên khúc đôc hành. Tiếng gầm ấy như một lời vĩnh biệt những người con yêu của đất nước.

Bốn câu thơ cuối đã khép lại bài thơ nhưng hình ảnh về những người lính Tây Tiến – những người đã dùng máu của mình nhuộm thắm thêm lá cờ của Tổ quốc vẫn còn đó và sống mãi trong lòng người đọc:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Bài thơ là một dòng chảy dài da diết cháy bỏng của Quang Dũng nhớ về đồng đội thân yêu. Với âm hưởng thơ hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn với hình ảnh thơ phong phú sinh động, Quang Dũng đã không chỉ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hoang sơ, hiểm trở lại vừa thơ mộng trữ tình mà ông còn chạm khắc vào lịch sử bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, bi tráng. Chính vì vậy mà bài thơ mãi mãi là một hoài niệm không thể quên trong lòng người đọc bây giờ và mãi mãi về sau.

Theo: Ngọ Thị Quỳnh

0