Nguyễn Hữu Châu
Nguyễn Hữu Châu (1650-1700) Là viên tướng trẻ thời chúa Nguyễn. Cha của ông là Nguyễn Hữu Dật từng góp công lớn cho chúa Nguyễn lúc gìn giữ đất Quảng Bình, đối đầu có hiệu quả với chúa Trịnh. Ông chào đời lúc cuộc chiến nói trên đang xảy ra, từng lập công nhưng chưa có gì xuất sắc cho lắm. ...
Nguyễn Hữu Châu (1650-1700)
Là viên tướng trẻ thời chúa Nguyễn. Cha của ông là Nguyễn Hữu Dật từng góp công lớn cho chúa Nguyễn lúc gìn giữ đất Quảng Bình, đối đầu có hiệu quả với chúa Trịnh. Ông chào đời lúc cuộc chiến nói trên đang xảy ra, từng lập công nhưng chưa có gì xuất sắc cho lắm. Cuộc chiến chấm dứt ông hơn 20 tuổi.
Thành tích lớn của ông là góp phần tích cực, lập công đầu trong việc mở nước về phía Nam. Được lãnh trách nhiệm trấn thủ Bình Khang (Nha Trang), ông góp phần ổn định vùng Phan Rang, Phan Thiết. Nhờ ông mà vùng Bình Thuận trở thành lãnh thổ Việt Nam, trong thời gian ngắn.
Việc mở nước về phía Nam, vượt đèo Ngang đã xảy ra hồi đời nhà Lý thể kỷ thứ XI, đời Trần. Ta nhớ đến chuyện Huyền Trân Công chúa. Lê Thánh Tôn đã mở cuộc hành quân đến đèo Cả, núi Đá Bia hồi cuối thế kỷ XV, vùng này là Phú Yên. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra, đời chúa Hiền và trước đó, nhiều nông dân chán ghét chiến tranh đã kéo vào Nam Bộ, phong trào tự phát. Đáng chú ý năm 1679, những di thần 'bài Mãn phục Minh" kéo đến, trình diễn với Hiền Vương và được chúa cho phép vào định cư ở vùng Biên Hoà, Mỹ Tho, tức là vùng phì nhiêu của sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Lần hồi, cảng Cù lao Phố (thành phố Biên Hoà) thành hình, đón thương gia nước ngoài. Vùng Sài Gòn cũng phát triển và trở thành căn cứ quân sự quan trọng của Nam Bộ. Dân cư đã làm ruộng có hiệu quả tận Long An, Mỹ Tho, rải rác. ở Quảng Nam vùng Hội An rất phồn thịnh, trở thành một hải cảng lớn. Nhờ chiến tranh chấm dứt, chúa Nguyễn Phúc Chu chấn chỉnh trung tâm Huế, chỉnh đốn chùa Thiên Mụ.
Nguyễn Hữu Cảnh trấn đóng ở ải địa đầu Diên Khánh (Nha Trang, còn gọi vùng Bình Khang) trong bối cảnh nói trên.
Năm 1698 - năm mà ta lấy mốc để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh chúa Minh Vương vào kinh lược phía Nam. Cuộc hành quân diễn ra, vào mua xuân năm Mậu Dần, tính đến nay đã 5 lần Mậu Dần, mỗi lần 60 năm (đáo tuế), tròn 300 năm.
Chức vụ kinh lược quan trọng, thay thế cho chúa để quyết định những vấn đề lớn.
Theo đường biển, đạo quân của Nguyễn Hữu Cảnh gồm quân sĩ của xứ Quảng Nam và Bình Khang đi ngược dòng Đồng Nai đến Biên Hoà, trú đóng tại cù lao Phố, nơi đã có hải cảng sầm uất. Ông đi thanh tra vùng Sài Gòn rồi đặt ra hai đơn vị hành chính của Nam Bộ, lần đầu tiên:
- Huyện Phước Long với ranh giới là vùng Biên Hoà bao la, kể luôn vùng Bà rịa - Vũng Tàu.
- Huyện Tân Bình gồm vùng Sài Gòn ăn xuống Long An, kể luôn vùng Mỹ tho.
Hai huyện này đặt dưới quyền của phủ Gia Định, lần đầu tiên hai chữ Gia Định xuất hiện. Phủ Gia Định có viên cai hạ, lo việc thu thuế, cấp lương bổng, lại có viên ký lục lo về tư pháp.
Một chính sách phóng khoáng được đặt ra. Dân phải đăng ký ruộng đất để đóng thuế. Phần đất chịu thuế thì được hợp thức hoá. Phần đất không đăng ký thì không có chủ quyền. Nghĩa là tuỳ ý người nông dân, đóng thuế phần đất tốt, phần đất xấu thì lậu thuế, chờ xem...
Dân đinh phải đóng thuế thân, hễ đóng thuế thì được khẩn đất. Ai không đóng thuế thì tuỳ ý, không được nhận là dân, tha hồ sống bềnh bồng!
Người dân rất vui mừng vì được chủ quyền đất, được xem như người đứng đắn, không còn mang tiếng xấu là "trốn xâu lậu thuế', rồi được cử là hương chức hội tề, là cai tổng, có thể diện. Chúa Nguyễn thu thuế, người dân mất chút ít quyền lợi nhỏ nhưng được quyền lợi lớn hơn: được bảo vệ khi có ngoại xâm, quân đội chúa Nguyễn khá hùng mạnh sẽ đủ sức ổn định bờ cõi. Do đó, dân từ Quảng Bình trở vào Bình Định phấn khởi vào Nam.
Xong công việc, Nguyễn Hữu Cảnh trở về Bình Khang (Nha Trang). Năm sau, được tin phía biên giới sắp biến động. Lập tức, ông mở cuộc hành quân lớn với quân sĩ của Quảng Nam, Bình Khang và của Biên Hoà. Quân sĩ theo đường thuỷ, ngược sông Tiền (Cửu Long), lấy thêm quân ở cù lao Giêng, đến Tân Châu rồi tiếng lên Nam Vang (Nông Pênh). Sử chép rõ: Nguyễn Hữu Cảnh đứng trước mũi chiến thuyền, mặc áo giáp, tay cầm gươm, súng đại bác nổ vang. Đối phương đầu hàng ngay, không một ai bị giết. Rồi ông kéo quân về, đến vùng Ông Chưởng thì bệnh nặng nên dừng lại làm lễ ăn thắng trận. Bệnh không thuyên giảm, phải về, đến Rạch Gàm (Mỹ Tho) là mất, đưa về quàn tại cù lao Phố, nơi quàn ấy ngày nay hãy còn ngôi mộ thờ vọng. Rồi đưa về an táng tại Quảng Bình.
Thoại Ngọc Hầu, đời Minh Mạng đã nhớ ơn Nguyễn Hữu Cảnh, cho lập đền thờ ở tại chợ Châu Đốc. Cơ ngơi này trang nghiêm, hàng năm tế lễ với quy mô lớn không kém ngôi đền nào khác ở vùng đồng bằng. Phóng khoáng, bồi dưỡng sức dân, phát triển với văn minh biển, văn minh sông nước, không giẫm chân tại chỗ, lạc quan. Theo ý tôi, đó là bài học lớn của Nguyễn Hữu Cảnh để lại. Chỉ có lòng yêu nước tích cực. Thụ động, không lo phát triển là tụt hậu. Có tích cực mới thấy lạc quan, trong cuộc sống.