Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh tuyệt hay
Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài làm: Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm Bên âý có người ngày mai ra trận Bên âý có người ngày mai đi xa ...
Phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Bài làm:
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên âý có người ngày mai ra trận
Bên âý có người ngày mai đi xa
Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Hương thầm-Phan Thị Thanh Nhàn)
Từ xưa đến nay, tình yêu là đề tài muôn thuở của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, đó cũng là thứ không thể thiếu trong cuộc sống đời người và trở thành nguồn viết bất tận cho nhiều nhà thơ. Nếu như trong bài “Hương thầm”,nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không dám thốt lên lời yêu, chỉ đành gửi hương bưởi gửi cho người ấy ngày mai đi xa. Hay đến với “ông hoàng thơ tình “Xuân Diệu cũng từng chiêm nghiệm nhiều lí lẽ về tình yêu. Thì Xuân Quỳnh lại dám bộc bạch nỗi lòng mình qua thi phẩm “Sóng” như gửi gắm những tâm sự sâu kín và những trạng thái tâm trạng của tâm hồn người con gái khi nói về tình yêu và những khát khao hạnh phúc muôn thuở của con người.
Nhà thơ cổ điển người Pháp đã từng nói:”Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Hay đối với Xuân Diệu, ông cũng bất lực mà thốt lên câu:”Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Còn Hàn Mặc Tử, lại ngầm ngùi mà “nghe trời giải nghĩa yêu”. Quả thực, đề tài tình yêu là một nguồn viết vô cùng phong phú để mỗi thi nhân khai phá, nhưng nó ũng là một điều khó hiểu và không thể diễn tả thành lời. Có lẽ vì thế mà Xuân Quỳnh đã phải dùng hình ảnh “Sóng” của biển Diêm Điền (Thái Bình) để nói hộ nỗi lòng mình và thổ lộ về những mong muốn của cuộc đời, khát khao tình yêu trọn vẹn cháy bỏng. Bao trùm bài thơ là hình tượng sóng và em thật trữ tình với hồn thơ đầy trăn trở. Xuân Quỳnh đã từng lỡ duyên trong một lần đò không trọn vẹn, có lẽ vì thế mà bà luôn có những khát vọng nồng nàn về hạnh phúc và nỗi lòng sâu nặng về quan niệm tình yêu. “Sóng” là hình tượng trung tâm, là mạch nguồn của hình ảnh thơ. Hình ảnh “sóng” soi chiếu hình ảnh “em” để làm sáng tỏ tâm trạng của nhân vật trữ tình với những sắc thái phong phú của tâm hồn và đa dạng trong nỗi niềm con người. “Sóng” hòa quyện cùng “em”để giãi bày tâm sự, để thốt lên những nỗi lòng sầu cảm.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Bài thơ là một bản tình ca tuyệt đẹp với cảm xúc chủ đạo của toàn bài là nỗi niềm về tình yêu thương tha thiết. Những đợt sóng dâng lên là những cảm xúc về tình cảm lại trào lên, xôn xao, mãnh liệt. Sóng là hình tượng ẩn dụ giàu sức gợi với cách biểu đạt phong phú, cảm xúc ấy tuôn ra với nhiều cung bậc và sắc thái vừa đố lập những cũng vừa thống nhất, hài hòa. Đó là trạng thái phức tạp của người con gái khi yêu đầy bí ẩn, ngịch lý. “Dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ”là những cặp tính từ đối lập nhưng lại hòa quyện, quấn quýt nhau. Sóng lúc nào cũng “dữ dội”, “ồn ào” nhưng lòng em lại hết sức “dịu êm”, “lặng lẽ”. Con sóng có lúc cuồng nhiệt nhưng cũng có khi trầm lặng. Đó là đặc tính quen thuộc của sóng, lúc trào lên cao nhung có lúc lại lắng xuống nhịp nhàng. Cung bậc phong phú, trạng thái đối lập với nhiều phức tạp và bí ẩn trong sự nghịch lý của nhân vật trữ tình đã dẫn đến giọng điệu đa dạng cho bài thơ. Tâm lý của người phụ nữ cũng khác thường đến lạ, có khi yêu thương nồng nàn, chân thành, mãnh liệt, mang trầm tư sâu lắng nhưng có lúc cũng cuồng nhiệt, sôi nổi với nhiều biến chuyển. Sóng và em tuy hai mà một, đều hòa nhập một tâm trạng chung, dù đối nghịch nhưng lại rất giống nhau, và có tính tương đồng sâu sắc. Khát vọng con người luôn là những mơ mộng bay bổng, đối với người con gái khi yêu,họ luôn mong ước được vươn cao trong những ánh sáng nhiệm màu của tình yêu bất tử:”sông không hiểu nổi mình/sóng tìm ra tận bể”. Tâm hồn người phụ nữ luôn vươn xa với những giấc nồng cháy bỏng. Dường như, họ không chấp nhận được không gian chật hẹp của dòng “sông” mà tìm đến với biển cả bao la, rộng lớn. Thoát thân mình ra khỏi vòng quay luẩn quẩn, bế tắc, chật chội, tầm thường luôn là những khát vọng mãnh liệt, lớn lao đối với nhà thơ nói riêng và người con gái khi yêu nói chung. “Con sóng ngày xưa” và “ngày sau vẫn thế”, nỗi niềm tột bậc về một mong ước cao đẹp về hạnh phúc và tình cảm luôn là “nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ”. Khát vọng vươn xa và đi xa hơn nữa đã được ẩn dụ trong hành trình của sóng. Từ sông đổ ra biển- đó là quy luật tất yếu của tự nhiên được nhà thơ gợi lên để nói thay nỗi lòng mình. Tâm hồn đang yêu đã tự nhân thức được về những biến động bất thường trong lòng mình, để rồi khi vỡ lẽ ra, tâm hồn ấy lại có một mong ước mãnh liệt hơn, xôn xao, rạo rực, “bồi hồi trong ngực trẻ” về tình yêu tha thiết, ấm nồng. Phải chăng, đó cũng là những khát khao cuồng nhiệt của những trái tim nhân loại muôn đời?
Phân tích bài thơ Sóng
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Những câu hỏi vu vơ nhưng diễn tả rất chính xác với tâm hồn nhà thơ. Xuân quỳnh đã thể hiện rất đượm ý, tài tình và nắm được trạng thái của tâm hồn con người một cách chân thực để diễn tả sâu sắc về hình tượng người con gái đang nặng lòng yêu. Đó là một cảm xúc không thể nào diễn tả nổi với một nỗi niềm bâng khuâng, mơ hồ trong tim “em cũng không biết nữa/ khi nào ta yêu nhau”. Cụm từ “em nghĩ về” cũng được lặp lạ nhiều lần mang nặng một suy nghĩ, một tâm tư thấu đáo đang cuồn cuồn trong trí não người tự tình. Lối đối sánh về biển mà tình yêu quả là một nét độc đáo mà táo bạo trong lối thơ về tình yêu. Đó là một cách ví von để xứng đáng với sự cao cả và nồng hậu cho những cảm xúc mãnh liệt của tình cảm con người mang sự chân thành, thắm thiết. Trong đoạn thơ, một câu hỏi tu từ mơ hồ được nhà thơ đặt dấu chấm hỏi như đang bộc lộ nỗi niềm băn khoăn, trăn trở về cuộc đời và con người giữa biển lớn bao la. Bắt đầu là sóng là gió, nhưng “gió bắt đầu từ đâu” thì không ai biết được. Nó cũng như tình yêu vậy, mông lung đến vô bờ. Cội nguồn của sóng và tình yêu không thể lý giải nổi bởi sự vô tận và bí ẩn trong tâm hồn của nữ nhân thường tình. Tình yêu của con người cũng mênh mông như sóng biển. Mang yêu thương, hạnh phúc đến với con người nhưng cũng tiềm ẩn những nỗi đau xót và buồn thẳm về những cuộc tình trớ trêu. Nhưng tình cảm con người là một điều khó nói, nó không thể thiếu bởi trái tim con người luôn cảm nhận được cảm xúc. Như Xuân Diệu trong “Bài ca tuổi nhỏ” từng viết:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”.
Tình yêu là một để tài lớn với bản trường ca dài nhưng đầy sự khó hiểu. Cũng giống như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” với cuộc đời nhiều ngã rẽ. Trong thơ ông luôn có những chiêm nghiệm và quan niệm nhân sinh về tình yêu sâu sắc và trong đó cũng ẩn chứa nỗi lòng và khát vọng hừng hực về một tình yêu mãnh liệt. Trở lại với thơ Xuân Quỳnh, bà dường như dùng cả cuộc đời mình để mang nặng chữ “yêu”, “yêu là chết ở trong lòng một ít”. Nỗi lòng tác giả đang tuôn chảy theo mạch nguồn của cảm xúc với những cách nhìn và nhận thức trước cuộc đời đúng đắn.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Trong cuộc sống, tình yêu thường gắn liền với nối nhớ khi xa cách, là những nỗi nhớ mãnh liệt đến tột cùng của tâm trạng. Với nhà thơ, dường như nỗi nhớ luôn thường trực mãnh liệt và cồn cào cả khi ngủ và khi thức, cả trong không gian và thời gian với đầy sự tương tư, tâm sự. Sự tài tình của nhà thơ đã tìm được một lối nói ẩn dụ khéo léo để diễn tả chính xác về nỗi nhớ cồn cào, da diết. Đó là không gian mênh mông của “con sóng dưới lòng sâu/ con sóng trên mặt nước”. Dòng thơ chuyển mạch rất tự nhiên và phù hợp với tâm trạng, hình ảnh “anh” xuất hiện, tâm tư tác giả như trầm xuống, nỗi đau đáu trong lòng khiến bà “ngày đêm không ngủ được/…cả trong mơ còn thức”. Những cặp từ sánh đôi, tươn ứng:”sóng-bờ”, “ngày-đêm” , “trên-dưới”, “mơ-ngủ”, “anh-em” đứng đối lập trong toàn bài, diễn tả cảm xúc, tâm trạng và hoàn cảnh nhằm làm nổi bật tình yêu mãnh liệt của con người. Một lối nói quả là khó hiểu và mâu thuẫn nhau, nhưng thực chất, đó lại là một cách nói độc đáo và đặc sắc. Ngay ở cả trong mơ hay khi đang ngủ, người con gái ấy vẫn luôn tỉnh lòng để canh giữ cho tình yêu của mình, bảo vệ niềm hạnh phúc cao cả.
Thật là một tâm hồn nồng nàn, không phút nào ngừng lặng, không phút nào nguôi nhớ.
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Nỗi nhớ trở thành một tình cảm thường trực trong lòng người thi sĩ. Tâm hồn chân thành, táo bạo ấy không hề giấu giếm cảm xúc mà mạnh dạn nói lên những quan điểm về tfinh yêu và bộc bạch nỗi lòng mình ngay trong thơ. Qua đó còn có sự tiềm ẩn về những khao khát sực sôi, khao khát về tình yêu, về hạnh phúc và cả về “anh”. Đứng trước cuộc đời đầy oan trái “xuôi về phương Bắc/ Ngược về phương Nam”, lòng người con gái đang thấp thỏm, lo âu như một linh cảm tai họa trước cuộc đời bất trắc. Chia xa là nhớ, là lòng trĩu nặng tâm tư. Điệp từ “dẫu”, “về” như đang nhấn mạnh một nỗi lòng, dù trắc trở, trái ngang thì em cũng luôn “hướng về anh một phương”. Trên mặt đất này, người ta định sẵn phương Bắc, phương Nam để chỉ phương hướng, còn đối với “em”, phương em hướng về chính là “phương anh”. Lối kết cấu từ giả định tương quan với phủ định đã tại nên “cái bất biến giữa dòng đời vạn biến”, là lòng thủy chung, son sắt, nghĩa tình của mối tình chưa trọn vẹn đang mong ước về một tình yêu đời thường, mộc mạc. Qua lời thơ với những lời tâm sự mộc mạc đã thể hiện một sự trăn trở và nhớ nhung không bao giờ tắt trong lòng nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Sóng và tình yêu là một sự kết hợp chặt chẽ, tình yêu trong “Sóng” là một tình yêu mãnh liệt, là động lực để con người vươn đến nhưng ước mơ xa xôi “ở ngoài kia đại dương”. Đến với tình yêu, tâm hồn con người lại phải lồng lộn để vượt qua những trắc trở và những gia nguy để có được cuộc tình mĩ mãn. Đối với một con người giàu lòng đa cảm, quả thực tình yêu có một sức mạnh vô hình để con người dám thách thức với mọi rào cản “dù muôn vời cách trở”.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Ý thức là vô hạn nhưng đời người là hữu hạn, “cuộc đời tuy dài” nhưng thanh xuân thì lại có một giới hạn nhất định. Xuân Quỳnh đang trong độ xuân với những mong ước và khát khao mãnh liệt cho một tình yêu vĩnh cửu:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Những suy tư và trăn trở trong nhớ nhung không bao giờ tắt trong ngọn lửa tâm hồn người nữ sĩ. Tấm lòng son sắt của tác giả đã được thể hiện qua một hình ảnh mãnh liệt với nỗi niềm lớn lao:” làm sao được tan ra…để ngàn năm còn vỗ”. Lời thơ chứa đựng niềm ao ước cháy bỏng và khát vọng nồng nàn, tha thiết về hạnh phúc trong tình yêu nồng hậu. Tâm hồn người con gái mãnh liệt muốn “thành trăm con sóng nhỏ/ giữa biển lớn tình yêu” vỗ miên man, bất tận theo cảm xúc. Như một khái niệm không gian và thời gian rộng lớn. Hai cặp từ “biển lớn”, “ngàn năm” đã diễn tả một khái niệm đúng đắn, sự chuyển hóa liên tục qua hình tượng “sóng và em” đã làm cho mạch bài thơ thêm trữ tình, chân thật, gợi cảm. Tình yêu trong “Sóng” của Xuân Quỳnh luôn khác với những nhà thơ khác, cùng nói về tình yêu nhưng khi đối với Xuân Diệu qua bài “Biển” thì lại quá vồ vập :”Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt”, “Cũng có khi ào ạt/ Như nghiền nát bờ em” khác hẳn với vẻ nhẹ nhàng của bờ sóng trong thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh.
“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
“Nữ nhân kiên cường/Tình trường thất thủ”. Người ta thường bảo rằng, con gái khó hiểu, nhưng thực sự do họ quá đa cảm, nhạy bén đặc biệt trong chuyện tình yêu. Người phụ nữ càng kiên cường thì đường duyên lại càng hạn hẹp, bế tắc. Xuyên suốt bài thơ, hình tượng “sóng và em” đã thể hiện rõ nỗi lòng của nhà thơ Xuân Quỳnh qua cách nhìn trữ tình, đầy cảm xúc. Nhà thơ đã tìm được tiếng nói riêng để bộc lộ tình yêu và những rung động của lòng mình với một tâm hồn dịu dàng, dạt dào tình cảm, vừa êm ái, vừa thiết tha. Bằng giọng điệu nhẹ bẫng trong âm hưởng, nhịp thơ ngân nga do sự phối âm, phối vần tài tình. Bài thơ “Sóng” đã thật sự thành công khi viết về mảng đề tài tình yêu. Bộc bạch được nỗi lòng tác giả Xuân Quỳnh nói riêng và thân phận những người con gái đa cảm, giàu tâm tư trong xã hội nói chung.
Bùi Phương Thảo