24/05/2017, 13:06

Phân tích và nêu cảm nghĩ bài Người trong bao của Sê-khốp

Phan tich tac pham Nguoi trong bao cua Se Khop – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài “Người trong bao” của Sê-khốp. A.P Sê-khốp (1860-1904) là nhà văn hiện thực vĩ đại không chỉ của Nga, của châu Âu mà còn của cả thế giới với khối tác phẩm đồ ...

Phan tich tac pham Nguoi trong bao cua Se Khop – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài “Người trong bao” của Sê-khốp. A.P Sê-khốp (1860-1904) là nhà văn hiện thực vĩ đại không chỉ của Nga, của châu Âu mà còn của cả thế giới với khối tác phẩm đồ sộ, đặc biệt là truyện ngắn. Trong vòng 24 năm lao động cần mẫn, Sê-khốp để lại cho nhân loại khoảng 500 tác phẩm truyện ngắn. Các tác phẩm truyện ngắn của Sê-khốp lột tả ...

– Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài “Người trong bao” của Sê-khốp.

A.P Sê-khốp (1860-1904) là nhà văn hiện thực vĩ đại không chỉ của Nga, của châu Âu mà còn của cả thế giới với khối tác phẩm đồ sộ, đặc biệt là truyện ngắn. Trong vòng 24 năm lao động cần mẫn, Sê-khốp để lại cho nhân loại khoảng 500 tác phẩm truyện ngắn. Các tác phẩm truyện ngắn của Sê-khốp  lột tả cuộc sống, tư tưởng tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân Nga “trong buổi hoàng hôn” cuối những năm 70 của thể kỉ XIX mà chủ yếu là những những cuộc sống ti tiện, nhàm chán và nhỏ nhen với những thói hư, tật xấu của con người Nga đang u mê, lạc lối.Từ những câu chuyện tủn mủn, những tiểu tiết nhỏ nhặt ấy Sê-khốp đã khái quát hóa những mảnh đời thành một thế giới thu nhỏ với đầy đủ những thối nát trong xã hội_con đẻ của chế độ Nga hoàng bấy giờ. Trên hết đó là tư tưởng nhân văn, lòng nhân đạo sâu sắc với khát khao giải “chắt lọc loại bỏ từng giọt nô lệ ra khỏi con người”, thức tỉnh ý thức con người về sự vô nghĩa của cuộc sống hiện tại, đồng thời khát vọng hướng tới tương lai.  “Người trong bao” là một trong những tác phẩm như vậy: phê phán lối sống bảo thủ, thu mình trong bao, sợ sệt, yên phận, không chịu thức tỉnh, không dám xé vỏ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX và thức tỉnh mọi người “Không thể sống như thế mãi được”.

nguoi trong bao cua se khop

 Nhân vật chính của truyện là Bê-li-cốp, một thầy giáo dạy tiếng Hi Lạp.  Chân dung của Bê-li-cốp, qua góc nhìn của người kể chuyện Bu-rơ-kin, là bức chân dung dị thường. Con người này lúc nào cũng vậy, luôn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, luôn kéo mui khi ngồi xe ngựa, khi ngủ thì kéo chăn trùm đầu kín mít…  Cái bộ dạng này dường như ngay lập tức khiến độc giả cảm thấy hài hước bởi sự phi lí quá đáng đến ngạt thở này. Dưởng như cả bộ mặt của hắn “cũng để ở trong bao”.  Cả ý nghĩ của mình, Bê-li-cốp cũng cố giấu vào bao. Hắn không nói những điều mình nghĩ, hắn nói theo thông tư, chỉ thị, những lời nói rao giảng, giáo điều. Sự khô khan cứng nhắc của Bê-li-cốp được tái hiện trong từng lời kể tỉ mỉ của Bu-rơ-kin như một thước phim quay chậm chạp, dần dần để lộ từng chút từng chút một cái bao cùng hội chứng chạy trốn, chui tọt vào bao trong mọi trường hợp của hắn.  Để trốn tránh thực tại, Bê-li-cốp lúc nào cũng ngợi ca, tôn sùng quá khứ, muốn trở về những cái không có thật. Sẽ là tuyệt biết bao nếu xã hội có những người hướng tới chân-thiện-mĩ hoặc khiêm tốn, cư xử chừng mực, vì mọi người…nhưng Bê-li-cốp không phải kiểu người tốt đẹp ấy. Hắn chỉ biết đến bản thân, một lối sống ích kỉ; không chỉ có vậy, hắn áp đặt mọi người, mọi chuyện xung quanh mình theo suy nghĩ cực đoan, thiển cận của hắn khiến cho mọi người cũng phát sợ theo: “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách…”

Nỗi sợ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bế quan tỏa cảng” toàn bản thân của Bê-li-cốp. Nỗi sợ luôn tồn tại trong hắn một cách vô thức, nó vô hình nhưng luôn ẩn hiện trong hai con mắt hắn khiến cho mọi vật xung quanh đều gây cho hắn một nỗi bất an khôn lường. Thảm họa ở chỗ, chính vì sự hoảng loạn thái quá của bản thân, Bê-li-cốp đã tự khóa mình trong cái bao mà hắn đã tự tạo, không phải giam lỏng mà là tự thân khóa trái cánh cửa cuộc đời tươi đẹp để rồi chui vào và hít hà cái ngột ngạt trong bao. Nỗi sợ kia, nỗi hoang mang vô độ kia của Bê-li-cốp phải chăng cũng chính là nỗi sợ của một bộ phận không nhỏ người dân đương thời? Sợ phải chuyển mình, sợ phải làm mới mình, sợ phải đấu tranh thay đổi,  chấp nhận tồn tại trong một xã hội u tối, què quặt về mọi mặt… Thật thú vị là hai nhà văn hiện thực vĩ đại của nhân loại là Lỗ Tấn và Sê-khốp lại có nhiều điểm tương đồng đến như vậy. Lỗ Tấn và Sê-khốp cùng sống trong thời đại lịch sử mà xã hội trượt dốc không phanh, người dân sống mà không tự suy nghĩ hay hướng đến tương lai, những mảnh đời nheo nhóc cứ tuần tự tiếp diễn… Cả hai ông đều từ bỏ nghề y để chuyển sang chữa bệnh cho nhân dân của mình bằng thứ thuốc thanh lọc tâm hồn, thức tỉnh họ khỏi những u mê , ung nhọt bấy lâu.

Trở lại với Bê-li-cốp, chúng ta có chút thương cảm đối với hắn. Lẽ ra hắn cũng có thể lấy vợ, cô Va-ren-ca, chị gái của đồng nghiệp. Nhưng  Sê-khốp không ru ngủ độc giả bằng kết thúc lãng mạn nên thơ. Việc gì đến rồi cũng sẽ phải đến, làm sao một người cứng nhắc, khô khốc đến đáng sợ như Bê-li-cốp có thể chấp nhận việc hai chị em Va-ren-ca và Cô-va-len-cô vô tư đạp xe mà cười nói trên phố như vậy được bởi việc đi xe đạp là “hoàn toàn không phù hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên” Đối với Bê-li-cốp mà nói thì hành động ấy là quá thể đáng, là  không thể chấp nhận được. Các chị, các bà phụ nữ cười nói vô tư như vậy là làm loạn xã hội, hủy hoại xã hội?!? Tình tiết đối thoại giữa Bê-li-cốp và Cô-va-len-cô càng làm bộc lộ rõ sự trong bao của Bê-li-cốp, sự bảo thủ của hắn khiến người đọc cảm thấy hả hê khi hắn bị Cô-va-len-cô đẩy ngã. Thương hắn nhưng trách hắn nhiều hơn. Khi bị ngã nhào mà hắn không hề quan tâm mình có bị thương không mà chỉ chăm chăm vào việc sợ bị người khác nhìn thấy, sợ làm trò cười cho thiên hạ. Tiếng cười của Va-ren-ca là một chi tiết rất đắt. Có người đã khẳng định chính tiếng cười vang ấy của cô là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Bê-li-cốp sau này. Song dù là vì lí do gì thì dường như, cái chết đối với Bê-li-cốp lại là sự giải thoát hoàn hảo nhất cho chính hắn và mọi người. Hắn được chui vào yên ngủ mãi mãi trong cái bao hoàn hảo, tuyệt vời nhất với hắn; không còn phải thấp thỏm  “nhỡ có chuyện gì thì sao” khi ngủ trong phong hộp như trước nữa.

Tuy vậy, sự chấm dứt cuộc đời của một kẻ quái thái trong xã hội vẫn không thể diệt tận gốc mọi mầm mống của ung nhọt như Bê-li-cốp được. Một kẻ dị thường đã ra đi nhưng trong xã hội vẫn tồn tại bao nhiêu cái bao nữa, vẫn còn bao nhiêu kẻ sống mà như chết rồi nữa? Câu hỏi được người kể chuyện bỏ ngỏ càng làm tăng thêm sự ám ảnh về một tương lai mù mịt của những sự đời ảm đạm, nhỏ nhặt, tầm thường. Trong truyện, Sê-khốp đã sử dụng mười hai lần từ chỉ cái bao để miêu tả nhân vật chính. Chi tiết cái bao là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc và sáng tạo với tầng lớp biểu ý sâu sắc mang nhiều giá trị xã hội.

Ý nghĩa “Người trong bao” không chỉ dừng lại ở nước Nga, xã hội dưới chế độ Nga hoàng mà còn vươn xa hơn thế. Nó mang tầm vóc thời đại lịch sử, phản ánh, phê phán, thức tỉnh con người và cả xã hội sống có ý nghĩa hơn, hướng về tương lai phía trước. Ngoài những triết lí sống sâu sắc được thể hiện trong truyện, phải kể tới lối viết châm biếm nhẹ nhàng cùng chút hóm hỉnh gây cười, đặc biệt là hình tượng nhân vật Bê-li-cốp cùng cái bao người ám ảnh đã góp phần để tác phẩm trở nên bất hủ. Đó là bài học về cách sống, còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay với một số bộ phận thanh niên nước ta, hãy  đừng thờ ơ, vô cảm, và thụ động, thu mình như người trong bao để rồi cuộc đời bị bóp nghẹt trong cái bao của chính mình.

Theo: Ngọ Thị Quỳnh

0