03/12/2018, 23:01

Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh hay nhất

Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh Bài làm: Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét rằng: “thơ Bác đầy trăng”. Có lẽ sẽ không khó để ta bắt gặp những vầng thơ trăng trong thơ của vị vĩ nhân lỗi ...

Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh

Bài làm:

       Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét rằng: “thơ Bác đầy trăng”. Có lẽ sẽ không khó để ta bắt gặp những vầng thơ trăng trong thơ của vị vĩ nhân lỗi lac –  Hồ Chí Minh. Đối với người, vầng trăng là người bạn tâm giao, là tri âm tri kỉ gắn bó cả cuộc đời. Những khuôn trăng ấy còn là cảm hứng của các thi nhân yêu trăng, mến trăng. Bài thơ “Ngắm Trăng” của Hồ Chí Minh là một “bài thơ tình yêu thiên nhiên đến say mê của tâm hồn nghệ sĩ, đồng thời toát lên phong thái ung dung của Bác ngay cả trong cảnh tù ngục tối tăm”.

       Tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn là bản lĩnh cách mạng, lối sống giản dị, phong thái ung dung tự tại. Người là vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam với tình yêu người, yêu đất nước, yêu thiên nhiên sâu sắc. Năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam nhưng lại bị giới cầm quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ và bị đầy ải cực khổ suốt một năm trời. Trong thời gian đó, Bác đã ngâm thơ cho khuây, vừa đợi ngày tự do. Từ đó tập thơ “Nhật kí trong tù” ra đời.

“Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng mà trong ngục biết làm gì đây”

         Thơ Bác mang trọn một tâm hồn cao đẹp, một ý chí kiên cường. Hiện hữu trong thơ Người luôn là cuộc sống, là sự vật thiên nhiên,là cuộc đời cách mạng nhưng luôn tràn đầy phong thái ung dung, lạc quan và niềm tin lớn. Bài thơ “Ngắm trăng” vốn dĩ là bài thơ viết cho khuây nhưng lại trở thành bức chân dung tự họa cho con người Bác. Đó là một bài thơ ngắn nhưng hay gợi nên một tâm hồn cao đẹp bởi ý chí phi thường và tài năng nghệ thuật.

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

(Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)

         Dẫu ở trong hoàn cảnh tù ngục tối tăm, “vô tửu”, “vô hoa”, chỉ có một mình trong bốn bức tường trống vắng. Người ngắm trăng tay chân đang đeo xiềng xích nặng trữu, tóc bạn, tiều tụy, cô độc, không có bạn hiền. Đó là một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, nhưng lại đặc biệt với một tâm hồn phóng khoáng, tự nhiên. Hai câu thơ đầu ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện. Dù sống trong ngịch cảnh, thiếu thốn nhưng đó là sự thật, là cuộc đời đeo gông, “trong tù không rượu cũng không hoa”, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ vẫn luôn tràn đầy sức sống, lòng Người đang bối rối, xúc động trước sự xuất hiện của vầng trăng. Ánh trăng trên cao mang đến cho thi nhân bao cảm xúc và tâm tư, gợi về một đêm thanh mịch, tĩnh lặng khiến Bác nao núng, “cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”. Sự ý thức thực tại và hoàn cảnh đã tạo cho Người tư thế ngắm trăng đặc biệt. Khác với người đời, họ ngắm trăng là để hưởng lạc, có rượu để uống, có hoa để ngắm, còn đối với cảnh ngộ của Bác thì cái gì cũng “không”. Điệp từ “không” xuất hiện còn tạo nên sự thiếu thốn, không có cái gì, chỉ có con người hòa nhịp cùng thiên nhiên và cảnh vật. Qua song sắt nhà tù, Bác ngắm trăng, nhìn trăng với tất cả tình yêu trăng sâu sắc, với tâm thế “vượt ngục” đích thực. Ở cuối câu hai, Người đặt một dấu chấm hỏi để thể hiện sự bồi hồi, nao núng của mình “biết làm thế nào?”. Nhưng khi dịch thơ, người dịch đã không còn giữ được cái dấu chấm hỏi ấy. Có thể nói, thơ Bác tuy viết đơn giản nhưng ý nghĩa phức tạp, người dịch thơ không thể dịch sát bởi ý thơ của Người quá sâu sắc, đa nghĩa. Trong phòng tối tăm, Bác hướng tới vầng trăng như nhìn về nguồn ánh sáng vô tận để thả tâm hồn mình cho thư thái, yên bình. Dù đang bị giam cầm trong chốn lao ngục nhà tù Tưởng Giới Thạch, nhưng trong con người Hồ Chí Minh, dường như hồn Người đã chẳng hề tồn tại ở đó:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao”

Phân tích bài thơ Ngắm trăng của nhà thơ Hồ Chí Minh hay nhất

Phân tích bài thơ Ngắm trăng

         Song sắt nhà tù tỉnh Quảng Tây đã chẳng thể giam nổi tâm hồn Bác, không thể ngăm nổi được cái nhìn nhau thắm thiết của người tù và vầng trăng. Máu và bạo lực không thể nào dìm được chân lý, tư tưởng của người tù thi sĩ, người chiến sĩ cộng sản anh hùng. Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo tài ba,kiệt xuất với tâm hồn thanh khiết, cách sống giản dị. Trên suốt con đường tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng, Người đã phải chịu không ít khổ cực đày đọa thân xác nhưng tinh thần của Người vẫn là nguồn sáng cho lý tưởng, cho niềm tin yêu của nhân dân. “Muốn nên sự nghiệp lớn” thì con người càng phải cứng cỏi, đanh thép để vượt lên hoàn cảnh, vượt qua khó khăn. Trăng là người bạn tâm tình, là sự vật thiên nhiên hiền hòa êm dịu. Trăng yêu Người, Người nặng lòng với trăng:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)

        Cuộc “vượt ngục tinh thần” đã trỗi dậy, dù trong lao tù nhưng vẫn có những vần thơ đẹp. Đó chính là chất “thép” trong thơ Hồ Chí Minh”

“Nơi ở trong thơ như có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

           Mối giao hòa đặc biệt giữa trăng và người tù cách mạng từ bao giờ đã có sự liên kết, thân thiết, gần gũi. Thi sĩ thả hồn ra ngoài cửa sổ nhà tù để giao hòa với vầng trăng tự do, vầng trăng nghĩa tình đang lơ lững giữa tầng không vũ trụ, rọi tia sáng hiền hòa đến mặt đất. Ta thấy, “Nhân”, “Nguyệt” rồi lại “Nguyệt”, “Thi gia” ở hai đầu câu thơ cùng cái song sắt hà tù chắn giữa. Trăng và Người tâm sự qua song sắt ấy, nhìn nhau tình tứ, yêu thương. Khoảnh khắc giao cảm giữa thiên nhiên và con người xuất hiện như một hóa thân kì diệu. Ở đây có sự tác động qua lại giữa người và trăng và biện pháp nhân hóa “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Hai chủ thể nhìn nhau như người bạn tâm giao đang cùng tâm sự. Cuối câu thơ, hình ảnh Bác mới xuất hiện, “tù nhân” đã biến thành “thi gia” để gợi nên sự xuất hiện sánh đôi giữa con người và thiên nhiên kì vĩ. Một tư thế ngắm trăng hiếm thấy ở các thi nhân, đó là tư thế mang phong thái ung dung, tự tại, tự do, yêu đời. “Ngắm trăng” là một bài thơ trữ tình đặc sáng, có hồn, sáng ngời chất thép trong thơ. Dù cảnh lao ngục đang đày con người Bác, nhưng tâm hồn Người vẫn luôn ngời sáng với những phút giây thảnh thơi, lạc quan, yêu trăng, thưởng trăng cùng vầng trăng tri kỉ.

          Trăng là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân, cái sở thích yêu trăng, ngắm trăng có lẽ là thú vui tao nhã của các nghệ sĩ thời xưa. Đối với thơ Bác, không chỉ có “Ngắm trăng” trong tù mà còn biết bao vần thơ đặc sắc viết về trăng và niềm vui thưởng trăng cao đẹp, một túi thơ đầy trăng, rất trăng:

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau…”

Hay những vần thơ trong “Rằm tháng giêng”, Bác viết:

“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

         Uống rượu, chơi trăng đã là cái thú thanh cao của các cao nhân mặc khách xưa nay. Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác lại là một nét đẹp tâm hồn, rất yêu đời và niềm khát kaho tự do mãnh liệt. Cuộc đời Người gắn liền với cuộc đời cách mạng, gắn liền với chủ nghĩa Cộng Sản quang vinh. Trong hoàn cảnh ngục tù tối tăm, Người luôn mong ước được tự do, tự do cho con người, tự do để tận hưởng mọi vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời. Đó là tình yêu bao la, tình yêu mãnh liệt đối với quê hương, dân tộc, với nền độc lập của Tổ quốc.

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già!”.

                                (Tố Hữu)

           Vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn, vừa nghệ sĩ vừa phi thường của người chiến sĩ cách mạng Cộng sản đã được thể hiện trọn vẹn qua bài thơ “Ngắm trăng”. Nhà thơ Hồ Chí Minh đã có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại tinh tế với hồn thơ lạc quan, ung dung, toát lên chất thép trong thơ Người. Bài thơ dù ngắn, đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa lớn, cô đọng, hàm súc, nói lên được khí chất của người tù cùng tư tưởng cao đẹp, niềm yêu thiên nhiên sâu lắng và yêu con người, yêu quê hương, dân tộc đắm say:

“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông bát ngát tình”

                                     (Tố Hữu)

Bùi Phương Thảo

0