Người yêu bản thân dễ thành lãnh đạo
Một nghiên cứu cho thấy, khi một nhóm không có người ra quyết định, những cá nhân mắc hội chứng yêu quý bản thân sẽ tìm mọi cách để trở thành người dẫn dắt nhóm. Điều thú vị là họ thường thành công trong phần lớn trường hợp. Theo các chuyên gia tâm lý của Đại học Ohio (Mỹ), những người mắc ...
Một nghiên cứu cho thấy, khi một nhóm không có người ra quyết định, những cá nhân mắc hội chứng yêu quý bản thân sẽ tìm mọi cách để trở thành người dẫn dắt nhóm. Điều thú vị là họ thường thành công trong phần lớn trường hợp.
Theo các chuyên gia tâm lý của Đại học Ohio (Mỹ), những người mắc hội chứng tự yêu mình thường thích quyền lực, hay khoác lác về năng lực bản thân, dành quá nhiều thời gian để nghĩ về mình nên hiếm khi quan tâm tới suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, sự tự tin quá mức không đồng nghĩa với việc họ ra quyết định sáng suốt và đúng lúc hơn so với người khác.
Hội chứng yêu bản thân quá mức không giống với tự trọng. "Một người có lòng tự trọng cao luôn tự tin và hấp dẫn, nhưng họ thích xây dựng mối quan hệ thân tình với những người xung quanh. Người yêu bản thân thích được chú ý nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ người khác", Amy Brunell, tiến sĩ tâm lý của Đại học Ohio (Mỹ), phát biểu.
3 thử nghiệm của Amy và cộng sự cho thấy những tính cách trên không tạo nên một người ra quyết định sáng suốt.
Trong thử nghiệm đầu tiên, 432 sinh viên được yêu cầu trả lời những câu hỏi về tính cách cá nhân trong một phiếu điều tra. Sau đó, họ được xếp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 người. Các nhà nghiên cứu đặt vấn đề: Giả sử mỗi nhóm là một ủy ban cao cấp đại diện cho sinh viên trong cả nước Mỹ. Nhiệm vụ của ủy ban là bầu ra giám đốc điều hành của nhiệm kỳ sau.
Kết quả cho thấy những sinh viên thích quyền lực muốn được bầu làm giám đốc điều hành. Họ có xu hướng dẫn dắt cuộc thảo luận trong nhóm và những thành viên còn lại cũng coi họ là nhà lãnh đạo tiềm năng.
Trong một nhóm không có người dẫn dắt, những người tự yêu bản thân luôn muốn nắm vai trò lãnh đạo. Ảnh: corbis.com. |
Trong nghiên cứu thứ hai, những sinh viên ở thử nghiệm trên được chia thành những nhóm 4 người. Họ phải tưởng tượng rằng họ cùng đi trên một tàu biển và con tàu sắp đắm. Mỗi người chỉ được chọn 15 đồ vật trên tàu trước khi xuống thuyền cứu sinh để bơi vào một đảo hoang gần nơi tàu đắm. Các nhóm phải thảo luận xem nên chọn những đồ vật nào để có thể sinh tồn trên đảo hoang.
Qua quan sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tự yêu mình vẫn nắm vai trò dẫn dắt quá trình thảo luận của nhóm. Vai trò lãnh đạo của họ được các thành viên khác chấp nhận một cách vô thức.
Để đánh giá khả năng lãnh đạo của các tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu so sánh 15 vật mà họ chọn với 15 vật mà một sĩ quan đặc nhiệm của quân đội Mỹ chuẩn bị trước khi tới nơi không có người ở. Kết quả cho thấy người yêu bản thân không tỏ ra xuất sắc hơn những người khác trong việc lựa chọn đồ vật cần thiết cho sự sinh tồn.
Trong thử nghiệm thứ ba, nhóm nghiên cứu tuyển 150 tình nguyện viên đang tham gia khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại một trường đại học. Đầu tiên các chuyên gia yêu cầu họ trả lời các câu hỏi về tính cách cá nhân. Sau đó, các tình nguyện viên được chia thành những nhóm 4 người. Mỗi nhóm phải tưởng tượng rằng họ là ban giám hiệu của một trường và nhiệm vụ của họ là phân bổ khoản tiền đóng góp khổng lồ của một công ty.
Kết quả cho thấy những học viên thuộc nhóm tự yêu bản thân tỏ ra sôi nổi hơn người khác trong các cuộc thảo luận và họ luôn ra quyết định cuối cùng để "chốt" quá trình tranh luận. Đa số quyết định của họ được chấp nhận.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tự tin thái quá thường tỏ ra mạo hiểm nhưng lại không kiên định trong việc ra quyết định. Amy Brunell nói thêm rằng những người mắc hội chứng này thích trở thành chính trị gia vì thích quyền lực, nhưng nhiều người lại muốn trở thành nhà đầu tư chứng khoán vì thích mạo hiểm.