28/05/2017, 15:18

Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu

Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu – Bài làm 1 Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ với những vần thơ say đắm, ngọt ngào và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ đều để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và ấn tượng riêng. “Thơ duyên” là bài thơ tràn đầy cảm ...

Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu – Bài làm 1 Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ với những vần thơ say đắm, ngọt ngào và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ đều để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và ấn tượng riêng. “Thơ duyên” là bài thơ tràn đầy cảm hứng mê say, tin tưởng và đầy phấn khởi cho những giây phút rung động trong tình yêu. Ngay ở nhan đề tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được ...

– Bài làm 1

Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ với những vần thơ say đắm, ngọt ngào và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ đều để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và ấn tượng riêng. “Thơ duyên” là bài thơ tràn đầy cảm hứng mê say, tin tưởng và đầy phấn khởi cho những giây phút rung động trong tình yêu.

Ngay ở nhan đề tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được nét “duyên” của con chữ và nét duyên ngầm trong lòng người. Cảm xúc bao trùm bài thơ chính là niềm hăng say, vui tươi, phơi phới khi có những giây phút rung động đầu đời của một chàng trai mới biết yêu. Người đọc chắc  chắn sẽ mê mẩn với những dòng cảm xúc vừa nhẹ nhàng vừa sôi nổi:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ bằng một không gian thật nên thơ và lãng mạn. Hình như không phải một buổi chiều như một ngày mà là “chiều mộng”. Một buổi chiều lãng mạn, tràn đầy chất thơ, chất nhạc, khiến lòng người say đắm. Một buổi chiều mùa thu nhẹ nhàng, tinh tế có cặp chim đang chuyền nhau trên cành cây mẹ. Một sự hòa quyện, giao thoa thật tuyệt vời giữa thiên nhiên và đất trời. Giọng thơ tuy nhẹ nhàng nhưng tràn đấy hứng khởi.

“Nhánh duyên” trong câu thơ đầu tiên khiến người đọc liên tưởng đến một mối nhân duyên ngầm nào đó nhưng vẫn còn e thẹn, ngượng ngùng.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền

Hai câu thơ như tan ra cùng đất trời, mùa thu hiện hữu rõ từng đường nét và lắng nhẹ vào lòng người. Màu xanh của bầu trời như đang “đổ” xuống vạn vật, tạo nên một màu “ngọc” thật trong lành và dịu mát. Từ “đổ” khiến cho câu thơ bừng sáng lên. Đó như báo hiệu một mùa thu ngọt ngào, tinh tế đã đến. Dường như trời đất của mùa thu luôn có sức hút mạnh mẽ như vậy.

Một buổi chiều thật nên thơ, đầy tình tứ sẽ thêm thi vị hơn khi có câu chuyện tình đôi lứa:

Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Hoa ra sự vui tươi của đất trời đều xuất phát từ nỗi rung động “lần đầu” ấy. Hình ảnh con đường “nho nhỏ’ trong câu thơ có điểm xuyết những cành lá đâm ngang như phác họa nên một bức tranh thu nhẹ nhàng, tinh tế đến lạ kỳ. Một không gian khiến cho người đọc ngỡ như mình đang lạc vào cảnh tiên thi vị. Dường như cảnh vật đang tạo cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm của người đang tràn ngập tình yêu. Câu thơ chợt bừng lên niềm reo vui thật khẽ nhưng thật sâu. Thơ Xuân Diệu cứ nhẹ nhàng nhưng đằm thắm như duyên con gái vậy.

Ở những vần thơ tiếp theo, nhân vật chính của tình yêu lần đầu ấy xuất hiện thật nhẹ:

Em bước điềm nhiên không vướng chân

Anh đi lững thững chẳng theo gần

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu

Anh với em như một cặp vần

Anh chàng thi sĩ đi giữa một con đường mà như có cảm giác đang lạc vào một miền say mê, đắm đuối với tâm thế “lững thững” rất bình tâm, rất nhẹ nhàng và có chút gì đó lưỡng lự. Chàng trai ấy giữ một khoảng cách vừa đủ để cảm nhận được tình yêu đang tan chảy ra cùng mùa thu dịu ngọt, êm ái. Cả “anh” và “em” đều “vô tâm” nhưng dường như ai cũng muốn xích lại gần hơn, gần thêm chút nữa. Bởi ẩn sâu trong suy nghĩ thì câu chuyện tình nhẹ nhàng đó đã như một cặp vần. Những câu thơ nhẹ nhàng, nhịp điệu chậm rãi, khoan thai gieo vào lòng người niềm hân hoan, vui tươi.

Cảnh vật trong bài thơ duyên rất duyên, huyền diệu và tràn đầy vui tươi, làm nền cho tình cảm trở nên lâng lâng:

Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngác vậy

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

Mùa thu “êm” như khẽ khàng đi vào trái tim của những kẻ đang yêu, chẳng ai bày tỏ nỗi niềm nhưng lại khiến cho mọi thứ lâng lâng. Buổi chiều mưa thu “ngơ ngác” nhưng nhà thơ đã khẳng định chắc nịch “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Một Xuân Diệu thật duyên, là duyên ngầm, nhưng cũng thật mãnh liệt. Không phải anh cưới em mà là “lòng anh cưới lòng em”.

“Thơ duyên” của Xuân Diệu là bài thơ tràn đầy niềm tin yêu và tràn nhựa sống. Một bài thơ tình nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.

– Bài làm 2

Hồn thơ Xuân Diệu luôn mở rộng ra cả đất trời và cõi người. Nó luôn khao khát được giao cảm với con người, thiên nhiên, vũ trụ. Thơ duyên biểu hiện điều ấy.

Thơ duyên chưa hẳn là bài thơ tình vốn rất đắm say sôi nổi trong thơ Xuân Diệu. Bài thơ có anh và em họ đi xa nhau như không quen biết. Em thì “điềm nhiên” anh thì “lững thững” và cả hai đều “vô tâm”.

Có lẽ duyên ở đây là “tác hợp cơ trời” của thiên nhiên, vũ trụ và lòng người. Sự hòa thơ, hòa nhạc âm thầm, mãnh liệt và đầy quyến rũ. Nó khởi đầu từ cái “buổi ấy lòng ta nghe ý bạn” để rồi nhìn đâu cũng thấy chiều mộng, nghe đâu cũng động tiếng huyền nó vô thanh với tác nhưng náo nức con tim.

Tất cả đều cặp đôi trong yêu thương đắm đuối, mỗi lúc một mãnh liệt, lơi lả. Chiều mộng thì hòa thơ với nhánh duyên, trên cây me thì cặp chim ríu rít như không biết buổi chiều mà ngỡ là sáng bình minh. Chim chuyền cành này qua cành khác, bầu trời trong xanh thì như đổ tràn ánh sáng như ngọc lấp lánh qua muôn lá, mùa thu tới thì khắp nơi như tiếng nhạc đón mừng (“động tiếng huyền” – tiếng huyền là tiếng đàn), con đường “nho nhỏ” thì đi với gió “xiêu xiêu”, cành hoang thì lả tả như có tình với “nắng chiều”, con cò trên ruộng thì như cảm thông với “Mây biếc về đâu bay gấp gấp” nên cánh nó cũng “phân vân”, chim cũng thế, hoa cũng vậy, tất cả đều giao hòa cảm thông như vốn có duyên với nhau tự bao giờ. Và tất nhiên con người cũng thế, anh với em tuy chưa quen biết nhau và cũng chẳng có mối lái gì (băng nhân) mà tự nhiên cũng cứ đi sóng đôi với nhau nhịp nhàng như “một cặp vần” trong bài thơ, thậm chí “Lòng anh thôi, đã cưới lòng em”…

Cảnh trong thơ tươi tắn, trong sáng, tình trong thơ thì hòa hợp nhịp nhàng. Đây là một bài thơ vui tuy viết về một cảnh chiều thu. Trong thơ truyền thống, cảnh chiều mà lại là chiều thu thì nói chung là buồn. Thơ xưa nói đến cảnh chiều thì thường có chim mỏi về rừng, người lữ thứ tha hương thì nhớ nhà, chân bước vội. Còn mùa thu thì lá vàng rơi rụng, hoa sen tàn tạ trên các đầm ao… ở đây cảnh chiều thu lại vui. Xuân Diệu có bài thơ xuân không mùa, nghĩa là mùa nào cũng là xuân cả, vì xuân tự trong lòng nhà thơ tỏa ra trời đất bốn mùa:

 

“Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,

Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.

Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.

Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng

Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng…”

Nhưng cảnh thu thực ra cũng có cái vui của nó chứ, nhất là mùa thu ở một nước nhiệt đới như nước ta. Xuân Diệu là nhà “Thơ mới”, ông không nhìn cảnh vật theo công thức, ước lệ của thơ cổ, ông khám phá cái đẹp, cái vui của mùa thu có thật trên đất nước bằng con mắt chân thật của mình và thấy mùa thu rất thơ mộng: “Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên”, không khí mùa thu khô ráo và sáng, trời thu thì cao và trong xanh, khí hậu mùa thu không nóng và chưa rét, con người cảm thấy dễ chịu, tâm hồn thơ thới sảng khoái, gió rì rào trong lá cành, chim chóc ríu rít, nghe như đâu đây vang vọng lại tiếng nhạc của đất trời:

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”.

Nhưng niềm vui của mùa thu không ồn ào mà êm ái dịu dàng. Phải có một tâm hồn lắng nghe, tinh tế và nhạy cảm mới thấy hết được. Nhà thơ đi giữa đất trời như đi giữa một “bài thơ dịu”, không dám ồn ào, chỉ “lững đững” trên đường, lắng nghe bước đi nhẹ nhàng êm ái và lặng lẽ của mùa thu:

“Ai hay tuy lặng bước thu êm”.

Và cũng lắng nghe nơi lòng mình niềm cảm thông với vạn vật và nỗi khao khát thương yêu, khao khát hòa hợp với mọi người, nhất là với cô gái nào kia ngẫu nhiên cùng bước lên đường.

– Trong thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có một nhận xét rất tinh tế về Xuân Diệu: “… Sự sống muôn hình thức nhưng hình thức nhỏ nhặt thường lại ẩn náu một nguồn sống dồi dào. Không cần phải là con hổ ngự trị trong rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống. Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi!”.

Bài Thơ duyên là một trường hợp Xuân Diệu bày tỏ sức sống của mình trong những cảm nhận hết sức tinh vi về thiên nhiên và sự sống. Nhìn chung cảnh thơ yên tĩnh mà vẫn có một cái gì xôn xao từ trong lòng sự vật, chỉ cảm thấy được nhưng khó phân tích, diễn giải cho rõ ràng:

“… Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”

“… Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu

Lả tả cành hoang, nắng trở chiều”.

Bình hai câu thơ trên, Hoài Thanh viết: “Cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất thơ mộng”.

Thiên nhiên đúng là có hồn, nó lặng lẽ vận động, nhưng chỉ là những biến thái tinh vi không thể gọi tên ra được. “Nắng trở chiều” là màu sắc thế nào? Thật khó nói rõ ra được.

Sự cảm nhận còn tỏ ra tinh vi hơn nữa trong mấy câu thơ này:

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Chim nghe trời rộng dang thêm cánh

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”.

Hoài Thanh viết: “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay tới ráng chiều (“Lạc hà dữ cô lộ tề phi – Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, dịch là: “Ráng chiều và cánh cò đơn chiếc láng bay – Nước mùa thu cùng trời thu một sắc”) đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới”.

Sự cách biệt ấy thể hiện ở chỗ, một đằng thì tả sự vận động bên ngoài, mắt thường thấy được, một đằng thì cảm nhận được sự vô hình, chỉ mới có trong gân cốt của cánh cò.

Cũng như vậy: “Chim nghe trời rộng dang thêm cánh – Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”, nhà thơ dường như nhận thấy cái cảm giác trống trải rợn ngợp của con chim trước không gian cao rộng, và cái cảm giác se lạnh của bông hoa khi sương chiều buông xuống…

Bài thơ giúp ta hiểu được ở Xuân Diệu một hồn thơ yêu đời, yêu sống, khao khát giao cảm với thiên nhiên, với con người. Nó cũng giúp ta cảm nhận được một cảnh vật thu tươi tắn, trong trẻo thơ thới, êm ả, dịu dàng, như gợi mát tâm hồn ta. Nó còn giúp ta mài sắc cảm giác của mình để biết kĩ lưỡng hơn, tinh tế hơn với cuộc sống này trong mỗi giây phút của đời mình.

– Bài làm 3

Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình Việt Nam, thơ của ông luôn nồng nàn, đắm say và ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt đến khao khát cháy bỏng. Tuy nhiên bên cạnh những bài thơ sôi nổi như vậy, ta lại có thể bắt gặp một Xuân Diệu khác, dịu dàng, nhẹ nhàng, say đắm trong bài “Thơ duyên” – một tác phẩm ca ngợi cái duyên, sự hòa hợp đến kì diệu xảy đến trong một buổi chiều  thu.                  

Bài thơ mở đầu bằng một bức tranh t hiên nhiên rộng lớn, có hình khối, có màu sắc, có cả âm hữu thanh và vô thanh. Tất cả quy tụ ở vòm me xanh trong một buổi chiều thu:

“Chiều mộng hòa trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim huyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”               

Chiều thì “mộng”, nhánh thì “duyên”, quả thật đây là lúc cả không gian và thời gian đều thi nhau hiện ra vẻ tuyệt mĩ của mình. Bởi vậy mối quan hệ giữa chiều thu  và nhánh cây mùa thu là một mối quan hệ tuyệt mĩ: hòa vào nhau. Nhìn từ góc độ hòa quyện ấy, thiên nhiên hiện lên trong con mắt của nhà thơ thật tuyệt diệu. cặp chim đang chuyền cành trên cây me, ríu rít trò chuyện, tạo nên một bản nhạc sống động  giữa không gian. Lá vốn xanh, trời cũng vốn xanh nhưng nhờ trời đổ một màu xanh ngọc mà muôn lá lại càng xanh mướt hơn nữa. Cái màu xanh kì diệu ấy dường như mang lại sức sống cho vạn vật, cho cả bài thơ. Dòng thơ thư tư là một tiếng “huyền” rất bí mật. Có một điều gì đó thật là huyền bí, thật là đẹp đẽ, chi phối cả vũ trụ, tạo nên mọi vẻ đẹp lúc này. Nó như một âm thanh không nghe thấy được nhưng huyền diệu vô cùng. Lắng nghe được tiếng “huyền” ấy của vũ trụ, nhà thơ nhìn vào cảnh vật xung quanh mình: tất cả những điều bình thường bỗng trở nên khác thường, chúng đẹp hơn, đáng yêu hơn, có tình hơn, hòa hợp hơn:

“Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”   

Con đường như nhỏ lại để trở nên đẹp hơn. Ngọn gió chiều thổi se sẽ hơn, nương nhẹ hơn bởi ngọn gió như ý thức được việc đang làm. Những cành hoang lả xuống trước ngọn gió “xiêu xiêu” hay là do những cành lá ấy tự mình rủ xuống để hòa hợp hơn với ngọn gió. Con đường, cành cây, gió, nắng đều là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, quen thuộc đến mức đôi khi ta không còn để ý chúng ra sao nhưng khi kết hợp với các từ láy “nho nhỏ”, “lả lả”, “xiêu xiêu” và dáng điệu của nắng “trở chiều” một cách duyên dáng, kiểu cách đã khiến đã khiến cho mọi sinh vật trở nên có hồn người. Ta tưởng như thiên nhiên đang đi vào hồn mình, đi vào cuộc tình của mình mỗi lúc một sâu sắc, gắn bó. Từ cảnh vật, nhà thơ nhìn vào lòng mình: “Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn”. Một sự lắng nghe nhưng không lắng nghe bằng tai mà lắng nghe bằng tiếng lòng, người nói thì không nói bàng lời mà nói bằng ý. Đây là sự cảm thông, một sự hòa hợp của tâm hồn không muốn, không định nhưng vẫn xảy ra “Lần đầu rung động nỗi thương yêu”. Đây không phải là yêu, là tình yêu mà là thương yêu, một tình cảm về sự hòa hợp trọn vẹn, lại không phải là tình mà là “nỗi” một nỗi niềm xúc động, rung động của trái tim, không dành riêng cho một đối tượng cá biệt nào cả. Từ nỗi thương yêu ấy, nhà thơ muốn đi đến tột cùng cảm xúc của mình:

“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần”                           

Cái “điềm nhiên” và cái “lững đững” chỉ tạo ra một khoảng cách giả tạo. Cặp đôi đã chuyển biến về đại từ nhân xưng. “Ta” và “bạn” đã trở thành “anh” và “em”. Hai con người ấy hoàn toàn vô tư, em thì “điềm nhiên” như chẳng hay biết, anh thì “lững đững” từ từ lối theo gót em một cách tình cơ. Sự vô tư ấy cứ ngỡ rằng thành “vô tâm”, bởi giữa họ chưa hề có một tình ý gì, một sự chuẩn bị, một mong muốn, khát khao nào. Nhưng họ lại trở thành “cặp vần” trong một “bài thơ dịu”, tạo thành cấu trúc cho một bài thơ. “cặp vần” ngỡ rất “vô tâm” với nhau bởi trong mọt bài thơ chúng thường đứng cách xa nhau nhưng chúng nhất thiết phải có cặp với nhau, bởi nếu chỉ tồn tại riêng lẻ, thì còn ai gọi là vần nữa. Cũng giống như nếu không có em thì anh cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi bởi bên trong họ đã mắc phải tơ duyên. Đến khổ thơ thứ tư, ta thấy cảm xúc đột nhiên biến diệu, tất cả quan hệ cặp đôi đã trở nên lẻ loi, buồn bã:

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa xuống xuống dần”                      

Hình ảnh “mây biếc” và hình ảnh “con cò” là hai cá thể tồn tại độc lập với nhau. Một bên thì bay “gấp gấp”, mọt bên thì “phân vân” nửa muốn đi nửa muốn ở lại. Trạng thái nước đôi này đủ biểu hiện một sự mặc cảm tất yếu về sự chia ly, đổ vỡ trong tình ái. Khi chưa nắm bắt được đối tượng mà mình hết lòng, mà trao hết hi vọng vào đó thì sự run rẩy tội nghiệp của Xuân Diệu, sự phân vân của cánh cò là điều tất yếu. con chim càng giang thêm cánh nghĩa là ước vọng nhiều hơn thì sẽ thấy nỗi cô đơn cùng sự trống trải ngày càng lớn hơn. Từ “phân vân” biểu hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình, nên đi tiếp hay gừng lại, có nên tiến sau vào con đường tình ái hay là nên rút lui?                       

Từ những suy tư như vậy, nhà thơ đã rút ra một quan niệm nhân sinh trong khổ thơ cuối”.

“Ai hay tuy lặng bước thu đêm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em”

Nhà thơ cho rằng, tình yêu  không cần một sự mai mối nghi  thức nào cả mà tình yêu xuất phát từ một nguyên nhân đặc biệt. Con người ta đầu tiên do “ngơ ngẩn” với nhau mà dần dẫn đến đắm chìm trong tình yêu. Với tình yêu, chữ “duyên” do ông trời ban tặng là không thể nào dùng lý lẽ thông thường lý giải được và cũng chẳng bao giờ có thể nắm bắt và điều khiển được. Chính vì thế “lòng anh” đến với “lòng em” là một quy luật rất đỗi tự nhiên do ông trời sắp đặt. Nhà thơ cho rằng “lòng cưới lòng” là cái tình yêu đích thực nhất.

Xuyên suốt bài thơ “Thơ duyên”, hình ảnh con người luôn hòa quyện vào với thiên nhiên, tình yêu của con ngươi luôn hòa hợp với tình yêu của trời đất, vũ trụ. Con người và thiên nhiên đã sống trong không khí của chữ “duyên”, tuy mơ hồ nhưng định sẵn một tình yêu.

Từ khóa từ Google

0