31/03/2021, 14:42

Phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong "Rừng xà nu" bài số 9 - 10 Bài phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành

Rừng xà nu là truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể hùng. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Anh Quyết, cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, cô Dít, bé Heng đều có những nét chung: họ đều là những con ...

Rừng xà nu là truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể hùng. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Anh Quyết, cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, cô Dít, bé Heng đều có những nét chung: họ đều là những con người Tây Nguyên bất khuất thời chống Mỹ, ở họ đều cháy lên lòng yêu nước thương buôn làng, lòng hận thù quân giặc. Đều anh hùng bất khuất nhưng mỗi người lại anh hùng theo một cách riêng.


Cụ Mết là già làng quắc thước, râu dài tới ngực và đen bóng. Cụ được nhà văn miêu tả trong sự so sánh đối chiếu với cây xà nu "lồng ngực của cụ căng như một cây xà nu lớn", đôi bàn tay cụ "Sần sùi như vỏ cây xà nu, bàn tay cụ cứng như sắt", giọng nói của cụ Mết thì ồ ồ rộn vang trong lồng ngực. Như tất cả những người dân Xô Man khác, cụ Mết rất ít nói. Lời nói khen tặng cao nhất chỉ là "được" như nhưng những lời lẽ của Cụ lại có một sức mạnh cổ vũ động viên rất lớn đối với dân làng.


Cụ Mết là hiện thân của truyền thống, là pho sự sống của làng Xô Man, luôn luôn có tình yêu sâu sắc với quê hương, dân làng. Khi Tnú đi xa về, cụ dẫn anh ra máng nước đầu làng dội rửa, bằng việc ấy cụ như muốn nhắc nhở người con xa quê: dù có đi tới phương trời nào cũng phải ghi nhớ và trân trọng nguồn cội thiêng liêng của quê hương. Nói chuyện với Tnú, cụ luôn tự hào khẳng định: "không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta", "gạo người Strá mình làm ra ngon nhất vùng núi này". Trong niềm tự hào và kiêu hãnh dành cho buôn làng, cụ đặc biệt tự hào về Tnú – người con yêu tú của cộng đồng Xô Man: "đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta" và khi Tnú trở lại thăm làng cụ đã tiếp đãi anh bằng tất cả tấm lòng của một già làng dành cho đứa con yêu nhất của mình.


Cụ là một người có lòng tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Cụ là sợi dây gắn kết giữa Đảng với nhân dân Tây Nguyên. Cụ Mết luôn tâm niệm và dặn dò con cháu: "cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn". Nó cho thấy tình cảm của cụ với cách mạng, với Đảng thật thiêng liêng thấm thía khi nó có cội nguồn từ tình yêu "núi nước", quê hương. Cách nhắc nhở ấy khiến mỗi người dân Xô Man phải khắc cốt ghi tâm bởi nó được nói ra bởi con người từng trải và có tiếng nói trong cộng đồng. Hơn nữa cụ Mết còn có những chân lý thời đại được đúc kết trong những câu nói giản dị: "đánh Mỹ phải đánh dài", "Nhớ lấy, ghi lấy sau này tao chết rồi, bay còn sống kể lại cho con cháu: Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo". Một khi kẻ thù đã dùng bạo lực thì mỗi chúng ta phải khắc ghi tội ác của chúng, biến căm thù bằng sức mạnh, phải biết cầm vũ khí để tiêu diệt kẻ thù.


Cụ Mết là người chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man, đó là sự cỉ huy sáng suốt giàu kinh nghiệm và uy lực. Trước cái chết của vợ con Tnú, trước cảnh Tnú bị bắt trói, tra tấn dã man, cụ Mết đau đớn nhưng tỉnh táo, không để tình cảm chi phối. Cụ nhắc đi nhắc lại, "tao cũng chỉ có hai bàn tay không. Tao quay vào rừng…tìm bọn thanh niên…tìm giáo mác". Trong khi Tnú hoạt động một cách bồng bột nôn nóng thì cụ Mết đã bình tĩnh chỉ huy dân làng vùng dậy tự trang bị vũ khí mài bằng đá núi Ngọc Linh, chém chết tiểu đội lính ngụy, giải cứu cho Tnú, đốt lên ngọn lửa đồng khởi cháy khắp núi rừng Tây Nguyên. Hình ảnh cụ Mết chống giáo chỉ huy dân làng trong ánh lửa xà nu bừng bừng khiến cho ta nhớ đến các nhân vật trong sử thi Tây Nguyên. Có thể nói nhân vật cụ Mết đã trở thành một cơ sở quan trọng tạo nên vẻ đẹp sử thi hùng tráng trong chuyện ngắn.


Tóm lại: cụ Mết là một hình tượng nhân vật đẹp gợi nhớ hình ảnh những già làng, tộc trưởng trong sử thi, thần thoại, truyền thuyết, trong những bản trường ca Tây Nguyên xưa. Thông qua nhân vật cụ Mết, Nguyễn Trung Thành đã ca ngợi lòng yêu nước, căm thù giặc và tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong thời đánh Mỹ, cũng đồng thời khái quát chân lý lịch sử lớn lao của thời đại, lý giải sâu sắc và thuyết phục con đường giải phóng nhân dân, đất nước. Tnú: ban đầu Nguyễn Trung Thành định đặt tên cho nhân vật của mình là anh Đề nhưng cái tên Đề nó "Kinh quá", người kinh quá". Đặt tên nhân vật chính của mình là Tnú, cùng với dân làng Xô Man, Dít, bé Heng, nhà văn đã góp phần tạo cho câu chuyện của mình không khí Tây Nguyên rõ nét.


Tnú mồ côi từ nhỏ, sống trong vòng tay thương yêu của dân làng Xô Man và thừa hưởng sự gan góc, mạnh mẽ như một truyền thống của dân làng. Học chữ Thua Mai, Tnú đập bể cái bảng nữa, rồi cầm một hòn đá đập vào đầu đến chảy máu để tự trừng phạt. Đi liên lạc cho anh Quyết, Tnú cứ "xé rừng mà đi, lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước như một con cá kình". Vợ con bị giặc tra tấn, Tnú một mình tay không nhảy xổ vào giữa bọn lính cứu vợ con. Cái mộc mạc, giản dị mà đầy kiêu hãnh bộc trực trong con người Tnú luôn được toát ra trong mọi hoàn cảnh.


Trong con người Tnú có sự chan hòa giữa tình yêu quê hương với tình cảm gia đình, vợ con. Anh yêu từng cánh rừng xà nu, từng con người Xờ Trá, yêu từng con nước đầu nguồn. Anh yêu mẹ con Mai và liều mình lao vào đám giặc để bảo vệ hai mẹ con, đã ôm hai mẹ Mai trong đôi cánh tay của mình. Đi lực lượng, dù rất nhớ làng, anh cũng chỉ xin về có một đêm nhưng khoảng thời gian đó cũng đủ để anh nhìn ngắm quê hương và buôn làng với tất cả sự xúc động chân thành của một người con xa quê. Khi chia tay, Tnú bịn rịn, bâng khuâng giã từ cánh rừng như giã từ một người ruột thịt khiến ta hiểu rằng rừng cây mảnh đất quê hương gắn bó với bao kỉ niệm êm đềm, dữ dội, dù hạnh phúc hay đau thương thì đó vẫn là một nỗi nhớ niềm thương trong lòng Tnú.


Tnú cũng là người giác ngộ cách mạng từ rất sớm, yêu nước và một lòng hướng về cách mạng. Từ nhỏ, Tnú đã được anh Quyết dạy học chữ, đã cùng Mai nuôi giấu cán bộ, Tnú học cái chữ của Đảng, đi tiếp tế, đi liên lạc và bảo vệ theo cán bộ theo lời dạy của già làng: "cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn". Và khi anh Quyết chết đi, Tnú là một trong những nòng cốt cách mạng của dân làng Xô Man. Trải qua nỗi đau lớn nhất của đời mình là mẹ con Mai chết, bản thân mình bị tra tấn, Tnú đã vượt qua đau thương mất mát để trở thành một người cộng sản, trở thành niềm tự hào của cụ Mết và buôn làng. Bi kịch lớn nhất của đời Tnú là anh không cứu sống được vợ con mình. Vậy mà Tnú không ngục ngã, vẫn đứng lên hiên ngang như cây xà nu trong mưa bom bão đạn.


Tnú là hình ảnh người anh hùng trong sử thi với những phẩm chất gan dạ, kiên cường, nghĩa tình, thủy chung được nhà văn chú ý khắc họa qua một chi tiết điển hình được lặp lại nhiều lần: đó là hình ảnh đôi bàn tay. Đó cũng là đôi bàn tay bình thường như mọi bàn tay khác nhưng lại được Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh như một chi tiết nghệ thuật. Đó là đôi bàn tay lao động từng lấy đá từ đỉnh núi Ngọc Linh về, đôi bàn tay đi hái củi, kín nước. Đó là đôi bàn tay trung thực và tình nghĩa từng cầm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho, từng cầm đá đập đầu, từng hiên ngang đặt lên bụng mà khẳng định cách mạng ở đây.


Bên cạnh Tnú là hình ảnh của Dít – một cô gái Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Cũng giống như Tnú, Dít đã trưởng thành mau chóng trong những đau thương của cuộc chiến đấu chống Mỹ ngụy. Dít cũng từng bí mật tiếp tế cho cụ Mết, Tnú và thanh niên trong làng khi họ bị bọn giặc lùng bắt. Dít cũng bị bọn giặc tra tấn bằng cách bị bắt đứng ở giữa sân, lên đạn và bắn dọa khiến Dít khóc thét nhưng viên đạn thứ 10 thì Dít nín bặt, "nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng". Trong ánh nhìn đó có sự điềm tĩnh, bình thản đối chọi của một bản lĩnh trưởng thành sớm trong đau thương chiến tranh mà không tội ác nào có thể tiêu diệt được. Sau này Dít trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội. Hình ảnh của Dít khiến người đọc liên tưởng đến cây xà nu dù chịu đau thương dưới bom đạn nhưng vẫn vươn lên "hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời" như một bản trường ca bất tận về sự nối tiếp truyền thống anh hùng của con người Tây Nguyên.


Nếu như khi Tnú nhìn thấy Dít, "trước mắt anh là Mai đó", như một sự nối tiếp thế hệ, thì thằng bé Heng cũng chính là sự nối tiếc của Tnú trong tác phẩm này. Ngày Tnú đi liên lạc, bé Heng còn nhỏ xíu, vậy mà sau mấy năm về thăm làng, bé Heng đã lớn lên có dáng vẻ của một anh giải phóng tí hon: vai mang một khẩu trường mác, đội một cái mũ giải phóng, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, khoác chéo khẩu súng ngang lưng. Chú bé thuộc thế hệ non trẻ nhất của làng Xô Man, là hình ảnh trẻ em quen thuộc trong bất cứ một tác phẩm sử thi nào, như một cây xà nu mới lớn nhưng hứa hẹn sự dũng cảm, anh hùng như thế hệ đi trước. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh cụ Mết, Tnú, Dít, Heng cùng đứng ở ngọn đồi xà nu phóng tầm mắt nhìn thấy đại ngàn xà nu hùng vĩ như một vĩ thanh, mở ra cho người đọc hi vọng về một cuộc sống mới đầy hứa hẹn cho cộng đồng, cho những thế hệ sau của Nguyễn Trung Thành.


"Rừng xà nu" đã xây dựng được một tập thể anh hùng. Ở đó có sự nối tiếp thế hệ khiến họ vừa mang những nét chung nhất của con người Tây Nguyên dũng cảm kiên cường, vừa mang đặc trưng riêng cho những tính cách cụ thể. Cảm hứng chung của tác phẩm là cảm hứng lãng mạn cùng khuynh hướng sử thi, sử dụng những biểu tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, xây dựng nhân vật dựa trên ngôn ngữ và diễn biến tâm lý…Tất cả tạo nên một tập thể những con người giàu lòng yêu quê hương mà bất khuất, gan dạ, thấm đượm nghĩa tình. Sự phối hợp độc đáo giữa giọng kể, ngôn ngữ, hình ảnh và nhiều yếu tố khác đã khiến "Rừng xà nu" như một khúc ca hùng tráng giữa đại ngàng hoang dại.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0