06/02/2018, 10:14

Bài 31 – Ôn tập phần Tập làm văn

Bài 31 – Ôn tập phần Tập làm văn Hướng dẫn I. Về văn biểu cảm 1. Các bài văn biểu cảm (văn xuôi) đã học và đọc trong sách Ngữ văn 7 tập một: Cổng trường mở ra; Trường học; Mẹ tôi; Vì sao hoa cúc có nhiều cánh nhỏ; Cuộc chia tay của những con búp bê; Nhớ thầy Song An Hoàng Ngọc ...

Bài 31 – Ôn tập phần Tập làm văn

Hướng dẫn

I. Về văn biểu cảm

1. Các bài văn biểu cảm (văn xuôi) đã học và đọc trong sách Ngữ văn 7 tập một: Cổng trường mở ra; Trường học; Mẹ tôi; Vì sao hoa cúc có nhiều cánh nhỏ; Cuộc chia tay của những con búp bê; Nhớ thầy Song An Hoàng Ngọc Phách; Thư cho một người bạn để bạn hiểu về đất nước mình; Hoa học trò; Tản văn Mai Văn Tạo (Nhớ về đất quê An Giang); Cây sấu Hà Nội; Sấu Hà Nội; Trích “Người ham chơi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường;

Trích “Những tấm lòng cao cả” (viết về cô giáo cũ); Mõm Lũng Cú tột bắc; Cỏ dại (Tô Hoài); Quà bánh tuổi thơ; Trích “Tuổi thơ im lặng” của Duy Khán; Kẹo mầm (của Băng Sơn); Cảm nghĩ về một bài ca dao (của Nguyên Hồng); Một thứ quà của lúa non: cốm; Sài Gòn tôi yêu; Mùa xuân của tôi.

2. – Các em tự chọn một bài mà mình thích nhất.

– Văn biểu cảm có các đặc điểm sau đây:

Văn biểu cảm là loại văn trữ tình, được viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc và sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh, đồng thời khêu gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Tình cảm trong văn biểu cảm thường là các tình cảm buồn bã, nhớ nhung hoặc là các tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét thói tầm thường, độc ác… Để đạt được các yêu cầu trên về nội dung, văn biểu cảm thường được viết theo cách trực tiếp nêu lên tiếng kêu, than và sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả để khơi gợi tình cảm.

3. Yếu tố miêu tả được dùng trong văn biểu cảm có tác dụng khơi gợi cảm xúc.

4. Yếu tố tự sự cũng vậy. Nó được dùng trong văn biểu cảm để khơi gợi cảm xúc.

Cả hai yếu tố miêu tả và tự sự được dùng do sự chi phôi của cảm xúc chứ không nhằm mục đích miêu tả hay kể lại đầy đủ phong cảnh, sự việc.

5. Khi muốn bày tỏ tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ, ngợi ca đối với một con người, sự vật, hiện tượng thì ta cần nêu được vẻ đẹp, nét đáng yêu, tính cách cao thượng, hành động có nghĩa khí của con người và vẻ đẹp, nét đáng yêu, đáng trân trọng của sự vật, hiện tượng.

6. Ngôn ngữ biểu cảm đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp tu từ như:

– Đối lập: Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già.

So sánh: Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà…

Lối chú thích đầy xúc cảm: Tôi yêu nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào…

– Nhân hóa: Sài Gòn bao giờ cũng dang hai cánh tay mở rộng mà đón nhiều người từ trăm nẻo đất nước kéo đến.

Nêu liên tiếp nhiều câu hỏi tu từ: Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, nắng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái; ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng…

– Liệt kê nhiều sự việc: mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại…, có câu hát huê tình…

– “Mùa xuân” trong bài Mùa xuân của tôi đã được tác giả Vũ Bằng xem như một hình ảnh tượng trưng để gửi gắm tình yêu Hà Nội thiết tha, sâu lắng.

7. Kẻ bảng và điền vào các ô:

Nội dung văn bản biểu cảm

Văn bản biểu cảm có nội dung biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người với thế giới xung quanh.

Mục đích biểu cảm

Thỏa mãn nhu cầu biểu cảm của con người. Khơi gợi sự đồng cảm của người đọc.

Phương tiện biểu cảm

Ngoài cách biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn bản biểu cảm còn dùng các biện pháp tu từ để khơi gợi cảm xúc.

8. Kẻ bảng và điền vào ô trống: Dàn ý bài văn biểu cảm.

Mở bài

Nêu hiện tượng, sự vật, sự việc và nói rõ lí do vì sao lại yêu thích hiện tượng, sự vật, sự việc ấy.

Thân bài

Dùng lời văn tự sự kết hợp với miêu tả để nói lên các đặc điểm của hiện tượng, sự vật, sự việc ấy trong đời sống xã hội, trong đời sống riêng tư của bản thân. Lời văn cần bộc lộ những cảm nghĩ, cảm xúc sâu sắc.

Kết bài

Tình cảm đối với hiện tượng, sự vật, hiện tượng ấy.

II. Về văn nghị luận

1. Các bài văn nghị luận đã học và đọc trong Ngữ văn 7 tập hai:

Chống nạn thất học; Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội;Hai biển hồ; Học thầy học bạn; ích lợi của việc đọc sách; Tinh thần yêu nước của nhân dân ta; Học cơ bản mới có thể trở thành tài lớn; Sự giàu đẹp của tiếng Việt; Tiếng Việt giàu và đẹp; Không sợ sai lầm; Có hiểu đời mới hiểu văn; Đức tính giản dị của Bác Hồ; Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc; Ý nghĩa văn chương; Lòng khiêm tốn; Lòng nhân đạo; Óc phán đoán và óc thẩm mĩ; Tự do và nô lệ.

2. Trong đời sống, trên báo chí và trong sách giáo khoa, văn bản nghị luận thường xuất hiện ở các bản báo cáo trước hội nghị, lời kêu gọi toàn dân, các bài xã luận, các bài bàn luận về văn chương hoặc hiện tượng xã hội…Ví dụ bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một đoạn trích trong Báo cáo Chính trị của Hồ Chủ tịch tại Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951.

Trong sách giáo khoa ta thấy nhiều bài nghị luận khác như: Sự giàu đẹp của tiếng Việt; Không sợ sai lầm; Ý nghĩa văn chương…

3. Bài văn nghị luận phải có các yếu tố: luận điểm, luận cứ và lập luận. Yếu tố luận điểm là yếu tố chủ yếu.

4. Luận điểm là gì?

Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn, là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế, có sức thuyết phục cao.

Trong bốn câu đã cho thì các câu sau đây là luận điểm:

a) Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.

b) Đẹp thay Tổ quốc Việt Nam.

c) Tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh.

Ba câu này là luận điểm vì nó đã khẳng định một vấn đề trong đó thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm của người nói (hoặc người viết).

5. Nói là làm văn chứng minh chỉ cần nêu luận điểm và dẫn chứng là xong là chưa đủ.

Để làm văn chứng minh, sau khi nêu luận điểm ta cần triển khai luận điểm bằng nhiều luận cứ. Luận cứ cần có dẫn chứng kèm theo minh họa. Các luận cứ đều phải được xác định bằng lí lẽ và các dẫn chứng cũng cần được phân tích sâu sắc.

Tất cả các nội dung trên còn phải được trình bày một cách thật hợp lí. Đó chính là cách lập luận của bài nghị luận.

6. Có hai đề:

a) Giải thích câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

b) Chứng minh rằng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một suy nghĩ đúng đắn.

Cách làm hai đề này dĩ nhiên là có khác nhau vì ở đề a cần đi sâu vào giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ bằng lí lẽ; còn ở đề b cần đưa ra nhiều dẫn chứng để khẳng định vấn đề.

Từ đó ta có thể suy ra sự khác nhau của văn giải thích và văn chứng minh như sau:

– Văn giải thích chủ yếu dùng lí lẽ để làm sáng tỏ mọi khía cạnh của vấn đề làm cho người đọc hiểu đúng, hiểu sâu vấn đề. Trong văn giải thích cũng có nêu dẫn chứng nhưng không cần nêu nhiều như trong bài chứng minh.

– Văn chứng minh chủ yếu dùng các dẫn chứng để minh họa, khẳng định vấn đề. Tất nhiên trong văn chứng minh cũng cần có lí lẽ để nêu vấn đề ra, để phân tích dẫn chứng và để tổng kết vấn đề. Tuy nhiên nhìn chung thì ở bài văn chứng minh lí lẽ ít hơn trong bài văn giải thích và dẫn chứng thì lại nhiều hơn trong bài văn giải thích.

III. Đề văn tham khảo (chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối năm)

Đề 1: Bạn em chỉ ham thích trò chơi điện tử, truyền hình, ca nhạc… mà tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến thiên nhiên. Em hãy chứng minh cho bạn thấy rằng thiên nhiên chính là nơi đem lại cho ta sức khỏe, sự hiểu biết và niềm vui vô tận, vì thế chúng ta cần gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên.

Bài làm (tham khảo)

Mở bài: Bạn Mai thân mến

Bữa trước, mình có nhìn thấy mẹ bạn ở ngoài công viên. Mình chạy đến chào bà. Bà gật đầu chào lại rồi phàn nàn với mình rằng: “Thằng Mai nhà bác chỉ suốt ngày vùi đầu vào các trò chơi điện tử hoặc mở máy truyền hình xem phim, xem ca nhạc. Bác bảo nó phải chạy ra ngoài chơi cho thư thái tinh thần, nó chẳng chịu nghe. Cháu là bạn thân của nó, cháu hãy khuyên nó vài lời, biết đâu nó lại theo lời của cháu”. Chính vì lẽ đó mà hôm nay mình viết lá thư này gửi Mai.

Thân bài: Những lời mẹ bạn đã nói là rất đúng. Nếu bạn cứ suốt ngày ngồi trước máy truyền hình và dán mắt vào các trò chơi điện tử thì lâu ngày mắt bạn sẽ kém đi, đầu óc bạn có thể trở nên mụ mẫm. Chơi điện tử hay xem truyền hình cũng có nhiều thú vị và bổ ích nhưng phải có mức độ thôi. Mỗi ngày bạn còn phải chia thời gian cho nhiều công việc như sinh hoạt, học tập… Vì vậy trước hết bạn phải dành nhiều thời gian cho học tập. Sau đó, mỗi ngày chỉ xem truyền hình hay chơi trò chơi điện tử chừng một tiếng đồng hồ thôi. Thời gian còn lại bạn nên tranh thủ ra ngoài chơi. Bạn thử nghĩ xem, khi mình chạy tung tăng trên cỏ, phổi hít thở không khí trong lành, mắt ngắm những hàng cây xanh rung rinh trong gió hoặc những khóm hoa nhiều màu đua nở, thoang thoảng hương thơm bạn sẽ thấy gân cốt thư giãn, tinh thần sảng khoái biết bao nhiêu. Rồi bạn lại nằm ngửa mình trên cỏ mà ngắm bầu trời cao bao la bát ngát. Da trời thì trải rộng ra như một tấm màn xanh vô tận và những đám mây trắng cứ bay lang thang như những nắm bông vương vãi khắp nơi. Một con chim sải cánh bay qua có thể làm cho bạn cũng nảy ra ước vọng muốn được cùng chim bay mãi tới phương xa. Hoặc lúc nào đó, ngồi trên ghế đá, để cho làn gió mát rượi thổi bay mái tóc, bạn hãy nhắm mắt lại mà nghe chim hót. Chắc chắn bạn sẽ thấy rất thú vị khi nhận ra đây là tiếng lóe choé của những chú sẻ lắm điều, còn kia là giọng hót véo von của một chú bách thanh có dáng dấp mảnh mai, tao nhã. Xa hơn nữa là tiếng chim cu gáy chan chứa một niềm vui mùa màng, còn tiếng ríu ran của bầy liếu tiếu thì lại báo cho bạn biết cây ổi sau nhà đang vào mùa quả chín. Bạn sẽ thấy yêu dòng sông hơn nếu bạn đã từng được tắm trong dòng nước mát của sông và được bơi lội vẫy vùng trong đó. Thế đấy, thiên nhiên ở quanh ta tuyệt đẹp và vô cùng kì thú. Hãy hòa mình vào thiên nhiên để được hiểu biết nhiều hơn.

Kết bài: Còn nhiều chuyện để nói về thiên nhiên lắm, nhưng mình tiếc là một lá thư cũng chẳng thể viết quá dài. Bạn hãy nghe mình, đi vào thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên. Bạn sẽ thấy vô cùng yêu mến thiên nhiên và thiên nhiên cũng sẽ đem lại cho bạn một cơ thể cường tráng, một bộ óc minh mẫn cùng những tình cảm trong sáng, vui vẻ yêu đời.

Xin tạm biệt

Chào bạn

Tâm

Đề 2: Hãy chứng minh rằng: Trong trích đoạn “Nỗi oan hại chồng", nhân vật Thị Kính không chỉ chịu khổ vì bị ngờ oan mà còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu sang, tàn ác khinh rẻ.

Bài làm (tham khảo)

Mở bài: Đọc tác phẩm chèo cổ Quan Âm Thị Kính, qua trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” chúng ta thấy rõ điều này: Thị Kính không chỉ chịu khổ vì bị ngờ oan mà còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu sang, tàn ác khinh rẻ.

Thân bài: Đúng vậy, Thị Kính, một người vợ đoan chính, có thiện chí muốn cắt bỏ chiếc râu mọc ngược để làm đẹp mặt chồng nhưng không may đã bị nghi là muốn cầm dao sát hại chồng. Sự hiểu lầm này đã như một trận cuồng phong vô cùng hung dữ ập xuống đầu Thị Kính, làm cho nàng không thể kêu oan.

Không cần xem xét sự tình xem sai đúng ra sao, Sùng bà cứ ầm ầm gào thét quy tội giết chồng cho nàng. Trong lời buộc tội, mụ luôn luôn đay đi nghiến lại cái ý:

– Giống nhà bà đây giống phượng giống công

Còn tuồng bay mèo mả gà đồng lẳng la.

– Trứng rồng lại nở ra rồng

Liu đìu lại nở ra dòng liu diu.

Nhà bà đây cao môn lệnh tộc

Mày là con nhà cua ốc.

Rõ ràng mụ tự nhận mình là dòng dõi cao sang còn Thị Kính là con nhà nghèo khổ. Mụ khinh khi người nghèo vì mụ cho rằng chỉ có kẻ giàu sang mới biết ăn ở đúng luân thường, đạo lí, còn Thị Kính con nhà nghèo hèn nên ăn ở đơn sai “gái say trai lập chí giết chồng”.

Thái độ của Sùng bà là thái độ đàn áp không cho Thị Kính nói, không thèm nghe Thị Kính kêu oan. Tất cả lời lẽ của Sùng bà là chỉ một mực kết tội nàng.

Thái độ của Sùng bà đẩy Thị Kính ngã khuỵu xuống là hành động bạo lực của kẻ giàu đối với người nghèo.

Kết bài: Quả là, qua đoạn trích nỗi oan hại chồng, chúng ta được chứng kiến cảnh một người phụ nữ đoan trang bị dập vùi không chỉ vì mắc oan tình mà còn vì người phụ nữ ấy đã xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo túng.

Đề 3: Chép lại đoạn văn:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

a) Trạng ngữ của câu trên là: “Từ xưa đến nay” ; “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng”. Đó là hai trạng ngữ chỉ thời gian.

b) Trường hợp dùng cụm C – V làm thành phần của cụm từ: “Tổ quốc bị xâm lăng”.

Cụm C – V này làm thành một câu bị động.

c) Trong câu đầu từ được đảo trật tự là “nồng nàn” (Thông thường thì nói: lòng yêu nước nồng nàn). Cách đảo ngữ này có tác dụng nhấn mạnh ý văn, làm nổi bật lòng yêu nước thiết tha của nhân dân ta.

d) Trong câu cuối, tác giả dùng hình ảnh "một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn" để cụ thể hóa sức mạnh của tinh thần yêu nước.

Hình ảnh này làm cho người đọc càng dễ hình dung ra sức mạnh của lòng yêu nước, càng dễ cảm nhận được ý văn. Hình ảnh này nâng cao giá trị nghệ thuật của câu văn, làm tăng giá trị biểu cảm, tăng tính thuyết phục.

e) Một loạt động từ được sử dụng thích hợp ở câu cuối:

Kết thành…, lướt qua…, nhấn chìm…

Động từ kết thành gợi ra được sự to lớn vững chắc của khôi đoàn kết toàn dân.

Động từ lướt quanhấn chìm nói được sức mạnh vô song của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết đánh giặc. Không có kẻ thù nào có thể địch lại nó mà tất cả đều bị đánh bại.

Đề 4:Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến nhũng đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

a) Câu mở đầu: Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước (câu này có giá trị liên kết phần viết tiếp theo với phần đã viết trước đó, làm cho ý văn luôn gắn bó chặt chẽ, đồng thời lại rất mạch lạc).

Câu kết đoạn: Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Câu này có giá trị tiểu kết vấn đề.

b) Biện pháp liệt kê trong đoạn văn trên:

Từ các cụ già… trẻ thơ

từ những kiều bào… tạm bị chiếm

từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi

từ những chiến sĩ… ủng hộ bộ đội

từ những phụ nữ… như con đẻ của mình

từ những nam nữ công nhân… cho Chính phủ

Biện pháp liệt kê này có tác dụng chứng minh được toàn dân ta, mọi người, mọi giới đều đoàn kết một lòng đánh giặc từ đó luận điểm cơ bản của bài văn được làm sáng tỏ.

c) Giữa hai vế được liên kết theo mô hình “từ… đến…” ở đoạn văn trên có các mối quan hệ theo nhiều phương diện:

– Từ các cụ già… đến… trẻ thơ: quan hệ bìa tuổi.

– Từ những kiều bào… tạm bị chiếm: quan hệ xa gần.

– Từ nhân dân miền ngược… xuôi: quan hệ các miền.

– Từ những chiến sĩ… bộ đội: quan hệ tiền tuyến – hậu phương.

– Từ những phụ nữ… con đẻ của mình: quan hệ trong giới nữ.

– Từ những công nhân… cho Chính phủ: quan hệ ngành nghề và giai cấp.

d) Viết một đoạn văn có sử dụng mô hình “từ… đến…”

“Sáng chủ nhật vừa qua, khu phố tôi thực hiện kế hoạch tổng vệ sinh để xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp. Từ các cụ già đến các em thiếu nhi đang học tiểu học, từ những vị công chức có cương vị lớn như giám đốc, chủ tịch đến anh chị em cán bộ, nhân viên bình thường, từ những người giàu có đến những người hàng ngày phải đi bán hàng rong kiếm sống… tất cả đã cùng tham gia quét tước, dọn dẹp, thu gom rác, khai thông cống rãnh. Sau buổi sáng làm việc cật lực, đến mười một giờ công việc đã hoàn thành. Cả khu phố như vừa mang một bộ mặt mới, sạch đẹp hẳn lên”.

Đề 5:Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn dạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và dể thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử.

a) Câu nêu luận điểm: Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.

Hai câu tiếp sau giải thích luận điểm.

b) Tác giả giải thích:

– Tiếng Việt đẹp vì nó hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu (biểu hiện vẻ đẹp về mặt ngữ âm và mặt ngữ pháp).

– Tiếng Việt hay vì nó có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam, thỏa mãn yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử (biểu hiện sự phong phú).

– Hai phẩm chất đẹp và hay có quan hệ mật thiết với nhau. Chính cái đẹp về ngữ âm, về ngữ pháp làm cơ sở cho cái hay, làm cho tiếng Việt có thể phát triển ngày càng phong phú và diễn tả được mọi tư tưởng tình cảm của người Việt Nam.

Đề 6: Lựa chọn câu đúng trong các bài tập đã cho.

a) Câu đúng: Trong bài văn nghị luận có thể có yếu tố miêu tả, kể chuyện hay trữ tình nhưng các yếu tố ấy không giữ vai trò quan trọng.

b) Câu đúng: Trong tác phẩm trữ tình tình cảm, thái độ của tác giả thể hiện qua bức tranh thiên nhiên và đời sống con người.

c) Câu đúng: Bài văn nghị luận nào cũng phải có luận điểm cơ bản nhưng không nhất thiết phải có hệ thống các luận điểm chi tiết (luận điểm cơ bản cần có các luận cứ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở).

Mai Thu

0