18/06/2018, 16:17

Nguyễn Hữu Cảnh và chuyến kinh lược đất Biên Hòa-Đồng Nai

Hoa Anh Đào I. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh Nguyễn Hữu Kính (1650 – 1700) – xưa nay họ tên ông vẫn lưu truyền phổ biến là Nguyễn Hữu Cảnh 1 – là một ...

Nam tien

Hoa Anh Đào

                                                                                               

I. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh

Nguyễn Hữu Kính (1650 – 1700) – xưa nay họ tên ông vẫn lưu truyền phổ biến là Nguyễn Hữu Cảnh1 – là một tướng giỏi đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725), là con thứ của danh tướng Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Thời niên thiếu, Ông đã theo cha phục vụ trong quân ngũ đến bậc Cai Cơ. Ông đã lập công trạng lớn đầu tiên khi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1692 phái ông làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân đánh vua Chiêm là Kế Bà Tranh, bình định biên cương. Sau đó Ông được Chúa Nguyễn thăng chức Chưởng cơ và cho làm Trấn thủ dinh Bình Khương. Ông chính là người có công kinh lược sứ Đồng Nai – Gia Định vào năm 1689.

Mùa thu năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, Chúa Nguyễn hạ lệnh cử Trấn thủ Bình Khương Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm chức Thống binh cùng phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân  sĩ từ Dinh Bình Khương, cho đóng 7 thuyền chiến thuộc binh của Quảng Nam vào Trấn Biên, hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc trấn vệ biên cương. Mùa xuân năm Canh Thìn (1700) đánh bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi. Nặc Yêm, Nặc Thu phải xin hàng. Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về cù lao Cây Sao. Sau đó Ông bị đánh lén dẫn đến trọng thương, về tới Rạch Gầm thì mất2, năm ấy 51 tuổi. Chúa Nguyễn phong tặng là Hiệp Tán Công Thần Đặc Tiến Chưởng Dinh, thuỵ là Trung Cần, ban cho vàng lụa để hậu táng. Năm Gia Long thứ 4 (1805) tặng là Tuyển Lực Công Thần Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm y vệ Đô Chỉ Huy Sứ Ty Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sư Phó Tướng Chưởng Cơ, liệt vào hàng Thượng Đẳng Thần, Minh Mạng thứ 12 (1831) tặng Thần Cơ Dinh Đô Thống Chế, Vĩnh An Hầu. Các Triều đại đều có Sắc phong Thượng Đẳng Thần: Gia Long thứ 4 (1805), Minh Mạng thứ 3 (1822),  Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Tự Đức năm thứ 5 (1852).

Hiện nay lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi rộng của dãy núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

II. Công cuộc kinh lược đất Biên Hòa – Đồng Nai

  1. Đất Đồng Nai trước khi lưu dân Việt vào khai phá

Đồng Nai  là một tỉnh miền Đông Nam bộ, có lịch sử lâu đời. Trong lòng đất Đồng Nai bảo tồn nhiều dấu vết của cuộc sống con người nguyên thuỷ. Nhờ vào những phát hiện khảo cổ học từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng Nai nói riêng, lưu vực sông Đồng Nai nói chung  được biết đến với tư cách một vùng đất từng chứng kiến sự hình thành, phát triển của những  cộng  đồng người cổ.

          Qua hàng loạt các địa điểm trên vùng đất Đồng Nai như : Dầu Giây, An Lộc, Hàng Gòn, Cam Tiêm, Bình Lộc, Núi Đất, Phú Quý… đã phát hiện những công cụ lao động của người cổ. Đó là những hiện vật thời đồ đá cũ, thời đại lịch sử đầu tiên và chiếm khoảng thời gian dài  nhất trong xã hội loài người.

Khoảng cách đây 2500 năm, cư dân Đồng Nai đã bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Nền văn hoá  thời đồ sắt ở Đồng Nai  kết gắn hai giai đoạn phát triển đồng – thau và sắt sớm. Từ trong văn hoá đồng đã manh nha văn hoá sắt sớm với hàng loạt di chỉ tiêu biểu được phát hiện: Dốc Chùa, Bình Đa, Cái Vạn, Suối Chồn, Hàng Gòn, Long Giao… Cư dân cổ Đồng Nai phát triển cao về chất lượng, số lượng, xã hội được đẩy lên ở những bước cao, đầy đủ những yếu tố chuyển tiếp cho giai đoạn phát triển mới. Hình thành các tộc người, cơ sở cho việc phát triển các quốc gia sơ khai trên vùng đất Đồng Nai đầu công nguyên. Đó chính là vương quốc Phù Nam ra đời vào khoảng thế kỷ II trước công nguyên.

Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Sử ký của nhà Tùy chép rằng nước Chân Lạp ở về phía tây nam Lâm ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya Citrasena đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam4. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh. Vùng đất Nam Bộ nói riêng và Đồng Nai nói chung chuyển sang sự quản lí của chính quyền Chân Lạp.

Theo sử cũ còn để lại, trên vùng đất rộng lớn, mênh mông này, khi Chân Lạp quản lí ở đây thì có các dân tộc Stiêng, Mạ, Kơ ho, M’nông, Chơro sinh sống. Trong đó đông nhất là người Stiêng và người Mạ, đã sinh sống trên địa bàn này từ rất lâu đời. Dân số ít, sống thưa thớt, kỹ thuật sản xuất thô sơ và trình độ xã hội còn thấp. Ngoài các tộc người trên, còn có một vài sóc người Khơ me nằm trên mấy giồng đất cao. Đây là dân nhập cư từ Lục Chân Lạp sang vì lý do chính trị (tránh loạn) hơn là vì lý do kinh tế. Sau khi Chân Lạp chiếm được Phù Nam, vùng đất Nam Bộ ngày nay được gọi là Thuỷ Chân Lạp. Việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn. Trước hết đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình lầy, người Khmer với dân số ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác trên quy mô lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Châu Lạp cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến đầu thế kỷ IX mới kết thúc.

Sau đó người Khmer lúc này muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực bành trướng sang phía tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Trong khi đó qua các di tích khảo cổ học, dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng Đồng Nai – Gia Định hết sức mờ nhạt3.

Do chiến tranh và phải tập trung công sức phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII theo như Chu Đạt Quan viết lại: “vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những bụi rậm của khu rừng thấp… tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”4.

Trên vùng đất Đồng Nai vào cuối thế kỷ XVI, về cơ bản, vẫn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Theo Lê Quý Đôn “Ở phủ Gia Định , đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu  trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”5.

Như vậy đến trước năm 1698, vùng đất miền Đông Nam bộ trong đó có Đồng Nai, trên danh nghĩa, thuộc Chân Lạp, nhưng “thuộc” một cách lỏng lẻo, là vùng “trái độn” giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Các dân tộc vẫn sống tự trị và một số sóc Khơ me lẻ tẻ chưa hợp thành đơn vị hành chính thuộc triều đình La Bích (Chân Lạp). Dân Khmer tập trung khai thác các vùng đất màu mỡ quanh Biển Hồ, chưa có nhu cầu và nhân lực để khai hoang vùng trũng thấp Thủy Chân Lạp. Vùng đất này cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII là vùng đất hoang vu, đất tự do của các dân tộc, là đất hoang cả về kinh tế lẫn chủ quyền.

  1. Tình hình đất Đồng Nai trước khi chúa Nguyễn kinh dinh

Vùng đất Đồng Nai hầu như hoang vắng vào cuối thế kỷ XVI thì vào đầu thế kỷ XVII  trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào.

Những lưu dân Việt thuộc lớp tiên phong đi vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp làm thành nhiều đợt trước cả thời Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ hơn là vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Phần đông họ chọn phương thức tự động, đi lẻ tẻ, hoặc cả gia đình, hoặc những người khỏe mạnh đi trước tạo dựng cơ nghiệp rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc một vài gia đình cùng cả xóm kết nhóm với nhau cùng đi. Phần lớn họ chọn thuyền buồm hay ghe bầu làm phương tiện di chuyển chính, bởi lúc bấy giờ di chuyển giữa các phủ miền Trung với Đồng Nai – Gia Định chủ yếu là đường biển, một số người phải trèo đèo lội suối đi đường bộ, đi dần từng chặng một, đến một địa phưong ở lại một thời gian, thấy bám trụ được thì ở lại lập nghiệp, bằng không đi tiếp và lần hồi cũng tới vùng đất mới Đồng Nai.

Tiến trình nhập cư của lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai – Gia Định từ lẻ tẻ rời rạc, dần dần có quy mô lớn hơn. Những lưu dân Việt từ việc lập những làng xóm nhỏ trên vùng đất Đồng Nai đã thôi thúc các chúa Nguyễn đặt những bước tiến lớn hơn trên vùng đất này.

Thành quả của việc khai hoang và sản xuất của lưu dân người Việt cùng với các dân tộc bản địa trong thế kỷ XVII đã làm biến đổi bước đầu bộ mặt kinh tế Đồng Nai. Nơi đây từng là rừng núi hoang vu nay đã trở thành những cánh đồng lúa, vườn cây tươi tốt. Xóm làng hình thành ven sông là một đặc điểm nổi bật của cư dân Đồng Nai. Về sau khi giao thông phát triển thuận lợi thì xóm làng mới phát triển theo chiều ngang, chính vì vậy, việc vận chuyển buôn bán ra các phủ ở xứ Đàng Trong là điều tất yếu.

Công việc khẩn hoang đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Sự phân chia giai cấp ngày một diễn ra sâu rộng, tầng lớp địa chủ chiếm hữu ruộng đất dần dần được hình thành và số nông dân nghèo phải làm thuê, cuốc mướn hay làm tá điền ngày càng đông. Sự phân hoá xã hội ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ ngày một sâu sắc hơn.

Nhưng dẫu sao, những thành tựu đã đạt được về mặt khẩn hoang và khai thác nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn đầu đã đặt nền móng  vững chắc cho công cuộc khẩn hoang và phát triển kinh tế vùng đất Đồng Nai – Gia Định trong các thời kỳ tiếp sau.

  1. Chúa Nguyễn Thiết lập bộ máy chính quyền ở Đồng Nai

Trên cơ sở của một lực lượng di dân, khai khẩn vùng đất phương Nam từ trước nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh – một tướng tài giỏi kinh lược phía Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần (1698).

          Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng; đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Cụ thể là : Ông “lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên , lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ”6.

 Đất đai lúc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược (kể toàn phủ Gia Định) mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, trung bình một hộ 5 người thì ở toàn phủ Gia Định lúc này có đến 200.000 người. Ông chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh (Quảng Bình) đưa vào Nam cho ở đông đúc, thành lập xã, thôn, phường, ấp, chia đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô và dung, đồng thời lập sổ đinh, sổ điền.

Với việc xác lập chủ quyền bằng cách thiết trí hệ thống hành chính các cấp (phủ, huyện, phường, xã, thôn, ấp), lưu dân người Việt từ chỗ là kiều dân đã cùng với các tộc người khác trở thành thần dân của chúa Nguyễn.

Ở Đồng Nai (tức huyện Phước Long), đơn vị hành chính cơ sở là xã, phường, thôn, ấp, tượng. Vào thế kỷ XVIII, làng xã Đồng Nai vẫn được đặt dưới quyền quản lý của viên Xã trưởng. Xã trưởng được gọi bằng danh từ chính thức là Tướng thần Xã trưởng, trong khi bình dân gọi là Cai Xã từng được Thích Đại Sán nhắc đến trong Hải Ngoại ký sự của ông. Xã trưởng cùng với các kỳ mục, tức hương chức hay viên chức làng, họp thành Hội đồng làng xã, hay Hội đồng Kỳ mục. Chức vụ Xã trưởng thường được xếp tòng cửu phẩm. Các Xã trưởng có các phận sự: – Duy trì an ninh trong làng xã; Quản trị tài sản làng xã; Bảo lưu và thiết lập sổ địa bạ và sổ đinh; Phụ tá các quan trên trong các công vụ….

Trong Hội đồng Kỳ mục Đồng Nai, người ta thấy có những thành phần như sau: chức sắc gồm những người có chức quan, đương quan cũng như cựu quan cư ngụ trong làng; chưa có mấy người có khoa mục, lão nhiêu, kỳ mục, đa số là những người có tiền của đóng góp trong công việc xây dựng làng xã.

Trong sử liệu hành chánh ở cấp làng xã, Lê Quý Đôn cho chúng ta nhiều chi tiết về các chức vụ đã có ở Thuận Quảng ít ra trong thế kỷ XVIII: Cai thuộc và Ký thuộc trông coi các thuộc; Cai xã, Tướng thần, Xã trưởng trông coi các xã. Những chi tiết về bổng lộc cho các chức vụ này cho thấy hầu như không có những sự phân biệt về quyền hạn khác nhau của mỗi chức vụ trên.

Những loại đơn vị ở phủ Gia Định, Đồng Nai như thuộc, trại, bãi, nguồn, cửa, nậu,… không giống như những đơn vị có tổ chức tương đối hoàn chỉnh và ổn định ở Thuận Quảng. Sự kiện này cho thấy cơ cấu tổ chức làng xã trong thế kỷ XVIII ở phủ Gia Định chưa đi vào nề nếp; nếu chưa có những đơn vị hành chính cơ sở được định danh chắc chắn, thì cũng chưa thể có một cơ cấu quyền binh với các chức vụ có trách nhiệm và quyền hạn rõ rệt cho từng đơn vị tạm thời này. Tuy tạm thời cũng đã có một cơ chế quyền lực cơ sở vận hành ở các vùng định cư thuộc Đồng Nai. Với những tư liệu hạn chế ta cũng có thể hình dung guồng máy quyền lực nông thôn ở Đồng Nai có một số đặc điểm.

Tư liệu của Lê Quý Đôn cho chúng ta biết nhiều đến các chi tiết thuế má, quân sự ở đất Đồng Nai – Gia Định hơn là về làng xã, dân đinh: đấy là những chỉ dẫn khá chắc chắn cho thấy Đồng Nai ở thế kỷ XVIII chủ yếu vẫn là một phần đất nặng về khai thác tài nguyên trước mắt mà chưa có tổ chức quản lý làng xã vững vàng.

Sự hình thành cơ cấu xã hội nông thôn ở Đồng Nai đã diễn ra theo một quá trình thật phức tạp. Từ trước thế kỷ XVII và sau đó, xã hội nông thôn Đồng Nai đã có và còn có những thành phần dân cư bản địa, tuy ít ỏi và phân tán. Những nhóm dân tộc ít người mà gọi là Đê man có mặt đó đây ở miền Đông, sinh sống khá tập trung ở vùng bậc thềm cuối cùng của vùng Cao nguyên Nam Trung bộ, tức khu vực Di Linh – Lâm Đồng.

Xã hội nông thôn Đồng Nai còn có nhóm lưu dân người Hoa là một bộ phận di dân khá quan trọng sau người Việt. Họ sinh tụ trước hết trong các khu định cư ở vùng Bến Gỗ, Cù Lao Phố. Họ có cả một cơ cấu xã hội riêng biệt trong các làng xã của họ bắt nguồn từ truyền thống cộng đồng dân tộc người Trung Hoa ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Ở thời kỳ thành lập, cơ cấu xã hội được kiến tạo một cách tự phát do nhiều thành phần đến từ phía Bắc, cụ thể là ở Thuận Quảng, Phú Yên,… nói sự hình thành có tính cách ngẫu nhiên, vì các lưu dân đã chuyển cư vào Đồng Nai do sự thúc bách của nhiều động lực khác nhau, nhưng khi đến đất mới Đồng Nai, họ trở thành những cộng đồng làng xã mới. Cấu trúc xã hội khởi đầu này lại còn được quy định do từng phương thức lập làng của từng cộng đồng lưu dân, đặt ra các tiêu chuẩn để tuyển mộ từng thành phần xã hội khác nhau.

Khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Đồng Nai ngoài việc thiết lập hệ thống quản lý hành chánh đặt ra phường ấp xã thôn chia cắt địa phận, “lập bộ đinh bộ điền”, ông còn cho “chiêu mộ những người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, Phủ Quảng Nghĩa và phủ Quy Nhơn thiên cư vào đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định”7. Chính những người dân có vật lực này, tức là những người giàu có, đã mang đến một sinh khí mới cho công cuộc khai khẩn đất đai ở đây, vì chỉ có họ mới có điều kiện tài chính để thuê mướn người làm (điền nô) tổ chức việc khai hoang với quy mô lớn. Những người di cư mới ra sức chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm và mở mang đất đai thành những vùng đất bằng phẳng, thổ địa phù nhiêu.

III. Đánh giá, nhận xét về công lao của Nguyễn Hữu Cảnh

          Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng: Đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ.

          Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh có tác động lớn đến vùng đất mới. Vùng đất rộng, người thưa, dân cư gồm những người tha phương cầu thực đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh thực thi chính sách dân tộc độc đáo khai thác tiềm năng của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hoà), Minh Hương (Sài Gòn) ở Phiên Trấn.

Trên cơ sở khẳng định vùng lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế trên đất Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai – Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn. Nó đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai – Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

Chú thích:

  1. Về tên gọi của Kính hay Cảnh, tham khảo bài viết Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1, 2014 của tác giả Đinh Văn Tuấn.
  2. Về cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh do mất vì bạo bệnh hay tử trận, tham khảo bài viết Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1, 2014 của tác giả Đinh Văn Tuấn.
  3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển 2A, Sơn xuyên chí, trang 6.
  4. Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, bản dịch, trang 80.
  5. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, trang 345.
  6. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, phần 3, Cương vực chí, trang 4.
  7. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, phần 3, Cương vực chí, trang 17.

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh (2010), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2005), Tài liệu phục vụ Hội thảo Vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, Tp. HCM.
  3. Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai (1999) , Biên Hoà – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển , Nhà xuất bản Đồng Nai.
  4. Trịnh Hoài Đức (2004), Gia Định thành thông chí Quyển 2A Sơn xuyên chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
  5. Trịnh Hoài Đức (2004), Gia Định thành thông chí Quyển 3 Cương vực chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
  6. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2006), Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Nxb Thế Giới, HN.
  7. Phan Khoang (1967), Việt sử xứ Đàng Trong 1558 – 1777, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Tp HCM.
  8. Phan Huy Lê (2011), Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, Báo cáo Tổng quan kết quả nghiên cứu và Báo cáo Tóm tắt Đề án Khoa học xã hội cấp Nhà nước, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
  9. Huỳnh Lứa (2000), Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, Nxb KHXH, HN.
  10. Huỳnh Lứa ,Vài nét về cuộc di chuyển dân cư và khai thác những vùng đất mới ở Đồng Nai – Gia Định vào nửa đầu thế kỷ XVII- XVIII, Nghiên cứu lịch sử số 3, tháng 5,6/1978.
  11. Sơn Nam (1996), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, Tp. HCM.
  12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, HN.
  13. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  14. Quốc sử quán triều Nguyễn (1995), Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch, Nxb KHXH, HN.
  15. Đinh Văn Tuấn, Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1, 2014.
0