Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích và chứng minh câu nói trên” – Văn mẫu hay lớp 8
Xem nhanh nội dung Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích và chứng minh câu nói trên" – Bài làm 1 cúa một học sinh giỏi Văn tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bá Học là một nhà văn, một nhà giáo đầy ...
Xem nhanh nội dung
Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích và chứng minh câu nói trên" – Bài làm 1 cúa một học sinh giỏi Văn tỉnh Đồng Nai
Nguyễn Bá Học là một nhà văn, một nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỉ XX. Ông rất quan tâm đến việc giáo dục lớp trẻ. Trong tác phẩm Lời khuyên học trò, để động viên thanh niên rèn luyện thành người hữu ích, nhắc nhở học trò lấy tinh thần vượt khó làm trọng, ông đã nhấn mạnh.
"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
Đây là một lời khuyên sâu sắc mà học sinh chúng em cần phải tim hiểu ý nghĩa.
Lời khuyên của Nguyễn Bá Học nêu lên hình ảnh trở ngại trên một con đường, đó là "núi sông và lòng người ngại núi e sông". Trước hết, con đường là hình tượng cụ thể hóa mục đích của con người. Để đạt được mục đích ấy, nhiều khi ta phải vượt qua núi cao, sông sâu. Nếu quyết tâm, ta vẫn tới đích an toàn. Suy rộng ra, đường lối ở đây còn ẩn dụ với mọi ước mơ mà con người muốn đạt đến. Sông, núi ở đây chỉ những trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho những thách thức, khó khăn trên đường đời. Lòng người ở đây chỉ ý chí của con người. Câu nói trên đã nêu rõ hai trở ngại thường gặp: trở ngại sông rộng núi cao của thiên nhiên và trở ngại do lòng người thường mất tự tin, e ngai gặp khó khăn. Nhà văn khẳng định nếu có nghị lực, quyêt tâm thì dù núi có cao, sông có sâu con người vẫn qua được.. Câu nói trên là một bài học cô đúc giàu hình ảnh về sự quyết tâm vượt khó.
Hiểu như vậy, ta thấy ý trọng tâm cùa câu nói là: sức mạnh của ý chí con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách dù to lớn đến chừng nào.
Tại sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? Thực vậy, những trở ngại trong cuộc sống tuy có nhiều nhưng không phải là không thể vượt qua. Núi cao bao nhiêu đi nữa, nếu trèo mãi, cũng sẽ qua. Mọi khó khăn, gian khổ mà ta gặp phải trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách, không thể nào chặn đứng quyết tâm của ta, buộc ta phải lùi bước. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi như vậy. Người ta phải leo lên đỉnh núi, lặn xuống thám hiểm đại dương. Đó là những minh chứng cho ý kiến trên. Như vậy ta thấy ý chí, tinh thần vượt khó cần thiết cho chúng ta. Đã từng gặp khó hăn trong công việc, ta thấy quả thực tinh thần vượt khó đã giúp ta kiên trì nhẫn lại để đi đến thành công. Vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đường đời nhiều lối quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà biết bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn thực hiện được ước mơ, ta phải dự tính trước để đương đầu với trở ngại gian nan. Thậm chí cả sự nguy hiểm. Câu chuyện rùa và thỏ chạy đua đã cho ta thấy rõ điều đó. Ý chí kiên trì, quyết tâm cao của rùa đã giúp rùa đạt được mục đích. Ngược lại, thỏ ỷ sức chạy nhanh nhưng chểnh mảng, cuối cùng lại thua rùa. Lòng người ở đây chính là ý chí, là sự kiên trì, nhẫn nại. Liên tục vượt khó thì dù có trở ngại về năng lực bản thân, vẫn có thể đạt đến đích. Sự chiến thắng bản thân còn có ý nghĩa quyết định hơn vì từ đó ta có thể chiến thắng cả thiên nhiên.
Khó khăn trờ ngại là chuyện thường tình. Đó chỉ là những yếu tố khách quan thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng bước chân hăm hở của những con người có quyết tâm cao:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thập bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
(Ca dao)
Lịch sử cũng chứng minh rằng nhờ có ý chí, quyết tâm sắt đá, kiên tri bền bỉ ta sẽ thành công. Bài học ấy đã được Bác Hồ của chúng ta thực hiện trong quá trình đấu tranh cách mạng của Người. Và với kinh nghiệm của bản thân, Bác đã dạy ta rằng:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bèn
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Thực hiện lời dạy của Người, biết bao thanh niên đã vượt khó trong những năm tháng đánh giặc Pháp xâm lược mà tầm vóc anh bộ đội còn đẹp đẽ, to lớn hơn cả núi đồi:
Rất đẹp hình ảnh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo.
(Tố Hữu)
Trong kháng chiến chống Mĩ, bao thanh niên đã làm nên trang sử vàng với tinh thần sắt đá:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
(Tố Hữu)
Tại sao đường đi khó vì lòng người ngại núi e sông? Nghị lực có ý nghĩa quyết định khi muốn làm bất cứ việc gì. Có ý chí quyết tâm, ta có thể vượt mọi khó khăn, trở ngại để đi tới đích. Thiếu ý chí, đường đi dù thuận lợi, cũng chẳng vượt qua được.
Tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên và qua kinh nghiệm sống thực tế, ta sẽ hiểu rõ quan niệm trên là bài học tâm đắc của những người có ý chí và thành đạt xưa nay.
Ai qua bến phà Nhật Lệ mới thấy rõ dòng sông rộng chừng nòa. Vậy mà, dưới bom đạn, mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội vượt sông đánh Mĩ:
Một tay lải chiếc đò ngang,
Bên sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày.
Sợ chi sóng gió tàu bay…
Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua.
(Tố Hữu)
Thế mới biết sức mạnh của ý chí, của lòng quyết tâm có giá tri vô ngần. Chính vì thấu hiểu lời khuyên ấy và sau khi đất nước hòa binh, nhân dân ta cùng nhau xây dựng nhiều công trình lớn: công trình thủy điện Sông Đà, công trình thùy điện Trị An. Như một bài thơ đã viết:
"Bạt núi đồi, ta moi đất làm gang
Ngăn thác dữ, ta bắt sông làm điện"
(Tố Hữu)
Ta nên biết rằng sự thành công nào cũng đều trải qua cam go, thử thách. Sự nghiệp càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều thì ý chí phải càng cao. Đến lúc ấy sự thành công mới có ý nghĩa, ta mới quý trọng, nâng niu và giữ gìn những thành quả mình có được.
Hiểu được ý nghĩa của lời dạy ấy, chúng ta phải cố gắng rèn luyện tính bền bỉ, dẻo dai, kiên nhẫn, cố gắng trang bị cho mình vốn kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn vững vàng để mai sau thành con người tài năng và hữu ích cho xã hội. Vàng không sợ lửa, người có tài không sợ gian nan.
Christop Colomb (Crít-tốp Cô-lông) đã vượt biển cả với bao thử thách gay go tìm ra châu Mĩ. Nhờ có ý chí, con người đã bay vào vũ trụ, đổ bộ lên Mặt Trăng xa xôi.
Ý chí không chỉ giúp ta chiến thắng thiên nhiên mà còn giúp dân tộc ta chiến thăng kẻ thù xâm lược. Thực vậy, trong hội nghị Diên Hồng, các bô lão đời Trần đã đồng thanh trảlời "Quyết chiến" và cảm động thay đối với câu hỏi "Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?" là câu trả lời "Hi sinh". Do vậy, cuối cùng dân tộc ta đã đánh bại kẻ thù.
Thế mới biết sức mạnh ý chí là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi cam go thử thách để đi đến thành công. Ước mơ càng cao đẹp thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều đòi hỏi ý chí càng cao. Có vượt qua gian lao thử thách, ta mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của sự thành công.
Hiểu được ý nghĩa cao quý của lời dạy, em quyết tâm rèn luyện cho bản thân một ý chí vượt khó, một tinh thần kiên trì, bền bỉ trong học tập. Em sẽ cố gắng để trở thành người có tài năng vững vàng trong công việc, trở thành người chủ xứng đáng của đất nước.
Tóm lại, đường đời gian nan hiểm trở là môi trường tốt để thử thách con người. Núi có cao, sông có sâu bao nhiêu nếu con người không ngại núi, e sông thì sẽ vượt qua tất cả. Chỉ có quyết tâm cao, vượt mọi trở lực trên bước đường mơ ước, con người mới đạt được kết quả như ý. Thực vậy muốn đến với vinh quang ta phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân mình. Vì "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
Lời nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong việc rèn luyện ý chí của chúng ta. Không có mục đích rõ ràng, không có chí phấn đấu thì suốt đời chúng ta sẽ "Người không có chí như thuyền không lái như ngựa không cương, trôi dạt lênh đênh không ra thế nào cả" (Vương Dương Minh) Đó là lời nói của một nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn bên Trung Hoa từđời nhà Minh, mà đến nay vẫn còn đáng cho ta suy nghĩ.
Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích và chứng minh câu nói trên" – Bài làm 2
Nguyễn Bá Học là nhà văn, nhà báo, nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỷ XX. Trong cuộc đời dạy học và trong văn nghiệp của mình. Nguyễn Bá Học rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Ông đã viết tập Lời khuyên học trò để trao đổi, bày vẻ, động viên thanh niên rèn luyện thành người có ích cho nước, cho dân. Trong bài Chi mạo hiểm, để khuyên khích học trò rèn luyện ý chí, khắc phục khó khăn, quyết làm nên việc lớn, Nguyễn Bá Học đã viết: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Là người dân Việt Nam, ai cũng biết đất nước mình trải dài mấy ngàn cây số, lại nhiều núi lắm sông nên việc đi lại không dễ dàng. Núi cao, sông sâu luôn luôn là những trở ngại ngăn bước con người. Chẳng thế mà cha ông ta đã từng ao ước sông rộng một gang, đã từng than núi cao chi lắm núi ơi… Núi, sông là hình ảnh tượng trưng cho những thách thức, khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, câu nói của Nguyễn Bá Học có nhiều ý nghĩa. Ông đã dặn dò lớp trẻ rằng trên con đường ta đi nhiều khi phải vượt qua núi cao, sông sâu, nghĩa là sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn tới đích. Nhà văn – nhà giáo Nguyễn Bá Học muốn lớp học trò ngày nay phải hiểu được rằng những trở ngại khó khăn mà ta gặp phải trên đường đời dù cao như núi, dù rộng như sông nhưng cũng không đáng sợ bằng sự ngại khó, thiếu ý chí, thiếu nghị lực của con người.
Núi dẫu cao và hiểm trở đến mấy, nếu con người có quyết tâm sắt đá, có ý chí vững bền vẫn có thể vượt qua. Anh bộ đội Cụ Hồ trong những tháng năm đánh giặc đã từng chế ngự núi cao:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)
Trong kháng chiến chống Mĩ, thanh niên Việt Nam đã làm nên đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử trên dãy Trường Sơn với tinh thần quyết tâm sắt đá:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
(Tố Hữu)
Ai đã từng đi ngang qua bến phà Nhật Lệ mới thấy rõ dòng sông rộng chừng nào. Chính tại nơi này, dưới bom đạn địch, mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội vượt sông đi đánh Mĩ hết chuyên này đến chuyên khác.
Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay…
Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua.
(Mẹ Suốt – Tố Hữu)
Khó khăn trở ngại trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách ý chỉ và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng được bước chân hăm hở của những con người có quyết tâm cao:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, cửu thập đèo củng qua
(Ca dao)
Điều quan trọng nhất đối với con người là phải có quyết tâm cao, ý chí bền, nghị lực lớn. Câu chuyện của thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh Phật là một ví dụ điển hình. Hành trình vượt biển tìm vùng đất mới của Cris-tốp Cô- lôm-bô cũng chứng minh điều đó.
Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều những tấm gương không ngại núi e sông, vượt qua tất cả để đạt mục đích cao đẹp.
Anh Nguyễn Ngọc Kí bị tật bẩm sinh liệt cả hai tay. Nhìn bè bạn cắp sách đến trường, anh rất thèm được như các bạn. Bằng ý chí, nghị lực và sự kiên trì, anh luyện cho đôi chân không chỉ cầm được bút mà còn điều khiển được cây kéo. Anh cắt chữ, dán khẩu hiệu hoàn toàn bằng chân. Anh đã học xong tiểu học, trung học rồi đại học và trở thành thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Gần đây, anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Trong thời đại khoa học phát triển, con người có thể bay trong mây, lướt theo gió, lên thăm chị Hằng trên cung trăng, hoặc lăn xuống Thủy cung của Thủy Tề. Vị thuốc cải tử hoàn sinh tuy chưa có trong thực tế nhưng các thầy thuốc ngày nay đã có thể thay thế từng bộ phận hư hỏng của con người để kéo dài cuộc sống. Làm sao có thể kể hết thành tựu khoa học của thời đại là kết quả của ý chí con người trên con đường chinh phục thiên nhiên.
Rõ ràng là chỉ có quyết tâm cao, con người mới thu được những kết quả mong muốn. Hãy dồn thêm nghị lực để cố gắng vượt lên, đó là điều mà nhà văn – nhà giáo Nguyễn Bá Học mong muốn ở thế hệ trẻ Việt Nam với hi vọng họ sẽ làm rạng rỡ non sông. Đó cũng chính là điều mà Hồ Chủ Tịch đã từng căn dặn tuổi trẻ chúng ta:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chi ắt làm nên.
Thu Thủy (tổng hợp)