Nội dung, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân trong giai đoạn hiện nay
Tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội X và Đại XI của Đảng, các chính sách của Nhà nước hiện hành đã xác định nội dung, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc hiện nay là: – Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm ...
Tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội X và Đại XI của Đảng, các chính sách của Nhà nước hiện hành đã xác định nội dung, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc hiện nay là:
– Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp.
– Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc.
– Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội.
– Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị bao gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, trong đó vai trò hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng. Để Đảng ta thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Xây dựng những cơ chế cụ thể để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng; Đảng phải chăm lo lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
– Nhà nước có vai trò to lớn trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật một cách có hiệu quả, thông qua bộ máy công quyền trong sạch, công tâm, hết lòng phục vụ nhân dân.
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đóng vai trò đại diện cho lợi ích chung và lợi ích từng giai cấp, từng giới quần chúng, đồng thời là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải thông qua Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và bằng các hình thức đa dạng khác.
– Đại đoàn kết phải được thực hiện từ cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư ở cơ sở, như thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị… thực hiện tốt các cuộc vận động trong từng lĩnh vực cụ thể và cuộc vận động chung: “Toàn dân đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
– Thực hiện trong giai đoạn trước mắt cần:
+ Thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy dân chủ (dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và chế độ tự quản của cộng đồng dân cư) và giữ vững kỷ cương trong xã hội.
+ Tổ chức và động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội; mỗi người, mỗi hộ đều phấn đấu làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước.
+ Chăm lo và bảo vệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.
+ Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, tôn giáo…