24/05/2018, 16:01

Những câu hỏi chưa có trả lời về ý thức

Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi loài người với những hành vi được chỉ đạo bởi bộ não thì câu trả lời là không khó bởi nhiều khi chúng ta cho rằng trong chính chúng ta hành vi này là có ý thức, còn hành vi kia là không có ý thức. Vậy ý thức là ...

Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi loài người với những hành vi được chỉ đạo bởi bộ não thì câu trả lời là không khó bởi nhiều khi chúng ta cho rằng trong chính chúng ta hành vi này là có ý thức, còn hành vi kia là không có ý thức. Vậy ý thức là gì nếu xét trong phạm vi rộng lớn hơn và điều này là có thể?

Chúng ta đã thấy rằng trong giới sinh vật nói chung, để bảo tồn và phát triển giống nòi, mỗi loài sinh vật đều tìm ra một phương thức tự bảo vệ và sinh sống cho riêng mình. Nnhiều loài sinh vật, mà dưới mắt chúng ta chúng là những sinh vật kém phát triển trên con đường tiến hóa, đã có những hình thức tự bảo vệ độc đáo. Nhiều loài côn trùng đã tự biến đổi thân mình giống như cành cây hay chiếc lá để dễ bề lẩn chốn trước sự săn đuổi của kẻ ăn thịt, có loài cua biển biết lấy rong rêu để phủ lên mình để ngụy trang. Cây bắt ruồi, một loài thực vật còn biết tạo ra cho mình một cơ cấu để bắt côn trùng. Một số loài kiến còn biết hái lá về để trồng nấm làm thức ăn hoặc chăm sóc một loài rệp cây để cung cấp thức ăn cho chúng. Những hành vi đó có được coi là ý thức hay không ? Nếu chúng ta coi đó là những hành vi mang tính bản năng thì cái gì đã làm nên bản năng? Bản năng có phải là ý thức hay không hoặc có thể coi là ý thức được hay không bởi chúng vẫn được điều khiển bằng hệ thần kinh của động vật? Nếu coi bản năng là ý thức thì tất cả các loài động vật đều có ý thức. Nhưng trong thực tế nhiều loài động vật thực hiện hoạt động bản năng theo những quy luật, ví dụ hoạt động sinh sản được thực hiện trong những ngày hoặc những mùa nhất định trong năm và trong những điều kiện nhất định, và tất nhiên hoạt động của hệ thần kinh trong trường hợp này cũng bị chi phối bởi quy luật đó. Tính quy luật của hoạt động bản năng không thay đổi trong những trường hợp điều kiện thay đổi không nhiều, có nghĩa là trong một số trường hợp, sự tác động từ bên ngoài hay hiện thực khách quan đã không làm thay đổi sự điều khiển của hệ thần kinh mang tính bản năng. Nhiều loài động vật hoang dã đã không sinh sản khi bị chuyển vào chế độ nuôi nhốt. Nếu coi ý thức là sản phẩm của hệ thần kinh khi có tác động từ bên ngoài thì trường hợp trên đây lại cho thấy bản năng không được coi là ý thức.

Hành vi của những loài côn trùng nói trên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường sinh sản. Với các động vật có hệ thần kinh phát triển hơn thì ngoài những hành vi được truyền từ bố mẹ cho con cái thông qua sinh sản, còn có những hành vi được hình thành trong quá trình phát triển riêng của từng cá thể. Trong những hành vi này, có những hành vi được cá thể tiếp nhận từ thế hệ trước hoặc từ các cá thể khác, thậm trí là từ các cá thể không cùng loài với nó, bằng hình thức bắt trước làm theo. những hành vi này do không được truyền lại thế hệ sau thông qua con đường sinh sản nên chúng không có tính ổn định cao, chúng có thể biến đổi. Trong những hành vi thuộc loại này có những hành vi duy trì sự tồn tại và phát triển, nhưng cũng có những hành vi ngược lại. vậy những hành vi nào thuộc về cái gọi là ý thức, còn những hành vi nào không? hoặc tất cả đều là ý thức? Các cá thể động vật có thể sinh sống độc lập hoặc tồn tại trong mối liên hệ với các cá thể khác khác cùng loài hoặc khác loài. Khi các cá thể của một loài động vật sống trong mối liên hệ với các cá thể khác với một sự phụ thuộc lẫn nhau nào đó thì loài động vật này đã có hình thức tồn tại mang tính xã hội. Để thực hiện được cuộc sống xã hội, các loài động vật cần có một hoặc nhiều hình thức giao tiếp nào đó. Thông qua các hình thức giao tiếp, mỗi cá thể nhận được thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình với cộng đồng và thực hiện các hành vi tương ứng. Việc thực hiện các hành vi khi tiếp nhận các thông tin giao tiếp mang tính xã hội có phải là ý thức hay không và hoàn toàn là những hành vi có ý thức hay không? Các hình thức giao tiếp mà mỗi loài động vật sử dụng trong hoạt động xã hội là ngôn ngữ riêng của loài. Các cá thể động vật giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ của loài và hành động theo tác động của ngôn ngữ đó. Vậy ngôn ngữ giao tiếp của các loài động vật có ảnh hưởng đến ý thức hay không và nếu có thì ảnh hưởng như thế nào?

Mỗi loài động vật có một phương thức tồn tại và phát triển riêng trong sự tồn tại và phát triển chung của sinh giới. Do đó mỗi loài động vật hình thành nên các tập tính kiếm ăn, sinh sản riêng. Các tập tính đó có thể là cố định khi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cũng có thể thay đổi theo sự biến đổi của môi trường sống như thay đổi loại thức ăn khi môi trường sống mới không có loại thức ăn quen thuộc. Tập tính của các loài động vật không thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác có phải là bản năng hay không và nó có phải là ý thức hay không khi nó chịu sự tác động từ môi trường mà thay đổi? Hay nó là trung gian giữa ý thức - là cái dễ thay đổi - và bản năng - cái không thay đổi?

Các loài sinh vật có khả năng thích nghi với một môi trường sống nào đó. Khi một môi trường sống có sự thay đổi, các loài sinh vật đều phải có những sự biến đổi tương ứng để tồn tại , bao gồm cả sự biến đổi về cấu trúc cơ thể. Loài sinh vật nào không có sự biến đổi thích ứng với sự thay đổi của môi trường có thể bị tiêu diệt. Vậy các loài sinh vật nhận biết sự thay đổi của môi trường như thế nào? Và chúng làm thế nào để nhận biết được sự thay đổi của môi trường. Khi các loài sinh vật nhận biết được sự thay đổi của môi trường và có những sự biến đổi, những hành vi đáp ứng lại sự thay đổi của môi trường thì đó có phải là ý thức hay không?

Chúng ta đã thấy những con quạ ở Nhật bản biết thả hạt cây cứng xuống mặt đường nhựa để ôtô đè vỡ hạt giúp chúng có thể ăn được phần nhân bên trong. Chúng ta đã thấy những con vẹt ở Niu Di lân biết phối hợp với nhau để lấy thức ăn trong các khay đậy kín bởi các cơ cấu phức tạp. Chúng ta đã thấy báo mẹ không nỡ giết sư tử con bị lạc trong khi sư tử đực lại giết sư tử con không phải là do nó sinh ra khi nó chiếm được vị trí đầu đàn. Chúng ta được chứng kiến những chú quạ non chăm chú quan sát cách sử dụng cành cây để bắt sâu của quạ già để sau đó bắt trước. Chúng ta đã thấy một số loài động vật biết tạo ra hoặc tận dụng một số đồ vật trong tự nhiên để làm công cụ lao động, như một số loài khỉ biết dùng hòn đá để ghè vỡ hạt cây. Với loài người, những hành vi đó gọi là học tập. Việc học tập, chế tạo và sử dụng công cụ ở loài người là những hành vi có ý thức. Vậy những hành vi đó thể hiện ở những loài động vật khác thì có được coi là ý thức hay không? Và có công bằng hay không khi chúng ta cho những hành vi trên đây do loài người thực hiện là có ý thức, còn do các loài động vật khác là không có ý thức?

Một người khi mới simh ra chỉ sợ tiếng động quá to, ánh sáng quá chói, khi trưởng thành lại sợ thêm rất nhiều thứ khác. Một con linh dương mới sinh không hề biết sợ sư tử, sự sợ hãi của nó lúc này chỉ là do vắng bóng mẹ, một sự sợ hãi mang tính bản năng, khi lớn lên sẽ bỏ chạy khi thấy bóng sư tử. Loài sư tử dũng mãnh chỉ biết sợ tiếng sấm sét. Tiếng động quá to, ánh sáng quá chói vượt quá khả năng chịu đựng của hệ thần kinh của đứa trẻ và sư tử dẫn đến sự sợ hãi cho cả hai. Còn sự sợ hãi khác hình thành trong quá trình sinh trưởng. sự sợ hãi có thể và trong phần lớn các trường hợp đảm bảo cho sự sinh tồn và cũng trong nhiều trường hợp chính sự sợ hãi chấm dứt sự sống (sự sợ hãi làm cho tim ngừng đập ). Nếu coi ý thức là khả năng điều chỉnh hoạt động của cơ thể thích nghi với môi trường sống thì sự sợ hãi nhằm bảo tồn có phải là ý thức hay không?

Một đặc điểm quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức của con người và nhiều loài động vật là tính tò mò. Đứng trước một sự vật, một sự việc, một quá trình mà mình chưa thấy, chưa hiểu, con người và một số loài động vật thể hiện tính tò mò bằng cách chăm chú quan sát, lắng nghe rồi sau đó ở một mức đơn giản là bắt chước làm lại, ở một mức độ cao hơn là sự kết hợp với một số cái đã biết trước để tạo ra sự thay đổi nào đó. Sự tò mò giúp cho con người và các loài động vật từ chỗ chưa hiểu gì về thế giới xung quanh đi đến chỗ phân biệt được cái ăn được và không ăn được, biết được cái nguy hiểm, cái đáng sợ để né tránh, chỗ an toàn để dung thân,v.v... Đây là quá trình tìm hiểu thế giới, tìm hiểu môi trường sống, định ra cách tồn tại và phát triển phù hợp với môi trường sống. Nói tóm lại, tò mò là một biểu hiện của hoạt động thần kinh trong các loài động vật và nó góp phần vào sự tồn tại và sinh trưởng của mỗi cá thể. Tính tò mò không phải có trong tất cả các loài động vật mà chỉ có ở một số loài có hệ thần kinh đã phát triển đến một mức độ nào đó và mức độ tò mò cũng không phải giống nhau trong các cá thể cùng loài. Điều này có nghĩa là tính tò mò không mang tính bản năng. Tò mò giúp cho việc tiếp nhận tri thức mới nhanh hơn. Vậy tò mò có phải là ý thức hay không?

Cuộc sống của các loài sinh vật nói chung và động vật đều trải qua các quá trình sinh ra, lớn lên, diệt vong. Nếu không có sự kế tiếp thì sự sống trên trái đất chấm dứt. May thay, các loài sinh vật đã tìm ra được phương thức duy trì sự sống, đó là sinh sản. Sự sinh sản không chỉ giúp cho các loài sinh vật duy trì được nòi giống mà còn làm cho loài còn phát triển tăng lên về số lượng và sự biến đổi qua mỗi lần sinh sản làm tăng khả năng thích nghi với môi trường sống. Tuy vậy, với các loài động vật, sự sinh sản để duy trì nòi giống là phương thức tồn tại giống nhau, nhưng mỗi loài lại có những hình thức duy trì riêng. Có loài con non vừa mới được sinh ra đã phải sống tự lập với vô vàn hiểm nguy, có loài con non được bố mẹ chăm sóc, dạy dỗ cho đến lúc trưởng thành đủ để sống tự lập. Sự tự lập từ khi mới được sinh ra mang tính bản năng và được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn với các loài động vật mà khả năng sinh tồn bản năng thấp hơn khả năng sinh tồn do đựơc học và được dạy thì trách nhiệm của thế hệ trước là phải dạy thế hệ sau cách kiếm sống. Cách sinh tồn kết hợp giữa bản năng và học cách kiếm sống là cách nâng cao khả năng tồn tại khi môi trường sống thay đổi và nó được các loài động vật có bậc tiến hoá cao chọn lựa. Vậy dạy và học cách kiếm sống có phải là ý thức hay không? Đây là nhận thức rất quan trọng cho loài người bởi nếu chúng ta cho rằng việc dạy và học cách kiếm sống không phải là ý thức thì sẽ dẫn đến tình trạng vô giáo dục trong xã hội và do đó là tình trạng hỗn loạn. Nhưng nếu ( và cần thiết ) chúng ta coi dạy và học là ý thức thì chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều loài động vật cũng có ý thức bởi để sinh tồn, các con non của các loài này phải học và bố mẹ chúng cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy, điều mà có nhiều người trong chúng ta còn kém. Thừa nhận điều này chúng ta sẽ phải thay đổi quan niệm về ý thức và chúng ta cũng không còn độc quyền về ý thức. Sự khác biệt giữa việc dạy và học cách sinh tồn giữa loài người chúng ta với các loài động vật khác nếu muốn kể đến đó là loài người chúng ta ngày càng tạo ra nhiều cách kiếm sống hơn, nhiều kiến thức hơn và các thế hệ sau càng phải học nhiều hơn thì mới đảm bảo được khả năng sinh tồn .

Mỗi người chúng ta nói riêng khi sinh ra đều được sở hữu một bộ não. Mỗi bộ não có một khả năng riêng và do đó hình thành trong mỗi chúng ta những thiên hướng hoạt động, những tính cách riêng, có người ưa sôi nổi, có người trầm tĩnh kín đáo, có người ưa nghệ thuật, có người thích thể thao và có người dành cả cuộc đời, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì một sự ham mê nào đó. Những thiên hướng, những tính cách này của con cháu có thể giống hoặc khác thế hệ ông bà cha mẹ. Hơn thế chúng có thể thay đổi ngay trong cuộc đời của mỗi con người thông qua quá trình học tập, làm việc, thay đổi môi trường sống, thậm trí có thể can thiệp bằng dược phẩm. Thông qua giáo dục, rèn luyện, thay đổi môi trường sống hoặc vì một vài lý do mà con người thay đổi thiên hướng hoạt động, thay đổi tính cách thì có thể cho đó là ý thức được không? Sự thay đổi tính cách qua các thế hệ và đặc biệt là sự thay đổi tính cách thông qua can thiệp bằng hoá chất, xét về hình thức là không khác với sự thay đổi do giáo dục và học tập, rèn luyện. Đây là sự thay đổi do biến đổi trong cấu trúc hệ thần kinh. Làm thế nào để phân biệt được hai điều này? Mặt khác sự thay đổi tính cách do giáo dục, rèn luyện ít nhiều cũng dẫn đến thay đổi cấu trúc trong hệ thận kinh bởi không có sự thay đổi nào về cấu trúc thì cũng không có sự thay đổi về tính cách và thiên hướng hoạt động. Liệu có đúng hay không khi sự thay đổi này được cho là có ý thức, còn trường hợp kia là không khi chúng chỉ có sự hoán vị giữa nguyên nhân và hậu quả? Bộ não của con người và các loài động vật là một bộ phận trong cơ thể hoạt động được nhờ cấu trúc của nó và năng lượng dùng cho hoạt động được cung cấp từ phản ứng phân giải gluxit. Nói cụ thể hơn, sự hoạt động của bộ não chịu ảnh hưởng của các cơ quan khác trong cơ thể và mối liên hệ với các cơ quan đó. Ngoài ra nó còn chịu tác động từ môi trường bên ngoài. Nói cách khác, bộ não là một cơ quan, là một cấu trúc vật chất có thể hoạt động khi được cung cấp năng lượng, do đó nó có tính độc lập trong hoạt động. Mặt khác, nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nên tính độc lập là không hoàn toàn. Các tế bào thần kinh hoạt động khi chịu tác động của các kích thích thần kinh và không hoạt động khi không có sự kích thích hoặc có nhưng chúng đang ở trong trạng thái ức chế. Các tế bào thần kinh trong não được kích thích hoạt động không chỉ bởi các kích thích đến từ các tế bào thần kinh cảm giác mà còn từ các tế bào thần kinh khác trong não và các yếu tố không thần kinh khác. Điều này làm cho bộ não không chỉ hoạt động trong lúc thức mà còn hoạt động trong cả giấc ngủ. Sự hoạt động của bộ não trong giấc ngủ tạo nên những giấc mơ. Thông thường, hoạt động của bộ não trong giấc mơ là những hoạt động lộn xộn, chắp vá, nhưng cũng có những giấc mơ tạo nên những kết quả kỳ diệu của hoạt động thần kinh. Vậy những giấc mơ có phải là ý thức hay không? Nếu chúng ta coi những giấc mơ không phải là ý thức thì chúng ta phải nói như thế nào khi Men- đê-lê-ép tìm thấy bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học trong giấc mơ, nói thế nào về những người mộng du?

Trong xã hội chúng ta, có những người có khả năng hoặc rèn luyện được khả năng điều khiển được hành vi của người khác thông qua lời nói của mình mà người bị điều khiển không nhận thức được sự điều khiển đó. Hiện tượng này được gọi là sự ám thị. Người điều khiển nhận thức được sự điều khiển của mình, còn người bị điều khiển thực hiện hành vi trong trạng thái vô thức. Hành vi của người bị điều khiển được thực hiện bởi sự ám thị theo cách có chủ ý, vậy sự ám thị có phải là ý thức hay không? Mỗi người chúng ta, trong cuộc đời của mình đều ít nhiều gặp những khó khăn, nguy hiểm, những trở ngại trong cuộc sống. Để vượt qua được những khó khăn, những nguy hiểm, những trở ngại đó, chúng ta không chỉ phải huy động sức lực cơ bắp, nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà còn cần huy động đến ý chí, nghị lực, đến sự quyết tâm, lòng dũng cảm, đến niềm tin, đến sức mạnh tinh thần. Trong rất nhiều trường hợp, chính nhờ những yếu tố này mà chúng ta vượt qua được khó khăn nguy hiểm chứ không phải là nhờ sức mạnh cơ bắp. Vậy ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, lòng dũng cảm, niềm tin, yếu tố tinh thần có phải là ý thức hay không? Tương tự như vậy, chúng ta, và không chỉ riêng loài người chúng ta, trong những lúc vui buồn hờn giận, yêu thương căm ghét, chúng ta thường có những hành vi tương ứng với các sắc thái tình cảm, vậy tình cảm có phải là ý thức?

Trong công cuộc mưu sinh của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân đều cần phải huy động sức lực, trí tuệ của mình và nỗ lực làm việc để tìm kiếm hoặc tạo ra được nhiều của cải đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống. Trong các quá trình làm việc đó, có những quá trình tạo ra được nhiều của cải, nhiều giá trị cho mỗi cá nhân và cho toàn thể cộng đồng nhưng không gây hại đến người khác, đến cộng đồng khác, đến môi trường sống, nhưng cũng có nhiều quá trình làm việc cũng tạo được của cải cho cá nhân này, cộng đồng này nhưng gây hại đến cá nhân khác, cộng đồng khác, đến môi trường sống. Sự gây hại này có thể là vô tình, nhưng cũng có thể là hữu ý. Sự vô tình có thể là do sự nhận thức chưa đầy đủ tác hại, nhưng sự cố ý thì không thể nói là do không biết đến tác hại. Thậm trí có những cá nhân, những cộng đồng vì lợi ích cá nhân của mình, của cộng đồng mình mà làm tổn hại nặng nề cho người khác, cho môi trường sống. Vậy những hành vi vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến người khác, tổn hại đến cộng đồng, đến xã hội, đến môi trường sống có phải là ý thức hay không mặc dù những hành vi đó được nhận thức đầy đủ tác hại có thể xảy ra?

Những hành vi vì quyền lợi của mình mà làm tổn hại đến người khác không chỉ là sự làm tổn hại, mà còn dẫn đến sự tức giận và cao hơn, đó là lòng căm thù. Sự căm tức và lòng căm thù đã thúc đẩy sự phản kháng, ý muốn trả thù. Sự phản kháng và sự trả thù được thực hiện sẽ làm tổn hại những người đã gây ra và sự tổn hại cao nhất là sự sống của những người đó. Sự tức giận và lòng căm thù xuất hiện sau khi bị làm tổn hại, vậy nó có phải là ý thức không? Mức độ tức giận và lòng căm thù không phải là giống nhau ở những người có mức bị tổn hại như nhau, vậy điều gì tạo nên sự khác nhau này? Nếu đây là ý thức thì có phải ý thức hình thành trong mỗi người khác nhau là khác nhau và như vậy cũng có nghĩa là có nhiều dạng ý thức?

Mọi người chúng ta đều sống trong một tập thể, một cộng đồng và gắn bó với tập thể, với cộng đồng đó bởi sự thống nhất về quyền lợi. Quyền lợi của tập thể, của cộng đồng được bảo vệ, được duy trì và được phát triển làm cho quyền lợi của mỗi cá nhân thuộc tập thể, thuộc cộng đồng được bảo vệ, được duy trì và được tăng lên. Lý do này đã hình thành trong tư duy từng cá nhân trách nhiệm bảo vệ, duy trì và phát triển quyền lợi chung và các cá nhân tự giác thực hiện trách nhiệm này. Vậy trách nhiệm có phải là ý thức? Và khi mọi cá nhân có trách nhiệm giống nhau thì có nghĩa ý thức của mọi cá nhân giống nhau?

Trong mỗi cá nhân hình thành một phong cách sống, một tư duy tồn tại. Phong cách này, tư duy này được hình thành do được học hỏi, được dạy dỗ, được trải nghiệm và mang tính đặc thù của mỗi cá nhân. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người không có điểm chung. Đây là kết quả của quá trình dạy dỗ, học hỏi và sinh tồn trong một môi trường sống. Nếu coi những điểm chung, những cái giống nhau này là ý thức thì ý thức có thể lan toả, được truyền từ người này sang người khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là sự lan truyền qua trực giác. Nhưng tính đặc thù của mỗi cá nhân được hình thành như thế nào và nó có thể lan truyền được không? Nếu nó lan truyền được thì sự lan truyền đó có giống với sự lan truyền ý thức chung hay không và nếu khác thì đó là sự lan truyền bằng con đường nào? Nếu đã có nhiều con đường thì đó là những con đường nào?

Chúng ta đã có nhiều định nghĩa về ý thức bao gồm cả những định nghĩa thông thường đến những định nghĩa ở tầm triết học. Nhưng một định nghĩa khả dĩ bao quát được riêng những vấn đề nêu trên đây quả là khó khăn bởi chúng ta không thể phiến diện, không thể giới hạn. Nếu phiến diện, nếu giới hạn thì định nghĩa sẽ không còn là bao quát và do vậy không thể cho nó là đầy đủ. Và khi không đầy đủ thì đương nhiên nó là không đúng.

Khi Mác xây dựng phép biện chứng duy vật, Mác đã không ( hoặc do tác giả không biết) nêu rõ yêu cầu hoặc tính chất của việc biện chứng. Chính vì vậy đã dẫn đến cách hiểu không đầy đủ về phép biện chứng duy vật mà sự hiểu không đầy đủ biểu hiện trong quan niệm các chứng được biện phải được cảm thụ bằng hệ thống giác quan của hệ thần kinh. Trong thế giới tự nhiên, không phải mọi cái mà chúng ta nhận thức được đều thông qua các giác quan của chúng ta, mà có những cái chúng ta chỉ nhận thức được bằng phép biện chứng duy vật với nghĩa là chúng ta phải biện đến rất nhiều chứng để suy luận ra sự tồn tại của nó bên trong và chi phối các chứng đó. Những cái này không thể nhận thức được bằng các giác quan kể cả trường hợp có sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật tinh vi. Chúng ta không thể nhận thức trực tiếp được bản chất. Chúng ta chỉ biết đến bản chất thông qua rất nhiều hiện tượng mà nó chi phối. Ý thức cũng vậy, chúng ta không thể nhận thức trực tiếp được ý thức mà chỉ có thể nhận thức được ý thức thông qua hành vi và cũng giống như mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất, nhiều khi hành vi phản ánh sai ý thức.

Chúng ta có thể xây dựng dược một khái niệm chung về ý thức có khả năng bao hàm được tất cả những vấn đề đặt ra trên đây được không hay phải chia ra từng mảng để rồi nói rằng có nhiều loại, nhiều dạng ý thức khác nhau? Và nếu có nhiều dạng ý thức khác nhau thì liệu có một dạng nào là chủ đạo và có khả năng chi phối các dạng khác? dạng nào có trước và dạng nào có sau? Nguồn gốc của từng dạng khác nhau là gì? Có phải tất cả những cái nêu trên đây đều là ý thức hay có những cái không phải là ý thức mặc dù chúng cũng có biểu hiện giống ý thức? Đây quả là một vấn đề không hề đơn giản và rõ ràng là không thể vội vã. Có thể với một sự cần thiết nào đó, chúng ta phải chấp nhận một định nghĩa phiến diện, nhưng không có nghĩa là chúng ta không tìm đến một định nghĩa thấu đáo, một nhận thức đầy đủ về ý thức.

0