Những lợi thế và bất cập trong đào tạo tín chỉ
Những lợi thế và bất cập trong đào tạo tín chỉ Tìm hiểu về phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ Tìm hiểu về học tín chỉ trong trường Đại học Nhiều trường Đại học tại Việt Nam đã thực hiện phương ...
Những lợi thế và bất cập trong đào tạo tín chỉ
Tìm hiểu về học tín chỉ trong trường Đại học
Nhiều trường Đại học tại Việt Nam đã thực hiện phương pháp học theo tín chỉ trong nhiều năm trở lại đây. Vậy, học tín chỉ là gì? Sinh viên có những khó khăn và thuận lợi gì khi học theo tín chỉ? VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài viết của thầy giáo Nguyễn Cẩm Bình dưới đây.
Để cùng lúc học hai chương trình đại học, sinh viên cần đáp ứng điều kiện gì?
Những điều bạn nhất định phải làm khi là sinh viên để không bao giờ nuối tiếc!
Nhằm đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chuyển đổi từ việc thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống niên chế thành đào tạo theo hệ thống tín chỉ kiểu Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm học 2008-2009 và đòi hỏi phải hoàn tất việc chuyển đổi này trước năm 2012. Cho đến nay, rất nhiều trường đại học trong cả nước đã áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ.
Sau nhiều năm thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức đào tạo mới, không nằm ngoài quy luật chung, “quá độ” từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ, bên cạnh những thuận lợi trường các trường Đại học và sinh viên cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình chuyển đổi như các trường đại học đã đi trước.
1. Đào tạo tín chỉ là gì?
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. “Tín chỉ” là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Đặc trưng của hệ thống này là kiến thức được cấu trúc thành các học phần. Lượng kiến thức dành cho sinh viên gồm hai khối cơ bản: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên môn. Mỗi khối kiến thức có 2 nhóm học phần: học phần bắt buộc là những kiến thức tiên quyết bắt buộc sinh viên phải học và thi đạt mới được học tiếp sang học phần khác; nhóm học phần tự chọn gồm những kiến thức cần thiết nhưng sinh viên được chọn theo hướng dẫn của nhà trường.
- Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích luỹ trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ.
- Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
- Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
- Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường.
- Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ.
- Một tiết học được tính bằng 50 phút.
- Khối lượng kiến thức tích được đánh giá theo thang điểm chữ A, B, C, D được chuyển thành điểm chữ như sau: Loại đạt: gồm: Giỏi A (8,5 - 10), Khá B (7,0 - 8,4), Trung bình C (5,5 - 6,9), Trung bình yếu D (4,0 - 5,4). Loại không đạt: Kém F (dưới 4,0). Sinh viên có học phần bắt buộc bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D.
- Hạng tốt nghiệp được xác định theo điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học, như sau: loại Xuất sắc: từ 3,6 đến 4; loại Giỏi: từ 3,2 đến 3,59; loại Khá: từ 2,5 đến 3,19; loại Trung bình: từ 2 đến 2,49.
(Trích Quy chế 43 về đào tạo ĐH, CĐ theo Tín chỉ do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành năm 2007).
2. Những lợi thế trong đào tạo tín chỉ
Nếu đào tạo theo niên chế (học phần) sinh viên phải học theo tất cả những gì Nhà trường sắp đặt, không phân biệt sinh viên có năng lực tốt, có điều kiện học tập hay sinh viên có năng lực yếu, có hoàn cảnh khó khăn thì đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên có thể chủ động học theo năng lực và điều kiện của mình.
Sinh viên có thể chủ động về thời gian, bố trí việc hoàn thành chương trình theo năng lực của mình. Phần cứng bắt buộc và phần mềm do sinh viên lựa chọn (thời gian dài ra với sinh viên yếu và ngắn lại với sinh viên giỏi).
Sinh viên được phép kéo dài chương trình học (trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định riêng từng trường) nếu điều kiện kinh tế không cho phép hoặc do ốm đau, bệnh tật buộc họ phải nghĩ học giữa chừng thì sinh viên đó vẫn được tiếp tục theo học sau đó mà không bị ảnh hưởng gì khi quay lại tiếp tục chương trình học.
Sinh viên còn có thể chuyển đổi chuyên ngành mình đang theo học một cách khá dễ dàng mà không phải học lại từ đầu. Nếu biết sắp xếp những tín chỉ giống nhau giữa hai ngành một cách hợp lý, sinh viên có thể hoàn toàn tốt nghiệp được hai chương trình học trong một thời gian giảm đáng kể so với hình thức đào tạo theo niên chế.
Một lợi thế quan trọng nữa của hệ tín chỉ là cho phép sinh viên có những sự lựa chọn chương trình học theo sở thích của mình.
Về phương pháp học tập, sinh viên có thể phát huy tối đa năng lực tự nghiên cứu và kỹ năng làm việc theo nhóm. Việc quy định số tiết học sinh viên tự nghiên cứu ở nhà giúp sinh viên có thể phát huy tối đa năng lực tự nghiên cứu cũng như nâng cao ý thức học tập của mình. Hơn nữa, ở hầu hết các môn học sinh viên được tự nghiên cứu, thảo luận và làm việc theo nhóm với những đề tài khác nhau. Đặc biệt, việc phải thuyết trình về đề tài của các nhóm giúp sinh viên tự tin hơn khi làm việc trước đám đông.
3. Những bất cập trong đào tạo tín chỉ
Về phía người học: Việc đăng ký, lựa chọn các tín chỉ phù hợp đối với sinh viên không phải là dễ dàng. Sinh viên phải có khả năng tự chủ cao trong việc nắm thông tin về chương trình học tập cũng như việc sắp xếp lộ trình học tập của mình cho hợp lý theo đúng quy trình đào tạo.
Về phía người dạy: Một số giảng viên gắn bó lâu năm với sự nghiệp trồng người mà phương pháp giảng dạy theo niên chế đã “ăn sâu, bám rễ” trong họ thì việc giảng dạy theo phương pháp mới - theo tín chỉ - dường như vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được họ, việc đổi mới chỉ mới dừng ở hình thức mà thôi.
Về phía Nhà trường: Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn ở sinh viên đòi hỏi phải Nhà trường cần phải đáp ứng nguồn giáo trình và tài liệu học tập, tham khảo một cách đầy đủ, phong phú và đa dạng cho người học. Bên cạnh đó là những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện phòng học (nhiều phòng học còn chật chội so với số lượng sinh viên theo học, dãy nhà H điều kiện cách âm chưa tốt, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng của sinh viên…), chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo phương pháp mới như máy chiếu, projector, mic... ở các giảng đường.
Ngoài ra, một khó khăn nữa chưa thể khắc phục được đó là tổ chức đoàn thể, tổ chức lớp học có thể bị phá vỡ khi sinh viên được tổ chức học thành các “nhóm” và hoàn toàn chủ động trong cách học cũng như thời gian học.
Dẫu biết rằng còn nhiều những bất cập trong đào tạo tín chỉ ở các trường đại học trong cả nước nói chung và trường đại học Khoa học Huế nói riêng, song chuyển đổi sang hệ thống đào tạo tín chỉ là một xu thế tất yếu của xã hội hiện đại và tất nhiên không thể giải quyết những “bất cập” trong “một sớm, một chiều” được.