04/06/2017, 22:55

Người thương yêu sống mãi trong lòng em.

Nhà bà ngoại ở ngoại ô, cách thị xã Bắc Ninh bốn cây số. Ba gian nhà ngói nhỏ bé êm đềm. Vườn tược xinh xắn. Vài ba luống rau, đất nhỏ tơi chạy dài: mùa nào thức ấy xanh tươi ngọt ngào. Cải bẹ, mồng tơi, cà, đậu đũa,... được bà vun xới tươi tốt quanh năm. Phía trước sân nhà còn có hai cây cam ...

Nhà bà ngoại ở ngoại ô, cách thị xã Bắc Ninh bốn cây số. Ba gian nhà ngói nhỏ bé êm đềm. Vườn tược xinh xắn. Vài ba luống rau, đất nhỏ tơi chạy dài: mùa nào thức ấy xanh tươi ngọt ngào.

Cải bẹ, mồng tơi, cà, đậu đũa,... được bà vun xới tươi tốt quanh năm. Phía trước sân nhà còn có hai cây cam trĩu quả, cây hồng xiêm và bốn cây cau. Nhưng đẹp nhất, thân thuộc nhất là cây vối. Bà vẫn thường nói: "Cây vôi bằng tuổi mẹ cháu đấy. Mẹ Nam các cháu đã 39 tuổi rồi ". Bà trầm ngâm, lặng lẽ. Những sợi tóc trắng nhẹ bay.
 
Ngày ấy, trước khi vào chiến trường miền Nam, ông được về phép thăm gia đình hai tuần lẻ. Ông thuê thợ lợp lại mái nhà, đào một cái giếng và trồng cây vôi. Ông đi mà từ đó không về. Tấm ảnh của ông có đeo quân hàm đại úy và bằng Tổ quốc ghi công vải treo trên bàn thờ. Mẹ em sinh ra tám tháng sau đó, và trong đời, chẳng bao giờ mẹ được nhìn thấy gương mặt thân yêu, giọng nói ấm áp của ông ngoại chúng em.
 
Mấy năm trước đây, hè nào mẹ cũng dẫn chúng em về chơi với bà một tháng. Đó là những ngày vui nhất của hai anh em. Mẹ là đứa con duy nhất của bà nên bà càng yêu quý hai cháu.
 
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, mẹ đi dạy học rồi lấy chồng xa. Mãi gần đây, mẹ mới được chuyển về một trường thị xã. Mẹ đưa hai con về ở hẳn với bà. Nhà bà ấm cúng hẳn lên.

Việc tưới rau, giặt giũ, cơm nước và chợ búa là phần của con, mẹ nhớ! Múc nước từ giếng lên đổ vào hai chum là việc của cháu Bắc. Còn cháu Thúy thì quét nhà, quét sân, rửa ấm chén và lau chùi bàn ghế.
 
Mẹ nói với bà như thế. Bà cười rất vui, rồi nước mắt cứ ứa ra. Thế nhưng, bà vẫn thức khuya dậy sớm, luôn tay luôn chân. Bước sang tuổi sáu mươi, tóc bà ngày một bạc nhiều. Đau ốm nhưng bà không bao giờ than phiền. Mỗi bữa bà chỉ ăn được lưng bát cơm nhỏ. Lúc vui, bà hay nhắc lại những kỉ niệm thời con gái như đi hội Lim, hội chùa Dâu, đi hát quan họ, kể lại chuyện ông ngoại đi bộ đội... Cái mũ tai bèo, chiếc võng giải phóng quân là di vật của ông mà bà rất nâng niu. Bà vẫn đem ra phủi bụi, phơi phóng.
 
Tình thương bà dồn cho con cháu. Bà chăm sóc và yêu quý cây vối một cách đặc biệt. Bà thuê công nhân Công ti Công viên tỉa cành, phun thuốc trừ sâu diệt bọ róm, bón phân cho cây vối. Nó là vật kí thác thiêng liêng của ông ngoại và cũng là một mành linh hồn của bà. Cây vối mỗi năm lại vươn cao, cành lá sum sê, che rợp một góc sân những ngày hè. Gốc cây to, vừa người ôm, có bốn cành tỏa ra bốn phía, về mùa hè, bà vẫn đem chiếc chõng tre đặt dưới gốc cây vôi để ngồi hóng mát và nghe chim hót. Giêng hai, vối đâm nụ, trổ hoa. Nụ vối to bằng viên bi. Hoa vối xòe nở trắng. Nhị hoa màu tím nhạt. Các cánh hoa xếp chồng lên nhau như hoa chè. Mùa hoa nở ong kéo đến bay vi vu suốt ngày. Nhiều nhất là ong bầu đen nhánh. Chúng bay rối rít, tranh giành nhau từng bông hoa một để hút mật hoa, nhụy hoa. Lá vối dày, to và dài, gần giống lá xoài, có nhiều gân to, mặt lá láng bóng. Nụ vối, quả vối, lá vối được bà hái xuống, đem ủ, sao tẩm và phơi phóng với gừng thái lát. Nước nụ vối thơm đậm. Bà bảo nó là thứ nước uống dân dã, giải nhiệt, tiêu đờm và nhuận tràng. Chỉ ba thìa bột nụ vối, bà có thể pha được một bình tích ủ nóng, uống cả ngày. Anh Bắc nói: "Bà ơi! Cháu nghiện nước nụ vối của bà uống với đường rồi đấy!". Bà cười, nói: "Chỉ sợ mẹ Nam mày không đủ tiền mua đường thôi...".
 
Ngày anh Bắc về Hà Nội học đại học Bách khoa, bà rất vui, gọi ba mẹ con lại, rồi báo: "Sổ tiết kiệm này, bà cho cháu Bắc; mẹ con giữ lấy. Còn từ nay trở đi, bà lập sổ tiết kiệm mới làm quỹ học tập cho cháu Thủy". Tiền trợ cấp vợ liệt sĩ hơn ba chục năm qua, bà đều dành dụm lại cho con, cho cháu. Tình thương con, thương cháu dào dạt trong lòng bà. Miếng ngon nào, đồng quà tấm bánh nào, mẹ biếu bà, bà chỉ ăn một vài miếng nhỏ, rồi cất tiếng gọi: "Bắc ơi! Thủy ơi! Đến bà cho cái này...".
 
Trước khi lên đường đi học Đại học, anh Bắc ôm lấy cổ bà và nói: "Chau cố học giỏi, đỗ kĩ sư, cháu đi làm được nhiều tiền, cháu nuôi bà, nuôi mẹ...". Bà cười, nước mắt ứa ra, rồi nói: "Cháu Bắc hiếu thảo lắm! Cháu Thủy noi gương anh, cố gắng lên, học giỏi lên, cho bà vui". Anh Bắc về Hà Nội, nhà vắng hẳn di. Bữa cơm nào bà cũng nghẹn, bà luôn nhắc đến anh Bắc. Một hai tháng, anh Bắc mới về chơi, bà vui hẳn lên. Anh Bắc đi, bà lại nhớ.

Hạnh phúc nhất là được nằm trên chiếc chỏng tre kè dưới góc vối, gối đầu vào lòng bà, nghe bà kể chuyện. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện thời con gái. chuyện ông ngoại trồng cây vối,... Sung sướng nhất là được mẹ sai ra vườn hái một nắm lá hương nhu, vài lá chanh đem về nấu lên làm nước gội đầu cho bà mỗi chiều chủ nhật.
 
- Bà ơi! Cháu mong bà vui khỏe mãi mãi, bà sống yên vui trong lòng mẹ con cháu
nhé!...
 
Tôi vẫn nghĩ thầm như thế. Nhất là mỗi khi đi học về tới sân nhà, và cất tiếng gọi: "Bà ơi! Bà đang làm gì đó?"

0