24/05/2018, 16:40

Nhóm các lý thuyết cổ điển về quản trị

Lý thuyết quản trị khoa học của Taylor – người Mỹ (1856-1915): Lý thuyết quản trị khoa học có nhiều tác giả, nhưng đại biểu ưu tú nhất chính là Frederich Winslow Taylor. Taylor được gọi là cha đẻ của ngành quản trị và quyển ...

Lý thuyết quản trị khoa học của Taylor – người Mỹ (1856-1915):

Lý thuyết quản trị khoa học có nhiều tác giả, nhưng đại biểu ưu tú nhất chính là Frederich Winslow Taylor. Taylor được gọi là cha đẻ của ngành quản trị và quyển sách nổi tiếng của ông về quản trị là “Các nguyên tắc quản lý theo khoa học” xuất hiện vào năm 1911.

Nội dung học thuyết quản lý theo khoa học của Frederich Winslow Taylor có thể tóm tắc như sau:

Cải tạo các quan hệ quản lý giữa chủ và thợ :

Taylor cho rằng học thuyết của ông là “một cuộc cách mạng tinh thần vĩ đại”, vì nó không chỉ là một hệ thống các giải pháp kỹ thuật, mà còn đề ra các tư tưởng triết học và đạo đức mới. Nó làm thay đổi tinh thần và thái độ của hai bên (người chủ và người thợ), thay chiến tranh bằng hoà bình, thay sự mâu thuẫn bằng sự hợp tác, thay tính đa nghi cảnh giác bằng niềm tin giữa đôi bên.

Tiêu chuẩn hoá công việc:

Tiêu chuẩn hoá công việc là cách thức phân chia công việc thành những bộ phận và công đoạn chính và định mức lao động hợp lý, tạo cho công nhân có điều kiện tăng thêm thu nhập và đồng thời để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; Có nghĩa là phân chia công việc của mỗi cá nhân thành nhiều thao tác đơn giản, áp dụng phương pháp tốt nhất một cách khoa học để thực hiện các thao tác đó, qua đó tăng năng suất lao động

Chuyên môn hoá lao động:

Trước hết chuyên môn hóa đối với lao động quản lý, đây là một quan điểm tiến bộ hơn so với những quan điểm trước đó cho rằng toàn bộ công việc thực hiện ra sao là do công nhân phải chịu trách nhiệm

Kế đến là chuyên môn hoá đối với công nhân, có nghĩa lựa chọn và huấn luyện công nhân một cách khoa học, mỗi công nhân chuyên về một thao tác để anh ta thực hiện nó một cách có hiệu quả nhất. Nhờ áp dụng phương pháp quản lý khoa học tại Hãng Symond Rolling Machine mà ông đã chỉ ra được một điều là 35 cô gái đã làm được công việc của 120 cô gái.

Ngoài ra ông còn chỉ ra là phải tìm ra “người giỏi nhất” trong số công nhân, nhằm giúp cho nhà quản trị đề ra các định mức hợp lý và còn là tấm gương thúc đẩy những người khác phấn đấu tăng năng suất lao động và thu nhập của họ. Taylor đã thử nghiệm chặt chẽ 75 công nhân tại Công ty thép Bethleham, sau đó chọn ra 4 người khá nhất, những người này được ông kiểm tra rất kỹ lưỡng về thể lực, tính khí, tiểu sử, hoài bão…và người cuối cùng được chọn là Schmidt, một người khỏe mạnh và muốn kiếm được nhiều tiền. Taylor đã huấn luyện Schmidt các thao tác tối ưu, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kết quả Schmidt có thể khuân vác 47.5 tấn gang/ngày so với định mức cũ 12.5 tấn/ngày.

Lựa chọn công cụ lao động thích hợp và môi trường lao động phù hợp:

Theo Taylor, ngay cả người công nhân giỏi nhất cũng cần có những công cụ và môi trường lao động thích hợp để tăng năng suất lao động và đó là nghiệp vụ quan trọng mà nhà quản trị phải tìm ra.

Ông cũng cho rằng một tổ chức tốt với một nhà máy tồi tàn sẽ cho kết quả tốt hơn là một nhà máy hiện đại nhất với một tổ chức nghèo nàn. Điều này có nghĩa là vai trò của quản lý, năng lực tổ chức đặt lên trên máy móc, kỹ thuật và nhân tố con người có vai trò quan trọng đối với sự thành bại của doanh nghiệp.

Về quan niệm “con người kinh tế”:

Taylor cho rằng sự hoà hợp giữa chủ và thợ suy cho cùng là xuất phát từ nhu cầu kinh tế, là kiếm tiền, làm giàu. Ngoài ra con người thường làm biếng, trốn việc vì thế cần đưa anh ta vào khuôn phép kỷ luật, làm việc theo cơ chế thưởng-phạt, từ đó ông đưa ra chính sách trả lương theo sản phẩm và thưởng cho những sản phẩm vượt định mức .

Qua lý thuyết quản trị củaTaylor ta có thể rút ra một số ưu điểm và khuyết điểm sau:

* Ưu điểm:

  • Làm việc chuyên môn hóa
  • Tuyển dụng và đào tạo nhân viên một cách chuyên nghiệp
  • Hạ giá thành
  • Xem quản trị như một nghề và là đối tượng khoa học.

Từ đó tăng năng suất lao động và có hiệu quả.

* Nhược điểm:

  • Quan niệm không đầy đủ về tổ chức, về hiệu quả, về năng suất lao động
  • Chưa chú trọng nhu cầu xã hội và nhu cầu tinh thần con người
  • Trọng tâm của quản trị là ở người thừa hành

Lý thuyết quản trị hành chính của Henry Fayol – người Pháp (1841-1925):

Thuyết quản trị hành chính được đưa ra ở Pháp bởi Henry Fayol, có thể gọi ông là một Taylor của Châu Âu, người cha của một trong những lý thuyết quản lý hiện đại quan trọng nhất – Thuyết quản lý hành chính, năm 1916 ông xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Quản lý hành chính chung và trong công nghiệp” (Administration Industrielle et Générale) đề cập đến các nguyên tắc quản trị.

Nội dung thuyết Quản lý hành chính của ông có thể tóm tắc như sau:

Quan niệm và cách tiếp cận:

Cách tiếp cận nghiên cứu về quản lý của Fayol khác với Taylor. Taylor nghiên cứu mối quan hệ quản lý chủ yếu ở cấp đốc công và người thợ, từ nấc thang thấp nhất của quản lý công nghiệp rồi tiến lên và hướng ra. Còn Fayol xem xét quản lý từ trên xuống dưới, tập trung vào bộ máy lãnh đạo, ông chứng minh rằng quản lý hành chính là một hoạt động chung cho bất kỳ tổ chức nào.

Fayol phân loại các hoạt động của bất kỳ một tổ chức thành 06 nhóm hoạt động như sau: 1. Các hoạt động kỹ thuật; 2. Thương mại; 3. Tài chính; 4. An ninh; 5. Hạch toán-thống kê; 6. Quản lý hành chính. Trong đó họat động Quản lý hành chính sẽ kết nối 05 hoạt động còn lại tạo ra sức mạnh cho tổ chức.

Ông định nghĩa Quản lý hành chính là : dự tính (dự đoán + kế hoạch), tổ chức, điều khiển, phối hợp và kiểm tra. Đây chính là 05 chức năng của nhà quản trị. Đối với cấp quản trị càng cao thì yêu cầu khả năng quản trị hành chính càng lớn và ngược lại cấp quản trị thấp thì khả năng chuyên môn kỹ thuật là quan trọng nhất

14 nguyên tắc quản trị hành chính:

1.Chuyên môn hóa: Phân chia công việc (cả kỹ thuật lẫn quản lý)

2.Quyền hạn đi đôi với trách nhiệm: Nhà quản trị có quyền đưa ra mệnh lệnh để hoàn thành nhiệm vụ nhưng phải chịu trách nhiệm về chúng.

3.Tính kỷ luật cao: Mọi thành viên phải chấp hành các nguyên tắc của tổ chức nhằm tạo điều kiện cho tổ chức vận hành thông suốt.

4.Thống nhất chỉ huy, điều khiển: Người thừa hành chỉ nhận mệnh lệnh từ một cấp trên trực tiếp, tránh mâu thuẫn giữa các mệnh lệnh

5.Thống nhất lãnh đạo: Mọi hoạt động của tất cả các thành viên, các bộ phận phải hướng về mục tiêu chung của tổ chức và chỉ do một nhà quản trị phối hợp và điều hành.

6.Lợi ích cá nhân phụ thuộc vào lợi ích tổ chức: Phải đặt lợi ích tổ chức lên trên lợi ích của cá nhân. Nếu mâu thuẫn về 02 lợi ích này, nhà quản trị phải làm nhiệm vụ hoà giải.

7.Thù lao tương xứng với công việc: Nên làm sao để thoả mãn tất cả

8.Sự tập trung: Fayol ủng hộ vấn đề tập trung quyền lực, và xem đây là trật tự tự nhiên

9.Trật tự thứ bậc : Phạm vi quyền lực xuất phát từ ban lãnh đạo cấp cao xuống tới những công nhân cấp thấp nhất

10.Trật tự : “vật nào chổ ấy” và biểu đồ tổ chức là một công cụ quản lý qúy giá nhất đối với tổ chức

11.Tính công bằng hợp lý: Nhà quản trị cần đối xử công bằng và thân thiện với cấp dưới của mình

12.Ổn định nhiệm vụ: Luân chuyển nhân sự cao sẽ không đem lại hiệu quả

13.Sáng kiến: Cấp dưới phải được phép thực hiện những sáng kiến

14.Đoàn kết: Đoàn kết sẽ mang lại sự hoà hợp, thống nhất từ đó làm cho tổ chức càng có sức mạnh.

Vấn đề con người và đào tạo trong quản lý:

Khác với Taylor chỉ yêu cầu người lao động tính kỷ luật và sự tuân lệnh, Fayol yêu cầu các nhà quản lý phải đối xử tốt đẹp và ký các thoả thuận lao động với họ, đồng thời chú ý đến mặt tinh thần và khuyến khích tài năng của người lao động. Đối với lao động quản lý ông yêu cầu phải là người vừa có tài và vừa có đức. Ong cũng thấy rõ tác dụng của giáo dục và đào tạo để phát triển một nguồn nhân lực mạnh cho tổ chức.

Qua lý thuyết quản trị của Fayol ta có thể rút các ưu điểm và khuyết điểm như sau:

* Ưu điểm :

- Cơ cấu rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc

* Nhược điểm:

  • Không đề cập đến tác động của môi trường
  • Không chú trọng tính hợp lý trong hành động của nhà quản trị
  • Trọng tâm của quản trị là nhà quản trị
0