Nguyên nhân của biến động thị trường dầu mỏ
Giá dầu thô cùng với những sản phẩm của nó có những vị trí hết sức quan trọng. Khi giá dầu lên cao có thể gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế các nước và tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, làm cho thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm. Bối ...
Giá dầu thô cùng với những sản phẩm của nó có những vị trí hết sức quan trọng. Khi giá dầu lên cao có thể gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế các nước và tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, làm cho thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm. Bối cảnh kinh tế nói chung khi giá dầu tăng hiện nay rất khác so với những cơn sốt giá dầu trước đây, tất cả đều xảy ra đồng thời với với hiện tượng phát triển bùng nổ kinh tế do nhiều nền kinh tế hoạt động quá nóng. Biến động của giá dầu do nhiều nhân tố như nhân tố chính trị và sự bất ổn trên thế giới với yếu tố tâm lý, là những nhân tố có tác động mạnh, còn nhân tố cung cầu là nhân tố quyết định sự biến động giá dầu trên thị trường thế giới.
- Nhân tố quyết định gây nên sự biến động trên thị trường mỏ chính là nhân tố cung cầu. Cung dầu thô ngày càng hạn chế do dầu thô là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Hiện nay trên thế giới đang diễn ra hàng loạt các tranh luận gay gắt về tình trạng cạn kiệt dầu. Trong những năm gần đây, các mỏ mới và lớn, phát hiện ngày càng ít dần, trong lúc các mỏ đang khai thác thì đang đi vào giai đoạn đỉnh điểm của hoặc đang chuyển sang giai đoạn kết thúc. Theo thông báo của Trung tâm phân tích tình trạng cạn kiệt dầu có trụ sở ở London, thì năm 2000 có 13 mỏ mới được phát hiện với trữ lượng 500 triệu thùng trở lên, năm 2001 giảm xuống còn 6 mỏ, năm 2002 phát hiện 2 mỏ và đến năm 2003 chỉ còn 1 mỏ thuộc tầm cỡ nói trên. Các mỏ có trữ lượng trên 500 triệu thùng cung cấp đến 80% sản lượng dầu tiêu thụ trên thị trường thế giới, do đó hiện tượng cạn kiệt dầu trở thành một nguy cơ đối với toàn cầu.Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu không ngừng gia tăng, đặc biệt ở những nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Và từ năm 2003, Mỹ đã tăng mức dự trữ dầu thô chiến lựoc lên đến 700 triệu thùng, cũng làm cho nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới tăng lên. Để đảm bảo an ninh năng lượng, các nước công nghiệp đều lo dự trữ dầu và tìm cách khống chế các nguồn cung dầu bằng các biện pháp quân sự, gây bất ổn định chính trị xã hội.
- Những tác động về mặt kinh tế toàn cầu cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến động của giá dầu. Nền kinh tế thế giới ngày càng tăng trưởng mạnh. Cùng với việc tăng trưởng, thì nhu cầu sử dụng dầu thô cũng tăng theo; đặc biệt là nhu cầu dầu thô của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ trong đó Trung Quốc chiếm đến 40% lượng dầu tăng của toàn thế giới. Năm 2003, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và trở thành quốc gia thứ hai tiêu thụ dầu thô trên thế giới, sau Mỹ. Nhìn chung các nguồn năng lượng của Trung Quốc tương đối phong phú nhưng chủ yếu là than đá, còn dầu mỏ và khí đốt là để phục vụ nhu cầu trong nước vẫn còn thiếu hụt. Trong 10 năm qua mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc tăng khoảng 6%/năm trong khi sản lượng dầu chỉ tăng 1,5%. Chính sách truyền thống về tự cung tự cấp dầu mỏ nay đã trở thành dĩ vãng. Là nước nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ và chiếm 40% mức tăng tiêu thụ dầu mỏ thế giới, hàng ngày Trung Quốc nhập khẩu khoảng hai triệu thùng, tương đương 270.000 tấn. Chính phủ Trung Quốc dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 9,8 triệu thùng, tương đương 1,35 triệu tấn. Đến năm 2020, theo như cam kết tăng gấp bốn lần GDP hiện nay tại Đại hội Đảng thứ XVI, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 250 triệu tấn dầu mỗi năm và trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, chính trị cũng là một nhân tố rất quan trọng gây nên sự biến động trên thị trường dầu mỏ. Trước mắt, chính trị dầu mỏ không phải liên quan đến vấn đề thế giới sẽ thiếu dầu mà liên quan đến sự ra đời và ảnh hưởng ngày càng tăng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đối với nền kinh tế thế giới, tình hình bất ổn ở Trung Đông và các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới, lãnh thổ ở các khu vực hiện nay đặc biệt ở các khu vực có trữ lượng dầu lớn.
Cuối cùng, tâm lý lo ngại cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự biến động tăng của giá dầu. Tâm trạng lo ngại, sự lo lắng của giới kinh doanh về sự biến động giá dầu có thể phần nào được tạo ra bởi sự đầu cơ, đã kéo dài cơn sốt giá của thị trường dầu mỏ thế giới.