Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ
Hợp đồng đại lý Bảo Hiểm nhân thọ được hiểu là sự ràng buộc giữa cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đại lý với công ty BHNT. Theo quy định của luật kinh doanh Bảo Hiểm, trong hợp đồng đại lý thường có các điều khoản chủ yếu sau: Tên, địa chỉ của ...
Hợp đồng đại lý Bảo Hiểm nhân thọ được hiểu là sự ràng buộc giữa cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đại lý với công ty BHNT. Theo quy định của luật kinh doanh Bảo Hiểm, trong hợp đồng đại lý thường có các điều khoản chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ của đại lý Bảo Hiểm ;
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp Bảo Hiểm ;
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp Bảo Hiểm , của đại lý Bảo Hiểm ;
- Nội dung và phạm vi hoạt động của đại lý Bảo Hiểm ;
- Hoa hồng đại lý Bảo Hiểm ;
- Thời hạn hợp đồng;
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp.
Hợp đồng đại lý BHNT thể hiện mối quan hệ ràng buộc giữa đại lý với doanh nghiệp Bảo Hiểm. Tuỳ theo chiến lược đào tạo đại lý cũng như các chiến lược kinh doanh khác mà các công ty đưa ra các thoả thuận riêng với đại lý. Tuy nhiên phải đảm bảo quyền lợi phù hợp với thực tế.
Ngoài ra trong hợp đồng đại lý còn quy định:
Luật kinh doanh Bảo Hiểm Việt Nam quy định về điều kiện hoạt động của đại lý Bảo Hiểm như sau:
a) Cá nhân hoạt động đại lý Bảo Hiểm phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có chứng chỉ đào tạo đại lý Bảo Hiểm do doanh nghiệp Bảo Hiểm hoặc Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam cấp.
b) Tổ chức hoạt động đại lý Bảo Hiểm phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp ;
- Nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp hoạt động đại lý Bảo Hiểm phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản a) điều này.
c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị toà án tước quyền hành nghề vì phạm các tội theo quy định của pháp luật không được kí kết hoạt động đại lý Bảo Hiểm”.
Ngoài ra, doanh nghiệp Bảo Hiểm có thể quy định bổ sung các chỉ tiêu khác để đảm bảo chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của đại lý . Ví dụ, quy định về kinh nghiệm hoặc sự thành công và ổn định trong các công việc cũ, bằng cấp, hình dáng, khả năng giao tiếp thái đọ tích cực, tiền kí quỹ, thời gian học việc … Doanh nghiệp Bảo Hiểm có thể không cho phép nhân viên của doanh nghiệp làm đại lý cho chính mình; hoặc không cho phép tổ chức và cá nhân được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp Bảo Hiểm khác nếu không được sự chấp thuận của doanh nghiệp Bảo Hiểm mà đại lý đang làm việc…
Đại lý Bảo Hiểm có các trách nhiệm sau:
- Phải thực hiện đầy đủ và đúng đắn các điều khoản đã kí kết trong hợp đồng đại lý với doanh nghiệp Bảo Hiểm ; phải trung thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà doanh nghiệp Bảo Hiểm đã giao cho.
- Không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp Bảo Hiểm khác nếu không được sự chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp Bảo Hiểm mà mình đang làm đại lý (nếu trong hợp đồng đại lý có qui định điều này).
- Cung cấp thông tin trung thực cho khách hàng, không hứa hẹn ngoài phạm vi cho phép , nếu sai phạm phải chịu trách nhiệm.
- Nộp phí Bảo Hiểm về doanh nghiệp Bảo Hiểm trong giới hạn thời gian cho phép ; đồng thời chịu sự kiểm tra và giám sát của doanh nghiệp Bảo Hiểm , thực hiện chế độ báo cáo định kì và bảo mật thông tin theo quy định.
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lý trước thời hạn, đại lý phải khai báo chi tiết về tình trạng của các hợp đồng Bảo Hiểm mà mình quản lý (nếu có).
- Luật kinh doanh Bảo Hiểm của Việt Nam quy định trách nhiệm của đại lý như sau: “Trong trường hợp đại lý Bảo Hiểm vi phạm hoạt động đại lý Bảo Hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được Bảo Hiểm thì doanh nghiệp Bảo Hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động Bảo Hiểm do đại lý Bảo Hiểm thu xếp giao kết; đại lý Bảo Hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp Bảo Hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp Bảo Hiểm đã bồi thường cho người được Bảo Hiểm”.
Quyền lợi của đại lý Bảo Hiểm:
- Được lựa chọn và kí kết hợp đồng đại lý với doanh nghiệp Bảo Hiểm thích hợp theo đúng quy định của pháp luật.
- Được đào tạo cơ bản và nâng cao . Đại lý của doanh nghiệp Bảo Hiểm có quyền được tham gia các khoá đào tạo từ đầu và đào tạo liên tục, bồi dưỡng nâng cao trình độ về Bảo Hiểm ở trong và ngoài nước. Trong thời gian học nghề, đại lý có thể được hưởng trợ cấp học việc tuỳ theo quy định của doanh nghiệp Bảo Hiểm.
- Được doanh nghiệp Bảo Hiểm tạo mọi điều kiện thuận lợi như cung cấp thông tincần thiết, giúp đỡ tài chính , trang bị các phương tiện hoạt động… để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Được hưởng thù lao lao động theo kết quả làm việc. Các đại lý độc lập thường nhận thù lao thông qua hoa hồng phí. Còn các đại lý là nhân viên của doanh nghiệp Bảo Hiểm có thể được nhận thù lao thông qua tiền lương hoặc kết hợp qua tiền lương và hoa hồng phí.
- Đại lý được khen thưởng , thăng tiến trong nghề nghiệp nếu có kết quả hoạt động tốt, tinh thần trách nhiệm cao . Đồng thời được hưởng quyền lợi như các nhân viên khác trong doanh nghiệp chẳng hạn: Chế độ phúc lợi, tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể và các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao…
- Đại lý còn có các quyền lợi khác như: Quyền yêu cầu doanh nghiệp Bảo Hiểm hoàn lại số tiền đã kí quỹ hoặc tài sản thế chấp (nếu có) khi hợp đồng đại lý hết hiệu lực ; quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng đại lý…