18/06/2018, 16:17

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 9

Bộ ngũ học giả với kết cục đáng buồn Năm 5 vị thượng thư tân học Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn. Chỉ có cụ Phạm Quỳnh là có số phận bi thảm Nguyễn Ngọc Lanh Năm vị học giả nổi tiếng từ trước 1945 Đây là các trí thức, không những vậy, ...

Bộ ngũ học giả với kết cục đáng buồn

5 vị thượng thư tân học (Khải, Quỳnh, Toản, Diệm, Đoàn)

Năm 5 vị thượng thư tân học Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn. Chỉ có cụ Phạm Quỳnh là có số phận bi thảm

Nguyễn Ngọc Lanh

Năm vị học giả nổi tiếng từ trước 1945

Đây là các trí thức, không những vậy, mà họ còn đạt tới trình độ học giả, cùng yêu nước theo cách đấu tranh ôn hòa (con đường Phan Chu Trinh). Họ thuộc thế hệ 3, nghĩa là hoạt động chủ yếu trước 1945. Cùng thế hệ 3, nhưng chọn cách đấu tranh bằng bạo lực là cụ Nguyễn Ái Quốc, theo con đường Phan Bội Châu. Dù vậy, trước 1945 hai bên vẫn hiểu nhau, quan hệ thân mật và tôn trọng nhau. Vậy mà trí thức thế hệ 4 và 5, nếu yêu nước bằng đấu tranh bạo lực, đã bôi nhọ, kể cả kết tội, thậm chí giết hại, thế hệ cha-chú mình thuộc phái ôn hòa. Đó là chuyện sau 1945 – khi phái bạo lực giành được quyền lực chính trị.

– Trước 1945 là thời thuộc Pháp, học sinh vẫn được các thầy nói cho biết – với thái độ hãnh diện và thán phục – về 4 học giả nước ta “không thua Tây”: Quỳnh-Vĩnh-Tố-Tốn. Họ xứng đáng danh vị học giả vì khối lượng và chất lượng các công trình mỗi người để lại cho hậu thế. Ngoài những khảo cứu ra, công trạng của các vị đối với việc phát triển và nâng cao ngôn ngữ Việt và chữ quốc ngữ cũng đồ sộ không kém. Muốn vậy, cần đối chiếu tiếng Việt thời chưa hoàn thiện, với các ngôn ngữ khác đã hoàn thiện ở trình độ cao.

Cả 4 vị đều thông thạo tiếng Pháp, đã từng viết bằng tiếng Pháp, đăng ở báo tiếng Pháp, kể cả báo xuất bản bên Pháp. Mỗi vị còn sở hữu một nền tảng Hán văn thâm hậu. Xã hội thời đó chưa chuộng chữ quốc ngữ; ngay các cụ sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục tuy hô hào học quốc ngữ, nhưng chính các cụ cũng quen viết bằng chữ Hán. Ấy vậy mà “bộ tứ” lại sử dụng hai thứ ngôn ngữ “ngàn tuổi” nói trên (Hán và Pháp) để cân nhắc, đối chiếu, khi các cụ viết văn tiếng Việt, bằng chữ quốc ngữ. Thuở ấy, văn viết tiếng Việt vẫn rất gần với văn nói. Ngôn ngữ Việt trong kinh thánh lại càng rườm rà, ngô nghê. Chính cách làm rất khoa học này của các cụ khiến cho ngôn ngữ Việt – thể hiện bằng chữ quốc ngữ – trở thành hiện đại, với năng lực thể hiện tư duy không thua Hán văn và Pháp văn. Nhờ vậy, chữ quốc ngữ có thể thay thế chữ Hán và chữ Pháp. Nghĩ lại mà hú vía. Ở nhiều nước thuộc địa, ngôn ngữ bản địa sau một thời gian chỉ còn là ngôn ngữ phụ – vĩnh viễn mất địa vị chính ngữ.

– Nhà báo Phan Khôi, có vốn Hán học uyên thâm, tất nhiên rất thành thạo Hán văn; thế nhưng cụ lại tìm hiểu thêm Pháp văn – dám thử dịch cả quyển kinh thánh dày cộp sang tiếng Việt – cũng dùng hai ngôn ngữ này tôi luyện Việt văn. Bằng ngòi bút của một nhà báo “tả xung hữu đột” suốt 40 năm, từ Bắc chí Nam, cụ xứng đáng là “một trong những kiện tướng tinh luyện tiếng Việt”. Nếu các cụ “Quỳnh-Vĩnh-Tố-Tốn” bồi đắp ngôn ngữ Việt chủ yếu theo hướng hàn lâm, chính tắc, thì cụ Phan Khôi sáng tạo văn phong đa diện của báo chí. Cụ khởi đầu lối văn tranh luận, phê bình, châm biếm. Lại còn tiên phong trong sáng tác thơ mới, vượt khỏi các khuôn mẫu cũ. Tuy nhiên, nếu đọc lại nội dung những gì cụ đã thể hiện trên các trang viết, còn thấy đây cũng là một học giả đúng nghĩa. Ghép thêm cụ vào danh sách để có “bộ ngũ” là do vậy.

Chẳng ai trong năm vị có kết cục tốt đẹp cho cuộc đời mình

– Cụ Phạm Duy Tốn

Cụ mất sớm (1924, thọ có 41 tuổi), kết cục này quả là không đẹp. Nhưng vẫn còn “may”, vì còn 6 năm nữa đảng cộng sản mới ra đời (1930) và sau đó 15 năm cách mạng vô sản ở nước ta mới giành được chính quyền – tất nhiên bằng bạo lực (1945). Cụ mất đi, khuất mắt, do vậy, cụ không bị các trí thức thuộc phái bạo lực (thế hệ 4) kết tội là Việt gian, mặc dù các lĩnh vực hoạt động của cụ chẳng khác gì các cụ “Việt gian” khác. Cả năm cụ đều yêu nước theo cách ôn hòa, theo con đường “ỷ Pháp cầu tiến bộ” của Phan Chu Trinh (thế hệ 2).  Cứ nhìn tấm ảnh 4 cụ Quỳnh, Vĩnh, Tố Tốn chụp chung, ta sẽ thấy sự thân ái, gắn bó vì cùng hoài bão, cùng cách thực hiện. Nếu Trời ban thêm tuổi, cụ Phạm Duy Tốn sống tới năm 1945, số phận nào sẽ chờ đợi cụ? Tóm lại, kết cục đáng buồn là cụ mất sớm, do vậy đáng tiếc là lẽ ra sự nghiệp của cụ còn lớn hơn nhiều. Đổi lại, cụ không bị Lịch Sử sau 1945 gán cho cái danh “việt gian” mà các cụ Quỳnh, Vĩnh phải gánh chịu cho tới nay.

Cụ Nguyễn Văn Tố

Cụ bị giặc Pháp giết hại năm 1947 khi đang ở cương vị bộ trưởng, thọ 58 tuổi. So với tuổi trung bình “trời ban”, cái kết cục này quả là không tốt đẹp. Có người nghĩ rằng… lẽ ra sự nghiệp sáng tạo của cụ còn lớn hơn. Đây là suy nghĩ thiện tâm, nhưng không thực tế. Thực ra, nếu cụ may mắn thoát chết, nhưng với cương vị công chức cao cấp (dù chỉ có quyền tượng trưng) và sống gian khổ ở chiến khu, làm sao cụ có điều kiện tiếp tục nghiên cứu?. Xin nói rằng ở nước ta một học giả nếu được cách mạng vô sản “ưu ái” để thành công chức cao cấp, sẽ rơi vào bi-hài kịch. Sẽ chẳng sự nghiệp nào có kết cục mong muốn. Cứ xem cái cách người ta viết về cụ Nguyễn Văn Tố trên wikipedia, hoặc ở những bài khác, là đủ rõ. Sự nghiệp 30 năm nghiên cứu của cụ được nhắc bằng (nhõn) một câu. Hoạt động xã hội 8 năm cũng được ghi bằng một câu. Trong khi đó, chỉ có 2 năm làm công chức cao cấp lại được kể lể khá dài dòng, nhưng thực chất lại rất vô duyên đối với một học giả. Nói thật, viết tiểu sử kiểu này thì cụ không còn xứng đáng đứng trong danh sách “bộ ngũ” học giả nữa. Hy vọng rằng sau đây, đảng CS, Nhà Nước, hoặc con cháu cụ sẽ bổ sung vào wikipedia để cụ vẫn là một học giả. Nói khác, đến nay, kết cục đời cụ cũng chẳng như ý cụ. Xin nói thêm: Con-cháu cụ Tố thua xa, xa lắc, so với con cháu 4 cụ kia trong việc báo đáp công ơn cha-ông.

Chú thích. Wikipedia (tiếng Việt) mục Nguyễn Văn Tố, toàn kể lể các chức vụ. Thời nay, người ta lấy tên cụ để đặt cho trường, cho phố, chính là do chức vụ của cụ. Hy vọng rằng sau đây, đảng CS, Nhà Nước, hoặc con cháu cụ sẽ bổ sung vào wikipedia để cụ vẫn là một học giả. Xin chốt lại nội dung chính wikipedia 2015 về cụ Nguyễn Văn Tố (dưới).

Nguyễn Văn Tố (1889–1947), bút hiệu Ứng Hoè, sinh năm 1889, quê ở Hà Đông. Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ Trung học. Về nước ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Ông từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong chính phủ cách mạng lâm thời. Ông là Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp Việt Nam lâm thời (1946). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (ngày19 tháng 12 năm 1946, ông cùng chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Pháp vào chiến khu trongchiến dịch Việt Bắc, ông bị giết tại Bắc Kạn. Tên ông được đặt cho 1 trường ở Khu 9 Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954). Ngày nay còn có nhiều ngôi trường mang tên ông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… Tại Thành phố Hà nội, tên ông được đặt cho một con đường gần chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm.

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh

Cụ cũng mất sớm (1936), nhưng (chẳng may cho cụ) khi đó đảng CS nước ta đã ra đời và các trí thức trong đảng thời ấy đã coi cụ là tay sai của Pháp. Sau năm 1945, Lịch Sử do trí thức thế hệ 4 – chủ trương bạo lực – viết ra, chính thức coi cụ là Việt Gian. Vẫn chỉ là cách quy kết của phái bạo lực – khi nắm được quyền lực – đối với phải ôn hòa. Tuy nhiên, sự lên án này không gay gắt và dai dẳng như với cụ Phạm Quỳnh.

Các cụ Phạm Quỳnh Phan Khôi

Hai cụ có kết cục thảm hại nhất. Trong khi cụ Vĩnh bị lên án ít hơn (nay đã có phố Nguyễn Văn Vĩnh) còn cụ Phạm Quỳnh vẫn tiếp tục bị bôi nhọ. Nguyên nhân: cụ Phạm bị cách mạng vô sản giết (nghĩa đen), mà đây là giết một học giả – khiến dư luận một thời xôn xao. Do vậy các nhân vật liên quan tới cái chết của cụ đã dùng đủ cách thuyết phục hậu thế rằng đây là cái chết rất “đáng đời”. Ví dụ, cụ Tố Hữu ngay thời đó đã phải lên tiếng, sau này ông còn nhờ nhà văn Tô Hoài viết bài hồi tưởng. Ông Tôn Quang Phiệt và nhiều vị trọng trách khác cũng lần lượt góp phần chứng minh cái chết của cụ Phạm là “đáng đời”. Như vậy, cụ Phạm Quỳnh coi như bị giết thêm tới 2 lần sau cái chết sinh học (coi là lần đầu), chưa kể những lần “nhân thể” bị chém thêm một nhát nữa. Ví dụ, “nhân thể” viết cuốn “Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX”, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) các tác giả cũng bồi thêm cho cụ một nhát: “Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình!”. Có người bảo, đây là nhát chém vào quan tòa chứ không phải là chém người bị khép án. Xin không bàn “đúng-sai” e rằng lạc đề.

Còn cụ Phan Khôi, sau 9 năm kháng chiến, có huân chương, không thể gọi cụ là “việt gian”; do vậy, cụ chỉ là “phản động” – nhưng khác với các cụ cùng nhóm, cụ mang danh phản động ngay khi còn đang sống.

Con cháu minh oan cho ông cha

Cả 5 vị học giả nói trên đều bằng lao động trí óc cá nhân mà kiến tạo nên sự nghiệp của mình. Không rõ nên vui hay buồn khi sự nghiệp của các cụ được thực hiện dưới thời thuộc Pháp. Sau cách mạng vô sản, mọi thứ đảo lộn. Cái nhìn đối với các vị cũng đảo lộn cho phù hợp với quan điểm cách mạng vô sản.

– Chỉ có cụ Nguyễn Văn Tố là sướng nhất – hoặc khổ nhất – trong số 5 cụ, tùy theo góc nhìn. Cùng lứa tuổi với cụ Nguyễn Ái Quốc (cụ Hồ), cụ được cụ Hồ mời làm bộ trưởng, rồi đứng đầu quốc hội, rồi quốc vụ khanh…, khi mất được thêm cái danh hiệu liệt sĩ. Lại chẳng sướng? Nhưng giá mà các vị lãnh đạo – hôm nay đang hường trọn quyền lực “tuyệt đối và toàn diện” mà cụ Hồ để lại cho – hãy tái bản các sách và công trình nghiên cứu của cụ, có lẽ cụ vui hơn. Bởi vì, muốn đánh giá học giả không gì tốt hơn hãy đọc họ. Nhưng trí thức cách mạng vô sản có cách đánh giá khác, đơn giản hơn nhiều. Ví dụ, trong “bộ ngũ” có hai cụ làm thượng thư. Thế thì cụ làm “thượng thư cho chính quyền cách mạng” phải là “Việt ngay”; còn cụ kia làm “thượng thư cho thực dân, phong kiến” phải là “Việt gian”… Tội gì mà tẩn mẩn đọc hàng chục ngàn trang viết của các cụ?

– Các cụ khác, nhờ… bị oan, con cháu trong gia đình, dòng họ (và cả con cháu bên ngoài dòng họ – ví dụ nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà sử học Nguyễn Văn Khoan vân vân) đã kiên nhẫn, khổ công, minh oan cho cha-ông. Có một trang mạng về học giả Phạm Duy Tốn, do con-cháu cụ lập ta, với lượng tư liệu đủ để viết nhiều luận án tiến sĩ về sự nghiêp của cụ. Hai trang mạng khác, lớn hơn nhiều, về Phạm Quỳnh và về Nguyễn Văn Vĩnh, cũng do con-cháu tạo dựng cho cha-ông. Con cháu cụ Phan Khôi cũng sưu tập đủ tư liệu để viết sách minh oan cho cha-ông.

Công sức, thời gian mà con-cháu bỏ ra để minh oan các bậc cha-ông là không thể đong đếm, cũng như nỗi đau khổ của gia đình, dòng họ – khi cha-ông bị vu oan trắng trợn – cũng là không thể đong đếm. Lẽ ra, nếu xã hội thật sự là “công bằng, dân chủ, văn minh” (như rêu rao) việc minh oan rất đơn giản. Chỉ cần một văn bản chính thức, với vài hàng chữ, là xong. Oan Nguyễn Trãi (thời hậu Lê), oan Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt (thời Nguyễn) chỉ đời vua sau đã được giải oan.

Bốn học giả rất thân thiết, cùng dùng phương pháp ôn hòa để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Kết cục cuối đời đều không như ý, thậm chí bi thảm.

Bốn học giả rất thân thiết, cùng dùng phương pháp ôn hòa
để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Kết cục cuối đời đều không như ý, thậm chí bi thảm.

Thực chất mục tiêu chính trị của hai vị Việt gian Quỳnh, Vĩnh

Ba vị cùng lứa tuổi, cùng là hội viên Hội Tam Điểm…

Đó là các cụ trí thức Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh, cùng thuộc thế hệ 3. Họ đều là hội viên của Hội Tam Điểm. Dẫu họ được kết nạp không cùng nơi, không cùng lúc, họ vẫn giống nhau ở chỗ cùng đạt tiêu chuẩn chung để được kết nạp. Đó là: 1) Họ đều tự nguyện xin vào Hội (hai người giới thiệu đảm bảo với Hội về trình độ và thanh danh của đương sự); 2) Họ trả lời “đạt yêu cầu” trong buổi phỏng vấn. Đương sự bị bịt mắt (để không biết ai nêu câu hỏi) và trả lời về niềm tin và sự thực hiện lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của mình. Đến nay, đây vẫn là lý tưởng thời đại; do vậy thật đáng tự hào nếu là hội viên hội này.

Chú thích. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh được kết nạp sớm nhất, tại Pháp. Thời gian này, Hội ở Pháp chưa phát triển sang Đông Dương; nhưng những hội viên Pháp sang ta đã nhận thấy cụ Vĩnh rất xứng đáng (trình độ học vấn và phẩm cách); do vậy, trong một dịp cụ sang Pháp họ gợi ý cụ nhập Pháp tịch và như vậy là đủ điều kiện để được giới thiệu vào hội. Cụ Phạm Quỳnh được kết nạp khi Hà Nội có chi hội; còn cụ Nguyễn Ái Quốc được hai vị Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền giới thiệu tại Paris. Rất sớm, cụ Nguyễn Ái Quốc bỏ Hội để vào đảng Cộng Sản, vì đảng này – cùng với đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa Phát Xít – coi Hội Tam Điểm là kẻ thù. Câu hỏi: Liệu có phải vì cụ Nguyễn Ái Quốc ra khỏi Hội mà thành “Việt Ngay”, còn các cụ Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh cứ trung thành với Hội sẽ thành “Việt Gian”?? Xin trả lời: Chả phải.

Từng gặp nhau, từng trình bày cho nhau nghe về mục tiêu chính trị

Vào năm 1922, ba vị trên đã nhiều lần gặp nhau ở Pháp. Tại đây, cụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động yêu nước trong nhóm các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trưởng, Nguyễn Thế Truyền, còn hai cụ Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh sang Pháp dự Triển Lãm và ở lại hai tháng. Dịp này, họ đến thăm nhau, lần nào cũng trò chuyện thân mật, ăn uống vui vẻ. Có lần, cụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra mời cụ Phạm Quỳnh “bữa cơm ta” được tổ chức ở nhà cụ Phan Văn Trường.

Theo cụ Lê Thanh Cảnh (bạn bè thời trung học với cụ Nguyễn Ái Quốc) thì lần gặp quan trọng nhất có mặt tới 10 vị, tại bữa tiệc ở một khách sạn, trong đó có 5 vị về sau được gọi là “năm nhân vật phi thường“. Đọc lại bài viết của cụ Lê Thanh Cảnh, chúng ta thấy cả năm vị đều yêu nước, đều muốn đất nước độc lập và xã hội tiến bộ, nhưng họ tranh luận về mục tiêu nào là thích hợp và cách làm nào là phù hợp với thực tế. Tóm lại, vẫn là những mục tiêu từ thời cụ Nguyễn Trường Tộ: Độc lậpCanh tân; vẫn là cái nào trước, cái nào sau. Vẫn là biện pháp đấu tranh: bạo động hay ôn hòa… Tất cả, phải dựa vào tình hình thực tế, nhưng dưới cái nhìn riêng của mỗi vị. Viễn kiến hay thiển cận, chưa thể thấy ngay lúc đó.

Thực ra, mỗi người đã nung nấu lâu năm về chủ trương của riêng mình; dẫu có gặp nhau ở cuộc họp trên hay không, cũng không dễ thuyết phục nhau để đi đến thống nhất – dù rằng hai vị chủ tiệc rất mong có sự thống nhất nào đó.

Chủ trương và biện pháp khác nhau

Chỉ có một vị chủ trương bạo lực (từ dùng là “cách mạng triệt để”); còn 4 vị dùng cách ôn hòa, nhưng giữa 4 vị này cũng chưa thật thống nhất với nhau.

Cụ Phan Chu Trinh hôm ấy vẫn kiên định “ỷ Pháp cầu tiến bộ” (dựa vào Pháp mong tiến bộ). Cách nói này, xét ra, ý này chưa thật bình bình đẳng giữa Pháp và Việt; do vậy những người Pháp tiến bộ đã phát triển ý của cụ thành Collaboration franco-annamite (Hợp tác Pháp-Việt), sau đó chuyển sang tiếng Việt thành Pháp-Việt đề huề. Theo cụ Phan, “ỷ Pháp cầu tiến bộ” sẽ giúp nâng cao dân trí, dân khí, dân sinh… Và đó là điều kiện để tiến tới đòi tự trị và độc lập. Sau khi gặp gỡ nhau trong bữa tiệc, cụ nhận thấy nếu cả nhóm (sau này là ngũ long) cứ ngồi ở Pháp viết báo (tiếng Pháp) tố cáo chính quyền thực dân, hoặc gửi kiến nghị cho chính phủ Pháp… sẽ ít kết quả, mà dân trí trong nước cũng khó nâng lên được. Cụ chủ trương: Cả nhóm về nước đấu tranh ôn hòa và hợp pháp; cố sử dụng tiếng Việt tuyên truyền trong dân… Về sau, mọi người đều hưởng ứng chủ trương “về nước” của cụ; chỉ có cụ Nguyễn Ái Quốc sang Nga.

– Cụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương “cách mạng triệt để”, nghĩa là dùng bạo lực đánh đuổi thực dân, xóa bỏ phong kiến. Đây là con đường cụ Phan Bội Châu chủ trương. Mọi người đều thấy con đường này là nguy hiểm, đổ máu vô ích và sẽ thất bại, như cụ Phan Chu Trinh đã cảnh báo: Bạo động ắt chết, vọng ngoại là ngu“. Nhưng cụ Nguyễn cứ chủ trương bạo động (xây dựng lực lượng vũ trang), cứ vọng ngoại (Nga, Tàu). Trớ trêu: cụ đã thành công. Chính vì vậy, cần có bài về cụ, trong loạt bài này.

– Cụ Nguyễn Văn Vĩnh nêu lại chủ trương “trực trị” – đó là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Pháp: administration directe được dịch sang tiếng Việt, mà lẽ ra phải là “quản lý trực tiếp”. Sau khi chết, cụ vẫn bị phái bạo lực (hế hệ 4, như con cháu cụ) gọi là Việt Gian chính là do cái chủ trương này – mà họ hiểu sai là “cầu xin” Pháp “trực tiếp thống trị” dân ta.

Chú thích. Sách giáo khoa Lịch Sử (ý): Chế độ bảo hộ của Pháp đã đủ để dân ta một cổ hai tròng; vậy mà tên Việt Gian Nguyễn Văn Vĩnh còn dã tâm quỳ gối cầu xin thực dân Pháp trực tiếp thống trị dân ta mãi mãi… Hắn vinh thân, phú quý, nhưng dân ta sẽ vĩnh viễn làm thân trâu ngựa cho giặc (!).   

– Nếu hiểu cho đúng ý cụ Vĩnh, thì chỉ là cụ mong cho dân Việt thời đó (chưa có hiến pháp) được thực thi chính cái bản hiến pháp của nước Pháp. Ngay thời nay (thế kỷ 21) nếu nước ta cứ dùng Hiến Pháp “tây” của thời cụ Vĩnh có lẽ cũng tốt chán. Nào tự do ứng cử, nào tự do báo chí, nào là người dân có thể lập Hội (ví dụ Hội Nhân Quyền, mà cụ Vĩnh là hội viên)… Toàn là quyền “thật” chứ không phải là “bánh vẽ”.

– Xin nhớ rằng Nguyễn Ái Quốc – cùng thế hệ trí thức 3 với hai cụ Quỳnh và Vĩnh, lại đã nhiều lần gặp gỡ – chưa bao giờ cụ Ái Quốc coi hai cụ Quỳnh và Vĩnh là “Việt Gian”. Cái từ này xuất hiện sau năm 1945, được thế hệ 4 – phái bạo lực – tặng cho 2 vị tiền bối của mình, chỉ vỉ 2 vị thuộc phái ôn hòa. Thế hệ 4 độc quyền viết Lịch Sử, dạy cho mọi học sinh như vậy.

Thật ra, đầu đuôi chủ trương của cụ Vĩnh dựa trên những gì đang hiện thực và có khả năng hiện thực. Ngay từ năm 1881 (cụ Vĩnh mới 1 tuổi) tổng thống Pháp đã sớm ban sắc lệnh (25-5-1881) quy định “quốc tịch của người Việt Nam ở Nam Kỳ được hưởng mọi quyền công dân như người Pháp trên đất Pháp“. Nói khác, dân thuộc địa Nam Kỳ được chính phủ Pháp “quản lý trực tiếp”, do vậy – cứ theo hiến pháp nước Pháp – được hưởng nhiều quyền dân chủ, tự do mà bộ máy cai trị thực dân (ở bản xứ) không dễ thoái thác thi hành hoặc chần chừ thực hiện. Ví dụ, ngay cuối năm đó, quan Toàn Quyền ra Nghị Định về Tự Do Báo Chí ở Nam Kỳ – căn cứ vào đạo luật cùng tên ở bên Pháp. Đó là Luật ngày 29 tháng 7 1881 về tự do báo chí (Loi du 29 juillet 1881 sur la liberté de la presse). Tới nay, Luật này (sau nhiều lần bổ sung, sửa chữa) vẫn đang có hiệu lực ở nước Pháp. Khi cụ Vĩnh lớn lên, nhiều quy định dân chủ khác được thực hiện ở Nam Kỳ. Nhờ vậy, các nhà yêu nước Nam Kỳ bắt đầu đề cập tới thể chế “tự trị” thay cho thể chế “thuộc địa”. Nói chung, nhờ sự “trực trị” mà dân trí, dân khí, dân sinh Nam Kỳ cao hơn Bắc Kỳ và càng cao hơn Trung Kỳ.

Chú thích. Cụ Vĩnh – một trong năm nhân vật phi thườngđã phát biểu trong bữa tiệc như sau (trích): Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ Đông Kinh Nghĩa Thục cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã… đến nỗi ngày nay tất cả các tổ chức cách mệnh ấy chỉ còn cái tên vất vưởng trong ký ức chúng ta thôi: Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn sống vất vưởng ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo, hay Ban Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc là thậm nguy! Sở dĩ tôi theo lập trường “Trực trị” là kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung và Bắc. Mà Bắc kỳ nhờ chế độ mập mờ nửa Bảo hộ nửa Trực trị (không công khai) mà hơn Trung Kỳ quá xa. Chính thể Bảo Hộ tại Trung Kỳ là quá lạc hậu, đồng bào chúng ta ở đó còn trong tình trạng ngu muội. Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói trực trị tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay“.

– Cụ Phạm Quỳnh (và cụ Bùi Quang Chiêu – đảng viên Đảng Cấp Tiến XHCN Pháp, có quốc tịch Pháp) là hai người sớm nhất có tư tưởng lập hiến. Các cụ đề nghị một Hiến Pháp cho Việt Nam. Hiến pháp tất nhiên phải ghi những điều khoản tiến bộ – dù là tối thiểu – và đó là cơ sở để các nhà đấu tranh ôn hòa đòi thi hành chúng. Theo cụ Phạm thì chính phủ Pháp, cũng như người dân Việt thời đó, chưa muốn phế bỏ Nam Triều; do vậy, ta cứ tranh đấu cho chế độ quân chủ lập hiến là phù hợp với tình hình. Hôm dự tiệc (có 5 nhân vật phi thường), cụ nói: Quân chủ lập hiến mà được như Anh, Nhật… thì mong gì hơn?

Khi cụ viết trên báo Nam Phong về quan điểm quân chủ lập hiến của mình, cụ bị ít nhất hai quan điểm khác phản đối: 1) Cụ Phan Chu Trinh muốn xóa bỏ ngay lập tức, xóa triệt để, chế độ phong kiến; 2) Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng đòi xóa phong kiến, đồng thời phải áp dụng dần hiến pháp của nước Pháp cho Việt Nam (trực trị là vậy). Thế là dấy lên cuộc tranh luận giữa cụ Quỳnh và cụ Vĩnh, bị cụ Ngô Tất Tố coi là “tranh luận giả vờ”. Đọc lại các bài của cụ Ngô Tất Tố, ta thấy cụ cũng thuộc phái ủng hộ cách yêu nước bằng bạo lực.

Nhưng có một người người chấp nhận quan điểm cụ Phạm Quỳnh, rất dễ đoán là ai. Đó là vua Bảo Đại. Ông vua “tây học” này – không sành chữ Hán, không ưa đạo Nho – khi vừa mới từ Pháp về nước nối ngôi vua Đồng Khánh, đã dứt khoát bỏ cái lệ “quỳ lạy” khúm núm. Ít lâu sau, vị vua này cho phục viên (nghĩa là “về vườn”) 5 vị thượng thư Nho học, thay bằng 5 vị gần gũi tân học – trong đó có cụ Phạm Quỳnh. Nói khác, vị vua này muốn duy trì địa vị và chấp nhận một hiến pháp. Sau này, thời gian chứng minh rằng cả 5 vị thượng thư này đều yêu nước, và có tư cách cá nhân đẹp đẽ. Ví dụ, các cụ Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm, Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn... Chỉ riêng cụ Phạm Quỳnh là chịu thảm họa.

Cụ Phạm rất mềm mỏng với quan Khâm Sứ, nhưng rất kiên quyết đòi “thực hiện đúng” hòa ước năm 1884, trong đó chỉ có Nam Kỳ là “Pháp quốc thuộc địa” (tức là “đất thuộc nước Pháp”), còn Bắc Kỳ, Trung Kỳ vẫn của triều đình, còn nước Pháp chỉ là “bảo hộ” (tức là “bảo vệ” và “kèm cặp”). Trong quá trình thi hành hiệp ước, người Pháp cứ lấn dần, biến Nam Triều thành hữu danh mà vô thực. Xét ra, đây là mục tiêu rất thấp, nhưng có cơ sở pháp lý và thích hợp với chủ trương của vua Bảo Đại.

Những người ít ghét Phạm Quỳnh nhất thì phê phán cụ là “ảo tưởng”. Thực ra, dễ thấy rằng mục tiêu của cụ Phạm là ít ảo tưởng nhất – nếu so với mục tiêu “quét sạch thực dân” của các vị Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc… Cũng thấp hơn mục tiêu “xóa triều đình” của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh.  

Chú thích. (trích 1) Trong sách Con rồng Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại kể rằng: “Phạm Quỳnh được biết đến sau vụ Yên Bái năm 1930 nhờ bốn bài xã luận đăng trên báo France-Indochine ở Hà Nội, mà bài đầu tiên nhan đề: “Tiến tới một Hiến pháp”. Ông ta chỉ muốn trở lại cơ cấu tốt đẹp cũ. Nằm trong tinh thần hiệp ước bảo hộ, là nên trả lại cho chính phủ hoàng gia sự cai trị nội bộ với Hội đồng Dân biểu. Muốn thực hiện cải cách ấy, cần phải có sự tham gia của phái trẻ và tân học” (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 90.)

(Trích 2) Năm 1937 và 1938, tức là lúc đang làm thượng thư bộ Học, Phạm Quỳnh cho ấn hành liên tiếp hai tập tiểu luận bằng tiếng Pháp nhan đề là Essais franco-annamites (31-5-1937), và Nouveaux essais franco-annamites (30-6-1938). Hai tập tiểu luận nầy đề cập đến những vấn đề chính trị Pháp Việt, và phản ảnh chủ trương quân chủ lập hiến mà Phạm Quỳnh đã đưa ra từ trước khi tham chính. Đối với người Pháp, ông cho biết: “Chúng tôi là một dân tộc bị chinh phục. Có thể sự chinh phục nầy đem đến cho chúng tôi vài lợi ích. Nhưng những lợi ích nầy không bao giờ đền bù được việc chúng tôi bị mất độc lập… Các ông đã hiện diện trên đất nước nầy bằng quyền chinh phục. Các ông đã chinh phục mảnh đất nầy. Còn một cuộc chinh phục cao cả khác các ông cần phải thực hiện tiếp: đó là cuộc chinh phục khối óc và con tim.” (Dịch từ bài “Les conditions du rapprochement franco-annamite” [Điều kiện tiếp cận Pháp Nam ] của Phạm Quỳnh đăng trong sách Essais franco-annamites (1929-1932), Nxb. Bùi Huy Tín, Huế 1937, tt. 359-367).

Việt gian muốn kiến tạo một nền quốc học

– Đọc diễn văn trước Viện Hàn Lâm nước Pháp

Từ thuở nước ta đưa các môn khoa học (cách trí, địa dư, toán…) vào chương trình giáo dục, xin hỏi: có người Việt “tân học” nào – cứ cho là đã có bằng tiến sĩ tân học – mà được mời diễn thuyết đàng hoàng trước Viện Hàn Lâm một văn minh nhất ở châu Âu – như nước Pháp? Xin trả lời: Duy nhất chỉ có Phạm Quỳnh, vào năm 1922 – trong dịp cụ sang Pháp dự Hội Chợ đấu xảo. Đây cũng là dịp cụ gặp Nguyễn Ái Quốc và các trí thức yêu nước (đã nói ở trên). Nói thêm những điều duy nhất khác: Cụ mới 29 tuổi; chưa có bằng đại học, lại xuất hiện đầy tự tin trong bộ quốc phục. Đề tài báo cáo liên quan giáo dục, nhằm bảo vệ nền văn hóa lâu đời của nước Việt trước mối đe dọa bị thay thế hoàn toàn bằng văn hóa Pháp. Kết thúc diễn văn, cử tọa đã phá lệ: tán thưởng bằng tràng pháo vỗ tay không ngớt.

Trong vòng một trăm năm tới (tức năm 2115) liệu điều này có thể được một công dân Việt Nam tái hiện? Nếu sự kiện này xảy ra lần nữa, niềm tự hào của người Việt phải gấp chục lần khi nước ta có Ngô Bảo Châu (được đào tạo ở nước ngoài).     

– Diễn văn đề cập gì?

Tốt nhất là chúng ta đọc bài dịch từ nguyên bản, hoặc ít ra có thể đọc bài giới thiệu nội dung chính. Kỳ thi Nho Học cuối cùng được tổ chức năm 1919, tới khi cụ Phạm Quỳnh sang Pháp mới là 3 năm (1919-1922). Dễ hiểu, khi đó số người biết chữ nho và chữ Pháp tuy hiếm, nhưng không hiếm hơn số người biết chữ quốc ngữ. Tiền và giấy khai sinh còn in bằng 3 (hoặc 4) thứ chữ: Quốc Ngữ, Pháp, Hán và Nôm. Trong chính giới Pháp vẫn còn lưu hành ý kiến cho rằng… nên dạy tiếng Pháp một cách phổ biến – ngay từ tiểu học – để dân Việt dùng nó làm ngôn ngữ giao tiếp đời thường và đó cũng là phương tiện tiếp thu khoa học và văn hóa Pháp –  tiên tiến nhất thế giới. Không thể vội vàng (như cách xử sự của phái bạo lực) nói rằng đó là ý kiến thiếu thiện chí. Có thể lấy ví dụ từ nước Mỹ. Cho tới lúc đó, nước Mỹ (vốn đa chủng tộc) sau 130 năm coi tiếng Anh là ngôn ngữ chung, đã tự xây dựng nền văn hóa riêng của mình. Nhưng dân Việt thì khác. Họ từ ngàn năm vẫn sống ở bản địa của mình, chẳng di cư đi đâu, mà cũng không pha trộn chúng tộc; do vậy họ đã xây đắp được một nền văn hóa lâu đời. Cụ Phạm đã đề cập tới Giáo Dục và giải thích trước viện Hàn Lâm Pháp rằng cần tránh áp đặt những gì không thích hợp với truyền thống Việt, để tránh lai căng, đặng để giữ vững và phát triển quốc học. Ví dụ cụ đưa ra thật là dễ hiểu và sâu sắc. “Dân Việt Nam chúng tôi, không thể ví như tờ giấy trắng được. Dân tộc chúng tôi là một quyển sách cổ đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay; không có thuốc gì xoá hẳn được thứ chữ ấy đi. Không ai có quyền tự do muốn viết gì vào đấy thì viết được. Không thể đem in một thứ chữ ngoài lên trên các dòng chữ cũ được”. 

Kết tội của thời nay

Thời nay, đang có sự diễn biến hòa bình không cưỡng nổi: Trí thức thế hệ 7 cũng đã nhận ra đóng góp về văn hóa của các vị Việt gian Quỳnh và Vĩnh; bất chấp thế hệ 4, 5 và 6 dầy công phủ nhận suốt từ 1945 tới nay. Nói khác, dùng bạo lực để phủ nhận sự thật sẽ không thể bền mãi được. Té ra, sau 100 năm vẫn không khó để phân biệt yêu nước cách bạo lực với cách ôn hòa, dù được biến hóa thế nào. Nếu cho tới nay, tuy buộc phải thừa nhận công lao về văn hóa, vẫn có người kết tội các vị về chính trị, thì chắc hẳn là họ chưa đọc ở mức cần thiết các công trình của “Việt gian”.

Chú Thích. Ngay khi còn sống, cụ Quỳnh đã biết rằng mình sẽ bị cả người đương thời, lẫn hậu thế chê và khen. Hai phía khen và chê còn cãi nhau lâu. Cụ viết như sau: Về phần riêng tôi, như thế là số mệnh đã an bài. Tôi là người của chuyển tiếp, vì vậy, sẽ không bao giờ được người đời hiểu mình. Chuyển tiếp giữa Á Đông và Tây Âu, giữa quá khứ và tương lai, giữa một trạng thái chính trị sản phẩm của xâm lăng và đương nhiên là phải hư hỏng ngay từ nền tảng, và một nền trật tự mới không thể nhất đán mà thành tựu, khả dĩ biết tôn trọng phẩm cách của con người. Sống giữa đầy rẫy những mâu thuẫn như thế, cố gắng dung hòa các mâu thuẫn đó, với hoài bão thực hiện một chương trình tiến hóa hợp tình hợp lý khả dĩ đưa đến tình trạng hòa hợp toàn diện; dĩ nhiên là tôi phải đương đầu với những ngộ nhận đủ loại…

Và một cuộc phiêu lưu đưa đến với tôi.

Là một nhà ái quốc An Nam, tôi yêu nước với tất cả tâm hồn: người ta lên án tôi phản bội Tổ quốc, vì tôi đồng lõa với xâm lăng và phục vụ xâm lăng!

Mặt khác, là bạn chân thành của nước Pháp: người ta lại trách tôi khéo léo che đậy một ý thức quốc gia khe khắt và bài Pháp sau một tấm bình phong thân Pháp !

Và trường hợp của tôi làm ai nấy ngạc nhiên. Người ta cố tìm hiểu giải thích, bằng đủ mọi cách, mà vẫn không thể hiểu.

Có lẽ, một ngày kia, người ta sẽ hiểu, khi một thỏa hiệp được chào đời có thể hòa giải tinh thần quốc gia An Nam và chính sách thuộc địa Pháp.

Tôi tin sự hòa giải có thể thực hiện được. Nhưng trong khi sự hòa giải đó chưa được thực hiện, cuộc phiêu lưu của tôi không tránh khỏi trở nên bi đát?

Có lẽ chăng, đó chẳng phải là cuộc phiêu lưu của riêng tôi. Nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một cá nhân, để trở nên của cả một thế hệ, một thời đại“.

 

0