Không thể có tắm nắng an toàn
Theo một seri các bài báo công bố trên số ra tháng 10 tờ Pigment Cell & Melanoma Research – cơ quan ngôn luận của IFPCS và Hội nghiên cứu u hắc tố, có lẽ không thể tắm nắng an toàn dưới tác động của bức xạ tia cực tím. Các tác giả của ba bài báo tổng hợp đều là các nhà nghiên cứu hàng đầu ...
Theo một seri các bài báo công bố trên số ra tháng 10 tờ Pigment Cell & Melanoma Research – cơ quan ngôn luận của IFPCS và Hội nghiên cứu u hắc tố, có lẽ không thể tắm nắng an toàn dưới tác động của bức xạ tia cực tím.
Các tác giả của ba bài báo tổng hợp đều là các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực sinh học tế bào, da liễu và dịch tễ học. Họ đã nghiên cứu các tác động của bức xạ tia cực tím đối với da, trong đó có cả tia cực tím từ chiếc giường làm da nâu sử dụng trong nhà. Cùng với việc nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nghiên cứu sâu sắc hơn trong lĩnh vực này, họ cũng kêu gọi ngăn cấm sử dụng giường làm da nâu với người chưa đủ 18 tuổi cũng như bất cứ hình thức quảng cáo nào khẳng định rặng giường làm da nâu an toàn khi sử dụng.
Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím, ví dụ như khi tắm nắng hay sử dụng giường làm da nâu trong nhà, đều ảnh hưởng đến da theo nhiều cách. Trong đó bao gồm hủy hoại ADN, lão hóa da do tiếp xúc lâu với ánh sáng và ung thư da. Bức xạ tia cực tím là nhân tố gây ung thư cho con người, nó có mặt ở khắp mọi nơi trong khi da là cơ quan thường dễ bị ảnh hưởng bởi ung thư nhất.
Mặc dù cần thiết phải tiến hành thêm nhiều nhiên cứu, dữ liệu đã công bố cho thấy giường làm da nâu trong nhà được đa phần phụ nữ trẻ sử dụng có liên quan tới nguy cơ mắc u hắc tố tăng cao (dạng ung thư da nguy hiểm nhất). Đồng thời các dữ liệu cũng không ủng hộ quan điểm cho rằng giường làm da nâu an toàn khi sử dụng.
Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím, dù là dưới hình thức tắm nắng hay sử dụng giường làm da nâu nhân tạo trong nhà, đều ảnh hưởng đến da theo nhiều con đường ví dụ như ADN bị hủy hoại, lão hóa da do ánh sáng (photoaging – tổn hại da do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu) hay ung thư da. (Ảnh: iStockphoto/Lise Gagne) |
Trên một trong ba bài báo thuộc seri được công bố, tiến sĩ David E Fisher, bác sỹ chuyên khoa da liễu kiêm chủ tịch Hội nghiên cứu u hắc tố, cùng các cộng sự thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Boston) đã tìm hiểu các vấn đề xã hội cũng như cơ chế phân tử có liên quan đến việc làm da nâu do tiếp xúc với tia UV gây ra. Sau khi tổng hợp các dữ liệu đã được công bố, các tác giả thông báo rằng tắm nắng làm da nâu và ung thư da đều khởi đầu với cùng một sự kiện: ADN bị hủy hoại khi tiếp xúc với tia UV. Điều này khiến họ cho rằng không thể nào có chuyện tắm nắng bằng tia UV mà vẫn an toàn.
Họ kết luận: “Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím là một trong những nguyên nhân cần phải tránh đầu tiên để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư và tử vong ở người. Trong khi không thể phủ nhận là các nhân tố di truyền và các nhân tố khác có đóng góp đáng kể tới nguy cơ mắc ung thư, tác động của tia UV cũng quan sát thấy được một cách rõ ràng. Vì sức khỏe cộng đồng chúng ta cần phải chống trả quyết liệt những mánh khóe khiến công chúng nhầm lẫn đặc biệt là vì lợi nhuận kinh tế thu được từ ngành công nghiệp làm da nâu trong nhà”.
Hai bài báo khác trong seri kể trên do tiến sĩ Marianne Berwick (chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học New Mexico, trung tâm Điều trị và Nghiên cứu ung thư) và tiến sĩ Dorothy C. Bernett (bác sỹ chuyên khoa da liệu thuộc Khoa y khoa cơ bản, St George’s, Đại học London, London, Anh Quốc) viết.
Ung thư da là dạng ung thư ác tính phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Theo số liệu của Học viện da liễu Hoa Kỳ, cứ trong vòng 62 phút thì có một người Mỹ thiệt mạng vì u hắc tố. Tổ chức WHO ước tính trong năm 2000, có tới 71.000 ca tử vong trên toàn thế giới do tiếp xúc với tia UV quá mức.