Ô nhiễm đất
là tất cả các hiện tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các tác nhân gây ô nhiễm khi nồng độ của chúng tăng lên quá mức an toàn, đặc biệt là các chất thải rắn của ngành khai thác mỏ. Tự ...
là tất cả các hiện tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các tác nhân gây ô nhiễm khi nồng độ của chúng tăng lên quá mức an toàn, đặc biệt là các chất thải rắn của ngành khai thác mỏ.
Tự nhiên
- Nhiễm phèn: do nước phèn từ một nơi khác di chuyển đến. Chủ yếu là nhiễm Fe2+, Al3+, SO42-, pH môi trường giảm gây ngộ độc cho cây con trong môi trường đó.
- Nhiễm mặn: do muối trong nước biển, nước triều hay từ các mỏ muối, nồng độ Na+, K+ hoặc Cl- cao làm áp suất thẩm thấu cao gây hạn sinh lý cho thực vật.
- Gley hóa trong đất sinh ra nhiều chất độc cho sinh thái (CH4, N2O, CO2, H2S, FeS… ).
- Sự lan truyền từ môi trường đã bị ô nhiễm (không khí, nước); từ xác bã thực vật và động vật...
Nhân tạo
- Chất thải công nghiệp: dùng than để chạy nhà máy nhiệt điện, khai thác mỏ, sản xuất hóa chất, nhựa dẻo, nylon …
- Chất thải sinh hoạt (phân, nước thải, rác, đồ ăn,...).
- Chất thải nông nghiệp như phân và nước tiểu động vật: nguồn phân bón quý cho nông nghiệp nếu áp dụng biện pháp canh tác và vệ sinh hợp lý; những sản phẩm hóa học như phân bón, chất điều hòa sinh trưởng, thuốc trừ sâu, trừ cỏ...
- Do tác động của không khí từ các khu công nghiệp, đô thị
Chất dạng khí
- Quá trình đốt nhiên liệu có chứa S sẽ sinh ra khí SO2 rồi tạo thành ion SO42- ở trong đất.
- Các NOx trong khí quyển chuyển hóa thành nitrit – NO2, mưa chuyển NO2 vào đất, đất hấp thụ NO và NO2 được oxy hóa tạo thành nitrat trong đất.
- CO do đốt nhiên liệu chuyển thành CO2 sau đó chuyển thành sinh khối nhờ nấm và vi sinh vật đất.
- Bụi chì từ khí thải của xe máy dọc hai bên đường thấm vào đất. Hàm lượng chì và kẽm cao ở những khu vực gần mỏ quặng.
- Thuốc bảo vệ thực vật, trôi theo nước ngầm vào đất hoặc rơi xuống mặt đất, ngấm vào đất, như là kết quả ngoài ý muốn, rồi phản ứng với các chất được hấp thụ khác thành hợp chất gây hại cho vi sinh vật và động vật đất (giun, sâu bọ …).
Rác và chất thải rắn
Chỉ tính riêng Việt Nam, mỗi ngày có hơn 20 ngàn tấn rác các loại, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng hơn 3.000 tấn/ngày; trong đó rác công nghiệp 50%, rác sinh hoạt 40% và rác bệnh viện 10%.
Thành phần rác hữu cơ khoảng 40-60%; vật liệu xây dựng, sành sứ khoảng 25-30%; giấy, bìa, gỗ khoảng 10-14%; kim loại 1-2%.
Ước tính chỉ thu gom được khoảng 50% mỗi ngày, công suất chế biến rác chỉ được khoảng 10%.
Nhược điểm hiện nay là chưa có quy hoạch lâu dài về bãi chôn lấp, gây mất vệ sinh môi trường; rác thải chưa được phân loại trước khi thu gom, những rác độc hại, nguy hiểm, lây nhiễm bệnh chưa được tách biệt ra khỏi rác chung. Ngoài ra còn thiếu các văn bản pháp lý cũng như các quy định nghiêm ngặt về thải rác, thu gom và xử lý rác. Áp lực dân số cũng thể hiện ở mức độ gia tăng nhanh chóng khối lượng rác thải.
Dầu trong đất
Việc thăm dò và khai thác dầu có tác động xấu lên môi trường đất-đó là hậu quả tất yếu của sự phát triển kinh tế và văn minh xã hội trong thời đại khoa học kỹ thuật. Dầu thô làm ô nhiễm sự sống trên trái đất, theo mưa, lan tràn trên mặt nước. Đất nhiễm dầu gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường (tai nạn dầu Neptune và các tàu dầu ở Cát Lái, Nhà Bè, Cần Giờ), làm chậm và giảm tỉ lệ nẩy mầm, làm chậm sự phát triển của thực vật, làm thay đổi sự vận chuyển các chất dinh dưỡng trong môi trường đất. Đối với vật nuôi, chỉ cần một vết xước nhỏ trên da của vật nuôi trong ao hồ bị nhiễm dầu cũng có thể làm cho vật nuôi bị ngộ độc. Người ăn phải những vật nuôi bị ngộ độc dầu cũng sẽ bị ngộ độc.
Ô nhiễm vi sinh vật môi trường đất
Do tập quán, sản xuất chăn nuôi không hợp vệ sinh, dùng phân chuồng bón cây … làm sinh ra các tác nhân sinh học như trực khuẩn lỵ, thương hàn, ký sinh trùng (giun, sán). Các tác nhân sinh học này có thể gây ra bệnh ở người.
Ô nhiễm do sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu
Ô nhiễm hóa học do sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng…Việc sử dụng phân bón gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Tên Nước | N (kg/ha) | P2O5 (kg/ha) | K2O (kg/ha) | Ghi chú |
Hà Lan | 560,7 | 96,2 | 131,8 | |
Nhật Bản | 125,8 | 141,4 | 104,9 | |
Trung Quốc | 122,1 | 27,2 | 4,8 | |
Mỹ | 56,1 | 25,8 | 29,9 | |
Ấn độ | 20,8 | 6,5 | 3,7 | |
Việt Nam | 48,5 | 17,6 | 7,2 |
Các chất thải công nghiệp và các chất thải sinh hoạt cũng thường chứa những sản phẩm độc hại ở dạng lỏng và dạng rắn. Sự thải bỏ các chất thải tạo nên các nguồn gây ô nhiễm trầm trọng cho đất. Thành phần rác thải sinh hoạt thay đổi tùy theo địa phương.
Loại rác | Rôma | Milan | San Paolo | Ôslo | California |
Giấy | 25,0 | 20,0 | 21,0 | 38,2 | 40,5 |
Nhựa, chất dẻo | 3,0 | 5,0 | 1,7 | 1,8 | 5,4 |
Các chất sắt | 2,5 | 4,0 | 4,1 | 2,0 | 5,0 |
Vải, da, gỗ | 3,0 | 5,0 | 7,0 | 9,4 | 18,1 |
Các chất hữu cơ | 53,0 | 41,0 | 57,0 | 30,4 | 19,6 |
Chất không cháy | 10,0 | 10,0 | 6,6 | 13,5 | 9,4 |
Đất có thể bị ô nhiễm từ nguồn nước bị ô nhiễm. Khi nguồn nước bị ô nhiễm chảy qua bề mặt hoặc di chuyển lắng đọng hoặc thấm sâu vào đất. Đó có thể là chất độc hữu cơ như xăng, dầu, mỡ, hydrocacbon khác; có thể là chất độc vô cơ như kim loại và oxide kim loại nặng; cũng có thể là vi khuẩn gây bệnh, hoặc xác chết của động vật và thực vật.
- Đất bị xuống cấp. Một số biểu hiện như:
- Dễ bị xói mòn do nước, khi gặp các chuyển động lớn như lở đất khi lượng mưa cao, thảm thực vật bị phá hủy, canh tác không hợp lý, chất dinh dưỡng bị mất do trầm tích và bị rửa trôi theo dòng nước, gấp khoảng 10 lần lượng dinh dưỡng và bị trôi.
- Dư thừa muối: đất dư thừa Na+ nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Sự xuống cấp hóa học: liên quan đến sự mất đi những chất dinh dưỡng cần thiết và cơ bản cũng như sự hình thành các độc tố Al3+, Fe2+ .. khi các chỉ tiêu này quá cao hoặc quá thấp đều gây ảnh hưởng đến môi trường.
- Sự xuống cấp sinh học: sự gia tăng tỉ lệ khoáng hóa của mùn mà không có sự bù đắp các chất hữu cơ sẽ làm cho đất nhanh chóng nghèo kiệt, giảm khả năng hấp thụ và giảm khả năng cung cấp N cho sinh vật. Đa dạng sinh vật trong môi trường đất bị giảm thiểu.
- Làm thay đổi thành phần và tính chất của đất; làm chai cứng đất; làm chua đất; làm thay đổi cân bằng dinh dưỡng giữa đất và cây trồng do hàm lượng nitơ còn dư thừa trong đất (chỉ có khoảng 50% nitơ bón trong đất là được thực vật sử dụng, số còn lại là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất).
- Gây một số bệnh truyền nhiễm, bệnh do giun sán, ký sinh trùng mà đa số người dân mắc phải đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn.
- Các chất phóng xạ, kim loại, nylon, do không phân hủy được nên gây trở ngại cho đất.
- Các phân bón hóa học, thường có một số vết kim loại và hóa chất như As, Cd, Co, Cu, Pb, Zn … theo thời gian sẽ tích tụ trên lớp đất mặt làm đất bị chai xấu, thoái hóa, không canh tác tiếp tục được.
- Việc sử dụng thuốc trừ sâu có tác dụng làm giảm tác động phá hoại của sâu bệnh, tăng sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu cũng là một tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh tật và tử vong cho nhiều loài động vật nhất là loài chim. DDT là một trong những thuốc trừ sâu gây độc hại cho sinh vật và môi trường. Sử dụng DDT và một số thuốc trừ sâu khác đã làm cho nhiều loài chim và cá bị hủy diệt. Nguyên nhân là do thuốc trừ sâu và diệt cỏ tồn tại lâu trong đất (từ 6 tháng đến 2 năm) và gây tích tụ sinh học. Trung bình có khoảng 50% lượng thuốc trừ sâu được phun đã rơi xuống đất, tồn đọng trong đất và bị lôi cuốn vào chu trình: đất-cây-động vật-người. Một số chất còn bị nghi là nguyên nhân của bệnh ung thư.