Người kể chuyện trong văn bản tự sự
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Trong văn bản tự sự luôn có một người kể chuyện. Người kể chuyện xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu ở hai hình thức: + Người kể chuyện đóng vai nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất). + Người kể chuyện ở ngôi ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Trong văn bản tự sự luôn có một người kể chuyện. Người kể chuyện xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu ở hai hình thức:
+ Người kể chuyện đóng vai nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất).
+ Người kể chuyện ở ngôi thứ ba, giấu mặt nhưng như một người biết tất cả mọi chuyện.
– Người kể chuyện có vai trò dẫn dắt câu chuyện từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, tả người, tả cảnh, đưa ra những lời đánh giá về các nhân vật, sự kiện.
– Không nên đồng nhất người kể chuyện với tác giả, dù người kể là nhân vật “tôi”, kể cả khi nhân vật “tôi” có một tiểu sử gần giống tác giả.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Vai trò của người kể chuyện trong văn bản tự sự
Câu hỏi a. Đoạn trích kể về cuộc chia tay của ba nhân vật: anh thanh niên làm ở trạm khí tượng, người hoạ sĩ già và cô kĩ sư đi cùng.
Câu hỏi b. Người kể là một người "vô hình" (ngôi thứ ba giấu mặt), không phải là một trong các nhân vật (không có ai xưng "tôi”).
Câu hỏi c. Những câu như “giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ”, “những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy” là lời nhận xét của người kể chuyện. Người kể chuyện nhập vai vào nhân vật anh thanh niên như để nói hộ anh ta những suy nghĩ, cảm xúc.
Câu hỏi d. Người kể chuyện ở đây dường như thấy hết và biết tất cả mọi việc, mọi hành động, tâm tư, tình cảm của các nhân vật. Ta nhận thấy điều này vì người kể chuyện vừa kể, vừa tả, vừa nói hộ các suy nghĩ, cảm xúc của các nhân vật.
2. Luyện tập
Bài tập a. So với đoạn văn trong Lặng lẽ Sa Pa, đoạn văn trích trong Trong lòng mẹ có những điểm khác sau:
– Người kể là nhân vật “tôi” – chú bé Hồng – một nhân vật của câu chuyện trong cuộc gặp mẹ.
– Ngôi kể này có ưu điểm: Nhân vật “tôi" được bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, tình cảm của mình, do đó thể hiện được nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi của nội tâm. Nhưng cách kể này nhìn tất cả các nhân vật và sự việc dưới một cái nhìn củanhân vật “tôi” nên có khi không khách quan và đơn điệu (thiếu những chiều đánh giá khác).
Bài tập b. Chọn cách kể là một trong ba nhân vật của đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa. Lưu ý: Chọn nhân vật nào làm nhân vật “tôi" đứng ra kể thì mọi sự việc, con người phải phù hợp với cái nhìn của nhân vật đó.
Mai Thu