Đặc điểm của nền kinh tế thị trường
Thị trường. Thị trường là nơi mua bán trao đổi các loại hàng hoá; nói cách khác đây là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Thị trường cũng là nơi tập trung nhiều nhất các mâu thuẫn của nền kinh tế, là nơi khởi điểm và kết thúc ...
Thị trường.
Thị trường là nơi mua bán trao đổi các loại hàng hoá; nói cách khác đây là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Thị trường cũng là nơi tập trung nhiều nhất các mâu thuẫn của nền kinh tế, là nơi khởi điểm và kết thúc của quá trình kinh doanh.
Trong thị trường, giá cả là phạm trù trung tâm, là bàn tay vô hình điều tiết và kích thích nền sản xuất của xã hội. Thông qua giá cả thị trường, thị trường thực hiện các chức năng điều tiết và kích thích của mình trong đó cung- cầu là hai phạm trù kinh tế lớn bao trùm lên thị trường, quan hệ cung- cầu trên thị trường đã quyết định giá cả trên thị trường.
Kinh tế thị trường.
Khái niệm kinh tế thị trường.
Cùng với lịch sử phát triển của loài người thì kinh tế xã hội cũng có bước tiến phù hợp. Hình thái kinh tế chuyển từ kinh tế tự nhiên lên hình thái kinh tế cao hơn đó là kinh tế hàng hoá. Kinh tế hàng hoá ra đời đánh dấu sự phát triển của nền kinh tế xã hội, tới nay nó đã phát triển và đạt tới trình độ cao đó là nền kinh tế thị trường.
Kinh tế thị trường là kiểu tổ chức kinh tế xã hội mà trong đó các quan hệ kinh tế, phân phối sản phẩm , lợi ích đều do các quy luật của thị trường điều tiết, chi phối.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường mà cơ chế thị trường là tổng thể các nhân tố quan hệ cơ bản, vận động dưới sự chi phối của quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh nhằm mục đích sinh lợi.
Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường.
Thị trường và cơ chế thị trường là yếu tố khách quan, từng doanh nghiệp không thể làm thay đổi thị trường mà họ phải tiếp cận và tuân theo thị trường. Qua thị trường doanh nghiệp có thể tự đánh giá lại mình và biết được mình làm ăn hiệu quả không.
Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ kinh tế của các cá nhân, các doanh nghiệp biểu hiện qua việc mua bán hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Thái độ cư xử của từng thành viên tham gia thị trường là hướng tìm kiếm lợi ích của mình theo sự dẫn dắt của giá cả thị trường.
Trong cơ chế thị trường, những vấn đề có liên quan đến việc phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên sản xuất khan hiếm như lao động, vốn,…về cơ bản được giải quyết khách quan thông qua sự hoạt động của các quy luật kinh tế đặc biệt là quy luật cung cầu.
Khách hàng giữ vị trí trung tâm trong nền kinh tế thị trường; quyết định sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thu hút thoả mãn nhu cầu của khách hàng với phương trâm “khách hàng là thượng đế”.
Tất cả các mối quan hệ giữa các chủ thể kinh tế được tiền tệ hoá. Tiền tệ trở thành thước đo hiệu quả kinh tế của các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lợi nhuận là yếu tố trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thông qua các quy luật kinh tế đặc biệt là sự linh hoạt trong giá cả nền kinh tế thị trường luôn duy trì sự cân bằng giữa cung- cầu của các loại hàng hoá, dịch vụ, hạn chế xảy ra khan hiếm hàng hoá.
Vai trò của kinh tế thị trường.
Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, mối quan hệ giữa mục tiêu tăng cường tự do cá nhân và mục tiêu công bằng xã hội, giữa đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn lĩnh vực hoạt động, định ra các phương án kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong nền kinh tế thị trường, mỗi cá nhân, mỗi đơn vị kinh tế được tự do lựa chọn sản xuất kinh doanh nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Qua đó ta thấy nền kinh tế thị trường có khả năng tập hợp được các loại hoạt động, trí tuệ và tiềm lực của hàng loạt con người nhằm hướng tới lợi ích chung của xã hội đó là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng xuất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng nền kinh tế thị trường không phải là một hệ thống được tổ chức hài hoà mà trong hệ thống đó cũng chứa đựng đầy mâu thuẫn phức tạp. Vì vậy, để khắc phục được và hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cần thiết phải có sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế thị trường.