Chiếc lược ngà (trích)
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Trong ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình.
Lối viết của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc, nhưng sâu sắc, viết để "phục vụ ngay. Để đánh trả lại kẻ thù từng miếng, từng nhát thật sâu”. Ông đã khắc hoạ những hình ảnh chân thực, đẹp đẽ của những con người miền Nam kháng chiến. Đó là hình ảnh những người dân Sài Gòn đánh địch ngoan cường theo “kiểu Sài Gòn" (Chị Nhung, Sài Gòn dưới tầng khói), đó là những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long như anh Bảy Ngàn bình thản ngồi hút thuốc sau lần quần nhau hút chết với giặc (Một chuyện vuỉ), hay anh Ba Hoành trong quán rượu ven sông và âm thầm chuẩn bị lực lượng cho ngày đồng khởi,… Trong những năm tháng kháng chiến, tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đã có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ, động viên sức chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân miền Nam, củng cố niềm tin yêu của cả nước đối với đồng bào nơi thành đồng Tổ quốc.
Với thể loại truyện ngắn, qua nhiều tác phẩm, ông đã khẳng định một phong cách độc đáo đậm đà chất Nam Bộ từ việc xây dựng khung cảnh thiên nhiên đến khắc họa tính cách con người.
Các tác phẩm chính: Con chim vàng (1957); Người quê hương (truyện ngắn, 1958) ; Nhật kí người ở lại (tiểu thuyết, 1962); Đất lửa (tiểu thuyết, 1963); Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966); Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1968); Bông cẩm thạch (truyện ngắn, 1969); Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975); Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975); Người con đi xa (truyện ngắn, 1977); Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985); Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985); Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988); Paris – Tiếng hát Trịnh Công Sơn (1990); Con mèo Fujita (truyện ngắn, 1991) ; Mùa gió chướng (1977, kịch bản phim) ; Cánh đồng hoang (1978, kịch bản phim); Cho đến bao giờ (1982); Mùa nước nổi (1986) ; Dòng sông hát (1988); Câu nói dối đầu tiên (1988); Thời thơ ấu (1995); Giữa dòng (1995) ; Như một huyền thoại (1995) ;…
Tác giả đã được nhận: giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống nhất (1995), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (1959), Giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993, Huy chương Vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương Vàng liên hoan phim ở Matxcơva (1981), Huy chương Bạc liên hoan phim toàn quốc (1980).
2. Truyện Chiếc lược ngà được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ trong khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang diễn ra quyết liệt.
Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Quang Sáng. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và xây dựng tình huống bất ngờ, tác giả đã thể hiện một cách cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu.
3. Tóm tắt: Ông Sáu đi kháng chiến, khi có dịp trở lại thăm nhà thì con gái đã lên tám tuổi. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên má làm ông Sáu không giống như trong bức ảnh chụp chung với má mà bé Thu đã biết. Đến khi em nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm được một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng ông đã bị hi sinh trong một trận càn. Trước khi nhắm mắt, ông chỉ còn kịp trao cây lược cho một người bạn.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Tóm tắt đoạn trích:
Ông Sáu đi kháng chiến, khi có dịp trở lại thăm nhà thì con gái đã lên tám tuổi. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên má làm ông Sáu không giống như trong bức ảnh chụp chung với má mà bé Thu đã biết. Đến khi em nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Vào khu căn cứ, nhớ lời con, ông Sáu đã làm được một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con nhưng ông đã bị hi sinh trong một trận càn. Trước khi nhắm mắt, ông chỉ còn kịp trao cây lược cho một người bạn.
Tình huống bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu:
– Cuộc gặp của hai cha con sau tám năm xa cách, nhung khi bé Thu nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.
– Trong khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm cho con vào việc làm chiếc lược bằng ngà để tặng con, nhưng chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh.
2. Diễn biến tâm lí của bé Thu trong lần cuối cùng gặp cha:
– Trước khi nhận ra ông Sáu là cha: người cha càng mừng vui, vồ vập thì người con càng ngờ vực, lảng tránh và lạnh nhạt. Đó là phản ứng tâm lí tự nhiên, bởi em kiêu hãnh về một người cha "khác": người chụp ảnh chung với má.
– Khi nhận ra người cha: bé Thu đột ngột thay đổi, cất tiếng kêu thét lên: "Ba… a… a… ba!" rồi "vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc", "Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa", "hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai của nó run run". Giờ phút chia tay, tình yêu và nỗi mong nhớ ba dồn nén bấy lâu đã thể hiện thật mạnh mẽ.
Qua biểu hiện tâm lí và hành động, tác giả thể hiện rõ tính cách của bé Thu: rạch ròi, mạnh mẽ, sâu sắc.
3. Tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu với con đã được thể hiện qua:
– Biết con chưa nhận ra mình, "khổ tâm đến không khóc được" nhưng ông Sáu kiên nhẫn chờ đợi.
– Nỗi day dứt, ân hận khi trở về khu căn cứ.
– Ông đã vui mừng khi kiếm được khúc ngà, dồn hết tâm trí vào làm cây lược và tẩn mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba".
Những chi tiết trên không chỉ nói lên tình cảm cha con thắm thiết mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương, mất mát, những tình cảnh éo le trong chiến tranh.
4. Truyện được kể theo lời trần thuật của nhân vật là bạn thân của ông Sáu. Cách chọn vai kể là người chứng kiến khách quan có tác dụng rõ rệt trong việc vừa kể vừa có thể bày tỏ sự đồng cảm với các nhân vật và thể hiện nội dung tư tưởng của truyện.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Tham khảo:
Có thể nói câu chuyện Chiếc lược ngà đã gây cho người đọc nhiều cảm xúc với nội dung nhẹ nhàng mà thấm đẫm chất nhân văn. Đó là câu chuyện của ông Ba – một trong những cán bộ được cô giao liên trẻ dẫn đường. Tuyến đường mà cô dẫn là tuyến đường đầy nguy hiểm, cạm bẫy bởi bọn giặc thường lùng quét rất gắt gao. Ông Ba với hành lí và tư trang giản dị đó là tài liệu và chiếc lược ngà – người bạn nhờ đem về cho cô con gái. Thấy chiếc lược ông lại nghĩ về câu chuyện xưa. Người bạn của ông, anh Sáu, trong một đợt được về thăm nhà sau 8 năm xa cách rất thương con mà đứa bé lại không nhận ra cha. Đứa bé đó là Thu – một cô bé bướng bỉnh, ương ngạnh, đầy cá tính nhưng cũng rất ngây thơ. Nó không nhận ra cha, lạnh lùng với anh Sáu. Mời vào ăn cơm nó nói trống không, muốn nhờ chắt nước cơm nó cũng nói trống không. Thế rồi khi nó biết lỗi lầm của mình, biết tội ác của lũ giặc gây ra vết thẹo cho ba và nhận ra ba thì cũng là lúc anh Sáu phải ra đi. Bé Thu đã biểu hiện tình cảm quá mãnh liệt. Nó không cho ba đi, ghì chặt lấy ba và cất tiếng gọi "ba" như xé lòng, xé ruột mọi người. Đem theo nỗi nhớ con, tình yêu thương con, anh Sáu dồn công làm bằng được chiếc lược ngà tặng con.
(Bài làm của HS)
2. Khi viết lại đoạn truyện kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của một nhân vật khác, cần chú ý:
+- Nếu vào vai ông Sáu, cần thể hiện tình cảm “nôn nao” của người cha sau mấy năm xa cách đi kháng chiến, sự hồi hộp chờ đợi lúc được gặp con và cháy lòng chờ đợi con gọi một tiếng “ba” mà “khổ tâm đến nỗi không khóc được”.
– Nếu vào vai bé Thu, cần thể hiện diễn biến tâm trạng từ xét nét đến “xôn xao” và cuối cùng “bỗng kêu thét lên: – Ba… a… a… ba!”. Đó cũng là lần cuối cùng bé Thu được gặp ba mình.
Mai Thu