23/08/2018, 11:18

Những góp ý liên quan đến Đỗ Đăng Tào

vi bằng bổ nhiệm Phó Suất Cơ Đỗ Đăng Tào- Ảnh Nguyễn Văn Nghệ Sau khi đọc bài viết “ Những khám phá mới qua tờ lệnh bổ nhiệm của Chánh Vệ Thủy Đỗ Đăng Tào” của tác giả Lâm Thanh Quang, đăng trên tạp chí Xưa& Nay số 469 tháng 6 năm 2018 từ trang 42-45, tôi xin ...

vi bằng bổ nhiệm Phó Suất Cơ Đỗ Đăng Tào

vi bằng bổ nhiệm Phó Suất Cơ Đỗ Đăng Tào- Ảnh

Nguyễn Văn Nghệ

     Sau khi đọc bài viết “ Những khám phá mới qua tờ lệnh bổ nhiệm của Chánh Vệ Thủy Đỗ Đăng Tào” của tác giả Lâm Thanh Quang, đăng trên tạp chí Xưa& Nay số 469 tháng 6 năm 2018 từ trang 42-45, tôi xin có những góp ý sau:

         1- Những nhân vật có liên quan đến tờ lệnh.

       Để hiểu rõ tờ lệnh, chúng ta phải biết đến lý lịch của các nhân vật có liên quan. Trước tiên nhân vật có tước Vĩnh Thuận hầu là ai? Đúng như tác giả bài viết, Vĩnh Thuận hầu chính là tước của Tống Phước Lương. Tháng 6 năm Quý Tỵ (1833) “Dùng Tống Phước Lương, Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự làm Thảo Nghịch Tả tướng quân”(1). Tước Vĩnh Thuận hầu của Tống Phước Lương được ghi nhiều lần trong sách Đại Nam thực lục.

    Vào tháng giêng âm lịch năm Giáp Ngọ (1834), Tống Phước Lương có nắm giữ binh quyền tại Trấn Tây thành thay Lương Tài hầu Trần Văn Năng, bị bệnh mất, như tác giả viết trong bài viết không? Tháng 6 năm Quý Tỵ(1833), Trần Văn Năng được trao chức Bình Khấu tướng quân(2). Tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834) Lương Tài hầu Trần Văn Năng chết “ đem việc quân giao cho Tham tán Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân hội nhau cùng làm”(3). Như vậy Tống Phước Lương chưa bao giờ nắm binh quyền thay cho Trần Văn Năng.

      Đến tháng 6 năm Giáp Ngọ (1834) Tống Phước Lương bị giải chức triệt về “ Lẽ ra giao xuống đình thần trị tội, nhưng nghĩ Phước Lương làm việc khó nhọc đã lâu mà lại đương bị bệnh nặng, vậy chuẩn cho giữ nguyên tước phẩm là Vĩnh Thuận hầu và Chưởng phủ sự, về dinh, đợi khỏi bệnh sẽ xuống chỉ cho tuân làm”(4) và chức Thảo Nghịch Tả tướng quân trao cho Nguyễn Xuân(5). Đến tháng 7 năm Giáp Ngọ (1834) “ Chưởng Trung quân Vĩnh Thuận hầu Tống Phước Lương chết”(6)

    Tham tán Đại thần họ Lê là ai? Trong thời gian Tống Phước Lương giữ chức Thảo Nghịch tả tướng quân thì người giữ chức Tham tán là Lê Đăng Doanh. Tháng 6 năm Quý Tỵ (1833) “Cho Lê Đăng Doanh làm Hiệp biện Đại học sĩ” và dùng “Hiệp biện Đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Vũ lâm dinh Tả dực Thống chế Nguyễn Văn Trọng đều làm Tham tán Đại thần”(7). Đến tháng 6 năm Giáp Ngọ(1834) Thảo Nghịch Tả tướng quân Tống Phước Lương bị giải chức triệt về và Lê Đăng Doanh bị “ phạt nhẹ, giáng làm Tả Thị lang bộ Công”(8).

     Nhân vật Lê Đại Cương: Vào tháng 8 năm Quý Tỵ (1833) Tổng đốc An- Hà (An Giang và Hà Tiên) là Lê Đại Cương bị cách chức: “Đến như Lê Đại Cương là một quan to, có nhiệm vụ giữ bờ cõi, trước đây trận đánh ở Lật Giang, không tức thì đến cứu, lại dẫn quân về trước, đã là nhút nhát rồi. Đến khi quân giặc tới nơi, lại không cố chết giữ lấy thành trì, chỉ lo trốn xa, đến lúc nghe thấy người ta lấy lại được tỉnh lỵ, bấy giờ mới ló đầu ra! Xét dấu vết của hắn đã làm rất là ươn hèn đớn kém! Chuẩn cho lập tức cách chức, bắt làm lính ở nơi quân ngũ đua sức làm việc để chuộc tội; đợi khi việc yên rồi, sẽ xuống chỉ dụ quyết định”(9).

     Tháng 9 năm Quý Tỵ (1833): Lũ Bình Khấu Đại tướng quân là Trần Văn Năng, Tham tán là Lê Đăng Doanh ở quân thứ Gia Định tâu xin : “ Tạm quyền cấp cho viên quan bị cách là Lê Đại Cương vẫn quản lĩnh binh dõng dưới quyền được ở trong quân để đua sức làm việc”. Vua y cho(10)

   Tháng 10 năm Quý Tỵ (1833) cho viên bị cách là Lê Đại Cương được khai phục làm Viên ngoại lang bộ Binh, quyền sung chức Phó lãnh binh An Giang, vẫn đốc suất đội hương dõng do mình cai quản, theo Tham tán Trần Văn Trí điều khiển(11).

    Tháng 12 năm Quý Tỵ, Lê Đại Cương, quyền sung chức Phó Lãnh binh An Giang được “Thự hàm Án sát sứ sung làm Lãnh binh tỉnh An Giang” (12)

     2- Lý do Đỗ Đăng Tào được cấp văn bằng.

   Tháng 5 năm Quý Tỵ(1833), Lê Văn Khôi nổi dậy tập họp binh dân chiếm thành Phiên An. Đến tháng 6 năm Quý Tỵ(1833), Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đều bị quân Lê Văn Khôi chiếm giữ. Có những người dân không thuận theo Lê Văn Khôi đã thành lập những đội hương dõng để “tòng chinh tiễu” (theo đi đánh quân giặc). Thấy vậy vua Minh Mạng mới dụ Nội các rằng: “ Trước đây giặc Khôi làm phản, nghĩa dân các tỉnh Nam Kỳ, hoặc tập họp đốc suất hương dõng đánh giặc, hoặc tự xuất của nhà để đi tòng quân, cũng nên cất nhắc cho họ mà không câu nệ thứ bậc để khuyến khích những kẻ hiếu nghĩa và biết đường phải…Lại chuẩn y cho các Tướng quân và Tham tán được cấp văn bằng cho họ làm Ngoại ủy Quản vệ, Quản cơ vẫn cứ cho quản lĩnh đốc suất hương dõng đi tòng chinh. Lại, Thái Công Triều và Lê Đại Cương đã được gia ơn khai phục và nhiệm dụng rồi. Trong những kẻ hương dõng thuộc hạ của họ tất có kẻ đắc lực xuất sắc, có thể làm được quản suất cơ đội, thì cũng chuẩn cho theo công bằng, kê khai lên, rồi do những Tướng quân, Tham tán chuyên cai quản trong đạo cấp cho văn bằng làm Ngoại ủy Suất cơ, Suất đội rồi làm thành tập danh sách tâu lên để đợi chỉ”(13).

  Do có chỉ dụ này nên Lãnh binh tỉnh An Giang là Lê Đại Cương đã bảo thỉnh Đỗ Đăng Tào vào chức Quyền thự An Nghĩa cơ Ngoại ủy Phó Suất cơ và Đỗ Đăng Tào được Thảo Nghịch Tả Tướng quân Tống Phước Lương và Tham tán Đại thần Lê Đăng Doanh cấp văn bằng Ngoại ủy Phó Suất cơ cơ An Nghĩa.

3-Cách phiên âm và dịch nghĩa chưa chuẩn xác

   Trong đoạn phiên âm tờ lệnh bổ nhiệm Đỗ Đăng Tào có đôi chỗ phiên âm nhầm (trong chữ Hán đọc “ chữ Tác ra chữ Tộ, chữ Ngộ ra chữ Quá” là thường tình), cho nên khi phiên âm nhầm thì hệ quả là phiên dịch cũng nhầm theo!

   Bảng dịch âm trong bài viết: Thảo nghịch Tả tướng quân Vĩnh Thuận hầu, Tham tán Đại thần Lê vi bằng cấp sự.

   Sắc Bình cơ tham đội Chánh đội trưởng suất đội nhưng đái thừa ân úy cách chức lưu Đỗ Đăng Tào tiền nhân Nam Kỳ hữu cảnh nãi năng đấu tập hương dõng cửu tòng chinh tiễu kinh. An Giang Lãnh binh Lê Đại Cương bảo thỉnh vi quyền trí An Nghĩa cơ Ngoại ủy Phó suất cơ, ứng cấp đội hợp hành quyền cấp văn bằng vi Ngoại ủy Phó suất cơ Diệp Hưng suất cơ viên, xướng suất cai đội dũng lệ. Tòng cai quản viên phân phái nhung vụ, giá quan nhung chính yếu nghi huấn tề sĩ, nhưng đoạt phất cần hữu dư quân hiến tu chí cấp giả.

    Hữu bằng cấp.

   Ủy Phó suất cơ Đỗ Đăng Tào cứ thử.

   Minh Mạng thập ngũ niên nhị ngoạt nhị thập bát nhật.”

   Dịch nghĩa: “ Thảo nghịch Tả tướng quân tước Vĩnh Thuận hầu, Tham tán đại thần họ Lê cấp bằng này.

   Báo cho Bình cơ Chánh đội trưởng Suất đội được ban ân Đỗ Đăng Tào là người Nam Kỳ trước đây bị cách chức; đã có công tập hợp những trai tráng trong làng dẹp giặc. Lãnh binh An Giang Lê Đại Cương đề cử tạm giữ chức vụ Phó suất cơ đội An Nghĩa, tiếp nhận đội. Cùng làm việc với chức vụ là quyền Phó suất cơ cai quản đội Diệp Hưng, tên gọi là Suất Cai đội dõng binh. Theo đó trông nom người của mình làm việc, giữ gìn biên ải kết hợp với việc huấn luyện binh sĩ, tuân theo quân lệnh trên giao không được chậm trễ.

   Phần trên là cấp bằng.

  Giao cho Phó Suất cơ Đỗ Đăng Tào làm bằng chứng.

  Minh Mạng năm thứ 15 (1834), tháng Hai, ngày hai mươi tám”.

     Căn cứ vào tờ lệnh đăng trên tạp chí tôi xin được phiên âm lại: “(…)(14)quân Vĩnh Thuận hầu; Tham tán Đại thần Lê. Vi bằng cấp sự(…) An Bình cơ, tam (15)đội, Chánh đội trưởng suất đội, nhưng đới thừa ân úy cách chức lưu (…) Tào, tiền nhân Nam Kỳ hữu cảnh, nãi năng củ tập(16) hương dõng cửu tòng chinh tiễu, kinh (…) binh Lê Đại Cương bảo thỉnh vi quyền trí An Nghĩa cơ Ngoại ủy Phó Suất cơ, ứng (…) hợp hành quyền cấp văn bằng vi Ngoại ủy Phó Suất cơ, hiệp dữ Suất cơ viên xướng suất (…) dõng lệ. Tòng cai quản viên phân phái nhung vụ, giá quan nhung chánh, yếu nghi huấn tề sĩ ngũ (17)phấn (18)(…) phất cần hữu can (19)quân hiến. Tu chí cấp giả. Hữu bằng cấp. Ngoại ủy Phó Suất cơ Đỗ Đăng Tào cứ thử.

    (…) ngũ niên, nhị nguyệt, nhị thập bát nhật”(20)

   Trong bản phiên âm và dịch đăng trên tạp chí ghi : “ Sắc Bình cơ tham đội”. Trong văn bản chữ Hán trước chữ “Bình” là chữ “An”.  Dưới triều Nguyễn, “Cơ” là đơn vị quân sĩ địa phương ở cấp tỉnh ( ngày nay gọi là Bộ đội địa phương), mỗi cơ có 500 người, người đứng đầu là quản cơ, dưới cơ có đội (đơn vị 50 người) đứng đầu là suất đội. Quân sĩ địa phương trong một tỉnh chia làm nhiều cơ và thường lấy một từ trong tên của tỉnh để đặt đầu tên các cơ(20) . Ví dụ tỉnh An Giang có cơ An Bình, cơ An Nghĩa… Vào tháng 11 năm Quý Tỵ( 1833) Mai Văn Đặng đang là Quản cơ cơ An Bình(21).

    Theo công thức  làm văn bằng, sau những chữ “Vi bằng cấp sự”“chiếu cứ” hoặc “chiếu đắc” hoặc là “tư cứ” chứ không phải chữ “sắc”. Bởi vì đây là văn bằng của các quan cấp cho chứ không phải sắc chỉ của nhà vua, nên kê chữ “sắc” vào là dư thừa. Trước khi Đỗ Đăng Tào bị cách chức lưu, Đỗ Đăng Tào giữ chức Chánh Đội trưởng Suất đội đội 3 cơ An Bình (An Bình cơ tam đội Chánh đội trưởng Suất đội).

   Trong bài viết đã dịch câu: “… Đỗ Đăng Tào tiền nhân Nam Kỳ hữu cảnh…” ( …. Đỗ Đăng Tào là người Nam Kỳ…).  Câu này không có chỗ nào nói Đỗ Đăng Tào là người Nam Kỳ cả. Câu “ tiền nhân Nam Kỳ hữu cảnh” có nghĩa là “ trước đây nhân Nam Kỳ có biến” (ý nói vụ Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An, sau đó chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Chữ “nhân” là nguyên nhân, nhân vì, chứ không phải “nhân” là người).

   Đoạn văn dịch : “…quyền cấp văn bằng vi Ngoại ủy Phó suất cơ Diệp Hưng suất cơ viên xướng suất”( với chức vụ là quyền Phó suất cơ cai quản đội Diệp Hưng, tên gọi là Suất Cai đội dõng binh). Nguyên văn chữ Hán không có chữ nào là “ Diệp Hưng”, đó là hai chữ “ hiệp dữ” (cùng với). Nguyên câu ấy được phiên âm lại cho chính xác hơn sẽ là: “quyền cấp văn bằng vi Ngoại ủy Phó Suất cơ hiệp dữ Suất cơ viên xướng suất” (quyền cấp văn bằng[ cho Đỗ Đăng Tào] là Ngoại ủy Phó Suất cơ cùng với viên Suất cơ dẫn dắt hương dõng”

   Do văn bằng này bị hư hỏng nên không đọc được trọn vẹn nguyên văn văn bằng cấp cho Đỗ Đăng Tào bằng chữ Hán, nên tôi chỉ góp vài ý để hiểu đúng văn bằng hơn.

   Chú thích:

  1;2;7;9;10;11; 12;13;21;22- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3 , Nxb Giáo dục, trg. 627;634;634;708;755;831;945; 395; 897.

  3;4;5;6;8 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, trg. 39;257;278;269;257

   14- (…): Những chỗ có 3 chấm trong ngoặc đơn là những chỗ chữ Hán bị khuyết mất trong văn bằng. Những chữ in nghiêng trong bản phiên âm của tôi là những chữ được phiên âm lại cho chính xác hơn .

   15- Tùy theo ngữ cảnh mà phiên âm chữ này. Chữ  này có thể phát âm nhiều cách: tham/tam/sâm. Chữ thứ 5, dòng thứ 1 tính từ trên xuống trong văn bằng đọc là “ Tham tán”, nhưng chữ thứ 4 dòng thứ 2 tính từ trên xuống trong văn bằng lại được đọc là “tam đội”(đội 3).

   16- Củ tập: tập họp, tụ họp.

   17- Sĩ ngũ: binh lính

   18- Chữ “phấn” (hăng hái) chứ không phải chữ “đoạt”

   19 – “Hữu can quân hiến”(phạm vào đã có pháp luật) chứ không phải “hữu dư”.Đây là câu công thức trong văn bằng. Kết cấu này còn có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác: “Hữu quân chánh tại” (còn có phép quân); “ Hữu can công pháp”;“Hữu quân pháp tại”; “Hữu quân hiến tại”; “Hữu công pháp tại”. Liền trước câu công thức này là câu công thức: “ Nhược quyết chức phất tu” (Nếu chức đó không tu sửa”. Kết cấu này còn có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác: “ Nhược quyết chức phất cần”(Nếu chức đó không tuân theo cấp trên); “ Nhược sở sự phất kiền” (Nếu việc làm của y không tuân theo); “ Nhược sở sự phất cần” (Nếu việc làm của y không siêng năng); “Nhược giải đãi phất kiền” ( Nếu y bê trễ không tuân theo); “Nhược đãi nọa phất cần” (Nếu y lười nhác không siêng năng). Gộp hai câu công thức trên ta sẽ có câu: “ Nhược quyết chức phất tu hữu can quân hiến. Tu chí cấp giả” (Nếu chức đó không tu sửa, phạm vào đã có pháp luật.[ Bằng cấp này] phải được đến người được cấp)

   20- Văn bằng này được cấp sau chỉ dụ của vua Minh Mạng khoảng 9 tháng và sau khi Lê Đại Cương được sung làm Lãnh binh tỉnh An Giang khoảng 2 tháng và trước khi Tống Phước Lương bị giải chức, triệt về và Lê Đăng Doanh bị phạt nhẹ , giáng chức khoảng 4 tháng. Tức là vào năm Minh Mạng thứ 15 ( 1834- Giáp Ngọ)

0