13/09/2018, 09:42

Petrus Key và Petrus Ký- Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19 (Phần 3)

Phần 3: Tác Giả Lá Thư Petrus Key Winston Phan Đào Nguyên Để nhắc lại với các bạn đọc: qua hai Phần 1 và 2 bên trên, sau khi xem xét nội dung và hình thức của chính lá thư Petrus Key và so sánh nó với lá thư Penang, người viết đã đi đến một kết luận duy nhất: Petrus Ký không ...

Phần 3:  Tác Giả Lá Thư Petrus Key

esc1.jpg

Winston Phan Đào Nguyên

Để nhắc lại với các bạn đọc: qua hai Phần 1 và 2 bên trên, sau khi xem xét nội dung và hình thức của chính lá thư Petrus Key và so sánh nó với lá thư Penang, người viết đã đi đến một kết luận duy nhất: Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.

Kết luận này cho thấy rằng ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu đã sai lầm khi tuyên bố và khẳng định rằng Petrus Ký chính là tác giả lá thư Petrus Key.  Cho dù ông Nguyên Vũ có thêu dệt thêm những chi tiết chung quanh lá thư, có cố tình dịch sai lá thư, có cố tình trình bày lá thư với những chi tiết xấu nhất để tạo ác cảm cho người đọc về tác giả của nó, những việc này chẳng có tác dụng gì, khi tác giả lá thư rõ ràng không phải là Petrus Ký.

Nếu mục đích của người viết bài này chỉ để chứng minh ông Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key mà thôi, thì người viết có thể ngừng lại nơi đây. 

Nhưng, như đã nói ở phần nhập đề, mục đích của người viết là tìm hiểu và trả lời những câu hỏi chung quanh lá thư bí ẩn này.  Sau khi trả lời được câu hỏi chính yếu rằng có phải Petrus Ký là tác giả lá thư Petrus Key hay không, vẫn còn có những câu hỏi tiếp theo với lá thư.  

Những câu hỏi đó là: 

i) có phải đây là một lá thư giả danh Petrus Ký, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?;

ii) tại sao lại có lá thư, và mục đích của người viết thư là gì?; và

iii) ai là tác giả lá thư Petrus Key?

Bởi, trái với nhận xét của ông Nguyên Vũ và thân hữu của ông là Luật Sư Trần Thanh Hiệp, người viết bài này không nghĩ rằng đây là một lá thư mà “văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn“.  Ngược lại, người viết nghĩ rằng đây là một lá thư có lối hành văn cầu kỳ, và là một tài liệu lịch sử thuộc loại primary source quí giá cho sự tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và cuộc xâm lược của Pháp.    

Và người viết cũng nghĩ rằng lá thư Petrus Key là một lá thư có thật chứ không phải là một tài liệu được ngụy tạo bởi người đời sau nhằm mục đích hạ bệ Petrus Ký.  Bởi trước nhất, đây là một tài liệu chính thức được lưu trữ trong văn khố Pháp, trong hồ sơ của Jauréguiberry là người chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Sài Gòn từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860.  Thêm nữa, như có thể thấy trong ảnh chụp, đây là một lá thư nhìn rất xưa với những tờ giấy vàng úa.  Sau cùng, nếu người đời sau có ác ý muốn cáo buộc tội trạng cho Petrus Ký bằng cách ngụy tạo các văn kiện tài liệu như lá thư này, thì có lẽ họ sẽ dùng ngay cái tên thật là Petrus Trương Vĩnh Ký, chứ chẳng cần dùng cái tên lạ lùng Petrus Key làm gì, cho vấn đề trở nên thêm rắc rối!

Do đó, trong Phần 3 này, gồm chương XII đến chương XVII, người viết sẽ lần lượt tìm hiểu và trả lời ba câu hỏi nêu trên.

Chương XII.

Lá Thư Petrus Key Là Một Lá Thư Cố Tình Mạo Danh Petrus Ký

Trước nhất, theo người viết, lá thư Petrus Key là một lá thư cố tình mạo danh Petrus Ký, chứ không phải do một người Việt nào khác có cái tên Petrus Key đã viết vào năm 1859 để cầu khẩn quân Pháp.  Nói cách khác, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa một người Việt có tên Petrus Key và ông Petrus Ký, mà là người viết lá thư Petrus Key đã cố tình chọn cái tên Petrus Key cho lá thư của mình.  Chẳng những vậy, tác giả lá thư Petrus Key chắc chắn đã có trong tay lá thư Penang của Petrus Ký khi phóng bút viết thư, và đó là lý do tại sao lại có cái tên Petrus Key, chứ không phải là một cái tên Petrus Mít hay Paulus Xoài nào khác.

Tại sao người viết lại cho rằng đây là một lá thư mạo danh Petrus Ký?  Đó là vì sau khi đọc và nghiên cứu lá thư Penang được viết ngay trước đó vài tháng bởi chính Petrus Ký, người viết nhận thấy rằng giữa hai lá thư, Petrus Key và Penang, có một mối quan hệ mật thiết.  Đến mức có thể thấy rõ rằng tác giả lá thư Petrus Key đã có lá thư Penang trong tay, và dựa theo lá thư đó, để viết một lá thư khác và ký tên là Petrus Key.

Mối quan hệ mật thiết đó giữa hai lá thư Petrus Key và Penang có thể được chứng tỏ qua những điểm giống nhau như sau:

A. Những Điểm Giống Nhau Trong Hai Lá Thư

  1. Thuật Lại Cuộc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn

Để nhắc lại, Petrus Trương Vĩnh Ký là một nhân vật có thật; một giáo dân người Nam Kỳ và là một cựu chủng sinh mới từ Penang về Việt Nam vào cuối năm 1858.  Nhân vật đó vừa mới trốn thoát khỏi một cuộc săn lùng của nhà Nguyễn và đã viết một lá thư bằng tiếng Latin cho các bạn học ở Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859. 

Trong lá thư Penang, người thanh niên Petrus Ký kể lại những sự đàn áp bắt đạo của nhà Nguyễn đang diễn ra như thế nào ở xứ Nam Kỳ, nhất là ở khu Sài Gòn – Gia Định, nơi ông đang lánh nạn. 

Và vài tháng sau lá thư Penang, lá thư Petrus Key xuất hiện.  Nó được viết bởi một người tự xưng là đại diện cho các giáo dân An Nam để kêu gọi quân Pháp hãy tấn công quân nhà Nguyễn và giải phóng các giáo dân.  Trong thư, tác giả Petrus Key cũng tự xưng là một người giáo dân, và đã thuật lại với rất nhiều chi tiết việc nhà Nguyễn đang đàn áp các giáo dân ở khu vực Sài Gòn – Gia Định như thế nào.

Tóm lại, cả hai lá thư đều có vẻ do một người giáo dân Nam Kỳ viết, và có cùng một mục đích chung là thuật lại cuộc đàn áp bắt đạo của nhà Nguyễn.

  1. Dùng Những Điển Tích Trong Thánh Kinh

Trong lá thư Penang, Petrus Ký cho thấy là một người rất ngoan đạo.  Ông dẫn ra rất nhiều điển tích trong Thánh Kinh với những câu văn bằng tiếng Latin là thứ tiếng mà ông dùng trong trường học ở Penang. 

Trong lá thư Petrus Key, sự dẫn chứng Thánh Kinh này cũng hiện diện khắp nơi, nhất là về những anh hùng Do Thái trong Thánh Kinh như Sam-sông (Samson,) Môi-se (Moses) và Gio-Duệ (Joshua) .

Như đã nhắc đến ở Phần 2, trong lá thư Penang, Petrus Ký đã dẫn giải Thánh Kinh để cho thấy ý Chúa là vô địch.  Trong khi đó, Petrus Key lại dẫn Thánh Kinh để nói về những anh hùng đã dùng vũ lực để giải thoát cho những người Do Thái, và dùng chúng như những tấm gương cho các sĩ quan Pháp.  Mặc dù có hai ý tưởng khác nhau, nhưng cả hai tác giả đều tỏ ra rất thông thạo về những điển tích trong Thánh Kinh, và đã dùng chúng rất nhiều trong thư của mình. 

  1. Dùng Các Biểu Hiệu JMJ và AMDG

Trong lá thư Penang, Petrus Ký đã dùng các chữ tắt JMJ (Jesus Mary Joseph) và AMDG (Ad Majorem Dei Gloriam) ngay trên đầu thư.  Đây là những biểu hiệu tôn giáo được ảnh hưởng bởi người sáng lập ra Dòng Tên là Ignatius Loyola. 

Và trong lá thư Petrus Key, những ký hiệu này cũng hiện diện ở ngay trên đầu lá thư.

Điều cần nói ở đây là Petrus Ký đã dùng những ký hiệu rất tôn giáo này trong một lá thư bằng tiếng Latin gởi cho các bạn học ở Đại chủng viện Penang.  Cách dùng này thích đáng với trường hợp một người đang tu để trở thành linh mục như Petrus Ký viết gởi cho những bạn đồng tu cùng trường. 

Nhưng khi chính những biểu hiệu tôn giáo này cũng được dùng trong lá thư Petrus Key, thì đây là một điều kỳ lạ.  Vì người nhận lá thư Petrus Key là những sĩ quan hải quân Pháp, không phải những chủng sinh ngoan đạo.  Trong số những sĩ quan đó, thậm chí còn có những người theo đạo Tin Lành như Jauréguiberry.  Do đó, đây có vẻ là một cách dùng không thích hợp.

Nhưng chính những ký hiệu này đã được dùng trong đầu thư Petrus Key, cũng giống như trong lá thư Penang.  Vì vậy, đây là một điểm giống nhau rất đặc biệt và không hợp lý, theo lẽ thường tình.

Nhưng nếu ta đặt giả thuyết là tác giả lá thư Petrus Key đã có trong tay lá thư Penang, và muốn bắt chước y như hình thức của lá thư Penang, thì việc dùng những biểu hiệu này trong lá thư Petrus Key lại trở nên hợp lý hơn, và giải thích tạo sao chúng có mặt trong lá thư Petrus Key.

  1. Mối Liên Hệ Giữa Key và Kéy

Sau cùng, mối liên hệ đặc biệt và quan trọng hơn cả giữa hai lá thư chính là cái tên Petrus Key trong lá thư Petrus Key và cái ký hiệu Pet. Kéy trong lá thư Penang.  Chính  mối quan hệ quá gần gũi giữa hai chữ đặc biệt này đã cho thấy rõ ràng có sự mạo danh Petrus Ký với lá thư Petrus Key. 

  Như ta đã biết, trong lá thư Penang viết vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, Petrus Ký đã hai lần viết ra một ký hiệu đặc biệt trong thư: Pet. Kéy.  Ký hiệu này xuất hiện ở đầu thư và cuối thư.  Nó không phải là một chữ ký, vì ở cuối thư Petrus Ký có ký trọn tên họ mình.  Nhưng nó rõ ràng là một ký hiệu đặc biệt của Petrus Ký.  Trong chương trên, người viết bài này đã đoán rằng đó là cách Petrus Ký cho biết cách đọc tên ông cho đúng theo tiếng Latin, hoặc là một biệt danh của ông ở trường Penang.  Nhưng dù là gì đi nữa, thì ký hiệu này cũng đã được dùng như một cách để viết tên thật của ông là Petrus Ký.

Và vài tháng sau khi lá thư này được gởi đi, thì lá thư Petrus Key ra đời.  Ngoài những điểm giống với lá thư Penang như đã kể trên, lá thư này lại được ký với một cái tên rất giống như ký hiệu Pet. Kéy trong lá thư Penang.  Đó là Petrus Key.

Chẳng những giống nhau, hai chữ “Kéy” và “Key” còn đặc biệt ở chỗ cả hai đều không phải là tiếng Việt.  Như ta đã biết, trong chữ Quốc Ngữ hoàn toàn không có vần “ey”.  Và do đó, đương nhiên là không người Việt nào có tên Kéy hay Key.  Cho nên, cơ hội một người Việt nào đó có cái tên đặc biệt là Petrus Key, và viết một lá thư có nội dung giống như lá thư Penang của Petrus Ký, là không có.  Nói cách khác, sự giống nhau giữa hai cái tên cùng không phải tiếng Việt cho thấy đây rõ ràng là một sự trùng hợp do cố ý, chứ không phải ngẫu nhiên mà ra. 

B. Cố Tình Mạo Danh Một Giáo Dân Nam Kỳ – Petrus Ký

Kế đến, theo người viết, tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình mạo danh một nhân vật có thật lúc đó là Petrus Ký để viết một lá thư kêu gọi quân Pháp hãy tấn công quân Nguyễn ở Sài Gòn nhằm giải thoát cho các giáo dân ở đó.

Vì như ta đã biết, trước lá thư Petrus Key vài tháng, ông Petrus Ký đã viết lá thư Penang bằng tiếng Latin cho các bạn ông.  Petrus Ký là một nhân vật có thật, một giáo dân Nam Kỳ có thật, việc ông đang bị nhà Nguyễn săn lùng là việc có thật, những nỗi khổ sở ông phải chịu đựng là có thật, và ông có khả năng dùng tiếng ngoại quốc là có thật.  Do đó, một lá thư ký tên ông sẽ làm cho lá thư và những điều mà nó diễn tả có vẻ … có thật!

Hay nói cách khác, một lá thư bằng tiếng Pháp được viết bởi chính một người giáo dân Nam Kỳ để diễn tả những nỗi khổ sở mà họ phải chịu dưới ách nhà Nguyễn – để kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh nhà Nguyễn và cứu họ, để xưng tụng quân đội Pháp như những vị cứu tinh duy nhất – chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt hơn là nếu lá thư được viết bởi một người nào khác, ít nhất là trong sự suy nghĩ của tác giả lá thư Petrus Key.  Và do đó, tác giả lá thư Petrus Key đã dùng ngay cái tên của một giáo dân Nam Kỳ là Petrus Ký, người mà trước đó vài tháng đã viết một lá thư dài bằng tiếng Latin với nội dung tương tự, để diễn tả cuộc bắt đạo của nhà Nguyễn ở Sài Gòn.   

Ngoài ra, một bằng chứng khác cho sự cố tình mạo danh một giáo dân bản xứ Nam Kỳ là cách tác giả lá thư Petrus Key đã giả vờ ngây ngô, đến độ không biết cả những điều sơ đẳng nhất trong việc viết thư. 

Có lẽ bất cứ người nào cũng phải nhìn nhận rằng lá thư Petrus Key rất kỳ dị và có vẻ giả tạo.  Nó không giống như bất cứ một lá thư bình thường nào khác.  Bởi khi viết thư, điều sơ đẳng nhất là tác giả phải viết rõ ràng họ tên mình trong thư, cũng như họ tên, chức tước của người nhận.  Và phải có địa chỉ hoặc nơi chốn lá thư được viết, được gởi đi, cũng như nơi chốn lá thư được nhận.  Cuối cùng, có lẽ còn sơ đẳng hơn nữa, bất cứ lá thư nào cũng phải có ngày tháng.

Nhưng đằng này, lá thư Petrus Key lại hoàn toàn không có những thứ sơ đẳng đó.  Trong khi rõ ràng là tác giả lá thư có một trình độ văn chương và học vấn rất cao.  Nếu như tác giả đã theo đúng kiểu cách viết thư lịch sự của người Pháp thời bấy giờ, tự xưng mình là “très humble et inutile serviteur” và gọi người nhận là “votre excellence”, “très honorables officiers”, thì không lý gì tác giả lại quên đi những điều sơ đẳng nhất của cách viết thư.

Do đó, ta chỉ có thể kết luận rằng tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình bỏ qua những điều sơ đẳng trên.  Và có vẻ như là tác giả đã cố tình làm vậy để cho thích hợp với việc người viết thư là một người bản xứ Nam Kỳ ngây thơ, không biết cách viết thư. 

Nhưng tác giả lá thư Petrus Key lại không dấu được sự giả mạo của mình.  Nếu như lá thư cố tình bỏ sót những điều sơ đẳng, thì câu văn và cách hành văn lại quá trau chuốt, quá điêu luyện. Thêm nữa, ngoài cách hành văn lưu loát, lá thư Petrus Key còn có một bố cục rất vững chắc: từ phần nhập đề tự giới thiệu mình, đến phần diễn tả nỗi khổ sở các giáo dân phải gánh chịu, đến việc kêu gọi các sĩ quan Pháp hãy cứu giúp, đến việc giải thích tại sao họ sẽ thắng lợi với tình hình quân An Nam, và cuối cùng là ca ngợi những hành động cứu giúp đó.  Với một người có trình độ viết văn như vậy, thật khó tin rằng người đó lại có thể quên hay bỏ sót những yếu tố như ngày tháng, tên họ, trong thư.

Do đó, sự mạo danh Petrus Ký này rõ ràng không phải vì Petrus Ký là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng, lại càng không phải vì lý do muốn hãm hại Petrus Ký, bởi Petrus Ký lúc đó chỉ là một thanh niên vừa 21 tuổi đầu.  Mà dụng ý của tác giả lá thư Petrus Key chỉ là muốn giả mạo một giáo dân Nam Kỳ mà thôi, và vì Petrus Ký chính là một giáo dân có thật, nên tên ông đã được chọn.

Bởi, có lẽ theo sự suy nghĩ của tác giả lá thư Petrus Key, thì lời kêu gọi từ một người giáo dân bản xứ như Petrus Ký là một lý do chính đáng và nhân đạo cho sự can thiệp của quân đội Pháp, hơn là nếu lá thư được viết bởi những giáo sĩ, là những người có thể không được ưa thích lắm bởi những sĩ quan chỉ huy Pháp lúc bấy giờ.

C. Nhưng tại sao lại là Key mà không phải là Kéy?

Nhưng, một câu hỏi rất hợp lý có thể được đặt ra là nếu đã cố tình mạo danh Petrus Ký, thì tại sao tác giả lá thư Petrus Key lại không viết đúng như trong lá thư Penang là Pet. Kéy mà lại viết ra thành Petrus Key?

Theo người viết, có thể có ba lý do cho sự thay đổi từ Kéy ra Key như đã thấy:  Thứ nhất, có thể đó là do lỗi kỹ thuật hay sơ ý; thứ hai, có thể do tác giả lá thư Petrus Key không chấp nhận cách viết này; và thứ ba, có thể do tác giả lá thư Petrus Key nghĩ rằng cách sửa tên như vậy sẽ dễ đọc hơn cho những người nhận được lá thư, và làm cho lá thư dễ được tiếp nhận hơn.

Người viết xin đưa ra một thí dụ có thật để giải thích cho ba lý do này:

Như đã bàn đến bên trên, trong chuyến đi sang Pháp trong phái bộ của Pháp cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản năm 1863, Petrus Ký thành bạn và là thầy dạy tiếng Việt cho trưởng phái đoàn Pháp là Henri Rieunier.  Ông có viết tặng cho Rieunier tên của ông viết bằng cả chữ Hán và chữ Quốc Ngữ.  Trong phần chữ Quốc Ngữ, ông viết tên ông là “trương vĩnh Kéy“. 

45.png

Thế nhưng, trong danh sách của những người An Nam trong phái bộ Pháp năm 1863, thì tên ông lại được in ra là “Petrus Key”.  Cũng như tên của trưởng phái đoàn Việt là Phan Thanh Giản bị viết ra thành “Phan-Thanh-Giang”.

46.png

47.png

Như vậy, nếu khi viết cho Rieunier, ông Petrus Ký viết tên ông rõ ràng là “Kéy”, mà trong danh sách do người Pháp làm, và có thể do chính Rieunier đã kiểm soát, tên ông lại biến thành “Key”, mất đi dấu sắc, thì ta phải đặt câu hỏi là phải chăng đó là một lỗi kỹ thuật, cũng giống như tác giả lá thư Petrus Key đã vô tình nhầm Kéy thành Key chăng?

Hoặc không phải là quên, nhưng có thể do tác giả lá thư Petrus Key là người Pháp và không chấp nhận được dấu sắc bỏ trên chữ e.  Vì theo cách đọc tiếng Pháp, chữ Kéy sẽ được đọc thành “Kêy”.  Do đó, tác giả lá thư đã tự tiện bỏ dấu sắc trên chữ e, và biến “Kéy” thành “Key”?

Hoặc có thể vì tác giả lá thư Petrus Key nghĩ rằng cách viết tên như vậy (Key) sẽ làm cho người đọc và nhận thư, là những người Pháp, dễ chấp nhận hơn là cách viết “Kéy”?

Người viết bài này rất tiếc là không có một câu trả lời chính xác cho lý do tại sao chữ “Kéy” trong lá thư Penang lại biến thành “Key” trong lá thư Petrus Key.  Nhưng câu trả lời có lẽ sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những chương sau, khi ta biết rõ hơn những nhóm người nào có khả năng nhiều nhất là tác giả thật sự của lá thư Petrus Key.

Để tóm lại, trong chương XI, người viết nghĩ rằng tác giả lá thư Petrus Key đã dựa vào lá thư Penang để tạo ra lá thư Petrus Key, và đã dựa vào một nhân vật có thật là Petrus Ký để tạo ra một nhân vật có cái tên đặc biệt là Petrus Key.

Bởi, như đã nêu trên, rõ ràng là có một sự liên hệ mật thiết giữa hai lá thư Penang và Petrus Key.  Trong hai lá thư có rất nhiều điểm giống nhau khiến cho một người bình thường không để ý sẽ dễ dàng cho rằng có thể tác giả của hai lá thư chỉ là một người.

Nhưng không phải tác giả lá thư Petrus Key đã mạo danh Petrus Ký với mục đích hãm hại Petrus Ký.  Mà lý do là vì tác giả lá thư Petrus Key đã có trong tay lá thư Penang của Petrus Ký, vì tác giả lá thư Petrus Key cho rằng việc dùng tên của một giáo dân bản xứ có thật để viết lá thư trên là hữu hiệu hơn cho việc giải thoát các giáo dân, nên người đó đã dùng cái tên Petrus Key, như ta đã thấy. 

Chương XIII

Tại Sao Lại Có Lá Thư Petrus Key – Cuộc Đàn Áp Giáo Dân Khốc Liệt Của Nhà Nguyễn Sau Khi Mất Thành Gia Định

Sau khi trả lời câu hỏi i) với chương XII ở trên để thấy rằng lá thư Petrus Key là một lá thư với sự cố ý giả mạo chứ không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên, câu hỏi kế tiếp được đặt ra là ii) tại sao lại có lá thư Petrus Key, hay mục đích của tác giả lá thư Petrus Key là gì.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao lá thư Petrus Key được viết ra, ta cần phải biết khoảng thời gian ra đời của nó.  Từ đó, ta có thể tìm hiểu lý do tại sao có lá thư.

Như đã biết, lá thư Petrus Key không có ngày tháng.  Tuy vậy, như đã nhắc đến bên trên, lá thư này được tìm ra trong những thùng hồ sơ của Jauréguiberry, viên chỉ huy quân Pháp tại Sài Gòn từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860.  Do đó, có thể đoán ra rằng lá thư Petrus Key đã được viết trong khoảng thời gian này.  Và đó là một khoảng thời gian không lâu lắm sau ngày 4 tháng 2 năm 1859 của lá thư Penang.

Và đây chính là thời gian mà nhà Nguyễn đàn áp các giáo dân ở vùng Gia Định một cách khốc liệt nhất.

A. Cuộc Đàn Áp Giáo Dân Gia Định Năm 1859 Theo Chính Sử Nhà Nguyễn

Theo chính sử nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đây là những khoảng liên quan đến việc triều đình nhà Nguyễn bắt đạo, trong thời gian sau khi thất thủ thành Gia Định vào tháng 2 năm 1859:

“Quân của Tây dương bắn phá thành tỉnh Gia Định, đốt cháy dinh thự kho tàng, rồi rút lui đóng ở mạn dưới bảo Hữu Bình… 

Tôn Thất Cáp đóng quân (3.753 tên) ở Biên Hòa. Vua dụ giục phải tiến nhanh đến Gia Định, hợp quân để đánh giặc…. 

Quân của Tây dương đến các đồn Phú Thọ (Tôn Thất Cáp mới đắp). Các đạo binh đóng ở ngoài (lính Gia Định, lính đồn điền) sợ hãi tan vỡ. Quân của Tây dương đánh phá hữu đồn, Hoàng Ngọc Chung cố sức đánh bị chết trận. Phan Tĩnh (ở tả đồn) bị đạn rút lui. … Bọn Tôn Thất Cáp đều bị giáng. 

Mùa hạ, tháng 4, vua sai các quan tỉnh : Bình Định, An Giang, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường đều lấy bạc lạng, ngân tiền, ngân bài ở kho tỉnh ra, đưa đến quân thứ Gia Định để dự bị thưởng cho tướng sĩ.

 

Cho án sát sứ Vĩnh Long là Lê Đình Đức coi việc đàn áp dân theo đạo Gia tô ở Gia Định. Từ khi thành Gia Định không giữ được, dân theo đạo có nhiều người cậy thế, dọa nạt dân lương, hoặc có kẻ làm tay sai và mật thám cho Tây dương.

 Vua cho là bọn dân theo đạo hạt ấy cần phải khu xử cho nghiêm. Nhưng chỉ chuyên ủy cho các quan ở quân thứ, sợ khó trông coi cho xiết. Bèn sai Đình Đức lấy nguyên hàm án sát, chuyên coi việc đàn áp khu xử dân theo đạo, mà lấy những viên khoa đạo, phái đi quân thứ là bọn Vũ Phạm Châu, Phạm Hoằng Đạt, Nguyễn ích Khiêm (đều người Thổ trước) theo đi để giúp việc. Lại dụ bảo các điều khoản nên làm : (Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về ; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi ; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Gia tô để tiện quản thúc). Giao cho viên khâm phái châm chước mà làm. Còn 5 tỉnh thì dân theo đạo còn biết giữ phép, chưa dám sinh lòng khác : Sai quan tỉnh đều chiểu theo địa hạt phòng bị, khiến cho Gia Định được tiện việc thi hành. (Rồi thì bọn dân theo đạo ra thú rất nhiều. Những người nào ở xa đồn Tây dương thì cho xã dân sở tại kết nhận về quản thúc ; người ở gần đồn Tây dương đều chia ghép vào xã thôn khác : Viên khâm phái đều phân biệt tâu lên mà thi hành).”[94]

Với đoạn chính sử trên đây, ta thấy có một điều rất đáng để ý về việc bắt đạo lần này .  Đó là việc vua Tự Đức đã đặc biệt cử riêng một viên quan, là án sát Lê Đình Đức, để chuyên việc “đàn áp dân theo đạo Gia-tô ở Gia Định”.  

Và đây là một đoạn sử rõ ràng nhất, chi tiết nhất về việc đàn áp giáo dân ở một khu vực rõ rệt là Gia Định.  Theo đạo dụ của vua Tự Đức nhắc đến bên trên, thì tất cả các giáo dân ở Gia Định đều bị ảnh hưởng.  Không chỉ những người thuộc loại “đầu mục”, mà cả những thường dân cũng bị theo dõi.  Ngoài những hào cường đầu mục bị giam giữ, cha mẹ vợ con của những người đã theo Pháp (Tây dương) cũng bị bắt giam hết để làm con tin.

Với những chi tiết rất rõ ràng được miêu tả trong đoạn chính sử kể trên, có thể hình dung ra một cuộc bắt đạo khốc liệt chưa từng có trong lịch sử bắt đạo của nhà Nguyễn.  Tuy được giới hạn trong khu vực Sài Gòn Gia Định, triều đình nhà Nguyễn đã chỉ dẫn rõ ràng phải làm gì với tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, từ nam tới nữ, từ già đến trẻ, từ cha mẹ vợ con của kẻ đã theo Tây, cho tới kẻ chưa theo Tây.

Và vì biết rằng phạm vi đàn áp quá lớn, các quan chức bình thường không thể thi hành hết được tất cả các điều trong dụ – như bắt giam cha mẹ vợ con của những người theo Pháp (Tây dương), ngăn giữ những người nào chưa theo, ngầm giam giữ những cường hào đầu mục không cho đi đâu, đem sáp nhập những người giáo dân già, trẻ con, phụ nữ vào những xã thôn không có đạo – triều Nguyễn đã phải cử ra một viên quan riêng biệt chỉ để lo việc này.  Chẳng những vậy, vua Tự Đức còn cử thêm vài viên quan khác, (người Thổ, không phải người Việt. phải chăng để đàn áp thẳng tay hơn?), cũng chỉ để phụ giúp cho việc bắt đạo ở Gia Định. 

Về thời gian của đạo dụ nói trên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên không nói rõ ngày tháng trong năm 1859. Tuy nhiên, theo thứ tự biên niên của cuốn sử này, thì đạo dụ nói trên chắc chắn phải xảy ra sau tháng 4 âm lịch năm Kỷ Mùi 1859.   Vì, như đã trích bên trên, trước đó, vào tháng 4 âm lịch, sách chép rằng vua Tự Đức cho đưa vàng bạc kho tàng từ các tỉnh lân cận về Gia Định.  Sau đó, sách mới chép đến lệnh của vua Tự Đức cử Lê Đình Đức làm nhiệm vụ chuyên đàn áp giáo dân ở Gia Định.

Như vậy, cuộc bắt đạo qui mô này ở Gia Định (Sài Gòn) đã xảy ra sau tháng 4 âm lịch năm Kỷ Mùi 1859, tức là ít nhất vài tháng sau lá thư Penang của Petrus Ký (ngày 4 tháng 2 năm 1859).  Và chính chiến dịch bắt đạo qui mô này là lý do cho sự ra đời của lá thư Petrus Key

B .Những Sự Kiện Trong Lá Thư Petrus Key Phù Hợp Với Cuộc Bắt Đạo Ở Gia Định Năm 1859

Như ta đã biết, tác giả lá thư Petrus Key diễn tả rất chi tiết về việc bắt đạo khốc liệt đang diễn ra tại khu vực Sài Gòn và giải thích rằng đó chính là lý do ông ta đã viết lá thư – như một đại diện cho các giáo dân An Nam kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân nhà Nguyễn.  

Lá thư Petrus Key có nói đến hai sự kiện mà ta có thể dùng để liên kết tới cuộc bắt đạo qui mô ở Gia Định năm 1859. 

  1. Mỗi Làng Tăng Cường 10 Đến 20 Người Lính Chuyên Việc Bắt Giáo Dân

Trước nhất, trong lá thư Petrus Key có một đoạn về thời gian và một sự việc cụ thể về cuộc đàn áp giáo dân của nhà Nguyễn như sau:

Ngày hôm qua, những lá thư của các quan lại đã lan đến các làng, lệnh cho mỗi làng phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính chuyên bắt các giáo dân

“Hier, des lettres de Mandarins parcouraient les villages, ordonnant d’adjoindre chacun 10 ou 20 hommes aux soldats chargés d’arrêter les Chrétiens”.

Như vậy, theo đoạn văn trên, mỗi một làng được lệnh phải tăng thêm từ 10 đến 20 người lính mà công việc đặc biệt chỉ là chuyên bắt các giáo dân, chứ không phải để đánh Pháp, hay để giữ gìn an ninh làng xóm.

Đoạn văn trên đây trong lá thư Petrus Key rất ăn khớp với đoạn sử trích trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên nói trên về việc vua Tự Đức cử quan Án Sát Lê Đình Đức và các quan phụ tá chỉ để chuyên việc đàn áp các giáo dân ở Gia Định.  Như đã dẫn, đây là một cuộc bắt đạo qui mô chưa từng có, gồm cả việc bắt giam rất nhiều người, từ cha mẹ vợ con của những người theo Pháp cho đến những “đầu mục”.  Và có lẽ đó chính là lý do cho việc cần thêm từ 10 tới 20 người lính mỗi làng, chỉ để cho việc đi bắt các giáo dân ở khu vực Sài Gòn Gia Định.

  1. Nhà Tù Ở Gần Cầu Tham Lương

Kế đến, trong lá thư Petrus Key có những dòng về một địa danh có thật ở Sài Gòn và liên quan đến việc ra đời của lá thư:

“et déjà plusieurs gémissent dans fers de la citadelle qu’on vient d’élever près du pont Tham-Luong.”

“… và rất nhiều người đang rên rỉ trong xiềng xích của tòa thành mới được dựng lên gần cầu Tham Luong.

Như đã trình bày trong những chương trên, tác giả lá thư Petrus Key từng cho thấy sự thiếu hiểu biết của mình về địa danh Nam Kỳ, khi cho rằng có một toà thành (citadelle) mới xây ở gần cầu “Tham-Luong”. 

Nhưng, sự thật là có một cái “đồn” tên là đồn Tham Lương, và đồn đó cũng mới được xây cùng với các đồn khác như đồn Rạch Tra, đồn Thuận Kiều, để làm hậu cứ cho chiến lũy Chí Hòa.[95] 

Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sau khi mất thành Gia Định, vua Tự Đức sai Thượng Thư Tôn Thất Hiệp vào Sài Gòn để đối địch.  Tại Sài Gòn, Tôn Thất Hiệp cho xây một loạt ba cái đồn đối diện với quân Pháp: đồn Hữu, đồn Tiền (Trung), và đồn Tả.  Theo sử Pháp, ngày 21 tháng 4, chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn là Jauréguiberry mở cuộc tấn công các đồn đó.  Trong trận đánh này hai bên đều có tổn thất nặng nề. Tôn Thất Hiệp bị giáng chức và Jauréguiberry rút quân về đóng ở bảo Hữu Bình (Fort du Sud).  Như vậy, chính Tôn Thất Hiệp chứ không phải Nguyễn Tri Phương là người bắt đầu xây phòng tuyến Chí Hoà với các đồn nói trên.  Nguyễn Tri Phương thì sau tháng 7 năm 1860 mới vào Nam để hoàn tất phòng tuyến này.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên không cho biết những đồn Tham Lương, Rạch Tra, Thuận Kiều là do ai xây và vào lúc nào.  Nhưng rất có thể là cũng chính Tôn Thất Hiệp đã xây các đồn này cùng lúc với các đồn nói trên.  Và như vậy, đồn Tham Lương có lẽ đã được xây sau khi Tôn Thất Hiệp theo lệnh vua Tự Đức vào Gia Định, sau khi quân Pháp chiếm và đốt thành Gia Định, tức là cũng cùng khoảng thời gian với lá thư Petrus Key.

Và đây cũng chính là thời gian quan Án Sát Lê Đình Đức được vua Tự Đức cử làm nhiệm vụ chuyên việc “đàn áp” các giáo dân Gia Định.  Như đã trích, trong điều dụ có chỉ thị rõ ràng phải giam giữ tất cả cha mẹ vợ con của những người giáo dân đã theo Tây, cũng như giam giữ các “cường hào đầu mục”.  Với số người phải bị giam giữ đông như vậy, đến mức phải tăng thêm từ 10 tới 20 người lính cho mỗi làng chỉ để bắt những người này, đương nhiên phải có nơi để giam giữ họ.  Một trong những nơi đó, rất có thể chính là đồn Tham Lương, hay chính xác hơn, “tòa thành gần cầu Tham-Luong” theo lá thư Petrus Key. 

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, khi địa danh Tham Lương được nhắc đến trong lá thư Petrus Key, là những điểm sau đây: nó cho thấy là tác giả lá thư Petrus Key đã biết về địa danh này ở Sài Gòn (mặc dù viết sai, và mặc dù gọi sai là “thành” thay vì là “đồn”), biết rằng những giáo dân đang bị giam giữ tại địa danh này, biết rằng địa danh này đang thuộc khu vực kiểm soát của nhà Nguyễn, và biết rằng quân đội Pháp đang đóng gần đó và có thể tiến đánh để giải phóng các giáo dân đang bị giam cầm. 

Như vậy, chính vì những cuộc đàn áp và giam cầm giáo dân khu vực Gia Định – Sài Gòn này của nhà Nguyễn vào thời gian sau khi mất thành Gia Định, tác giả lá thư Petrus Key đã phải viết một lá thư khẩn thiết kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân nhà Nguyễn để giải phóng các giáo dân. 

Tóm lại, phối hợp chính sử nhà Nguyễn với những chi tiết được nhắc đến trong lá thư Petrus Key, ta có thể thấy rằng lý do lá thư Petrus Key được viết là bởi cuộc bắt đạo ở Gia Định với qui mô chưa từng có của triều đình nhà Nguyễn

Do đó, lá thư Petrus Key là một lá thư có thật được viết vào năm 1859, với những chi tiết về cuộc bắt đạo phù hợp với bối cảnh lịch sử ở Sài Gòn trong thời gian đó.  Lá thư này tuy là một lá thư mạo danh Petrus Ký, nhưng nó không phải là một văn kiện được ngụy tạo sau này nhằm mục đích bôi xấu Petrus Ký.  Vì, nếu có những ai muốn làm việc này, thì chắc chắn cái tên được ký ở cuối thư sẽ là Petrus Trương Vĩnh Ký, theo lối ký suốt đời của ông Petrus Ký, chứ không thể chỉ là “Petrus Key” như trong thư.  Và có lẽ lá thư sẽ có nhiều chi tiết hơn về những hành vi “bán nước”, thay vì chỉ là sự cầu khẩn quân Pháp giải cứu mà thôi.

Chương XIV.

Loại Trừ Những Nhóm Người Có Khả Năng Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key

Nhưng, nếu vậy, thì ai là tác giả thực sự của lá thư Petrus Key? 

Có thể sẽ không bao giờ ta biết được đích xác ai là người đã viết lá thư Petrus Key.  Nhưng nếu không thể tìm được đích xác một người, thì ta lại có thể tìm được một nhóm người có khả năng là tác giả lá thư, bằng cách dùng phương pháp loại trừ (elimination process).  Và từ đó, ta có thể xác định rằng ai, hoặc nhóm người nào, có khả năng nhiều nhất là tác giả lá thư.

Theo người viết, tác giả lá thư Petrus Key phải là một người, hay một nhóm người, gồm có cả hai điều kiện sau đây: ý muốnkhả năng để viết lá thư này.

Trước nhất, về ý muốn, ta phải tìm hiểu xem tác giả lá thư Petrus Key có mục đích gì khi viết lá thư này.  Hay nói cách khác, qua lá thư trên, tác giả muốn đạt được điều gì.

Như đã nói trên, lá thư Petrus Key diễn tả thảm cảnh của những giáo dân An Nam và kêu gọi quân Pháp hãy đánh đuổi quan quân nhà Nguyễn để giải phóng họ.  Tác giả kêu gọi lòng nhân đạo cũng như ca ngợi hành động này của quân Pháp.  Đó là vì trong thời gian này, nhà Nguyễn đang “đàn áp” các giáo dân Nam Kỳ, đặc biệt là ở Gia Định, khốc liệt nhất.

Vì vậy, tác giả lá thư Petrus Key phải là người có ý muốn quân Pháp đánh đuổi quân nhà Nguyễn để giải thoát cho những giáo dân.  Và có lẽ những người được hưởng lợi từ sự kêu gọi này rõ ràng nhất chính là những người giáo dân Nam Kỳ! 

Thế nhưng đây cũng chính là nhóm người mà ta có thể loại trừ đầu tiên. 

A. Không Phải Là Người Việt 

  1. Không Đủ Khả Năng Tiếng Pháp

Trước nhất, ta có thể loại trừ ngay một nhóm người mà Petrus Key tự cho mình là đại diện: những giáo dân người Việt.   Bởi một lý do đơn giản là không một người Việt nào ở thập niên 1850s, kể cả những chủng sinh đã từng đi học ở nước ngoài như Petrus Ký, lại có khả năng viết được một lá thư bằng tiếng Pháp với văn chương như vậy.

Theo ý người viết, lá thư Petrus Key là một lá thư dùng tiếng Pháp cực kỳ lưu loát, văn vẻ, có thể nói là cầu kỳ nữa là đằng khác.  Và tác giả lá thư dường như đặt bút xuống là viết, xuôi rót, câu này nối tiếp câu kia một cách tròn trịa, không lỗi lầm, không ngập ngừng đắn đo.   Đó là chưa kể trong thư tác giả còn dùng những câu thành ngữ tiếng Pháp cổ xưa như “qui trop embrasse mal étreint” (“kẻ ôm đồm quá thì khó giữ được gì”) mà một người mới học tiếng Pháp khó lòng biết được, chứ đừng nói là dùng đến khi viết thư.

Trong khi đó, vào giữa thế kỷ 19 ở xứ Nam Kỳ có được bao nhiêu người biết tiếng Pháp?  Có thể nói là gần như không có ai!  Thời gian đầu khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, vì không kiếm đâu ra thông dịch viên nên họ phải dùng các giáo sĩ người Pháp là những người mà họ không có cảm tình và không muốn dùng – nhưng phải dùng, vì không còn chọn lựa nào khác.  Một thí dụ điển hình và rõ ràng nhất là trong một lá thư do người chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn là Joseph D’Ariès viết cho Phó Đô Đốc Charner vào năm 1861, tức là hai năm sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, ông ta cho biết vẫn không thể nào kiếm ra được một người Việt nào khác có trình độ tiếng Pháp như Petrus Ký.[96]  Mà Petrus Ký, thì như ta đã biết, chắc chắn không phải là tác giả của lá thư Petrus Key.

Cũng nên biết rằng trong thời gian đó, người Pháp đã bị bắt buộc phải dùng những thông ngôn người Việt là các cựu chủng sinh như Petrus Ký, vì ít ra những chủng sinh đó biết một thứ tiếng mà các sĩ quan người Pháp cũng có thể hiểu được chút ít: tiếng Latin.  Nhưng đó cũng chính là vấn đề, vì các cựu chủng sinh chỉ được đào tạo bằng tiếng Latin ở chủng viện.  Qua câu chuyện Jean Bouchot kể về cách Petrus Ký tự học tiếng Pháp ở Penang sau khi lượm được một lá thư bằng chữ Pháp nhưng không biết đó là chữ gì và phải tự mò mẫm tìm ra ý nghĩa, ta có thể biết rằng những chủng sinh ở Penang không được dạy tiếng Pháp chu đáo, ít ra là trong thời gian đầu theo học.

Phần nào vì lý do đó, những sĩ quan Pháp rất ghét những người thông ngôn là cựu chủng sinh.  Thậm chí, họ còn lưu truyền một câu chuyện tiếu lâm rằng ngày nọ, một thầy đội người Pháp được lệnh quan trên cho treo cổ bốn người An Nam.  Nhưng khi thầy đội này đến nơi hành hình thì thấy có tới năm người An Nam ở đó.  Cho rằng quan trên đã lầm lẫn về con số, thầy đội cho treo cổ hết cả năm người An Nam.  Người cuối cùng trong năm người trước khi bị treo cổ đã  la lên bằng tiếng Latin rằng: “Ego sum Petrus, Interpretus” (Tôi là Petrus, thông dịch viên).  Thế nhưng, thầy đội người Pháp, vì không biết tiếng Latin và không hiểu nghĩa của chữ Interpretus là thông dịch viên, nên tiếp tục cho treo cổ ông thông dịch người Việt kia và còn lầm bầm nói rằng: “Cho mày chết, thằng (tên) Interpretus”.[97]

Theo ông Alfred Schreiner, một sử gia người Pháp sống ở Nam Kỳ, thì trừ ông Huình Tịnh Của và ông Petrus Ký, những người thông ngôn cựu chủng sinh người Việt chỉ biết được chút ít tiếng Latin, mà lại “sái nát”, cho nên người Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai trị Nam Kỳ.  Ông Schreiner lại cho biết thêm rằng trong khắp nước An Nam, trừ các cựu chủng sinh biết được thứ tiếng Latin một cách “sái nát” đó, thì chỉ có vài người biết được chút ít tiếng Anh, mà cũng rất tệ.  Đó là những người trong số 15 người con trai mỗi năm được vua Tự Đức gởi đi Singapore để học tiếng Anh, vào một thời gian trước đó.[98] 

Tóm lại, ngoại trừ Petrus Ký là người duy nhất vào thời gian ngay sau khi quân Pháp đánh Việt Nam được người Pháp cho là có đủ trình độ để thông dịch (và hoặc may có thể có đủ khả năng viết lá thư Petrus Key), còn tất cả các người Việt thời đó, kể cả các cựu chủng sinh, không ai có thể viết được một lá thư bằng tiếng Pháp như vậy.

  1. Viết Tiếng Việt Không Bỏ Dấu

Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng trong lá thư Petrus Key tiết lộ cho ta thấy người viết thư có nhiều khả năng không phải là người Việt: đó là cách viết địa danh Tham Lương không bỏ dấu thành “Tham-Luong”.  Người Việt, điển hình là ông Petrus Ký, cho dù viết thư bằng tiếng Latin trong lá thư Penang, hay bằng tiếng Pháp như trong lá thư gởi Henri Rieunier, khi viết những chữ tiếng Việt bằng chữ Quốc Ngữ, đều bỏ dấu cẩn thận.  Trong khi đó, một người ngoại quốc không biết chữ Quốc Ngữ ắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc bỏ dấu, nhất là những dấu thuộc loại đặc biệt như dấu râu cho chữ ư và ơ trong tiếng Việt.  Và đó là lý do tại sao ta thấy địa danh Tham Lương được viết như sau trong lá thư Petrus Key:

48.png

  1.            Hình Ảnh Trong Thư Là Của Châu Âu

Ngoài ra, như đã nói trong chương IV ở trên, tác giả lá thư Petrus Key khó có thể là người Việt vì qua lá thư, ta có thể thấy rằng tác giả không biết gì về địa lý, địa hình Nam Kỳ.  Đọc lá thư diễn tả hành trình đi tìm Grand Chef, ta có cảm tưởng như tác giả đang mô tả hành trình của một hiệp sĩ thời Trung Cổ ở châu Âu hơn là một người giáo dân Nam Kỳ. 

Vì với cách diễn tả “dùng nhiều người và nhiều ngựa” để vượt qua những núi non, thung lũng, trên đoạn đường tìm đến những vị cứu tinh, trước mặt là ghềnh đá cheo leo bên bờ vực thẳm, sau lưng là đàn sói đói …., những hình ảnh đó hình như là hình ảnh của một kỵ sĩ hiệp khách phương Tây, chứ không phải của một người thường dân Nam Kỳ chuyên chèo ghe trên kinh rạch.

Do đó, với ba yếu tố trên đây: không đủ khả năng tiếng Pháp, viết tiếng Việt không bỏ dấu, và dùng toàn những hình ảnh châu Âu, người viết nghĩ rằng tác giả lá thư Petrus Key nhất quyết không phải là một giáo dân người Việt ở xứ Nam Kỳ.  Và do đó, có thể loại trừ các giáo dân người Việt khỏi danh sách những nhóm người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key.

B. Không Phải Những Giáo Sĩ Pháp Ở Việt Nam

Nếu đã có thể loại ra một nhóm người có nhiều lý do nhất để viết lá thư này là nhóm giáo dân người Việt, thì chỉ còn lại một nhóm người khác ở Việt Nam có cùng một mục đích với tác giả lá thư Petrus Key: kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh Việt Nam để giải phóng cho những giáo dân khỏi sự đàn áp của nhà Nguyễn.  Và đó là những giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam. 

Điều làm cho những giáo sĩ người Pháp này có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key hơn các giáo dân, là vì họ có đủ trình độ tiếng Pháp để viết lá thư.  Tức là, khác với các giáo dân người Việt, những giáo sĩ người Pháp có đủ cả hai điều kiện, ý muốn và khả năng.

Nhưng những giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam cũng có thể được loại trừ, vì mặc dù có cả ý muốn và khả năng để viết lá thư Petrus Key, họ lại không thể phạm hai lỗi lầm rất rõ trong lá thư Petrus Key, đó là bỏ dấu sai tiếng Quốc Ngữ và dùng toàn những hình ảnh Âu Châu trong thư.

Những giáo sĩ người Pháp này, như linh mục Borelle, như giám mục Lefèbvre, là những người đã sống rất nhiều năm giữa những giáo dân người Việt của họ tại Việt Nam.  Họ đã trở thành gần như người bản xứ.  Do đó, những diễn tả của họ về Việt Nam hoàn toàn chính xác.  Thêm nữa, vì họ chính là những người dùng chữ Quốc Ngữ để giảng đạo, những giáo sĩ này không thể viết sai chữ Tham Lương như trong lá thư Petrus Key.

Một thí dụ điển hình về tính cách bản xứ này của các giáo sĩ là lá thư ngày 15/1/1859 của linh mục Borelle mà người viết đã dẫn ra ở Phần 2 về hành trình của Petrus Ký từ Cái Nhum lên Sài Gòn.  Có một điểm toát ra từ lá thư trên của linh mục Borelle khiến người viết nghĩ rằng ông, cũng như các giáo sĩ khác ở Việt Nam, không phải là tác giả lá thư Petrus Key.

Đó là rất khác, và có thể nói là đối nghịch với lá thư Petrus Key, linh mục Borelle cho thấy ông biết, và diễn tả rất rõ ràng cảnh vật, địa lý, những chi tiết xung quanh ông ta và cuộc trốn chạy của ông ta, một cách cực kỳ xác thực, đúng như hoàn cảnh Nam Kỳ thuở đó.  Thí dụ như khi quan quân nhà Nguyễn vây bắt ông và Petrus Ký ở Cái Nhum vào tháng 12 năm 1858, linh mục Borelle  cho biết là phải nhảy xuống sình giữa ban ngày để trốn tránh.  Sau đó, khi đang lẩn trốn, ông cho biết một tiếng chó sủa, một tiếng dừa rụng cũng khiến ông giật mình lo sợ, cả cho ông và cả cho người đang che giấu ông.  Cuối cùng, ông cho biết tin tức về giám mục Lefèbvre là ông ta đang trốn tránh trong một khu vực có dăm ba ngôi nhà và vây quanh bởi loài cọp dữ.[99]

So sánh những diễn tả xác thực này với lá thư Petrus Key, ta thấy không thể nào mà một người đã và đang sống ở Nam Kỳ cùng với các giáo dân trong bao nhiêu năm, và đã tỏ rõ những sự hiểu biết đó như trên, lại có thể viết ra những dòng như “dùng nhiều người và nhiều ngựa” để vượt qua “núi non, thung lũng” với hoàn cảnh “trước mặt là ghềnh đá trên vực thẳm, sau lưng là đàn sói”, như ta đã thấy trong lá thư Petrus Key.

Do đó, mặc dù các giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam như Borelle và Lefèbvre có thể có cả hai ý muốn quân Pháp tiến đánh và khả năng viết tiếng Pháp, họ lại không thể mắc phải một sai sót rất lớn của tác giả lá thư Petrus Key là không am hiểu xứ Nam Kỳ.

Tóm lại, qua những suy luận trên, người viết nghĩ rằng những giáo dân người Việtnhững giáo sĩ ng

0