Người Nhật sở hữu công ty cổ nhất thế giới, vận hành được tới hơn 14 thế kỷ
Không chỉ một công ty đâu! Còn rất nhiều doanh nghiệp có tuổi đời cả ngàn năm vẫn đang tồn tại trên xứ sở Mặt trời mọc mà ít người biết đến. Nhật Bản là một đất nước phát triển cả về khoa học lẫn kinh tế. Nhưng không rõ vì sao mà khi nhìn vào đất nước này, người ta lại có cảm giác hoài cổ ...
Không chỉ một công ty đâu! Còn rất nhiều doanh nghiệp có tuổi đời cả ngàn năm vẫn đang tồn tại trên xứ sở Mặt trời mọc mà ít người biết đến.
Nhật Bản là một đất nước phát triển cả về khoa học lẫn kinh tế. Nhưng không rõ vì sao mà khi nhìn vào đất nước này, người ta lại có cảm giác hoài cổ nhiều hơn.
Vì dân số của họ đang ngày một già đi? Hay vì một nền văn hóa có phần xem trọng những giá trị xưa cũ? Không ai chắc cả! Chỉ biết rằng nếu bây giờ hỏi công ty cổ nhất lịch sử loài người nằm ở đâu, thì đáp án chính là tại xứ sở Mặt trời mọc với cái tên Kongō Gumi.
Công ty cổ nhất thế giới: tồn tại từ thế kỷ thứ 6, hoạt động hơn 1400 năm
Kongō Gumi là một công ty xây dựng tư nhân của Nhật Bản, hiện đang nắm giữ danh hiệu công ty tồn tại lâu nhất lịch sử loài người.
Đội ngũ nhân viên của Kongō Gumi.
Công ty được thành lập vào năm 578 tại Osaka, và hoạt động kể từ đó cho đến khi bị công ty Takamatsu thu mua lại vào năm 2006. Có nghĩa, thời gian hoạt động của Kongō Gumi với tư cách một công ty tư nhân lên tới 1428 năm.
Người sáng lập ra công ty này - nghịch lý thay - lại không phải người Nhật. Thái tử Shōtoku khi đó đã mời một nhóm kỹ sư xây dựng người từ Bách Tế (Baekje - thuộc Hàn Quốc ngày nay) sang để xây dựng chùa Shitennō-ji - chính là ngôi chùa đầu tiên và lâu đời nhất của Nhật Bản. Tuy nhiên, một người trong số nhóm này đã quyết định thành lập nên cơ sở kinh doanh của riêng mình, và từ đó Kongō Gumi ra đời.
Chùa Shitennō-ji - ngôi chùa đầu tiên tại Nhật Bản.
Trong nhiều thế kỷ sau đó, Kongō Gumi đã "thầu" xây dựng rất nhiều công trình. Thậm chí, thành cổ Osaka sau đó 1000 năm cũng do Kongō Gumi đảm nhận.
Trước thời điểm bị thu mua bởi tập đoàn xây dựng khổng lồ Takamatsu, công ty vẫn đang sở hữu 100 nhân viên, với doanh thu lên tới 7,5 tỷ yên mỗi năm. Nhưng rốt cục thì các rắc rối về mặt tài chính và thanh khoản đã khiến Takamatsu nuốt trọn được công ty giàu truyền thống này.
Từ tháng 12/2006, Kongō Gumi hoạt động với tư cách là công ty con của Takamatsu.
Và Nhật Bản không chỉ có một công ty cổ nhất thế giới
Bạn biết không, khách sạn cổ nhất vẫn đang hoạt động không thuộc về bất kỳ nước châu Âu nào, mà vẫn chính là Nhật Bản. Đó là Nisiyama Onsen Keiunkan, một khách sạn - suối nước nóng tại Yamanashi, được thành lập vào năm 705.
Khách sạn cổ thứ 2 cũng thuộc về Nhật Bản - lại một khách sạn - suối nước nóng khác mang tên Hoshi Ryuokan, thành lập năm 718.
Bên trong Nisiyama Onsen Keiunkan - khách sạn cổ nhất Nhật Bản và thế giới.
Và không chỉ có 2 khách sạn cổ nhất này đâu. Trên thực tế, Nhật Bản còn là quê hương của rất nhiều doanh nghiệp cổ. Như Sudo Honke - công ty nấu rượu sake cổ nhất - thành lập năm 1141; Yamanashi Prefecture - công ty sản xuất vật dụng cho sư sãi, thành lập năm 1024; Ichimojiya Wasuke - công ty bánh kẹo cổ nhất Nhật Bản, thành lập năm 1000...
Làm cách nào mà họ có thể tồn tại đến cả ngàn năm?
Có lẽ cũng không quá ngạc nhiên khi một quốc gia với nền kinh tế có lịch sử lâu đời sở hữu các công ty như vậy. Hầu hết đều là những công ty gia đình. Bản thân Kongō Gumi cũng là công ty gia đình, với bản gia phả thừa kế kéo dài 3m (và đó là đã dừng lại ở thế kỷ 17).
Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là làm thế nào những công ty này có thể tồn tại đến cả ngàn năm - một con số rất... phi lý nếu so với đa số các doanh nghiệp khác trên thế giới?
Theo David Weinstein - giáo sư kinh tế Nhật Bản tại ĐH Columbia (Mỹ), thì lý do chính là vì đây đều là những công ty gia đình. Cần biết rằng người Nhật duy trì một văn hóa gọi là "quyền con trưởng" - người con trai lớn nhất sẽ thừa hưởng mọi tài sản của gia đình. Có nghĩa, toàn bộ công ty sẽ được chuyển giao cho một người duy nhất, nên sẽ không có chuyện chia năm sẻ bảy.
Các công ty gia đình của Nhật được truyền lại cho một người thừa kế duy nhất.
Thậm chí đến thế kỷ 20, khi văn hóa "quyền con trưởng" đã dần biến mất, thì bản thân các công ty và doanh nghiệp tư nhân vẫn có xu hướng truyền lại mọi thứ cho một người thừa kế.
Nhưng không chỉ có vậy. Vấn đề là người thừa kế này có thể là con nuôi, hoặc một người đủ tin tưởng để duy trì sự nghiệp của gia tộc chứ không bắt buộc phải là con cái trong nhà. Theo một số nghiên cứu, thì các công ty được thừa hưởng bởi người "ngoại tộc" thường vận hành hiệu quả hơn rất nhiều, và nhờ thế mà họ có thể đứng vững đến cả ngàn năm.
Hơn nữa khi có sự xuất hiện của người ngoài, doanh nghiệp thậm chí có thể tiến hóa theo chiều hướng tốt. Một trong những ví dụ thành công nhất của văn hóa này là Nintendo - khởi đầu từ một công ty sản xuất bài, sau đó tái cơ cấu trở thành một trong những biểu tượng về mặt hàng trò chơi điện tử trên phạm vi toàn cầu.
Nintendo cũng từng là một công ty gia đình, và bạn biết họ làm được gì rồi đúng không?
Ngoài ra còn có Sumitomo và Mitsui - cả hai đều có "tuổi" hàng thế kỷ. Họ kết hợp lại để lập ra SMBC - ngân hàng đa quốc gia lớn thứ nhì Nhật Bản.