Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu dẻo ngon
Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu cũng là một bước quan trọng ảnh hưởng nhiều đến độ ngon của bánh. Chúng ta đều biết có rất nhiều loại nhân bánh trung thu, trong đó nhân đậu xanh được xem là cơ bản và phổ biến nhất. Vậy làm sao để có nhân đậu xanh thật ngon cho bánh trung thu mà không bị khô ...
Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu cũng là một bước quan trọng ảnh hưởng nhiều đến độ ngon của bánh. Chúng ta đều biết có rất nhiều loại nhân bánh trung thu, trong đó nhân đậu xanh được xem là cơ bản và phổ biến nhất. Vậy làm sao để có nhân đậu xanh thật ngon cho bánh trung thu mà không bị khô hoặc không đảm bảo độ dẻo, cũng như độ dính khi kết hợp với vỏ bánh? Mời bạn cùng Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn cùng áp dụng cách làm như dưới đây nhé.
Xem Video "Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu"
1. Nguyên liệu
Nguyên liệu cho thành phẩm khoảng 700g nhân đậu xanh.
- 300g đậu xanh cà vỏ
- 150g đường cát trắng
- 120g dầu ăn
- 1 thìa canh mạch nha
- 45g bột bánh dẻo hoặc 1 thìa canh bột mì
- 1/6 thìa cà phê muối
2. Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu
Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu không quá khó nhưng đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn, để đảm bảo nhân được ngon không chảy không bị khô cứng và bảo quản được lâu, cũng chư có độ mịn nhuyễn vừa ý. Với nhân đậu xanh cho các loại bánh nói chung, bánh trung thu kể cả bánh trung thu truyền thống hay hiện đại nói riêng, cũng có nhiều cách làm khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này, sẽ giới thiệu đến bạn cách sên nhân sao cho nhân đạt độ dẻo ngon, để được lâu, không bị khô và có độ mịn nhuyễn vừa phải không quá tinh nhuyễn như bột.
Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu dẻo ngon cụ thể theo các bước dưới đây:
Bước 1: Ngâm đậu xanh
Bạn kiểm tra và nhặt sạch những hạt đậu xanh hư, sau đó rửa sạch và ngâm với muối cùng nước. Liên quan đến cách ngâm đậu xanh, bạn có thể:
- Ngâm với nước lạnh: để qua đêm hoặc ngâm 8 tiếng.
- Ngâm với nước ấm hoặc nước nóng: ngâm 4 tiếng.
- Ngâm với nước sôi: ngâm 2 tiếng.
Ngâm đậu xanh là bước bạn không nên bỏ qua, để đảm bảo việc nấu nhân chín đều và nhanh không làm bạn mất nhiều thời gian lúc nấu. Tùy vào thời gian bạn sắp xếp, có thể rút ngắn thời gian ngâm bằng cách dùng nước nóng hoặc nước sôi.
Bước 2: Nấu nhân
- Đậu xanh sau khi ngâm bạn có thể rưới qua 1 lần nước lạnh cho sạch, rồi để ráo nước.
- Cho đậu xanh vào nồi nấu chín nhừ. Bạn đổ nước gấp rưỡi đậu và trong quá trình nấu luôn giữ mực nước ngập đậu. Lượng nước cần để nấu nhừ nhuyễn lượng đậu xanh này khoảng 1,5-1,7 lít.
- Thời gian nấu nhân khoảng 30-45 phút, bạn luôn thường xuyên vớt bọt và khuấy đều để đậu xanh không bị khê, cũng như nhanh nát hơn.
Bước 3: Rây nhân
Sau khi đã nhừ nhuyễn, bạn bắc nồi đậu xanh xuống khỏi bếp và rây nhuyễn. Bạn cũng có thể dùng máy xay sinh tố để xay. Tuy nhiên bạn lưu ý, nếu dùng rây, nhân của bạn nhuyễn mịn nhưng không quá bột. Còn dùng máy xay sinh tố, thường nhân nhuyễn mịn nhưng độ bột nhiều hơn. Và thông thường, nếu là những người lớn tuổi, sẽ thích nhân nhuyễn mịn vừa, và không thích nhân quá bột. Do đó, tùy vào sở thích khẩu vị gia đình, mà bạn chọn cách rây hay xay bằng máy xay sinh tố nhé.
Bước 4: Sên nhân
- Nhân khi được rây xong đã có độ nhuyễn rất tốt. Bạn đổ nhân này vào chảo không dính và bắt đầu quá trình sên nhân.
- Ở vài phút đầu, bạn có thể để lửa to hoặc vừa để nhân mau rút nước. Tuy nhiên, bạn lưu ý khuấy liên tục để nhân không bị khê và nên cẩn thận vì nhân còn nhiều nước khi sôi sẽ bắn ra ngoài.
- Bạn có thể dùng chảo lớn hoặc lót giấy xung quanh bếp, để tránh việc đậu xanh bắn ra ngoài làm bẩn bếp nhé.
- Khi nhân đã sôi, bạn nên giảm lửa vừa dần xuống lửa nhỏ. Lúc nhân rút bớt nước thì bạn cho đường rồi khuấy đều cho đường tan.
- Đường tan hết, bạn cho 1/4 lượng dầu ăn, đảo đều.
- Nhân khô, bạn tiếp tục cho dầu từng ít một, đảo đều đến khi khô. Tiếp tục lặp lại thao tác này cho đến khi gần hết dầu ăn.
- Bạn cho mạch nha vào phần dầu ăn cuối cùng, đảo đều và cho vào nhân, lúc này, nhân đã rất nặng tay, bạn cần sên nhân thêm 5-7 phút nữa.
- Nếu bạn dùng bột mì, ngay lúc này hãy trộn bột mì với một chút nước, tạo độ sệt, đổ vào nhân và đảo đều. Tiếp tục sên thêm 5-7 phút cho nhân khô vừa.
- Trường hợp bạn dùng bột bánh dẻo, sau khi sên thêm được 5-7 phút kể từ thời điểm cho dầu và mạch nha lần cuối, bạn múc từng thìa bột bánh dẻo rây vào chảo bột, đảo đều. Bạn lưu ý cho từng thìa bột, để có thể kiểm soát độ dẻo của nhân.
- Sau khi cho 1-2 thìa canh bột bánh dẻo, bạn có thể giảm lửa nhỏ nhất hoặc tắt bếp, thử nhân đã được chưa.
Để thử nhân đậu xanh , bạn có hãy vo viên, nếu viên nhân dẻo, đứng được trên mặt phẳng của đĩa hay mâm mà không bị chảy ra, là nhân đã được.
Bạn cũng cần kiểm tra độ dẻo của nhân bằng cách dẹt mỏng nhân, nếu nhân vẫn giữ nguyên khối lúc bị dẹt mỏng và không tơi rời ra là được. Trường hợp nhân bị rời, hơi khô, bạn cần cho thêm một chút nước ấm và bỏ lên bếp tiếp tục sên, cho đến khi nhân đạt độ dẻo vừa không khô không nhão.
Nhân khi sên xong nết đạt là nhân có độ mịn nhuyễn vừa, dẻo vừa không nhão không khô, khi vo viên sẽ có độ bóng ẩm ở lớp ngoài cùng. Khi để qua đêm, nhân ráo không chảy nước và vẫn có độ dẻo ngon không bị rời rạc.
Bước 5: Bảo quản nhân
Nhân sau khi sên cần để nguội hẳn trước khi làm bánh trung thu hoặc bảo quản. Để bảo quản nhân, bạn nên cho vào hộp nhựa an toàn hoặc hộp thủy tinh, hay túi nhựa zip an toàn và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nhân đạt có thể để được cả tuần vẫn giữ độ ngon dẻo như ý.
Cách làm nhân đậu xanh bánh trung thu thực không khó, nhưng đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn, nhất là trong quá trình sên nhân. Quá trình sên nhân luôn cần được đảm bảo độ lửa nhỏ, nhằm tránh việc nhân bị khê, cũng như bạn sẽ dễ kiểm soát hơn độ ướt hay khô hoặc dẻo của nhân. Và với cách làm vừa được chia sẻ như trên, chắc chắn bạn sẽ có những mẻ nhân đậu xanh ngon dẻo đúng chuẩn cho bánh trung thu của mình trong ngày trung thu cận kề.
Cát Lâm