21/02/2018, 09:37

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà – Văn hay lớp 8

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà – Bài làm 1 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ lớn nhất của dân tộc ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Thơ Tản Đà là tiếng lòng của một cái tôi bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, tù túng, muốn tìm cách thoát ly bằng mộng ...

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà – Bài làm 1

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ lớn nhất của dân tộc ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Thơ Tản Đà là tiếng lòng của một cái tôi bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, tù túng, muốn tìm cách thoát ly bằng mộng tưởng. Với một hồn thơ vừa phóng túng, vừa sầu mộng và rất ngông, Tản Đà đã thổi một luồng gió lãng mạn vào trong thi ca, dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đang sắp sửa (Hoài Thanh).

Bài thơ Muốn làm thằng Cuội nằm trong cuốn Khối tình con I, xuất bản năm 1917. Bài thơ là lời nhà thơ nói với chị Hằng trong một đêm thu và xin chị cho lên cung trăng cùng chị để tránh xa cái trần thế đáng chán này.

Bài thơ vẫn được viết theo thể thơ truyền thống của thi ca lúc bấy giờ: thể Đường luật bát cú. Đọc kĩ bài thơ, ta thấy nhà thơ vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc chặt chẽ của thể thơ cổ điển nhưng không gò bó, khô cứng, mà tự nhiên, thoải mái, lời thơ mặn mà, tình tứ và rất có duyên.
Bài thơ mở đầu bằng một lời than thở, một tâm trạng, một nỗi lòng:

Đèm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi

Trong câu thơ của Tản Đà, ta đọc được một nỗi sầu da diết khôn nguôi. Vì sao Tản Đà, một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân, tài danh cũng đã nổi, lại trở nên sầu muộn như thế? Trong bài: Giải sầu (1918), Tản Đà cũng đã từng viết: Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tĩnh mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu…sầu không có mối, chém sao cho đứt sầu không có khối, đập sao cho tan…

Phải chăng cái sầu trong thơ Tản Đà là cái sầu vẩn vơ, vô cớ? Không! Đó là nỗi buồn thời thế, buồn nhân sinh! Nỗi buồn ấy chỉ có thể có được ở những linh hồn cao khiết còn giữ được của một thời cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung (Hoài Thanh) như Tản Đà.
Cùng với nỗi buồn, Tản Đà chán ngán cuộc đời:

Trần thế em nay chán nửa rồi

Thái độ chán đời của Tản Đà là thái độ bất hòa sâu sắc với cuộc đời, với cái xã hội phong kiến thực dân ngột ngạt tầm thường. Thái độ ấy bộc lộ một cá tính mạnh mẽ của một tâm hồn thanh cao không chịu uốn mình theo một khuôn phép của xã hội, không cam chịu một thân phận nô lệ thấp hèn.
Tâm trạng của Tản Đà, suy cho cùng, là nỗi đau đớn rất đáng quý, là nỗi buồn đẹp để người đời phải ngẫm suy.

Bất hoà sâu sắc với thực tại, Tản Đà tìm cách thoát li thực tại. Khát vọng thoát li thực tại không chỉ có ở Tản Đà, mà nó là khát vọng của cả một lớp thanh niên trí thức đang sống trong không khí tù túng, u uất. Không ít nghệ sĩ đã tìm cách thoát li trong rượu, trong thơ, trong cuộc sống giang hồ tài tử, trong cõi bồng lai tiên cảnh mơ hồ của mộng tưởng. Với Tản Đà, cá tính ngông khiến thi nhân tìm cho mình một cách thoát li cũng rất đặc biệt, rất ngông:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Thật là một địa chỉ thoát li lí tưởng, vừa  xa lánh  hẳn cái trần thế đáng chán kia, vừa được sống trong một thế giới bồng lai tiên cảnh thành khiết, bên một thiếu nữ đẹp và bao dung như chị Hằng. Còn gì hơn thế!

Điều đáng chú ý ở đây là việc bày tỏ khát vọng thoát li. Đầu tiên là một lời ướm hỏi: Cung quế đã ai ngồi đố chửa? Tiếp đến là một gợi ý: Cành đa xin chị nhắc lên chơi. Giọng điệu thơ thật tự nhiên, vừa dí dỏm, vừa tha thiết, mặn mà, làm sao nỡ từ chối?

Chẳng biết chị Hằng đã đồng ý chưa mà nhà thơ lại thích thú đến thế khi tưởng tượng ra cảnh sống bên cạnh tiên nga:

Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui!

Vì sao Tản Đà cảm thấy sung sướng và hanh phúc đến thế? Bởi lẽ ông đã tìm được tri kỉ: có bầu, có bạn, được hòa đồng với cuộc sống: cùng gió, cùng mây, không còn phải cô đơn, buồn tủi nữa.

Thế có nghĩa là trước đây, ở trần thế, ông luôn cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn, buồn tủi: Đông người cười nói mà càng sầu? Sống giữa chốn phồn hoa đô thị nhộn nhịp, hỏi đã mấy ai hiểu được nỗi lòng thi nhân?

Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm!

Nhớ lại từ thế kỉ trước, Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng phải cô đơn, buồn tủi giữa đám tùy tùng, giữa những người xung quanh bà:

Một mảnh tình riêng, ta với ta!

Nếu như nữ sĩ xưa chỉ biết ôm mối sầu tủi, buồn thương trong lòng, thì Tản Đà không cam chịu, ông tìm đến với chị Hằng, cùng chị làm bầu bạn tâm tình để cho tâm hồn mình thư thái lại, để cho lòng mình rộng mở mà đón nhận thiên nhiên, đón nhận vẻ đẹp thanh tao của cuộc sống không vấy bẩn bụi trần. Mối u uất trong tâm hồn thi nhân dường như đã được giải tỏa.

Giấc mộng lên cung trăng của thi nhân thật lãng mạn, đầy chất đa tình và ngông. Giấc mộng thoát ly này hẳn phải khiến nhiều người ngỡ ngàng?

Trong thơ văn xưa, đã có không ít người mơ lên cung trăng, thả hồn vào cõi tiên, nhưng liệu đã có ai như Tản Đà, đem theo nguyên vẹn cái: thói phong tình bất kính như thế?

Mạch cảm xúc lãng mạn và ngông được đẩy lên cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và ý vị:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám 
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Trong con mắt của Tản Đà, cõi trần bụi bặm kia giờ đây chỉ còn bé tí. Và nhà thơ bật cười thích thú với cái ý nghĩ đó. Một cái cười vừa thỏa mãn, vừa mỉa mai, bao dung. Thỏa mãn vì đã thực hiện được mộng tưởng thoát li, đã xa lánh được hẳn cái xã hội tầm thường, tù túng. Mỉa mai, bao dung vì cõi trần giờ đây chỉ còn bé tí, đâu có thể giam hãm được một tâm hồn đang bay bổng lên trên nó. Hai câu kết là đỉnh cao của một tâm hồn lãng mạn và ngông của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiên sinh.

Bài thơ khép lại trong niềm sung sướng đến mãn nguyện của thi nhân vì đã thực hiện được giấc mộng thoát li. Thế mà mấy mươi thập kỉ sau người đời vẫn còn phải bàn luận về nó.

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà – Bài làm 2

Trong văn chương Tản Đà cùng với cái mộng là cái ngông! Cái ngông chẳng những ở văn thơ mà còn gặp ngay ở cuộc đời: trong ăn uống, kết giao bè bạn.

Muốn làm thằng Cuội là bài thơ bộc lộ một tâm sự mang cái sau, cái mộng và cái ngông từ ngoài đời vào trong thơ.

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,

Như một lời tự thú “buồn” lắm chị Hằng ơi, còn vì lẽ gì mà buồn thì đã có lần nhà thơ nói thẳng.

Đời đáng chán biết thôi là đủ

Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.
(Đời đáng chán)

Vậy là cuộc sống đã làm cho nhà thơ chán ngán vì thất vọng chua cay… nhưng ở đây ta cố nối đến cái ngông của tác giả.

“Ngông cũng lắm kiểu. Có cái ngông đồng nghĩa với ngang ngược, chỉ đáng cho người ta ghét bỏ, có cái ngông thực sự là cái thanh cao. Ngông của Tản Đà thuộc trường hợp sau ” (Nguyễn Đình Chú – Thơ văn Tản Đà)

Đúng như vậy, ngay hai câu thơ đầu ta đã nhận được cái ngông ấy:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Tác giả than thở rằng buồn lắm “cái buồn lại xuất hiện vào một đêm thu rồi gọi chị Hấng, nhưng thực tế lời nhắn gọi không hẳn vì buồn, đó chỉ là cái cớ trêu ghẹo chị Hằng làm bật ra cái ngông… rồi tiếp tục ngông nữa:”

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Nhà thơ đã chán cuộc sông nơi trần thế, nhưng mới chán có “một nửa”, hiểu như thế nào về sự chán “một nửa” này? Và phải chăng đó là kiểu gợi ý khéo để được mời lên thăm cung quế! Rồi chẳng úp mở gì nữa mà nổi thẳng:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Nếu chị Hằng nghe thấy, chắc chắn không thể từ chối, vì mục đích cuộc lên chơi là:

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió, cùng mây thể mời vui…

Đến đây thì ý nghĩa việc muôn lên thăm cung quế chẳng những thanh toán cái buồn của nhà thơ mà cồn làm vui cho chị Hằng nữa.

Nhưng đến hai câu cuối thì mới bật ra hoàn toàn ý muốn của nhà thơ Muốn làm thằng Cuội hay nói cho đúng hơn là muốn thay chân “Cuội” ở luôn với chị Hằng.

Rồi cứ mỗi năm rằm thảng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Cái ngông hoàn toàn lộ ra. Đó là một ước muôn chỉ có thể thực hiện được trong tưởng tượng, một khát vọng không có mỉa mại hiện thực.

Nhưng ở vào một khía cạnh khác, đó là sự phủ nhận của nhà thơ đối với một trần thế mà con người đang phải sông trong lẩn quẩn, bế tắc. Muôn giải phóng được nỗi buồn “nhân thế” ấy phải ra ngoài trái đất, lên cung trăng. Một ước mơ rất lãng mạn, nhưng cũng rất ngông!

Chính vì cái ngông theo kiểu Tản Đà này, mà bài thơ có sức hấp dẫn, người đọc có thể thích thú với cái ngông của nhà thơ và cũng đồng cảm với tâm sự phải sống tù túng, quẩn quanh ở một cái xã hội giao thời nửa khóc nửa cười.

Là thi sĩ đã từng muôn gánh văn lên bán chợ trời, đã viết thư dán tem bốn xu gửi người tình không quen biết, đã tạo ra ý trung nhân trong mộng là cô Chu Kiều Oanh để yêu… thì bài thơ Muốn làm thằng Cuội chỉ là sự thể hiện cái phần rất nhỏ cái ngông của nhà thơ mà thôi.

0