Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Văn mẫu lớp 9
Đánh giá bài viết Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn tỉnh Thái Bình Cát trắng và Ánh trăng là hai tập thơ của Nguyễn Duy, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Một hồn thơ tươi trẻ tỏa mát bóng tre, như con sóng vỗ dòng sông thơ ...
Đánh giá bài viết Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn tỉnh Thái Bình Cát trắng và Ánh trăng là hai tập thơ của Nguyễn Duy, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Một hồn thơ tươi trẻ tỏa mát bóng tre, như con sóng vỗ dòng sông thơ ấu phảng phất hương vị đồng quê: Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá Níu váy bà đi chợ Bình Lâm Bắt ...
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn tỉnh Thái Bình
Cát trắng và Ánh trăng là hai tập thơ của Nguyễn Duy, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Một hồn thơ tươi trẻ tỏa mát bóng tre, như con sóng vỗ dòng sông thơ ấu phảng phất hương vị đồng quê:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trầm.
(Đò Lèn)
Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Đò Lèn… là những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Duy. Bài thơ Ánh trăng rút trong tập thơ cùng tên, được tác giả viết vào năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bài thơ như một lời tâm sự chân thành: vầng trăng không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên đất nước mù nó còn gắn bó với tuổi thơ, với những ngày kháng chiến gian khổ, vầng trăng đối với mỗi chúng ta không bao giờ có thể quên và cũng vô tình lãng quên.
Nếu như trong bài thơ Tre Việt Nam câu thơ lục bát có khi được tách ra thành 2 hoặc 3 dòng thơ để tạo nên hiệu quả nghệ thuật biểu đạt gây ấn tượng thì ở bài thơ Ánh trăng này lại có một nét mới. Chữ đầu của dòng thơ, câu thơ không viết hoa. Phải chăng nhà thơ muốn cho cam xúc được dào dạt trôi theo dòng chảy của thời gian, kỉ niệm?
Hai khổ thơ đầu nói về vầng trăng của tuổi thơ và vầng trăng thời chiến tranh, vầng trăng tuổi thơ trải rộng trên một không gian bao la: "Hồi nhỏ sống với đồng – với sông rồi với bể". Hai câu thơ 10 tiếng, gieo vần lưng (đồng – sông); từ "với" được điệp lại 3 lần nhằm diễn tả một tuổi thơ đi nhiều, được hạnh phúc cảm nhận những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, từng được ngắm trăng trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông và ngắm trăng trên bãi bể. Tuổi thơ của chúng ta dễ có mấy ai được cái cơ may ấy như nhà thơ? Thuở bé nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chỉ được ngắm trăng nơi sân nhà: "Ông trăng tròn sáng tỏ – Soi rõ sân nhà em… Chỉ có trăng sáng tỏ – Soi rõ sân nhà em…" (Trăng sáng sân nhà em).
Tuổi thơ được ngắm trăng thích thế, như một chút hoài niệm xa vời. Hai câu thơ tiếp theo nói về hồi máu lửa, trăng với người lính, trăng đã thành "tri kí":
Hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ
"Tri kỉ": biết người như biết mình; bạn tri kỉ là người bạn rất thân, hiểu biết mình. Trăng với người lính, với nhà thơ trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã trở thành đôi bạn tri kỉ – người chiến sĩ nằm ngủ dưới trăng "gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm" (Hồ Chí Minh). Giữa rừng khuya sương muối, người chiến sĩ đứng chờ giặc tới "đầu súng trăng treo" (Chính Hữu). Nẻo đường hành quân của người chiến sĩ nhiều đêm đã trở thành "nẻo đường trăng dát vàng". Trăng đã chia sẻ ngọt bùi hân hoan trong niềm vui thắng trận với người lính tiền phương. Đất nước trải qua những năm dài máu lửa, trăng với anh bộ đội đã vượt lên mọi tàn phá hủy diệt của bom đạn quân thù:
Và vầng trăng, vầng trăng Đất nước
Vượt qua quầng lửa, mọc lên cao.
(Phạm Tiến Duật)
Các tạo nhân ngày xưa thường "đăng lâu vọng nguyệt", còn anh hộ đội Cụ Hồ một thời trận mạc đã nhiều phen đứng trên đồi cao, hành quân vượt núi cũng say sưa ngắm vành trăng cao nguyên. Thật là thú vị khi đọc vần thơ Nguyễn Duy vì nó đã mở ra trong lòng nhiều người một trường liên tưởng: "hồi chiến tranh ở rừng – vầng trăng thành tri kỉ".
Khổ thơ thứ hai như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đ;ít nước hình dị, hiền hậu. Lại một vần lưng nữa xuất hiện – một ẩn dụ so sánh làm nổi bật chất trần trụi, chất hồn nhiên người lính những năm tháng ở rừng. Đó là cốt cách của các anh:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ.
Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ấy, đã trở thành "vầng trăng tri kỉ", "vầng trăng tình nghĩa" ngỡ như không bao giờ có thể quên. Một ý thơ làm động đến đáy tâm hồn, như một sự thức tỉnh lương lâm đối với những kẻ vô tình: "Ngỡ không bao giờ quên – vầng trăng tình nghĩa".
Sự thay đổi của lòng người thật đáng sợ. Hoàn cảnh sống đổi thay, con người dễ thay đổi, có lúc để trở nên vô tình, có kẻ dễ trở thành "ăn ở bạc". Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được trưng diện và xài sang: ở buyn đinh, cao ốc, quen ánh điện, cửa gương… và "vầng trăng tri kỉ", "vầng trăng tình nghĩa" đã bị người lãng quên, dửng dưng. Cách so sánh thấm thía làm chột dạ nhiều người:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, trăng như người dưng đi qua, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay. Người có lương tâm, lương tri mới biết sám hối. Biết sám hối để tự hoàn thiện nhân cách, tự vươn lên, hướng tâm hồn về ánh sáng và cái cao cả. Không dao lo búa lớn, không đại ngôn, mà trái lại, giọng thơ thầm thì như trò chuyện, giãi bày lâm sự, nhà thơ đang trò chuyện với mình. Chất trữ tình của thơ ca trở nên sâu lắng, chân thành.
Cũng như dòng sông có thác ghềnh, có quanh co, uốn khúc, cuộc đời cũng có nhiều biến động li kì. Ghi lại một tình huống "cuộc sống thị thành" của những con người mới ở rừng về thành phố, nhà thơ chỉ sử dụng 4 câu thơ 20 từ. Các từ "thình lình", "vội", "đột ngột" gợi tả tình thái đầy biểu cảm. Có nhà triết học nói: "Cuộc đời dạy ta nhiều hơn trang sách". vần thơ của Nguyễn Duy nói với ta rất nhiều:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om
vội bật mở cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Trăng xưa đã đến với người, vẫn "tròn", vẫn "đẹp", vẫn thủy chung với mọi người, mọi nhà, với thi nhân, với người lính. Người ngắm trăng rồi suy ngẫm bâng khuâng:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Nguyễn Tuân từng coi trăng là "cố nhân", nhà thơ Xuân Diệu, trong bài Nguyệt cầm viết cách đây hơn 60 năm cũng có câu: "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần". Trở lại với tâm trạng người lính trong bài thơ này, một cái nhìn đầy áy náy xót xa: "Ngửa mặt lên nhìn mặt". Hai chữ "mặt" trong vần thơ: mặt trăng và mặt người cùng "đối diện đàm tâm". Trăng chẳng nổi, trăng chẳng trách, thế mà người lính cảm thấy "có cái gì rưng rưng". "Rưng rưng" nghĩa là vì xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Giọt nước mắt làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại, cái tốt lành hé lộ. Bao kỉ niệm đẹp một đời người ùa về, tâm hồn gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng, với bể, với sông, với rừng, với quê hương đất nước. Cấu trúc câu thơ song hành, với biện pháp tu từ so sánh, với điệp từ (là) cho thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa:… "như là đồng là bể – như là sông là rừng". Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, ở tính hình tượng và hàm súc, từ ngôn ngữ hình ảnh đi vào lòng người, khắc sâu điều nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.
Khổ thơ cuối bài thơ mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lí:
Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình.
"Tròn vành vạnh" là trăng rằm, một vẻ đẹp viên mãn. 'wIm phăng phắc" là im như tờ, không một tiếng động nhỏ. vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ "kể chi người vô tình" là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thủy chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thời kì chiến tranh chống Mĩ.
Ánh trăng là một bài thơ hay. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, tài hoa. Sự phong phú vần điệu, ngôn ngữ trong sáng, giọng thơ tâm tình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhà thơ tâm sự với người đọc những sâu kín nhất nơi lòng mình. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng "ánh trăng" đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Không nên sống vô tình. Phải thủy chung trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với bạn bò, đồng chí, với nhân dân – đó là điều mà Nguyễn Duy nói thật hay, thật cảm động qua bài thơ này.
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 2
Nguyễn Duy thuộc thế hệ làm thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Vừa mới xuất hiện, Nguyễn Duy đã nổi tiếng với bài “Tre Việt Nam”. Bài “Hơi ấm ổ rơm” của ông đã từng đoạt giải hưởng báo Văn nghệ. “Ánh trăng” cũng là một trong những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc, tứ thơ bất ngờ mới lạ. Qua bài thơ, tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.
Khổ thơ mở đầu như những lời tự sự ghi lại những dòng hồi ức của tác giả về quá khứ:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Dù ở đâu, đi đâu trăng cũng ở bên cạnh. Nhưng phải đến khi ở rừng, nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn, xa gia đình, quê hương, vầng trăng mới thành “tri kỷ”. Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Điệp từ “hồi”, “với” diễn tả cuộc sống nhiều biến động của một con người. Điều ấy chứng tỏ nhà thơ đã đi nhiều, trải nhiều… Qua những hình ảnh không gian “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng”, tác giả đã diễn tả tinh tế sự vận động của thời gian gắn bó với sự trưởng thành của nhà thơ lớn lên từ đồng nội…
Tác giả như khắc đậm thêm tình cảm của mình đối với trăng:
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Trăng có vẻ đẹp bình dị vô cùng, một vẻ đẹp không cần trang sức, đẹp một cách vô tư, hồn nhiên. Trăng tượng trưng vẻ đẹp thiên nhiên nên trăng hòa vào thiên nhiên, hòa vào cây cỏ. Hay nhà thơ còn muốn diễn tả sự gần gũi giữa mình với thiên nhiên, gần gũi với trăng: “Trần trụi với thiên nhiên”. Tâm hồn người chiến sĩ lúc ấy cũng “hồn nhiên” vô tư đến độ “như cây cỏ”… Vầng trăng “tri kỷ” đã đẹp rồi mà “vầng trăng tình nghĩa” còn cao quý biết nhường nào:
“Ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Trăng mỗi tháng một lần theo chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên, lại đến với con người. Trăng mang ánh sáng đến cho con người giữa ban đêm. Trăng tỏa ánh sáng xuống vòm cây, soi tỏ những lối đi, tỏa vẻ đẹp dịu mát xuống sân nhà. Trăng làm vui vẻ trẻ con, làm ấm lòng người già, trăng tạo mộng mơ cho đôi lứa, trăng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với những người lính ở rừng núi. Cái “tình nghĩa” vẹn toàn ấy của trăng làm sao con người có thể quên được. Cách nhân hóa “vầng trăng thành tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” thể hiện tình cảm nặng lòng của tác giả đối với trăng biết nhường nào!
Từ “ngỡ” ở đầu câu thơ thứ ba như báo trước một điều gì sẽ xảy ra trái với dự đoán và suy nghĩ ban đầu. Điều ấy đã trở thành hiện thực, điều “ngỡ không bao giờ quên” ấy bây giờ đã quên:
“Từ hồi về thanh phố
…như người dưng qua đường”
Trước đây tác giả sống với sông, với bể, với rừng, bây giờ môi trường sống đã thay đổi. Tác giả về sống với thành phố. Đời sống cũng thay đổi theo, quen “ánh điện, cửa gương”. “Ánh điện” và “cửa gương” tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng… dần dần “cái vầng trăng tình nghĩa” ngày nào bị tác giả lãng quên. Phải chăng “vầng trăng” ở đây tượng trưng cho những năm tháng gian khổ ấy. Đó là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những tháng năm gian khổ ấy. “Trăng” bây giờ thành “người dưng”… Hình ảnh nhân hóa ở đây thật sinh động “đi qua ngõ”. Trăng đâu có cao xa vời vợi, trăng vẫn gần gũi thân thương vậy mà con người thật lạnh lùng dửng dưng… Rõ ràng hoàn cảnh tác động đến con người thật mạnh mẽ. Bởi thế người đời vẫn thường nhắc nhau: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay – Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”.
Khổ thơ này có kết cấu đối lập, một bên là “ánh điện, cửa gương” sáng lòa, lộng lẫy, rực rỡ và một bên là “ánh trăng” dịu ngọt, thanh nhẹ. Đặt những hình ảnh có vẻ đối lập bên nhau, Nguyễn Duy muốn bộc lộ kín đáo một lời tự thú chân thành, nghiêm khắc.
Bài thơ được phát triển đến một tứ thơ có chút kịch tính:
“Thình lình đèn điện tắt
…đột ngột vầng trăng tròn”
Cử chỉ “vội bật tung cửa sổ” lúc bấy giờ chỉ là phản xạ hết sức tự nhiên của một người quen với ánh sáng điện nay lại bị giam trong bóng tối, mong có được một chút ánh sáng bên ngoài cho căn phòng đỡ tối tăm hơn mà thôi. Nhưng may mắn thay cũng là trớ trêu thay, lúc ấy lại có trăng. Trăng trở nên quý giá biết bao vào những khi mất điện. Và riêng tác giả, cái vầng trăng đột ngột hiện trên khoảng trời kia đâu phải chỉ để thay thế trong khoảnh khắc cho sự cố vừa rồi, mà nó còn làm xáo trộn tâm hồn thi sĩ:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
…như là sông, là rừng”
Trong câu thơ “Ngửa mặt lên nhìn mặt”, tác giả dùng đối xứng hai từ “mặt” rất hay. Đó là nhìn mặt tri kỷ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Từ gợi tả “rưng rưng” diễn tả nỗi xúc động của thi sĩ… Những kỉ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc:
“Như là đồng là bể
như là sông, là rừng”
Điệp từ “như là” cùng với nhịp thơ gấp bộc lộ rất rõ cảm xúc đang trào dâng mạnh mẽ. Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa” một thời:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Hình ảnh “vầng trăng” còn được nhà thơ nhìn lại “tròn vành vạnh” thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết. Cái ánh sáng tròn đầy hay cũng là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu mặc cho ai kia thay đổi, vô tình. Và cao quý biết bao bởi vì “vầng trăng” ngày nào còn tỏ ra bao dung độ lượng: “kể chi người vô tình”. Nhưng chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho “người vô tình” thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi “giật mình” tỉnh ngộ:
“Ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng hay là ánh nhìn? Vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng, “sự im lặng đáng sợ” ấy khiến kẻ trong cuộc phải “giật mình” vì đến lúc này mới nhận rõ mình hơn. Cái “giật mình” chân thành thay cho một lời sám hối. Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.
Bài thơ gây được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhở có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ thơ cuối của bài thơ mang chiều sâu tư tưởng triết lý: vầng trăng cứ tròn đầy lặng lẽ, “kể chi người vô tình”, là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thủy chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi sự đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc.
Với một giọng điệu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng kết hợp với thể thơ ngũ ngôn và việc không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ – thể thơ phù hợp với việc tự sự, bộc lộ cảm xúc, bài thơ “Ánh trăng” đã thực sự gây nhiều xúc động đối với bao độc giả. Có lẽ ai đã từng đọc “Ánh trăng” cũng đều nghiêm khắc với chính mình như thế vì một thời quá khứ chưa được đánh giá đúng mức. Vâng, muộn còn hơn không, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với những gì thuộc về quá khứ. Hẳn “Ánh trăng” không chỉ làm “giật mình” một Nguyễn Duy mà thôi!
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 3
Nguyễn Duy thuộc thế hệ làm thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Vừa mới xuất hiện, Nguyễn Duy đã nổi tiếng với bài thơ “Tre Việt Nam". Bài "Hơi ấm ổ rơm" của anh đã từng đoạt giải thưởng báo Văn Nghệ. Hiện nay. Nguyễn Duy vẫn tiếp tục sáng tác. Anh viết đểu và khỏe. "Ánh trăng" là một trong những bài thơ cùa anh được nhiều người ưa thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc. tứ thơ bất ngờ mới lạ.
Hai khổ thơ đầu tác giả nhắc đến những kỉ niệm đẹp:
"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng lị thành tri kỉ."
Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Dù ở đâu, đi đâu trăng cũng ở bên cạnh. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, quê hương vầng trăng mới thành “tri kỉ". Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau. Trăng chia ngọt sẻ bùi, trăng đồng cam cộng khổ.
Tác giả khái quát vẻ đẹp của trăng, khẳng định tình cảm yêu thương, quý trọng của mình đối với trăng:
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.”
Trăng có vẻ đẹp vô cùng bình dị, một vẻ dẹp không cần trang sức, đẹp mội cách vô tư, hồn nhiên. Trăng tượng trưng vẻ đẹp thiên nhiên nên trăng hóa vào thiên nhiên, hòa vào cây cỏ. “Vầng trăng tình nghĩa" bởi trăng từng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, bởi trăng là người bạn, tri âm, tri kỉ như tác giả đã nói ở trên.
Ấy thế mà có những thời gian tác giả tự thú là mình đã lãng quên cái “vầng trăng tình nghĩa" ấy:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường. ”
Trước đây, tác giả sống với sông, với bể, với rừng, bây giờ môi trường sống đã thay đổi. Tác giả về sống với thành phố. Đời sống cũng thay đổi theo, “quen ánh điện”, “cửa gương". “Ánh điện”, "cửa gương" tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng… dần dần "cái vầng trăng tình nghĩa” ngày nào bị tác giả lãng quên. “Vầng trăng" ở đây tượng trưng cho những tháng năm gian khổ. Đó là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những năm tháng gian khổ ấy. “Trăng" bây giờ thành “người dưng". Con người ta thường hay đổi thay như vậy. Bởi thế người đời vẫn thường nhắc nhau: “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Ớ thành phố vì quen với "ánh điện, cửa gương”, quen với cuộc sống đầy đủ tiện nghi nên người đời không thèm để ý đến“vầng trăng" từng là bạn tri ki một thời.
Phải đến lúc toàn thành phố mất diện:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn."
"Vầng trăng" xuất hiện thật bất ngờ, khoảnh khắc ấy, phút giây ấy,… tác giả, bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng. Bao nhiêu kỉ niệm xưa bỗng ùa về làm tác giả cứ “rưng rưng" nước mắt:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng”.
Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Tác giả không dấu được niềm xúc dộng mãnh liệt của mình. “Vầng trăng" nhắc nhở tác giả đừng bao giờ quên những tháng năm gian khổ ấy, đừng bao giờ quên tình bạn, tình đồng chí đồng đội, những người đã từng đồng cam cộng khổ. chia ngọt sẻ bùi trong những tháng năm chiến dấu đầy gian lao thử thách.
Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa" một thời:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình… ”
Trăng vẫn thủy chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Trăng bao dung và độ lượng biết bao! Tấm lòng bao dung độ lượng ấy "đủ cho ta giật mình" mặc dù trăng không một lời trách cứ. Trăng tượng trưng cho phẩm chất cao quý của nhân dân, trăng tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững của tình bạn, tình chiến đấu trong những tháng năm “không thể nào quên".
“Ánh tràng" của Nguyền Duy gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 4
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.”
Giữa miền đất xa lạ , dẫu vẫn nằm trên đất nước Trung Hoa. Song Lý Bạch vẫn cảm thấy cô đơn , nhìn vầng trăng sáng nhớ đến quê hương mình . Vị thi tiên như muốn níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách.
Cũng từ vầng trăng duy nhất trên đời ấy , bao thi nhân đã tìm được cảm hứng cho riêng mình. Bạn chớ có hỏi tại sao cũng chỉ ánh trăng đó thôi , mà con người có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến vậy.Với bài thơ “Trăng sáng ” , tiếng thơ Nguyễn Duy như thủ thỉ tâm tình kể lại cho người đọc nghe về người bạn thân quen , người đã cùng đi suốt cuộc hành trình tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành của tác giả
“Hồi nhỏ sống ở đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ.”
Trải qua bao thăng trầm của thời gian , hình ảnh vầng trăng như đã là điều gì không thể thiếu , gắn bó , giao cảm với lòng người. Đã bao lâu rồi vầng trăng -ánh sáng huyền diệu kia níu chân khách bộ hành? Đã bao lâu rồi ánh trăng làm mê đắm tâm hồn thi nhân , đến nỗi nhà thơ đánh rơi tim mình vào vầng trăng lẻ bóng?
“Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa.”
…”Ngỡ không bao giờ quên…” Câu thơ như ngập chìm trong nuối tiếc chơi vơi , mạch cảm xúc kia vẫn tiếp tục xuôi theo dòng chảy mãi như mạch ngầm ký ức đã bị bỏ quên nơi cuối trời xa lạ:
“Từ ngày về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.”
Lời thơ như nghèn nghẹn , như đã bị ghìm nén , như tác giả đang muốn ghìm giữ , như bung ra những dao động rất thực trong hồn. Nhà thơ viết dòng thơ thản nhiên , song vì sao ngôn từ vẫn xót xa là thế? Sức hấp dẫn của bài thơ có lẽ là vậy ! Chỉ có tấm lòng mới đủ sức níu kéo những tấm lòng. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói :” Chất thơ tinh tế chỉ đậu hờ vào chữ , tay phàm nhúng vào dễ bay mất , nói chi mổ xẻ với phân tích.”
Những dư âm -kỷ niệm về ánh trăng hẳn sẽ trôi qua nếu bất ngờ từ dòng thơ sau không được gợi mở :
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn.”
Cuộc hội ngộ tình cờ như đánh thức điều gì sâu tận tâm hồn người bạn cũ , để nỗi niềm chan chứa trải dọc cả câu thơ :
“Ngửa mặt nhìn lên trời
Có cái gì rưng rưng?
Như là đồng là bể ,
Như là sông là rừng…”
“Ngửa mặt “-hành động ấy không chỉ là hành động ngắm trăng. Dường như Nguyễn Duy muốn nhìn thật lâu gương mặt người bạn tri kỷ năm xưa sau một thời gian dài không gặp gỡ , như muốn khắc sâu hình bóng kẻ tri âm dạo nào vào tiềm thức . Nửa như để tìm lại – nửa như không muốn quên đi. Lương tâm thi nhân bỗng lên tiếng về sự lãng quên của mình , những ăn năn không bật được thành lời đã khiến dòng thơ như dài thêm vì day dứt khôn nguôi :
“Trăng cứ tròn vằnh vạch
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.”
Cái “giật mình ” đáng trân trọng và đầy ý nghĩa khép lại bài thơ trong muôn trùng suy tưởng từ người đọc. Vầng trăng kia lặng im không nói , không oán trách , vầng trăng cứ lặng lẽ tròn mà khiến hồn người sực tỉnh và trở về với chính mình , tìm lại những dấu yêu xa xưa đã bỏ quên vào dĩ vãng. Xin bạn đừng hỏi rằng nếu như không vì mất điện liệu nhà thơ có thể có được sự thức tỉnh giữa phồn hoa đô hội và nhận thấy một ánh trăng tri kỷ hay không? Bởi lẽ vầng trăng trước khi ta được sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn , khi ta tồn tại hay sau này trở thành cát bụi trăng vẫn cứ tròn lại khuyết vật thôi. Thế mà cái điều hiển nhiên , có tính quy luật ấy lại khiến tác giả ” giật mình ” …
Những điều tưởng chừng như phi lý khi đưa vào tâm trạng con người để giải thích bỗng trở thành có nghĩa. Ánh trăng như đã xuyên suốt cả bài thơ , bổng trầm trải dọc theo chiều sâu cảm xúc nơi Nguyễn Duy : lúc lắng chìm , khi trăn trở , phút suy tư…
Bạn có thấy không? Giữa nhịp sống ồn ào , dòng đời cuộn chảy ;Vẫn còn trong trẻo trên cao -vầng trăng tròn vành vạch ; Vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mát , nhẹ nhàng , im lắng trong tâm hồn của mỗi chúng ta…
Có thể nói Nguyễn Duy và Nguyễn Minh Châu là hai cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam từ năm 1954 đến nay. Mỗi tác phẩm của họ đều để lại những dấu ấn sâu sắc, những âm vang dậy lên trong ta sự xúc động chân thành.
Có thể nói Nguyễn Duy và Nguyễn Minh Châu là hai cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam từ năm 1954 đến nay. Mỗi tác phẩm của họ đều để lại những dấu ấn sâu sắc, những âm vang dậy lên trong ta sự xúc động chân thành.
Trong văn học thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Duy và Nguyễn Minh Châu đã rất thành công trong cảm hứng ngợi ca đất nước và nhân dân anh hùng. Từ sau năm 1975 đến nay, đất nước từng bước chuyển mình để đi đến sự đổi mới toàn diện.
Trên cái nền hiện thực ấy, Nguyễn Duy và Nguyễn Minh Châu đã hướng ngòi bút của mình vào các vấn đề có tính chân thực cao về đời sống xã hội. Một trong những đề tài được quan tâm là sự tự thức tỉnh, tự giáo dục để hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách.
Đọc tác phẩm “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy và “Bến Quê” của Nguyễn Minh Châu, ta cảm nhận sâu sắc bài học làm người mà mỗi tác giả đã gửi gắm trong hành trình tìm về nguồn cội và cuộc đấu tranh tự vấn lương tâm để thức tỉnh chính mình.
Đôi khi giữa cuộc sống phồn hoa đô hội, con người với đầy đủ những tiện nghi sinh hoạt hiện đại, sang trọng, bị cuốn hút bởi nhiều thú vui mới lạ, hấp dẫn dễ đánh mất đi những gì đẹp đẽ thân thương của quá khứ mà đáng lẽ phải trân trọng nâng niu, yêu quý. Ta đã bắt gặp điều ấy qua “Ánh Trăng”. Bài thơ đã đạt giải A trong cuộc thi thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. “Ánh Trăng” là lời nhắc nhủ về những tháng năm gian lao mà anh dũng, nghèo khổ mà nồng ấm tình thương cuả cuộc đời người chiến sĩ gắn bó với thiên nhiên, với con người bình dị, hiền hậu, Nguyễn Duy đã gợi nhớ một miền ký ức thẳm sâu:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Dù sống ở “đồng”, ở “sông” hay ở “bể” ở “rừng” thì đi đâu nhân vật trử tình “Ta” cũng có “Trăng” bầu bạn. Quan hệ giữa Vầng Trăng – Ta là quan hệ tri kỉ. Không gian “Đồng” “Sông” “Biển” “Rừng” gợi nhớ quá khứ gian khổ. Ở đó Vầng Trăng đã trở thành máu thịt của Ta:
“Ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Từ Vầng Trăng Tri kỉ đến Vầng Trăng Tình nghĩa là quá trình gắn bó sâu nặng khẳng định một tình cảm vững bền tưởng như không bao giờ thay đổi. Thế nhưng, “người ta định rồi chẳng bao giờ người ta làm được” (lão Hạc – Nam Cao).
Nhân vật trữ tình trong Ánh Trăng đã như thế!
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
Vầng Trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Từ Vầng Trăng Tri kỉ, Vầng Trăng Tình nghĩa nay đã biến thành Vầng Trăng người dưng! Qủa là một sự thay đổi không thể lường trước. Một sự phản bội?
Điều gì đã làm nên sự phản bội đáng xấu hổ ấy? Phải chăng là sự đổi thay về môi trường sống: Từ miền gian khổ thiếu thốn, khó khăn về nơi đầy đủ, sung sướng? từ giữa thiên nhiên mộc mạc chân chất.
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây ảo”
Về với “Ánh điện cửa gương:…? phải chăng “có mới, nới cũ”? Lối sống mới, cuộc sống mới với bao nhiêu cái mới đã làm cho Ta quên đi Ánh Trăng quá khứ, đúng là sự tự cắt bỏ đi một phần máu thịt của chính mình! Thế nhưng, “cuộc đời vốn đa sự, con người vốn đa đoan” chỉ đến khi trong cuộc sống gặp trắc trở khó khăn thì Ta mới có dịp để nhìn lại chính mình:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
Chính trong lúc khó khăn ấy của cuộc sống, Vầng Trăng, lại đột ngột xuất hiện trọn vẹn, thủy chung. Đối diện với “trăng tròn vành vạnh” là sự đối diện với sự vẹn tròn chân thật, yêu thương và ấm áp. Đối diện với lòng độ lượng, khoan dung của quá khứ ân tình, ân nghĩa Ta chợt thấy giật mình:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Nhân vât trữ tình trong bài thơ “giật mình” hay chính Ta cũng phải giật mình. Hãy cảnh tỉnh mình khi chưa quá muộn!
Bài thơ như một lời tự sự của chính tác giả, như một lời tự sự của chính mỗi chúng ta, nhắc nhở ta về thái độ sống “uống nước, nhớ nguồn”, thủy chung cùng quá khứ.
Cũng là một bài học làm người, Nguyễn Minh Châu qua tác phẩm “Bến Quê” để lại trong ta những trăn trở, những suy ngẫm sâu xa mang tính triết lý.
“Bến Quê” được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn đổi mới nền văn học. Có nhà văn cho rằng, ông là người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất.
Bài học làm người ta bắt gặp trong “Bến Quê” được gởi gắm qua nhân vật trữ tình – tư tưởng: nhân vật Nhĩ với nhiều nghịch lí trong cuộc đời.
Nhĩ là con người từng trải, có địa vị, đi rộng, biết nhiều. Bao cảnh đẹp chốn gần xa, của ngon vật lạ trên thế giới anh đều được thưởng thức: “Suốt cả đời Nhĩ đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Thế mà những cảnh vật gần gũi nơi bến quê: “Cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng đang phô ra trước khuôn cửa sổ gian gác nhà Nhĩ như một thứ vàng thau xen lẫn màu xanh non. Những màu sắc thân thuộc quá như da thịt như hơi thở của đất mỡ màu” thì mãi cuối cuộc đời khi bị cột chặt trên giường bệnh Nhĩ mới nhận ra! Cũng như lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên – vợ anh mặc tấm áo vá! Hình ảnh người vợ tảo tần giàu đức hy sinh làm Nhĩ thật sự cảm động. Đó là tiếng lòng, tiếng đau thương mà không phải lúc nào anh cũng nghe cũng cảm được. Đến bây giờ Nhĩ mới khám phá ra vẻ đẹp của bến quê ư! Đến bây giờ Nhĩ mới thấy Liên mặt áo vá ư! Tại sao vậy? Phải chăng vì quá mãi mê khám phá những gì xa xôi mới mẻ mà anh đã bỏ quên đi điều gần gũi thân thương và rất đỗi thiêng liêng!
Khát vọng cuối cùng của Nhĩ lúc biết mình sắp từ giả cõi đời là muốn đặt chân lên mảnh đất ở bãi bồi bên kia sông, nơi ấy có bến quê của anh Nhĩ… Anh không thể tự mình làm được điều đó. Bởi vì “nhấc mình ra được bên ngoài phiến nệm nằm, anh tưởng mình như vừa bay được nửa vòng trái đất”. Anh đã phải cậy nhờ Tuấn – con trai anh làm điều ấy. Tuấn là sinh viên học tại một trường đại học ở tận một thành phố phía Nam đã miễn cưỡng nhận lời cha. Thế nhưng, lời cầu xin tha thiết và thái độ khẩn khoản của người cha ốm đau tội nghiệp đã bị anh bỏ quên ngay sau đó. Anh đã rơi vào trận chơi phá cờ thế trên vỉa hè và để lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày về bãi bồi phía bên kia, để lỡ mất cơ hội duy nhất thực hiện ước nguyện của người cha đáng kính!
“Suốt đời Nhĩ cũng từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày. Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi được những cái điều vòng vèo hoặc chùng mình, vả lại, nó đã thấy có gì hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều kiện riêng anh khám phá thấy như một niềm say mê pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết”. Những suy nghĩ mang tính trải nghiệm của Nhĩ làm cho ta cảm thấy day dứt trăn trở! Làm sao để thoát khỏi “cái điều vòng vèo chùng chình” trong cuộc sống? Trong cuộc đời? Bởi vì chính cái điều vòng vèo chùng chình ấy mà Nhĩ đã đau đớn ân hận vào giờ phút cuối cuộc đời! Và Tuấn – con trai anh rồi sẽ đau đớn ân hận bên linh cữu của cha! Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể như thế!
Bài học làm người mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong “Bến Quê” thật là sâu sắc! “Ánh Trăng” và “Bến Quê” – hai tác phẩm với hai thể loại khác nhau nhưng cả hai là bài học quý giá cho mỗi chúng ta. Mắc-xim-gor-ki đã từng nói: “Văn học là nhân học”. Học văn là học về con người, học cách làm người!
Cám ơn Nguyễn Duy, cám ơn Nguyễn Minh Châu bằng văn học nghệ thuật đã cho ta bài học đạo lý làm người. Đó là hành trang sống của mỗi chúng ta để ta vững bước trên đường đời. Đúng là: “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẻ cho ta đường đi mà nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng ta, khiến ta phải tự bước lên con đường ấy
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 5
Nguyễn Duy một nhà thơ có biết bao nhiêu tình thương mến. Như chúng ta đã biết thì trong chiến tranh khó khăn gian khổ những người lính luôn tìm cho một tình cảm để bù lấp vào những khó khăn ấy. Nguyễn Duy cũng vậy, ngoài tình đồng chí mà bất kể người lính nào cũng có thì nhà thơ còn có một người bạn tri kỉ riêng đó chính là ánh trăng. Nguyễn Duy đã viết về người bạn tri kỉ ấy trong quá trình từ chiến tranh.
Trước hết là ánh trăng khi còn chiến tranh, khi ấy nhà thơ coi ánh trang giống như một người tri kỉ vậy chính vì thế mà ánh trăng gắn bó với nhà thơ suốt:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Từ hồi còn nhỏ cho đến khi chiến tranh ánh trăng luôn là nguồn sáng hiền hòa mà nhà thơ tìm kiếm đến để soi sáng cho tất cả những gì nhà thơ cần nhìn thấy trong đêm tối. Chính cái ánh sáng hiền hòa ấy cũng làm cho tâm hồn của người chiến sĩ trở nên yêu đời hơn. Trong đêm tối ở chiến trường thì ánh trăng chính là người bạn tri kỉ mỗi khi nhà thơ ngẩn ngơ nhớ nhà hay là khi hành quân giết giặc ánh trang ấy trở thành nguồn sáng soi đường cho người chiến sĩ dễ nhìn thấy địch. Ánh trăng ấy khiến cho nhà thơ tưởng chừng sẽ không bao giờ quên vầng trăng tình nghĩa ấy.
Thế nhưng khi về thành phố, cuộc sống thay đổi và những ý nghĩ của con người cũng thay đổi:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
thành phố không còn là nơi để trăng khoe ánh sáng của mình nữa, tại sao vậy? vì ánh sáng của điện của gương hay là lòng của người xưa đã quên ánh trăng ấy?. Vầng trăng từ một người tri kỉ khi về thành phố bỗng nhiên lại trở thành một người dưng qua đường, không hề quen biết. Thế rồi một hôm điện cũng phải tắt đi, phòng tối om thì bỗng nhiên người tri kỉ năm xưa xuất hiện. Ánh trăng ấy vẫn ở đó chỉ là người bạn năm xưa không còn thấy sự tồn tại của nó mà thôi. Nó thì vẫn soi sáng còn ánh điện kia có sáng cũng có lúc bị mất đi.
Nhà thơ bỗng nhiên thấy được người bạn năm xưa, ngửa mặt lên nhìn mặt thì biết bao nhiêu kỉ niệm cũ ùa về trong đầu:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
khi nhà thơ ngửa mặt lên thì thấy rưng rưng những gì như là sông là biển,là rừng. bao nhiêu kỉ niệm năm xưa nay lại hiện về trong trí óc. Còn trăng thì cứ tròn vành vạnh như trách móc hờn giận cái sự vô tâm tàn nhẫn lãng quên của người bạn cũ. Ánh trăng không nói gì mà chỉ im phăng phắc đủ cho nhà thơ thấy giật mình về lỗi lầm của mình. Cái sự im lặng mới là cái đáng sơ nhất.
qua bài thơ Nguyễn Duy muốn gửi đến một thông điệp đó là phải biết yêu thương trân trọng quá khứ không nên lãng quên nó. Càng không nên vì có cái mới mà lãng quên nó. Vì đến khi cái mới mờ nhạt dễ mất đi còn quá khứ thì vẫn còn ở đó.. Một khi ta nhớ ra lại thấy bản thân mình quả thật rất tồi tệ khi đã lãng quên quá khứ lãng quên những người bạn tri kỉ.
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – Bài làm 6
Ta gặp đâu đây ngòi bút tài hoa của Nguyễn Duy trong tác phẩm: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm… Nhưng khi hòa bình lập lại, ông đã chuyển sang một trang viết mới về sự chuyến mình của đất nước, của con người mà cuộc sống đời thường đang che lấp mất dần những điều đáng quý mà họ vốn có. Bài thơ Ảnh trăng là một bài thơ tiêu biểu cho chủ đề đó. Bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước, đồng thời thức dậy trong tâm hồn người lính lòng trung hiếu trọn vẹn với nhân dân.
Trước hết, đọc bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, điều mà chúng ta cảm nhận đầu tiên là hình ảnh vầng trăng tình nghĩa hiểu hậu, bình dị gắn liền với cuộc kháng chiến gian lao khiến mỗi chúng ta trân trọng tình cảm ấy.
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kĩ.
Bằng nghệ thuật nhân hóa, Nguyễn Duy đã gợi về trong lòng người đọc cả một kí ức tuổi thơ, một tình bạn tươi đẹp. Nhân vật trữ tình gắn bó với trăng trong những năm dài kháng chiến. Trăng vẫn thủy chung, tình nghĩa. Dẫu rằng cuộc sống nơi đồng, bể là khó khăn nhưng bằng tình cảm chân thành mộc mạc, cao quý, trăng đến với con người không một chút ngần ngại. Trăng với người như hai mà một, đều chung thủy, son sắt. Trăng xuất hiện không chỉ có hồn mà còn mang vẻ hoang sơ, mộc mạc.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ.
Bằng cả tâm hồn đồng điệu, Nguyễn Duy đã viết lên những vần thơ chân thành đến thế. Trăng hiện lên bình dị, khác xa so với những gì giả tạo:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương.
Từ những khó khăn, buồn bã, quạnh hiu nơi núi rừng, trăng và người xích lại gần nhau, tình cảm ấy càng mặn nồng. Dường như cuộc đời người lính không còn cô đơn lạnh lẽo, nó được sưởi ấm trong tình thương yêu, tình cảm bạn bè.
Vầng trăng hiện lên với mối quan hệ khăng khít với con người. Cuộc sống vô tư và chịu nhiều khó khăn đã đưa đẩy con người đến với thiên nhiên. Tâm hồn họ thật sự không khô héo cùng hoàn cảnh. Trăng hiện lên trong những vần thơ tiếp theo lại nhân ái, bao dung, tha thứ cho tất cả lỗi lầm của người lính. Ta tưởng rằng tình bạn ấy có thể sâu đậm lắm, mãi mãi vững bền nhưng đột nhiên trong lòng người đọc một cảm giác hụt hẫng. Hai hình ảnh đối lập khá tinh tế: ngỡ không bao giờ quên đối lập với như người dưng qua đường.
Một sự thay đổi phũ phàng khiến người ta không khỏi nhói đau. Tình cảm xưa kia nay chia lìa. Bởi một hiện thực, vầng trăng bị lãng quên từ khi về thành phố đầy đủ tiện nghi. Cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa của điện gương đã làm át đi sức sống của ánh trăng trong tâm hồn con người. Anh lính đã lãng quên đi rằng chính ánh trăng đã đồng cam cộng khổ cùng người lính; quên đi tình cảm chân thành, quá khứ cao đẹp nhưng đầy tình người.
“Người lãng quên ta nhưng ta không lãng quên người”. Vâng! Trăng xuất hiện với một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. Trăng xuất hiện đột ngột trong khoảnh khắc thay thế điện, khi đó nhân vật trữ tình “bật tung cửa sổ” – một phản xạ rất tự nhiên và hình ảnh ánh tráng lại xuất hiện trong tâm hồn anh lính:
đột ngột vầng trăng tròn
“Trăng tròn” một hình ảnh thơ khá hay, không chỉ là ánh trăng tròn mà còn là tình cảm bạn bè trong trăng vẫn trọn vẹn, vẫn chung thủy như năm xưa. Tình cảm ấy chân thành ở chỗ: trăng không hề đòi hỏi, chỉ biết thương hết mình. Chính sức tỏa sáng của ánh trăng đã tỏa sáng không gian, tỏa sáng tâm hồn, rọi về những quá khứ đẹp.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.
Ánh trăng đánh thức lại những kỉ niệm quá khứ, đánh thức lại tình bạn năm xưa, đánh thức những gì con người đã quên. Trăng và nhân vật trữ tình đã đối diện thẳng, nhìn thẳng vào nhau. Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn vui sướng gặp lại bạn tri kỉ lại vừa cảm thấy ăn năn vì vô tình lãng quên đi quá khứ.
Trăng hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình ánh
trăng im phăng phắc
Trăng không trách móc oán hờn mà vẫn khoan dung vị tha. Nhưng đôi khi sự im lặng chính là sự trừng phạt nặng nề nhất. Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ, khiến nhà thơ day dứt:
đủ cho ta giật mình
“Giật mình” biểu thị sự thức tỉnh với quá khứ tràn đấy bất diệt kia. Không một tòa án nào xét xử sự phản bội trong tình bạn, chỉ duy có tòa án lương tâm. Con người thực sự không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biết đứng trên quá khứ để vươn tới tương lai. Đó mới là cách sống của một con người. Nguyễn Duy đã đưa ra một triết lí thật tự nhiên và sâu sắc về cuộc sống – tình người.
Thông qua hình tượng Ánh trăng phải chăng Nguyễn Duy muốn nói đến tình cảm của nhân dân trong thời kì kháng chiến. Tuy thiêu thốn vật chất nhưng họ không nghèo nàn về tình cảm, họ đã bao bọc, chở che cho người lính. Ánh trăng là biểu tượng đẹp đẽ về con người ấy.
Bài thơ khép lại nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc: Nguyễn Duy – một phong cách rất giản dị nhưng mang triết lí sâu xa. Nó gợi ra trong lòng chúng ta nhiều suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người: “Uống nước nhớ nguồn” ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.