Những phát hiện về vạn vật /P 15 - Chương 79
Cánh cửa lớn tiếp theo mở ra cho cái nhìn của người châu Âu về nền văn minh được thực hiện bởi một nhà nghiệp dư khác, cũng tìm ra những chìa khóa từ Tân Thế Giới. Cánh cửa lớn tiếp theo mở ra cho cái nhìn của người châu Âu về nền văn minh được thực ...
Cánh cửa lớn tiếp theo mở ra cho cái nhìn của người châu Âu về nền văn minh được thực hiện bởi một nhà nghiệp dư khác, cũng tìm ra những chìa khóa từ Tân Thế Giới.
Cánh cửa lớn tiếp theo mở ra cho cái nhìn của người châu Âu về nền văn minh được thực hiện bởi một nhà nghiệp dư khác, cũng tìm ra những chìa khóa từ Tân Thế Giới. Edward Burnett Tylor (1832-1917) là con của một thợ đúc đồng thuộc giáo phái Quaker ở Luân Đôn, cậu không đi học trường công, nhưng được gửi đi học một trường của giáo phái Quaker. Mười sáu tuổi, cậu bé bước vào ngành nghề của gia đình. Dù sao, cậu không thể vào dại học vì lý lịch là thuộc giáo phái Quaker, một giáo phái bất đồng với Giáo hội Anh quốc. Như thế nguồn gốc Quaker đã cứu Tylor khỏi định nghĩa “văn hóa” như là sản phẩm độc đáo của Hi Lạp và Rôma và Giáo Hội Anh Giáo. Thái độ nghi kỵ các nghệ thuật của người Quaker cũng cứu ông khỏi bó chặt “văn hóa” vào cái khuôn thời Victoria của Matthew Arnold. Khi ông trở thành giáo sư đầu tiên môn nhân loại học ở Oxford năm 1896, ông có thể tự hào là ông không hề phải đi thi bao giờ.
Lúc 22 tuổi, ông bị nghi mắc chứng lao phổi và gia đình đã cho ông đi du lịch để cải thiện sức khỏe. Thay vì đi du lịch vãn cảnh khắp các thủ đô lớn của châu Âu, ông lại đi tới châu Mỹ. Trong khi đi rảo quanh Havana của Cuba, ông đã làm quen với một người bạn đồng hành tên là Henry Christy, một chủ ngân hàng giàu có người Anh ở tuổi 50 và cũng là người thuộc giáo phái Quaker. Đối với những người theo giáo phái Quaker, khoa “nhân chủng học” và những cách sống của những dân tộc xa xôi có một ý nghĩa đạo đức, vì nó nêu lên những bằng chứng về tình huynh đệ và thúc đẩy những nỗ lực chống tình trạng nô lệ. Hai người hi vọng sử dụng khoa nhân loại học để hỗ trợ những cố gắng của Las Casas.
Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tại châu Âu, các ngôn từ và ý tưởng dùng để mô tả những thành tựu xã hội của con người đã mang một ý nghĩa tâng bốc và tự mãn. “Văn hóa” trong tiếng Anh là “culture”, (từ gốc La tinh cultus có nghĩa là sự tôn thờ) nguyên thủy có nghĩa là sự tôn kính. Kế đến nó dùng để mô tả việc trồng trọt và sau này nó mang nghĩa rộng là sự phát huy và làm đẹp trí khôn và hành động. Sau cùng vào thế kỷ 19, “culture” đã trở thành một tên gọi để chỉ khía cạnh trí thức và thẩm mỹ của nền văn minh. Chính theo nghĩa này mà Wordsworth đã than phiền về những nếp sống mà “vẻ đẹp văn hóa đã hoàn toàn không được biết đến”.
Theo câu nói ưa thích của Matthew Arnold, “Văn hóa” là “việc chúng ta làm quên với những gì tốt nhất đã được biết và nói trên thế giới”. Nếu thế thì “văn hóa” là một tên gọi ít hứa hẹn nhất cho việc nghiên cứu khoa học một cách mạnh bạo về tất cả những xã hội con người. Nhưng Tylor đã giữ lấy tên gọi này và đã làm những điều kỳ diệu để gạn bỏ những ý nghĩa đề cao cá nhân và địa phương của nó. Vì sự thành công này của ông và vì ông đã làm cho “Văn hóa” trở thành một tên gọi trung lập và là tiêu điểm của một khoa học xã hội mới, nên ông đã được mọi người nhìn nhận như là nhà sáng lập khoa nhân học văn hóa mới. Vào thời ông, khoa học này được gọi là “Khoa học của Ông Tylor”.
Tylor đã đặt tên cho nỗ lực cả một đời của ông là Khoa học Văn hóa “để thoát ra khỏi miền đất cao siêu của triết học và thần học, để bắt đầu bằng một cuộc hành trình nhiều triển vọng hơn qua những miền đất thực tế”. Ông cần sự dũng cảm để phá hủy những khu rừng linh thiêng như ông đã làm trong tác phẩm nổi tiếng Văn Hóa Nguyên Thủy của ông. “Thế giới nói chung chưa chuẩn bị để đón nhận khoa học tổng quát về đời sống con người như là một ngành khoa học tự nhiên... Với nhiều người trí thức, thật là một điều kinh tởm và thiếu cơ sở khi coi lịch sử loài người như là một phần mảnh của lịch sử tự nhiên, khi coi các tư tưởng, ý muốn và hành động của chúng ta như là phải tùy thuộc các qui luật nhất định giống như các qui luật chi phối sự chuyển động của làn sóng, sự kết hợp của các chất kềm và axit và sự tăng trưởng của cỏ cây và loài vật”. Nội dung của lịch sử tự nhiên của xã hội sẽ là Văn hóa, được định nghĩa lại như là “cái toàn thể phức tạp bao gồm nhận thức, niềm tin, nghệ thuật, luân lý, luật pháp, phong tục và bất cứ khả năng và thói quen nào khác con người có trong tư cách là thành viên của xã hội”.
Tylor nhận xét rằng có quá nhiều nhà tư tưởng đã “chỉ coi lịch sử như là ngưỡng cửa đi vào khoa học”. “Nếu lãnh vực nghiên cứu không phải là toàn thể Lịch sử nhưng là một nhánh của nó mà ở đây ta gọi là Văn hóa, không phải lịch sử của những bộ lạc hay quốc gia, mà sử của tình trạng nhận thức, tôn giáo, nghệ thuật, phong tục, v.v.., thì nhiệm vụ nghiên cứu này sẽ nằm trong một lãnh vực khiêm tốn hơn nhiều”. Ông có được ý tưởng đầu tiên về những triển vọng này khi Christy đưa ông đi xem những mỏ đá vỏ chai cổ xưa ở Mexicô. Những miếng đá hình lăng trụ được đục đẽo bằng tay tìm thấy ở đây trước kia được mô tả như là những cái chuôi hay tay cầm của vũ khí, nhưng Tylor chứng minh rằng chúng là những phần lõi của những mảnh đá được đẽo ra để làm vũ khí và dụng cụ. Bị kích thích bởi kỹ thuật kỳ lạ này, ông đã bắt đầu bước vào con đường coi kỹ thuật là một yếu tố cần thiết để nghiên cứu xã hội.
Ông đi theo câu tục ngữ ý, “Toàn thế giới là một đất nước”, nên ông cảm thấy sung sướng vì sự “giao lưu” giữa các cách sống khác nhau của các dân tộc cách xa nhau. Ông tránh dùng thuật ngữ “các nền văn hóa” và thích dùng “Văn hóa” ở số ít và viết chữ hoa. Ví dụ, ông thấy “sự khác biệt chỉ bằng một gang tay” giữa một người thợ cày Anh sử dụng cày và rìu, nấu nướng bằng củi, nghe kể truyện ma ở gần một ngôi nhà có ma, với những cách sống tương tự của người da đen ở Trung bộ châu Phi.
Thay vì đào bới những khu phế tích cổ như Winckelmann và Schliemann, những người đi theo khoa học Văn hóa mới này sẽ khám phá ra quá khứ theo những lối sống của các dân tộc. Khám phá của Tylor đơn giản tuyệt vời. Để giúp chúng ta “vẽ lại đường đi mà nền văn minh của thế giới đã trải qua”, ông tạo ra một khoa khảo cổ học xã hội với khái niệm “những cái còn sót lại”. Đó là những qui trình, phong tục, ý kiến, v.v..., đã được duy trì do thói quen trong một tình trạng mới của xã hội khác với tình trạng khi họ bắt đầu có nhà ở và như thế chúng là những chứng cớ và ví dụ về một tình trạng văn hóa đã tồn tại từ đó dã phát sinh một văn hóa mới tiến triển hơn”.
Các nếp sống cũ vẫn tồn tại ở cơ sở của mọi đời sống hiện đại. Tylor viết, “Quá khứ luôn luôn cần thiết để cắt nghĩa hiện tại và cái toàn thể cần thiết để cắt nghĩa cái thành phần”.
Nhưng Tylor không cho mình là nhà tiên tri của một giáo điều, mà là nhà khám phá một khoa học. Ông hài lòng nghĩ rằng ông đang mở ra những câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của mình. 25 năm cuối đời ông dành để tổ chức và cổ vũ Khoa học Văn hóa dưới tên gọi Khoa Nhân Bản Học. Viện Nhân Bản Học Hoàng gia do ông hướng dẫn đã trở thành một nghị trường khoa học nhân bản.
Nếu “toàn nhân loại là một”, nếu, như Tylor đã nhấn mạnh, toàn nhân loại có khả năng ngang nhau để phát triển những hình thức văn hóa, thì hẳn phải có nhiều đường lối và đích đến khác nhau cho tiến bộ của loài người - cũng nhiều như những hoàn cảnh địa dư, khí hậu, ngôn ngữ và sự kiện lịch sử.