Những phát hiện về vạn vật /Phần 8 - Chương 35
Khi viên hoa tiêu Bồ Đào Nha Péro d’Alemquer trở về sau những chuyến đi với Dias và Gama, anh ta khoác lác với triều đình là mình có thể sử dụng bất kỳ con thuyền nào, chứ không cần phải là thuyền buồm caravel, để đi tới bờ biển Guinea và trở về. ...
Khi viên hoa tiêu Bồ Đào Nha Péro d’Alemquer trở về sau những chuyến đi với Dias và Gama, anh ta khoác lác với triều đình là mình có thể sử dụng bất kỳ con thuyền nào, chứ không cần phải là thuyền buồm caravel, để đi tới bờ biển Guinea và trở về.
Vua Joan II công khai trách mắng anh ta rồi kéo anh ta ra một bên và giải thích riêng tư với anh ta rằng ông ta chỉ muốn làm nản lòng những kẻ rình mò nước ngoài nào có ý lợi dụng kinh nghiệm của Bồ Đào Nha. Hoàng tử Henry Nhà Hàng Hải và những người tiếp nối công trình của ông đã cố hết sức để thiết lập và duy trì sự độc quyền thương mại tại các miền bờ biển châu Phi mà họ mới khám phá ra. Có nghĩa là họ không bật mí cho ai về những nơi đó và cách để đi đến đó. Khi vua Manuel khai triển kế hoạch độc quyền hạt tiêu vào năm 1504, ông ra lệnh phải giữ bí mật mọi thông tin hàng hải.
Chính sách này không dễ thực hiện, vì các vua Bồ Đào Nha phải dựa vào các người nước ngoài như Vespucci để thực hiện công việc khám phá. Năm 1481, một người Bồ Đào Nha là Cortes đã thỉnh cầu vua Joan II cấm mọi người nước ngoài, nhất là những người Florence và Genoa, không được định cư ở Bồ Đào Nha, vì họ thường đánh cắp những “bí mật về châu Phi và các đảo”. Thế nhưng một ít năm sau, chàng thanh niên Christophe Colômbô người Genoa đã thực hiện cuộc hành trình để giúp người Bồ Đào Nha xây dựng đồn lũy của họ tại São Jorge da Mina trên bờ biển Guinea. Và một người Flamand là Fernão Dulmo cũng được vua Joan II cử đi cùng với Estreito tới những đảo ở biển phía tây, trước cả Colômbô.
Dù vậy, âm mưu giữ bí mật của Bồ Đào Nha đã có hiệu quả - ít là trong một thời gian. Cho tới giữa thế kỷ 16, các quốc gia khác muốn tìm thông tin về nền thương mại đường biển của người Bồ Đào Nha tại châu Á phải dưạ vào những mảnh tài liệu lẻ tẻ của các sách thời xưa, những câu chuyện thu nhập đây đó từ các người lữ hành, những thủy thủ đào ngũ và những gián điệp. Như thế chính sách này cũng đã không ngăn cản được các bản đồ về châu Á rò rỉ sang các nước khác của châu Âu.
Người Tây Ban Nha cũng cố gắng theo đuổi chính sách bảo mật giống như thế, nên những bản đồ chính thức của họ được giữ trong những két sắt có hai ổ khóa và hai chìa, một chìa do viên hoa tiêu trưởng giữ (Amerigo Vespucci là người đầu tiên), chìa kia do viên tổng quản trắc địa giữ. Sợ rằng những bản đồ chính thức có thể bị phá hủy cố ý hay không chứa những thông tin mới nhất, năm 1508 triều đình đã thiết lập một bản đồ chủ gọi là Padron Real, do một ủy ban gồm những hoa tiêu tài giỏi nhất trông coi. Nhưng những sự thận trọng này vẫn không đủ. Sebastian Cabot (1476-1557), một người gốc Venice, trong thời gian làm hoa tiêu trưởng dưới thời vua Charles V, đã tìm cách bán “Bí mật của Eo biển” cho cả Venice và Anh Quốc.
Sợ kích thích các đối thủ cạnh tranh trong nước cũng cản trở những quốc gia thám hiểm thành công này không khai thác hết được những lợi thế quốc gia của mình từ các cuộc thám hiểm do nhà nước tài trợ. Ở bên ngoài Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các tài liệu về những cuộc thám hiểm của Vespucci là những sách được in nhiều nhất trong tất cả những chuyến hành trình tới Tân Thế Giới trong suốt 35 năm sau chuyến đi về phía tây lần đầu tiên của Colômbô. Nhưng trong những năm này, không có ấn bản nào xuất hiện ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Sự kiện kỳ lạ này cho thấy chính quyền của hai nước thuộc bán đảo Iberia này không muốn sự độc quyền của chính phủ bị đe doạ bởi những nhà cạnh tranh tư nhân ngay cả trong dân của mình.
Sự bảo mật cũng đã tạo những vấn đề về việc tuyển mộ thủy thủ đoàn và việc giữ vững tinh thần của thủy thủ trong những cuộc hành trình dài tới những nơi vô định. Các thuyền trưởng khi tuyển mộ thủy thủ để thám hiểm những vùng biển lạ thường mệt mỏi vì gây sợ hãi cho thủy thủ và rồi ở trên biển lại sợ họ nổi loạn khi gặp nguy hiểm.
Chính sách bảo mật đã bị đánh bại bởi một yếu tố hoàn toàn bất ngờ. Không phải bởi những gián điệp hay những hoa tiêu trưởng phản bội như Sebastian Cabot. Nhưng bởi một kỹ thuật mới đã tạo nên một thứ hàng hóa mới. Với sự phát minh ra máy in, kiến thức địa lý có thể dễ dàng được đóng gói và đem bán để lấy lời.
Hiển nhiên từ lâu đã có việc mua bán những bản đồ hàng hải của các thủy thủ để kiếm sống. Các họa đồ vẽ tay đã có hình dạng từ thế kỷ 13 để dùng cho các người đi biển Địa Trung Hải và đến thế kỷ 14 những nhà vẽ bản đồ đã có những cơ sở phồn thịnh. Cho tới giữa thế kỷ 15, đây là những nhà trắc địa chuyên nghiệp duy nhất ở châu Âu. Nhưng việc giữ bí mật và độc quyền đã tạo ra một thứ thợ đen với những hàng hóa giả được nói là những bản gốc đánh cắp được.
Các công ty thương mại tư nhân làm ra những bản đồ “bí truyền” của mình. Chẳng hạn, Công ty Dutch East India sử dụng những nhà trắc địa tài giỏi nhất ở Hà Lan, đã kết hợp độc quyền 180 bản đồ, họa đồ và phong cảnh của những con đường tốt nhất quanh châu Phi đi tới ấn Độ, Trung Hoa và Nhật. Sưu tập bản đồ này từ lâu đã được nghe nói đến, nhưng mãi nhiều năm sau mới tìm thấy trong thư viện của hoàng tử Eugen nhà Savoy ở Vienna. Các bản đồ chính thức của nhà nước nói chung thường chỉ được phổ biến ra quần chúng khi nội dung của nó đã trở thành kiến thức chung rồi.