18/06/2018, 12:23

Lý Ông Trọng

Ngày xưa, cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý, tên Thân, thân hình to lớn, cao hai trượng ba thước, sức mạnh vô cùng. Thân lỡ tay làm chết người, bị tội tử hình, song vua Hùng Vương tiếc người kỳ dị, dũng mãnh nên không nỡ giết. Đến đời Thục An Dương Vương, Tần ...

Ngày xưa, cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý, tên Thân, thân hình to lớn, cao hai trượng ba thước, sức mạnh vô cùng. Thân lỡ tay làm chết người, bị tội tử hình, song vua Hùng Vương tiếc người kỳ dị, dũng mãnh nên không nỡ giết. Đến đời Thục An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn xua quân sang chiếm Việt Nam, vua Thục bèn đem Lý Thân ra cống hiến. Tần Thủy Hoàng được Lý Thân lấy làm quý lắm, phong cho làm Tư lệnh Hiệu úy mang quân ra đóng giữ ở bờ cõi Lâm Thao. Trông thấy hình thù khổng lồ của Lý Thân, quân sĩ nước Hung Nô khiếp sợ không dám quấy nhiễu. Tần Thủy Hoàng lại phong cho Lý Thân làm Vạn Tín Hầu và cho phép được trở về Nam thăm xứ sở.

Mấy năm sau, quân Hung Nô lại quấy rối ở biên thùy, Tần Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân, sai sứ sang vời. Lý Thân không chịu đi làm tôi cho nước ngoài bèn trốn vào rừng. An Dương Vương phải nói dối là Lý Thân chết rồi. Tần Thủy Hoàng đòi lấy xác của Lý Thân. Bất đắc dĩ, Lý Thân phải tự tử, An Dương Vương sai lấy thủy ngân ướp xác Lý Thân rồi mang nộp cho Tần Thủy Hoàng. Thấy Lý Thân đã chết, Tần Thủy Hoàng cho đúc đồng làm tượng đen đem dựng ở cửa thành Tư Mã đất Hàm Dương, gọi là tượng Lý Ông Trọng. Tượng cao lớn hai trượng, thân hình khổng lồ, bụng rất to, trong bụng làm rỗng có thể chứa được nhiều người, hai tay và đầu, cổ có máy cử động, mỗi khi có người nước ngoài đến viếng, thì đã có người ở trong bụng tượng kéo máy cho tượng cử động. Nước Hung Nô lầm tưởng Lý Thân còn sống nên sợ oai mà không dám phạm vào cửa ải.

Đến đời Đường, Triệu Xương sang đô hộ đất Giao Châu, nghe tiếng lập đền thờ Lý Thân. Tới khi Cao Biền qua Việt Nam đánh quân Nam Chiếu, cho trùng tu lại ngôi đền và tạc tượng để thờ gọi là đền Lý hiệu úy, ở làng Thị Hiện, huyện Từ Liêm, ngay bên sông Cái, cách phía tây thành Đại La (Hà Nội ngày nay) trên năm mươi dặm.

0